Ai đứng sau những bất ổn tại Vinaconex

(ĐTTCO) – Kể từ khi Tổng công ty đầu tư – kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) thoái vốn, hoạt động của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) với những cổ đông mới vẫn ăn nên làm ra, nhưng nội bộ vẫn có nhiều bất ổn, dù trước đó việc mua cổ phiếu vẫn hợp lệ, các vị trí được bầu theo đúng quy định… Lý do bắt nguồn từ những mâu thuẫn của các nhóm cổ đông mới.

Ai đứng sau các cổ đông lớn?
Thành lập từ năm 1988 với 2 lĩnh vực hoạt động chính là xây dựng và bất động sản. Ngày 1-12-2006, Vinaconex hoàn thành thí điểm cổ phần hóa. Tới ngày 22-11-2018, Vinaconex có 2 cổ đông chính là SCIC chiếm 57,71% vốn điều lệ và Viettel chiếm 21,28%. Sau ngày 22-11-2018, khi SCIC và Viettel hoàn tất thoái vốn tại Vinaconex, cơ cấu cổ đông lớn có sự thay đổi. 

 Vào 8 giờ ngày 28-6 tới, Vinaconex sẽ tổ chức ĐHCĐ đông thường niên 2019 tại tòa nhà Vinaconex, 34 Láng Hạ (Hà Nội). Ngày đăng ký cuối cùng (ngày chốt danh sách cổ đông mời dự họp) là 10-6. 

Cụ thể, Công ty TNHH An Quý Hưng nắm giữ 57,71% vốn điều lệ (mua toàn bộ lô cổ phần SCIC bán với giá 28.900 đồng/cổ phần, tương đương 7.367 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm); Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ nắm giữ 21,28% vốn điều lệ (sau khi mua trọn lô của Viettel bằng giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần, tương đương 2.000 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Star Invest sở hữu 7,57% vốn điều lệ (mua thỏa thuận Vinaconex trên sàn chứng khoán ngày 24-12-2018, với mức mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị khoảng 836 tỷ đồng).Công ty An Quý Hưng đăng ký kinh doanh tại Chương Mỹ (Hà Nội), có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Trong khi Công ty Cường Vũ có trụ sở tại phường Tân Quy, quận 7, TPHCM, do ông Vũ Xuân Cường làm người đại diện theo pháp luật. Doanh nghiệp này được thành lập ngày 7-11-2017 với vốn điều lệ… 20 tỷ đồng.

Ai đứng sau những bất ổn tại Vinaconex ảnh 1

 Công ty Star Invest thành lập ngày 9-11-2018, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Như vậy, sau phiên đấu giá “ế” vào cuối năm 2017, cái tên Vinaconex đột nhiên trở thành món hàng hấp dẫn trên thị trường chuyển nhượng, với sự tham gia của một số đại gia bí ẩn.Trong đó, gây ngạc nhiên là Cường Vũ (thành lập được hơn 1 năm) và Star Invest (được hơn 1 tháng), nhưng đã có nguồn lực khổng lồ để sở hữu số lượng lớn cổ phần tại Vinaconex.

Ai đứng sau những bất ổn tại Vinaconex ảnh 2

Tranh giành dự án khủng Splendora?

Sự xuất hiện của những đại gia bí ẩn cũng như những mâu thuẫn tại Vinaconex, có lẽ có nguồn cơn từ dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh hay còn gọi là Splendora (Hoài Đức, Hà Nội). Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất được quy hoạch và đầu tư tại phía Tây Hà Nội, với tổng diện tích lên tới hơn 264ha nằm trên địa bàn 4 xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Canh.Ban đầu, chủ đầu tư là liên doanh Công ty TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) với 2 pháp nhân là Vinaconex và Công ty Xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc), mỗi bên nắm 50%. Tổng mức đầu tư được công bố dự tính 2,57 tỷ USD. Khu đô thị Splendora An Khánh được xác định sẽ trở thành một khu đô thị cao cấp, thông minh… có thể sánh ngang Phú Mỹ Hưng (TPHCM).


Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, Posco E&C đã nhượng lại phần vốn góp 50% cho Công ty Địa ốc Phú Long. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay Cường Vũ và Star Invest được nhìn nhận là 2 cổ đông có liên quan tới Phú Long, với gần 29% vốn điều lệ tại Vinaconex dù được xác định là dự án tốt nhất của khu vực hiện tại, chỉ cần xây nhà và bán, song việc triển khai dự án Splendora vẫn gặp không ít vướng mắc.Nguyên nhân, theo ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, do nhóm cổ đông An Quý Hưng muốn giữ nguyên quy hoạch cũ, đồng thời bổ sung thêm cây xanh, dịch vụ đi kèm. Trong khi đó, nhóm cổ đông còn lại đề xuất xây hồ bao quanh các căn biệt thự để tối đa hóa diện tích mặt hồ. Thế nhưng, dự án này do phê duyệt của Thủ tướng cho quy hoạch của Hà Nội, nên việc thay đổi không dễ. 

Ai đứng sau những bất ổn tại Vinaconex ảnh 3

Phối cảnh tổng thể dự án Khu đô thị Splendora An Khánh.


Hoạt động ổn định nhưng sao nội bộ bất ổn?
Tại ĐHCĐ bất thường ngày 11-1-2019, với tỷ lệ biểu quyết 100%, các cổ đông đã thông qua Nghị quyết số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ, bầu ra HĐQT mới gồm 7 thành viên. Trong đó, An Quý Hưng có 5 người đại diện thay thế cho 5 người đại diện cũ của SCIC; Cường Vũ có 2 đại diện thay thế cho người của Viettel (ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Phú Long và ông Thân Thế Hà, Phó Tổng giám đốc Vinaconex). Theo Vinaconex, thực hiện nghị quyết này, HĐQT mới của Vinaconex đã tổ chức 3 cuộc họp để triển khai công việc, trong đó toàn bộ 7 thành viên HĐQT mới tham dự đầy đủ các phiên họp, có đóng góp ý kiến và thực hiện quyền biểu quyết các vấn đề có liên quan. 

Tuy nhiên, lấy lý do việc triệu tập ĐHCĐ bất thường chưa đúng quy định, nhóm cổ đông đại diện cho Cường Vũ và Star Invest cùng 2 cá nhân khác đã gửi đơn đến TAND quận Đống Đa, đề nghị hủy Nghị quyết số 01. Ngày 27-3-2019, TAND quận Đống Đa đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc Vinaconex tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHCĐ.
Vinaconex đã khiếu nại và đưa ra các bằng chứng pháp lý chứng minh những nội dung khiếu nại trong đơn yêu cầu của Cường Vũ và Star Invest không khách quan, suy diễn. Ngày 25-4, TAND quận Đống Đa ban hành quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, khôi phục lại hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát Vinaconex và đình chỉ thụ lý vụ việc dân sự trên.
Các báo cáo về tình hình hoạt động của Vinaconex cho thấy kết quả khá khả quan. Trong xây lắp, Vinaconex đã trúng thầu và ký mới các hợp đồng xây lắp, như ký hợp đồng với Tập đoàn khách sạn Mikazuki (Nhật Bản) làm tổng thầu thi công khách sạn Mikazuki 5 sao tại vịnh Đà Nẵng, với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng; được Công ty Xây dựng Hyundai (HEC) – nhà thầu chính của dự án Nhà máy Lọc dầu Long Sơn – giao làm nhà thầu phụ, với giá trị hợp đồng 192 tỷ đồng. 

Trong đầu tư, Vinaconex trúng thầu là chủ đầu tư dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình tại Quảng Ninh quy mô 49ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.410 tỷ đồng; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và khởi công xây dựng dự án chưng cư cũ cao 27 tầng tại phố Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội), với tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng…

Về tình hình tài chính, tính đến thời điểm 1-1-2019, số dư tiền của Vinaconex 1.840 tỷ đồng và tại thời điểm 10-5-2019 là 1.781 tỷ đồng; đã thực hiện trả cổ tức năm 2018 là 441 tỷ đồng. Hiện Vinaconex không có dư nợ quá hạn với ngân hàng. Trên sàn giao dịch HNX, giá cổ phiếu của Vinaconex (mã VCG) tăng từ 18.300 đồng/cổ phiếu (ngày 22-11-2018), hiện duy trì ở mức giá hơn 26.000 đồng/cổ phiếu.

Dù còn nhiều bất ổn trong mối quan hệ với một số nhóm cổ đông, nhưng ông Đào Ngọc Thanh vẫn khẳng định: “Chúng tôi xác định mục tiêu đưa Vinaconex trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực trong lĩnh xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản”. 

Theo báo Đầu Tư Tài Chính

Trả lời