“Mua và nắm giữ dài hạn” là cái bẫy chết người đối với nhà đầu tư chứng khoán.

Câu Chuyện Hoang Đường Về “Đầu Tư Dài Hạn” và “Luôn Nắm Giữ Tỷ Lệ Cổ Phiếu Cao Trong Danh Mục”

Nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng, hoặc ít nhất là mô tả bản thân họ như là “những nhà đầu tư dài hạn.” Chiến lược của họ luôn ở trạng thái đầu tư (nắm giữ nhiều cổ phiếu) bất kể thị trường tăng giá hay giảm giá. Nhiều quỹ đầu tư tài chính cũng đang làm điều tương tự. Nhưng phương pháp đầu tư kém linh hoạt này có thể mang lại những kết quả bi thảm, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân. Các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức sử dụng cách làm này chỉ có thể trụ được nếu như gặp các đợt điều chỉnh nhẹ (khoảng 25% hoặc thấp hơn), nhưng nhiều thị trường con gấu thì không hề nhẹ nhàng như vậy. Hãy xem thị trường đã sụp đổ như thế nào trong giai đoạn 1973-1974, 2000-2002 và 2007-2008.

Khó khăn luôn xuất hiện lúc bạn mới bắt đầu nhận ra sự xuất hiện của thị trường con gấu. Trong phần lớn các trường hợp, bạn không thể biết được nền kinh tế sẽ tồi tệ đến mức nào và kéo dài bao lâu. Chiến tranh Việt Nam, lạm phát và chính sách thắt chặt cung tiền của Fed đã tạo ra thị trường con gấu kéo dài hai năm 1969-1970 với mức giảm 36.9%. Trước đó, các thị trường con gấu trung bình chỉ tồn tại 9 tháng và mức giảm trung bình chỉ 26%.

Nhiều cổ phiếu giảm mạnh trong thị trường con gấu và chẳng bao giờ hồi phục trở lại đỉnh cũ. Nếu bạn nắm giữ cổ phiếu ngay cả trong thị trường con gấu nhẹ nhất, nhiều cổ phiếu của bạn có thể chẳng bao giờ trở về lại giá vốn. Nếu là một nhà giao dịch lớn tuổi, tôi e rằng bạn sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội thấy được đỉnh cũ. Bạn phải học cách bán và tăng nắm giữ tiền mặt khi toàn bộ môi trường kinh tế thay đổi và cổ phiếu bạn lựa chọn không tăng giá.

Các nhà đầu tư theo chiến lược “mua và nắm giữ” từng rất yêu thích Coca-Cola trong giai đoạn những năm 1980 và những năm 1990. Gã khổng lồ trong ngành nước ngọt có gas này cứ liên tục thiết lập đỉnh từ năm này sang năm khác, tăng và giảm đồng nhịp với thị trường chung. Nhưng điều này đã không còn đúng vào năm 1998. Khi thị trường chung gặp phải con gấu lớn vào mùa hè năm 1998, Coke (tên gọi khác của Coca-Cola) bắt đầu xu hướng giảm giá kéo dài suốt 2 năm sau đó (sau khi trở thành cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ nhất thị trường trong nhiều thập niên). Trong một số trường hợp, những cổ phiếu như vậy có thể tăng giá trở lại đỉnh cũ, nhưng chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian và cổ đông của Coke sẽ bỏ lỡ các cơ hội tăng giá khủng vào năm 1998 và 1999 ở những cổ phiếu khác như America Online và Qualcomm. Gillette, một cổ phiếu khác được các nhà đầu tư dài hạn ưa thích cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Kết quả hình ảnh cho coca cola chart

Coca Cola từng là siêu cổ phiếu trong thập niên 80 và 90. Phải mất gần 23 năm, những người mua đỉnh năm 1998 mới hòa vốn. Bạn có muốn mất cả một “thời trai trẻ” chỉ để “hòa vốn” ở Coca Cola

Chiến lược mua và nắm giữ cũng trở thành thảm họa cho bất cứ ai nắm giữ cổ phiếu công nghệ từ năm 2000 đến năm 2002. Những cổ phiếu dẫn dắt đã mất từ 75% đến 90% giá trị và trong số đó có những cổ phiếu không bao giờ quay trở lại đỉnh cũ. Đó chính là trường hợp của các cổ phiếu dẫn dắt trong giai đoạn 1998-2000 như Time Warner, Corning, Yahoo!, Intel, JDS Uniphase, và EMC.

Đây không phải là câu chuyện hiếm đối với nhà đầu tư ở Việt Nam. Những nhà đầu tư từng trải sẽ biết rằng, SAM từng là siêu cổ phiếu ở Việt Nam khi mà cổ phiếu này là một trong hai cổ phiếu đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam. SAM hoạt động trong ngành cung cấp dây và cáp, từng là cổ phiếu đứng đầu trong ngành. Thế nhưng khi cáp quang đang thay thế dần cho cáp đồng, SAM dần đánh mất vị thế. Dữ liệu điều chỉnh cho thấy, những người mua ở đỉnh năm 2007 đang bị thua lỗ hơn 50% sau hơn 20 năm nắm giữa trong khi VN-Index đã vượt đỉnh cũ năm 2007 từ lâu.

William O’Neil đã giải thích quy luật nghiệt ngã này như sau đối với các cổ phiếu dẫn dắt.

  1. Chỉ 1 trong 8 cổ phiếu dẫn dắt trong thị trường tăng giá cũ tiếp tục trở thành cổ phiếu dẫn dắt trong chu kỳ tăng giá mới. Nói cách khác, có rất ít khả năng các cổ phiếu trụ cột cũ (hiếm họi như VNM) là tiếp tục đóng vai trò cổ phiếu dẫn dắt qua nhiều thị trường tăng giá khác nhau. Mỗi thị trường tăng giá được tạo nên bởi những sóng ngành mới, trụ cột mới.
  2. Các cổ phiếu dẫn dắt sau khi tạo đỉnh thường giảm 75%-80%. Đó chính là lý do tại sao bạn phải mất rất lâu, thậm chí “dành cả tuổi thanh xuân” chỉ để mong hòa vốn nếu như lỡ mua đúng đỉnh. Vì vậy, đầu tư vào các cổ phiếu dẫn dắt không hề an toàn. Thậm chí nó còn nguy hiểm hơn và mức giảm nhiều hơn cả cổ phiếu tồi nếu như đầu tư sai thời điểm.

Vậy bạn nên Là Nhà Đầu Cơ Hay Là Nhà Đầu Tư?

Có hai từ thường gây ra hiểu lầm được dùng để mô tả mô tả những nhóm người tham gia trên thị trường chứng khoán: nhà đầu cơ và nhà đầu tư. Khi bạn nghĩ về “nhà đầu cơ”, có lẽ bạn nghĩ tới những người chấp nhận mạo hiểm rủi ro hay đánh bạc trên thị trường cổ phiếu. Ngược lại, khi bạn nghĩ tới nhà đầu tư, bạn có thể nghĩ về những người đang tiếp cận thị trường chứng khoán một cách duy lý và thận trọng. Theo định nghĩ truyền thống này, bạn nghĩ tốt hơn hết là trở thành một nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nhà giao dịch vĩ đại Baruch đã định nghĩa nhà đầu cơ như sau: “Từ nhà đầu cơ (speculator) xuất phát từ tiếng Latin là “speculari”, nghĩa là người theo dõi và quan sát. Do đó, một nhà đầu cơ là người quan sát và hành động trước khi [tương lai] xảy ra.” Đây chính là là điều bạn nên làm: quan sát thị trường chứng khoán và từng cổ phiếu riêng biệt để xác định xem chúng đang làm gì, và sau đó hành động dựa trên thông tin quan sát được.

Jesse Livermore, một huyền thoại đầu cơ chứng khoán, đã định nghĩa các nhà đầu tư như sau: “Nhà đầu tư là những con bạc lớn. Họ đặt tiền vào một cửa, rồi kiên quyết theo cửa đó đến cùng, và nếu thua, họ sẽ mất tất cả.” Đọc đến đây, chắc hẳn bạn biết rằng đó không phải là con đường đầu tư đúng đắn. Không thể xem đó là “đầu tư dài hạn” một khi cổ phiếu đang rơi vào vòng xoáy giảm giá và bạn đã lỗ nhiều hơn 8% so với giá mua.

Những định nghĩa tôi vừa trích dẫn hoàn toàn khác biệt với những gì bạn đọc được trong Từ Điển Webster, nhưng chúng chính xác hơn rất nhiều. Nên nhớ, Baruch và Livermore đã nhiều lần kiếm hàng triệu đôla trên thị trường chứng khoán. Còn những người soạn từ điển tôi đoán họ chưa bao giờ kiếm được xu nào từ thị trường cổ phiếu.

Một trong những mục tiêu của tôi khi đưa ra những định nghĩa mới mẻ này nhằm giúp bạn nhận thức lại những quan điểm và niềm tin sai lầm trong đầu tư mà bạn từng nghe được. Một trong số những nhận thức sai lầm chính là đầu tư dài hạn. Thật không thể tin nỗi ngoài kia có bao nhiêu kiến thức sai lầm về thị trường chứng khoán, cách thị trường chứng khoán hoạt động, và cách thức để đạt được thành công trên thị trường. Hãy học cách phân tích từng cổ phiếu và thị trường một cách khách quan, hiểu hành động giá của nó đang nói lên điều gì. Đừng lắng nghe và bị tác động bởi bạn bè, đối tác và hàng loạt các “chuyên gia” đang xuất hiện mỗi ngày trên ti vi.

Cũng có cách hiểu sai lầm là nhà đầu cơ thì chỉ có lướt sóng ngắn hạn chứ không phải nắm dài hạn. Điều này không hề đúng. Phương pháp đầu tư CANSLIM không hề ép buộc bạn nắm giữ dài hạn hay ngắn hạn. Chuyện đó không do bạn quyết định mà là do cổ phiếu quyết định. Công việc của bạn là phải mua cổ phiếu có đầy đủ đăc điểm CANSLIM vừa mới tạo điểm phá vỡ thoát ra khỏi nền giá tốt, ngay khi thị trường chung được xác nhận ở trong xu hướng tăng giá. Các quy tắc chốt lãi sẽ hoạt động và quyết định thời gian nắm giữ cổ phiếu bạn. Đôi khi quy tắc chốt lãi sẽ yêu cầu bạn thu lời trong vài ngày-vài tuần. Nhưng ở một số siêu cổ phiếu, quy tắc chốt lãi buộc bạn phải nằm giữ từ một đến vài năm. 

Cuối cùng hãy ghi nhớ: “Tất Cả Cổ Phiếu Đều Mang Tính Đầu Cơ và Rủi Ro”

Luôn có một mức độ rủi ro khá lớn ở tất cả cổ phiếu, bất kể danh tiếng, chất lượng yếu tố cơ bản, vị thế cổ phiếu blue-chip, hay ngay cả khi nó đã có thành tích tăng giá rất ấn tượng, hoặc báo cáo lợi nhuận quý hiện tại rất tốt. Nên nhớ các cổ phiếu tăng trưởng có thể lập đỉnh ngay cả khi tăng trưởng lợi nhuận là rất tuyệt vời và các nhà phân tích đang vẽ ra bức tranh màu hồng cho tương lai.

Chẳng có cổ phiếu nào được xem là an toàn cả. Bất cứ cổ phiếu nào cũng sẽ giảm giá vào thời điểm nào đó…và bạn sẽ không bao giờ biết được giá sẽ giảm bao nhiêu.

Mọi khoản lỗ lớn (chẳng hạn 50%) thực ra đều bắt đầu từ các khoản lỗ nhỏ (ví dụ như 10% hoặc 20%). Vì vậy, bạn phải có đủ can đảm cắt lỗ sớm nhằm bảo vệ tài khoản, trước khi khoản lỗ nhỏ biến thành thảm họa. Hãy tập thói quen vui mừng khi bạn lỗ nhỏ. Quyết định và hành động bán cắt lỗ nên diễn ra ngay lập tức và đồng thời. Để trở thành nhà giao dịch siêu hạng, bạn phải học cách đối diện với nỗi đau thua lỗ và sớm cắt lỗ. Tôi biết hàng tá nhà đầu tư được xem là thông minh, có học vấn cao đã cháy sạch tài khoản chỉ vì không chịu sớm cắt lỗ.

Bạn sẽ làm gì nếu một cổ phiếu vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn và khoản lỗ bây giờ đã lớn hơn 10%? Điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai, và thậm chí đó là tín hiệu đáng tin cậy hơn buộc phải cắt lỗ ngay lập tức. Nó cho thấy cổ phiếu đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng hơn so với bình thường và giá có thể giảm nhanh hơn và mạnh hơn so với bình thường. Trong bối cảnh thị trường sụp đổ vào năm 2000, nhiều nhà đầu tư mới đã thua lỗ nặng nề. Nhiều người trong số đó thậm chí còn mất sạch tiền. Nếu họ chỉ cần tuân theo quy tắc cắt lỗ đơn giản của Nhật Báo IBD, họ đã có thể bảo vệ được phần lớn tài khoản. Đầu tư không phải là đánh bạc, nó là đầu tư.

Theo kinh nghiệm của tôi, các cổ phiếu vượt ngoài tầm kiểm soát và tạo nên khoản lỗ lớn hơn so với bình thường (người dịch: đây thường là những cú giảm giá mạnh hoặc các khoảng trống giảm giá bất thường do các thông tin xấu đột ngột) thực sự là những đầu tư tệ hại và dứt khoát cần phải cắt lỗ sớm. Có thể cổ phiếu này hoặc toàn bộ thị trường chung đang gặp phải điều gì đó rất xấu. Bạn phải bán cổ phiếu ngày càng sớm càng tốt để tránh gặp phải thảm họa sau đó.

Hãy nhớ rằng, nếu cổ phiếu giảm 50%, bạn phải cần kiếm khoản lãi 100% ở cổ phiếu khác chỉ để trở về điểm hòa vốn! Hãy tự hỏi bản thân, bạn có thường mua được cổ phiếu tăng giá gấp đôi không? Bạn đơn giản không thể ngồi ôm cổ phiếu và hy vọng giá sẽ tăng. Khoản lỗ có thể trở nên trầm trọng hơn. Hãy sớm thoát ra khỏi nó.

Sẽ là một ảo tưởng nguy hiểm khi cho rằng một cổ phiếu nào đang giá sẽ phải có lúc tăng giá trở lại. Thực tế, có rất nhiều cổ phiếu không bao giờ tăng giá trở lại đỉnh cũ. Hoặc nếu có thì phải mất rất lâu (có khi cả chục năm trời mới quay lại đỉnh cũ). AT&T đạt đỉnh $75 vào năm 1964 và phải mất 20 năm mới quay trở lại đỉnh này. Tương tự, khi chỉ số S&P500 hoặc Dow Jones giảm 20%-25% trong một thị trường con gấu, nhiều cổ phiếu sẽ giảm giá từ 60% đến 75%.

Khi chỉ số S&P500 giảm giá 52% giống như năm 2008, nhiều cổ phiếu đã giảm từ 80% đến 90%. Ai mà nghĩ có ngày General Motors chỉ có giá $2 khi đang được giao dịch ở mức giá $94? Ngành công nghiệp ô tô cực kỳ quan trọng đối với nước Mỹ, nhưng nó buộc phải tái cấu trúc một cách toàn diện, từ trên xuống và nhiều công ty buộc phải sử dụng đến Chương 11 trong luật phá sản để có cơ hội sinh tồn và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thị trường khốc liệt như hiện nay. Trong 31 năm, từ năm 1977 đến năm 2008, sức mạnh giá tương đối (chỉ báo RS) của cổ phiếu GM liên tục sụt giảm. GM sẽ làm gì trong tương lai nếu như người Trung Quốc và Ấn Độ bán những chiếc xe chạy 50 dặm mỗi gallon xăng với mức giá thấp hơn nhiều, ngay tại nước Mỹ?

Chỉ có một cách duy nhất để an toàn trước những thị trường con gấu là phải cắt lỗ nhanh, một cách dứt khoát không hề do dự, khi chúng chỉ mới là khoản lỗ nhỏ. Luôn luôn phải bảo vệ tài khoản để bạn có thể tiếp tục đầu tư trong tương lai.

Vào năm 2000, nhiều nhà đầu tư mới đã đặt niềm tin sai lầm vào các cổ phiếu công nghệ cao. Họ đã thực hiện chiến lược mua tại các đáy điều chỉnh ngắn hạn (buy dip) vì nhiều lần chứng kiến giá cổ phiếu luôn tăng giá trở lại cao hơn sau mỗi lần điều chỉnh. Họ nghĩ có thể dễ dàng kiếm tiền bằng cách này. Đây chính là cách giao dịch của những gã nghiệp dư. Kết quả phần lớn các nhà đầu tư mới đều tổn thất nặng nề. Các cổ phiếu bán dẫn và công nghệ cao có độ biến động gấp 2 lần đến 3 lần so với thị trường chung, do đó cực kỳ rủi ro. Nếu bạn nắm giữ những cổ phiếu này, việc cắt lỗ nhanh thậm chí là điều quan trọng hơn gấp bội. Nếu danh mục đầu tư của bạn không có gì khác ngoài cổ phiếu công nghệ cao hoặc bạn đầu tư tỷ trọng lớn vào các cổ phiếu công nghệ cao, bạn rất dễ thua lỗ lớn nếu như không cắt lỗ nhanh.

Đừng bao giờ đầu tư bằng cách sử dụng tiền ký quỹ (margin) trừ khi bạn sẵn sàng cắt lỗ nhanh. Nếu không, bạn sẽ sớm cháy sạch tài khoản. Nếu bạn nhận được yêu cầu đóng tiền ký quỹ (margin call) từ môi giới (là lúc bạn đối mặt với quyết định liệu có nên bán cổ phiếu hay nộp thêm tiền vào tài khoản để bù đắp phần vốn bị mất do cổ phiếu sụt giảm), đừng tiếp tục ném tiền vào các khoản đầu tư thua lỗ. Hãy bán cổ phiếu, để đầu óc trở nên sáng suốt và nhìn nhận lại xu hướng thị trường như thế nào.

Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về phương pháp CANSLIM tại đây

Bộ Sách: “LÀM GIÀU TỪ CHỨNG KHOÁN (phiên bản mới) + “Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM”

Trả lời