[SÁCH HAY] THE BITCOIN BIG BANG- Tiền tệ thay thế sẽ thay đổi thế giới như thế nào
“công nghệ Blockchain là thực. Nó đã ở đây. Nhưng Bitcoin là một sự lừa đảo, ponzi và thao túng”-James Rickards.
Nhược điểm của Hệ Thống Tài Chính Tập Trung: Chi phí trung gian lớn và khả năng đổ vỡ lớn
Câu hỏi mà hầu hết mọi người đặt ra là tại sao Bitcoin lại trở nên phổ biến? Bitcoin đi lên từ đống tro tàn của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để trở thành một “thành viên” hợp pháp trong hệ thống tài chính toàn cầu. Nhưng điều gì làm nó thú vị, và tại sao mọi người lại chấp nhận tiền điện tử nói chung? Sự phấn khích bắt nguồn từ việc nhận ra rằng Bitcoin có thể là phương tiện biến đổi hệ thống tài chính từ tập trung sang phi tập trung. Về mặt hình thức, hệ thống chuyển tiền hiện đại của chúng ta có thể dựa vào dữ liệu số, nhưng về cốt lõi thì nó vẫn là một mạng lưới tập trung các bên trung gian đã lỗi thời.
Như đã biết, ngân hàng bắt nguồn từ các khoản cho vay nông nghiệp giữa các nhà buôn ngũ cốc và thương nhân vận chuyển hàng hoá qua Assyria và Babylonia vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên. Ghi chép về các giao dịch và các khoản vay được lưu lại tại đền thờ và cung điện. Trên thực tế, một trong những văn tự được biết đến sớm nhất, Bộ luật Hammurabi, đề cập đến luật quản lý một dạng ngân hàng. Di sản của hệ thống tài chính này có thể khó giải mã trong giới tài chính hiện đại ngày nay, nhưng có một yếu tố quan trọng vẫn tồn tại. Từ xưa đến nay, hệ thống tài chính vẫn xoay quanh một điểm. Ở Babylonia là các đền thờ, còn ngày nay là các ngân hàng trung ương toàn cầu.
Các ngân hàng giống với hệ thống tài chính hiện đại của chúng ta được phát triển trong thời kỳ Phục Hưng ở Ý. Năm 1397, Giovanni Medici thành lập ngân hàng Medici để phục vụ các thương gia và nhà buôn giàu có ở Châu Âu. Gia đình Medici đã phát triển đế chế của mình và trở thành một trong những gia đình giàu có nhất ở Châu Âu bằng cách cải thiện hệ thống sổ cái. Medici đã có công phát triển hệ thống kế toán kép mà bất cứ ai đã học qua một khóa kế toán cũng đều biết, còn như tôi đây sẽ thấy rất ghét.
Hệ thống kế toán kép có thể giống như một bước nhảy vọt nhưng các tổ chức tài chính lại một lần nữa dựa vào một điểm kiểm soát trung tâm. Thương gia, thương lái và người tiêu dùng đều phải tuân thủ các luật lệ, quy định và đôi khi cả những sáng kiến của những người kiểm soát tiền tệ. Khi các hệ thống ngân hàng ngày một phức tạp và phát triển, thì rất khó để có thể thành lập và điều hành một ngân hàng. Quy mô và quyền lực chính trị của nền kinh tế là những rào cản gia nhập hữu hiệu. Các ngân hàng thương mại hiện đại có được vị thế ở trung tâm của hệ thống tài chính là nhờ những gì gia đình Medici và các hệ thống ngân hàng trước đây tạo ra và để lại.
Hệ thống tài chính hiện đại của chúng ta trông có vẻ tiên tiến, nhưng về mặt cốt lõi nó là một cấu trúc tập trung không hiệu quả. Bất cứ ai muốn chuyển tiền hoặc tài sản cho một cá nhân khác đều phải đi qua một loạt các chủ thể trung gian, tất cả các chủ thể trung gian này đều tính phí. Các ngân hàng tính phí giữ tiền cho bạn, trong khi các công ty thẻ tín dụng tính phí trên khoản mà bạn chi tiêu. Gửi tiền trong nước không chỉ tốn phí mà còn tốn thời gian. Lái xe đến ngân hàng, điền vào một mẫu chuyển khoản ngân hàng và sau đó chờ đợi hàng giờ để xác nhận là toàn bộ những gì cần làm để gửi tiền.
Sự tập trung nguồn lực là kết quả trực tiếp của việc không có khả năng giải quyết Bài toán về các tướng quân Byzantine. Mặc dù vấn đề này mới chỉ được chính thức đặt tên và xem xét vào năm 1982, nhưng nó đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước. Các ngân hàng thường đóng vai trò là bên thứ ba được ủy thác, giao dịch với những chủ thể không liên quan và đảm bảo thông điệp được truyền đi là hợp pháp. Trước Bitcoin, cách duy nhất để kiểm chứng xem thông điệp có thực hay không đó là mời một bên thứ ba trung lập. Khi thông điệp là một lệnh chuyển tải giá trị (còn được gọi là tiền), các ngân hàng xuất hiện như một trung gian.
Điều gì sẽ xảy ra nếu quyền lực không tập trung vào bên trung gian? Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi chủ thể trong hệ thống tài chính không còn cần đến một bên thứ ba để ủy thác? Hệ thống tài chính này sẽ như thế nào?
Một hệ thống tập trung có thể được hình dung rõ nhất như là một cấu trúc “trục bánh xe – và – nan hoa” (hub-and-spoke), nơi chủ thể chính ngồi ở giữa và điều khiển tất cả các giao dịch. Đây không chỉ là cấu trúc của hệ thống tài chính hiện đại mà còn được sử dụng bởi các hãng hàng không thương mại và các nhà quy hoạch đô thị.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm sáng tỏ những giới hạn và tính nguy hiểm của sai sót trong hệ thống tài chính. Sự thất bại xảy ra ở trục có thể dẫn đến sự ngưng trệ của toàn bộ hệ thống vào ngày mai. Theo cách nào đó, Hội đồng Thống đốc và Chủ tịch Ben Bernanke của Cục Dự trữ Liên bang đã không công nhận mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra. Chủ tịch Bernanke nổi tiếng nói rằng cuộc khủng hoảng dưới chuẩn nằm trong tầm kiểm soát và sẽ không đe doạ đến phần còn lại của nền kinh tế. Ông đã sai và hệ thống tài chính đã bị đình trệ vô thời hạn. Với niềm tin đó, khi Chủ tịch Bernanke nhận ra sai lầm của mình, ông đã hành động mạnh mẽ và nhanh chóng để ngăn chặn sự sụp đổ tài chính hoàn toàn.
Nếu Ben Bernanke, Hank Paulson và Tim Geithner không thể hồi phục được hệ thống tài chính tập trung thì rất có thể nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng còn trầm trọng hơn cuộc Đại suy thoái năm 1930. Cuộc Đại suy thoái là một ví dụ khác về những nguy cơ của việc sử dụng một hệ thống tài chính tập trung. Cục Dự trữ Liên bang không chỉ không công nhận mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế; mà họ có thể còn làm trầm trọng thêm bằng cách không hành động. Hơn nữa, các cơ quan hành pháp và lập pháp của Chính phủ cũng không ngăn được cuộc khủng hoảng lan rộng.
Blockchain: Nền tảng công nghệ hướng tới thị trường tài chính phi tập trung
Công nghệ Blockchain của Bitcoin đã giải quyết vấn đề gửi thông tin tài chính qua Internet mà không cần người môi giới và có thể là chất xúc tác để phi tập trung các dịch vụ tài chính. Một thập kỷ sau, ngành dịch vụ tài chính có thể chỉ cần phải sử dụng một phần đội ngũ lao động hiện tại của nó, nhưng hiệu quả lại đạt được cao hơn. Đây là một sự thay đổi tương ứng với sự chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Chất xúc tác cho sự thay đổi này là Bitcoin và giải pháp mà nó mang lại. Thông qua tự động hoá, nền kinh tế toàn cầu bùng nổ trong Cách mạng Công nghiệp. Tương tự như vậy, Bitcoin, công nghệ blockchain và các máy đào sẽ tự động hóa nhiều chức năng của các trung gian tài chính hiện tại. Hơn nữa, tự động hóa được phân bổ cho bất cứ ai có kết nối Internet. Việc chuyển vai trò ủy thác bên thứ ba từ các trung gian tài chính cho các cá nhân sẽ gắn liền với nỗi lo lắng và sự miễn cưỡng.
Công nghệ blockchain của Bitcoin sẽ xóa bỏ trung gian, hình thành hệ thống tài chính phi tập trung và sửa chữa lỗi của hệ thống tài chính phi tập trung.
Những người chấp nhận thay đổi có thể được tưởng thưởng như những người đi đầu trong ngành công nghiệp. Henry Ford và Andrew Carnegie đã nhận ra một sự thay đổi và giành được vị thế to lớn trong kinh doanh. Có lẽ một vị trí trong nghị trường của những người nổi tiếng sẽ mở ra cho những ai biết tận dụng sự Bùng nổ Bitcoin, hoặc có lẽ các trung gian tài chính sẽ cần phải thích nghi. Điều thấy rõ là trong thập kỷ tới, sự hủy diệt mang tính sáng tạo (Bitcoin) sẽ là phép màu của các dịch vụ tài chính và tất cả là công lao một thiên tài ẩn danh, người đã cho đi miễn phí phát minh của mình.
Mối đe dọa từ Bitcoin đó là sự phá vỡ hoàn toàn tình trạng hiện tại. Nói đơn giản nhất, cả ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại đều không còn cần thiết nữa. Hơn nữa, toàn bộ quyền kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ như Visa, MasterCard và American Express đều bị đe dọa. Nếu Cách mạng Công nghiệp là chất xúc tác cho các nền kinh tế hiện đại chuyển từ xã hội nông nghiệp sang một xã hội công nghiệp, thì Bitcoin là phương tiện để chuyển hệ thống tài chính từ tập trung sang phi tập trung.