Tại sao tỷ giá VND/USD ngày càng nhạy cảm hơn với đồng bạc xanh?
Kể từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm ra đời từ đầu năm 2016, dễ nhận thấy tỷ giá trung tâm của Việt Nam có mối tương quan cao với chỉ số USD Index trên thị trường tiền tệ quốc tế. Từ cơn sốt do Brexit, Trump đắc cử Tổng Thống Mỹ trong năm 2016, cho đến diễn biến của các cuộc bầu tổng thống tại Pháp năm 2017 đang trực tiếp đến sự nóng sốt của đồng USD và gián tiếp ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND trong nước.
Nền kinh tế Việt Nam đang trở nên hội nhập mạnh mẽ hơn với kinh tế thế giới. Trong vài năm qua, Việt Nam trở thành nơi thu hút dòng chảy vốn quốc tế về cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp. Với kỳ vọng Việt Nam sẽ tham gia hiệp định thương mại TPP và hàng loạt các hiệp định FTA với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…vừa ký kết (hiện Việt Nam đang là thành viên của 16 hiệp định FTA), dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong vài năm qua đã tăng mạnh. Dòng FDI đăng ký tăng từ mức dưới 15 tỷ USD năm 2011 đến gần 24.4 tỷ USD vào năm 2016.
Sự tăng trưởng của TTCK và ấm dần lên của nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng đã giúp Việt Nam thu hút được nhiều hơn dòng vốn đầu tư gián tiếp. Ngày càng nhiều quỹ đầu tư ETF chú ý đến thị trường chứng khoán Việt Nam và chính phủ cũng đang hối thúc Việt Nam nâng hạng thị trường từ cận biên sang mới nổi. Chính phủ đang từng bước thực hiện nới room cho khối ngoại theo Nghị Định 60/2015/NĐ-CP về thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp. Điều này cho thấy Việt Nam đang hướng tới mở cửa rộng hơn tài khoản vốn.
Biểu hiện của sự mở rộng tài khoản vốn có thể được nhìn thấy khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng vọt từ mức 12 tỷ vào năm 2011 lên mức 41 tỷ USD vào năm 2016. Đây cũng là hiện tượng từng xuất hiện với Trung Quốc khi họ mở cửa dần tài khoản vốn từ đầu những năm 2000. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã phình to khi hấp thụ ngày càng nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, thặng dư thương mại.
Sự hội nhập kinh tế-tài chính ngày càng lớn đã khiến các biến số kinh tế Việt Nam phụ thuộc chặt chẽ với diễn biến thị trường tài chính thế giới. Lạm phát của Việt Nam có mối tương quan mạnh với giá dầu khiến Việt Nam đang dễ tổn thương với xu hướng tăng giá của giá dầu. Năm 2016, giá dầu tăng gấp đôi từ đáy 26 USD/thùng lên 50 USD/thùng khiến chỉ số CPI (y-o-y) đã tăng từ 1% lên tiệm cận 5%. Việc giá vàng thế giới tăng cũng kéo giá vàng trong nước tăng theo, tạo ra kỳ vọng lạm phát ở trong nước.
Khi các biến số quốc tế ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam về cả tỷ giá và lạm phát, Việt Nam không thể đảm bảo sự ổn định của lạm phát và kiềm hãm lãi suất để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế-tài chính mà không tạo ra sự linh hoạt trong tỷ giá. Đây là kết quả dự báo trước bởi lý thuyết bộ ba bất khả thi. Một quốc gia càng mở cửa tài khoản vốn, nhưng mong muốn độc lập chính sách tiền tệ (ổn định lạm phát và kiềm hãm tăng lãi suất) sẽ buộc phải chấp nhận cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn. Nói cách khác, Việt Nam đang chấp nhận để cho tỷ giá biến động mạnh theo diễn biến thị trường tiền tệ quốc tế nhằm đạt được hai mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiểm soát lạm phát và giữ lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng GDP.
Chính vì ưu tiên kiểm soát lạm phát, ngay giữa tháng 2.2017, NHNN đã hút mạnh tiền (ước khoảng 177,000 tỷ đồng) để tránh gây ra lạm phát khi NHNN đã bung ra một lượng thanh khoản khá lớn trong thời gian trước tết Đinh Dậu 2017. Hành động rút tiền này diễn ra đúng lúc đồng USD hồi phục trở lại trên thị trường tiền tệ quốc tế do tác động chính trị từ diễn biến bầu cử Tổng Thống tại Pháp (với khả năng chiến thắng của bà Lepen), khiến cho tỷ giá trong nước tăng tốc mạnh vài trăm đồng. Hiện nay, tỷ giá bán ra của các ngân hàng thương mại đã chạm mức cao nhất là 22,840 đồng đổi 1 USD.
Tất nhiên, sự mất giá của VND cũng xuất phát từ một số thông tin tiêu cực trong nước. Ví dụ như Việt Nam đã nhập siêu 2.5 tỷ USD ngay trong nửa đầu tháng 2, là thời điểm tỷ giá nóng sốt.
Liệu tỷ giá còn tiếp tục nóng không?
Sau thông điệp “không không ngoan để chờ quá lâu cho việc tăng lãi suất” mà chủ tịch Yellen phát ra trong cuộc điều trần trước quốc hội ngày 15.2.2017, các nhà đầu tư lại không thấy tín hiệu rõ ràng trong biên bản cuộc họp FOMC ngày 22.2.2017. Biên bản cuộc họp FOMC tháng 2 cho thấy ít các bình luận mang tính diều hâu. Chính điều này khiến cho đồng USD quốc tế giảm nhiệt trong vài phiên gần đây. Về mặt kỹ thuật, sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp, khả năng chỉ số USD Index sẽ có điều chỉnh nhẹ.
Xu hướng của chỉ số USD Index trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế được công bố. Vào ngày 3.3.2017, dữ liệu Non Farm Payroll sẽ được công bố. Nếu như dữ liệu này lại tốt, đồng USD sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục.
Tiếp đó, vào giữa tháng 3.2017 (khoảng ngày 14-15.3.2017) FOMC sẽ chính thức công bố quyết định lãi suất tháng 3. Có thay đổi đáng chú ý xuất phát từ biên bản cuộc họp lần trước ( ngày 1.2.2017). Theo đó, Fed đã bỏ cụm từ thường gặp “sự suy yếu của giá năng lương và đồng đôla mạnh khiến cho lạm phát mục tiêu dưới 2%” và thay vào đó bằng cụm từ “lạm phát sẽ tăng đến 2% trong trung hạn””. Sự thay đổi này cho thấy Fed đang lạc quan về lạm phát và đang sẵn sàng chấp nhận cho một đồng đôla mạnh bằng việc tăng lãi suất. Có lẽ, Fed đang đang nhìn thấy áp lực tăng của giá dầu và sẵn sàng chấp nhận 1 đồng USD mạnh lên trong ngắn hạn .
Với mối quan hệ giữa USD thế giới và tỷ giá trong nước, cũng như ảnh hưởng của giá dầu thế giới đến lạm phát trong nước, cơn sốt tỷ giá có lẽ chưa sớm hạ nhiệt.
Trương Minh Huy