3 rủi ro chết người khi giao dịch chứng khoán phái sinh ở Việt Nam mà môi giới hay báo chí sẽ không bao giờ nói cho bạn biết!

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam ra đời và chính thức hoạt động tại Việt Nam vào ngày 10/8/2017. Các hợp đồng tương lai được lựa chọn là sản phẩm giao dịch tại Việt Nam. Tò mò với sản phẩm tài chính mới tại Việt Nam, là một trader, tôi cũng giao dịch thử trên thị trường phái sinh để tìm hiểu với hy vọng kiếm thêm một kệnh đầu tư mới.

Thực sự, các hợp đồng tương lai cho các chỉ số VN30, HNX30 là một sản phẩm tốt cho nhà đầu tư VIệt Nam trong bối cảnh vẫn còn bị vướng giao dịch T+3. Khi mua vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cơ sở, nhà giao dịch phải chờ đợi 3 ngày mới được phép giao dịch vì đây là lúc cổ phiếu mới về tài khoản. Các trader rủi ro có phát hiện mình đoán sai thị trường thì có thể hegding phần nào bằng cách bán khống ngược lại chỉ số. Tuy nhiên, khi hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống giao dịch chưa hoàn thiện, các sản phẩm phái sinh tại Việt Nam lộ ra 3 điểm yếu chết người mà tôi tin chắc, báo chí và môi giới sẽ không bao giờ nói cho bạn biết.

Đầu tiên, lệnh Stoploss chỉ có giá trị trong phiên. Nếu những ai từng giao dịch forex, ắt hẳn sẽ không chịu đựng nổi việc này. Mang tiếng là có stoploss nhưng thực ra bạn bị một khe hở thời gian không có stoploss là khi thị trường mở cửa phiên. Do hệ thống IT chưa tốt, các lệnh Stoploss chỉ có giá trị trong phiên và sau đó bị hủy trước khi bắt đầu phiên giao dịch mới. Sáng mai, trader sẽ phải nhập lại từ đầu các con số stoploss của mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn chưa kịp cài stoploss mà thị trường xuất hiện những khoảng trống (Gap) ngược vị thế của bạn. Có lẽ các nhà giao dịch ở Việt Nam chưa quen với việc sử dụng Stoploss, nhưng trên thị trường future không có stoploss không khác gì tự sát vì đòn bẩy cao. Tỷ lệ ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chỉ là 10% và do đó tính khếch đại lãi/lỗ rất cao. Trong bối cảnh thị trường biến động tầm 30 điểm một phiên là chuyện bình thường, tính khếch đại của đòn bẩy sẽ là con dao hai lưỡi.

Thứ hai, các flatform giao dịch còn yếu, dễ dẫn tới sai sót.  Một câu chuyện nực cười nhất mà cũng vô duyên nhất mà người viết từng trải nghiệm đó là việc “đóng thừa lệnh do bị lag mạng”. Nếu những ai giao dịch forex hay cả chứng khoán cơ sở, việc đóng lệnh tưởng chừng như là một công việc rất đơn giản, không chút rủi ro hóa ra lại là một công việc “đầy mạo hiểm” trên thị trường phái sinh. Thông thường, trên thị trường forex, các flatform chỉ cần nút closed là sẽ tất toán vị thế cho nhà đầu tư, còn trên thị trường chứng khoán cơ sở của Việt Nam, bạn chỉ cần đặt nút bán là xong. Bạn không thể bấm để bán vượt quá số lượng cổ phiếu bạn đang có. Ví dụ, nếu bạn chỉ có 2,000 cổ phiếu ACB trong tài khoản, bạn chỉ có thể bán 2,000 cổ phiếu, không thể hơn.

Nhưng các flatform giao dịch phái sinh Việt Nam lại không hề có nút closed. Ví dụ, người viết từng bán khống 02 hợp đồng VN30 tại mưc giá 1157. Khi VN30 rơi về 1123, người viết tiến hành chốt lãi. Để làm công việc này, trader sẽ phải nhấp chuột bấm nút Buy (tức thực hiện vị thế mua để đóng vị thế bán khống). Nhưng không biết do lag mạng hay lỗi phần mềm, người viếtnhấp chuột 3 lần nút buy (trong khi chỉ cần bấm 2 lần là được). Thế là dư ra 1 lệnh buy, và vô tình biến thành vị thế mua mà người viết không hề biết. Khi thị trường giảm điểm, lệnh mua này không có cài stoploss sẽ trở thành thảm họa. Trong câu chuyện của người viết, may mà tôi sớm phát hiện ra dư lệnh buy nên đóng sớm chứ không thì lỗ hết tài khoản.

Quả thực, đó là một câu chuyện quá ư vô duyên. Đóng lệnh, chỉ cần nút closed là xong, nhưng việc thiết kế phải bấm bút buy lại từng hợp hợp đồng, dễ rủi ro bấm vượt quá và trở thành những vị thế không mong muốn. (nghĩ đi nghĩ lại vẫn thấy buồn cười…Chốt lệnh sell mà biến thành lệnh long để rồi lỗ ngược mà không hề biết…Đây là lần đầu tiên tôi gặp phải rủi ro này)

Thứ ba, ở Việt Nam, chưa hề có ai là người tạo lập thanh khoản trên thị trường phái sinh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất thanh khoản của thị trường. 

Sau một thời gian “chơi thử”, tôi sợ hãi với những rủi ro này và “biến khỏi thị trường”.

Trả lời