ĐẦU TƯ THEO CHU KỲ KINH TẾ

Một chu kỳ là một chuỗi các sự kiện lặp lại theo thời gian. Kết quả có thể không giống nhau mỗi lần nhưng có các đặc điểm khá giống nhau. Lấy ví dụ thời tiết bốn mùa. Mỗi năm chúng ta có mùa xuân, mùa hè, mùa thu và mùa đông. Sau mùa đông, chúng ta lại có mùa xuân và chu kỳ của thời tiết sẽ lại bắt đầu. Tuy nhiên, mùa hè năm nay sẽ không giống như mùa hè năm ngoái vì nhiệt độ có sự thay đổi hàng năm.
Hiểu về chu kỳ dài hạn trên thị trường chứng khoán giúp bạn xác định xu hướng thị trường chung và các chu kỳ ngắn hạn, nhờ đó giúp bạn xác định thời điểm để nhảy vào và thoát ra khỏi thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư có thể được đạt được hiệu suất đầu tư tốt hơn nhờ nắm bắt được họ đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ thị trường, chiến lược đầu tư kiểu này gọi là đầu tư theo chu kỳ. Biểu đồ TRONG HÌNH SỐ 2 thể hiện đỉnh thị trường và sau đó suy giảm trong giai đoạn năm 2007 đến 2008 khi thị trường tài chính sụt giảm mạnh và suy thoái kinh tế xảy ra (ND-biểu đồ cho thấy thị trường tạo đáy khi nền kinh tế tiếp tục suy thoái, và thị trường đạt đỉnh khi nền kinh tế còn đang đi lên). Dưới đây là phân tích chuyên sâu về cách sử dụng biểu đồ chu kỳ kinh tế và chu kỳ thị trường, thể hiện 11 lĩnh vực trong nền kinh tế. Hãy nhớ cuộc thảo luận về chu kỳ này dựa trên lý thuyết, có thể sẽ không lặp lại chính xác 100%, nhưng sẽ có nhiều điểm tương đồng.
Xin lưu ý: Phân tích này chủ yếu dựa vào vĩ mô. Nghĩa là phân tích này phù hợp hơn để đầu tư với các mục tiêu trung hạn (trên 2 tháng) và dài hạn (trên 365 ngày). Mặc dù phân tích này có thể không phù hợp với các nhà giao dịch theo ngày, nhưng tôi nghĩ nắm bắt một viễn cảnh vĩ mô có thể hữu ích cho các chiến lược giao dịch swing theo ngày. (Ngày nay, các ngân hàng trung ương và các chính phủ có xu hướng phản ứng ngày càng nhanh hơn trong hỗ trợ nền kinh tế bằng các chính sách tiền tệ, tài khoá khi nền kinh tế suy thoái, điều này có thể làm cho giai đoạn giảm chậm kéo dài hơn và giai đoạn suy thoái diễn ra nhanh hơn trước đây).
I/. CHU KỲ THỊ TRƯỜNG
Thị trường chứng khoán trong xu hướng bò tót hay xu hướng con gấu đều đi theo mô hình chung. Thị trường bò tót nghĩa là đa số cổ phiếu thường tăng giá. Thị trường con gấu nghĩa là đa số cổ phiếu thường giảm giá. Tức là khi nhìn vào một chỉ số thị trường chung, chẳng hạn như $DJIA, $VNINDEX… có thể thấy được các mô hình chung đó. Chu kỳ thị trường thường gồm 8 giai đoạn:
  1. Đầu thị trường tăng – Early Bull,
  2. Giữa thị trường tăng – Mid Bull,
  3. Cuối thị trường tăng – Late Bull,
  4. Đỉnh thị trường – Top,
  5. Đầu thị trường giảm – Early Bear,
  6. Giữa thị trường giảm – Mid Bear,
  7. Cuối thị trường giảm – Late Bear, và
  8. Đáy thị trường – Bottom.
II/. CHU KỲ KINH TẾ
Chu kỳ kinh tế chỉ đơn giản là những vòng lặp lại của chu kỳ phục hồi và suy thoái kinh tế. Trong giai đoạn phục hồi người tiêu dùng tăng chi tiêu và các doanh nghiệp tăng cường nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong giai đoạn suy thoái, người tiêu dùng chi tiêu ít hơn và các doanh nghiệp giảm công suất đang dư thừa. Chu kỳ kinh tế có 6 giai đoạn, bao gồm:
  1. Đầu giai đoạn phục hồi/đáy chu kỳ kinh tế – Early recovery/trough.
  2. Giữa giai đoạn phục hồi – Mid recovery,
  3. Cuối giai đoạn hồi phục – Late recovery,
  4. Đầu gia đoạn suy thoái/Đỉnh chu kỳ kinh tế – Early recession / peak,
  5. Giữa suy thoái – Mid recession,
  6. Cuối suy thoái – Late recession.
Suy thoái là sự sụt giảm GDP thực tế xảy ra trong ít nhất hai hoặc nhiều quý. Suy thoái tự nó nuôi sống bản thân. Một số đặc điểm thường gặp của suy thoái là:
  • Tiêu dùng giảm mạnh, hàng tồn kho của các loại hàng hóa lâu bền trong các doanh nghiệp tăng lên ngoài dự kiến. Việc này dẫn đến nhà sản xuất cắt giảm sản lượng kéo theo đầu tư vào trang thiết bị, nhà xưởng cũng giảm và kết quả là GDP thực tế giảm sút.
  • Cầu về lao động giảm, đầu tiên là số ngày làm việc của người lao động giảm xuống tiếp theo là hiện tượng cắt giảm nhân công và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
  • Khi sản lượng giảm thì lạm phát sẽ chậm lại do giá đầu vào của sản xuất giảm bởi nguyên nhân cầu sút kém. Giá cả dịch vụ khó giảm nhưng cũng tăng không nhanh trong giai đoạn kinh tế suy thoái.
  • Lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm mạnh và giá chứng khoán thường giảm theo khi các nhà đầu tư cảm nhận được pha đi xuống của chu kỳ kinh doanh. Cầu về vốn cũng giảm đi làm cho lãi suất giảm xuống trong thời kỳ suy thoái.
Điểm đáy của chu kỳ kinh tế (Low Point), hay khủng hoảng kinh tế (Depression).
Là trạng thái nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp lớn, thu nhập hàng năm tuột giảm và sản xuất dư thừa. Đây là thời điểm mà GDP thực tế dừng tuột giảm và bắt đầu mở rộng; là điểm thấp nhất trong chu kỳ kinh tế. Sớm hay muộn, suy thoái kinh tế sẽ chạm đáy của chu kỳ kinh tế. Chu kỳ sẽ duy trì ở điểm thấp nhất này có thể là từ vài tuần đến nhiều tháng. Trong một số lần suy thoái, chẳng hạn như trong những năm 1930, điểm thấp nhất của chu kỳ đã kéo dài trong nhiều năm. (ND – đáy chu kỳ kéo dài bao lâu tuỳ thuộc vào các yếu tố như sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và tài khoá của các chính phủ, chu kỳ nhân khẩu học, chu kỳ thay đổi công nghệ…).
Mở rộng và phục hồi kinh tế.
Đây là thời kỳ trong đó GDP thực tế tăng trưởng; sự phục hồi sau suy thoái. Khi doanh nghiệp bắt đầu cải thiện một chút, các công ty sẽ thuê thêm một số ít công nhân và tăng đơn đặt hàng nguyên liệu từ các nhà cung cấp. Đơn đặt hàng tăng dẫn đến các công ty khác cũng tăng sản xuất và phục hồi số lượng công nhân. Việc làm nhiều hơn dẫn đến chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn, hoạt động kinh doanh phát triển hơn nữa và kéo theo việc làm tiếp tục tăng thêm. Các nhà kinh tế mô tả sự đi lên này trong chu kỳ kinh doanh là một giai đoạn mở rộng và phục hồi.
Đỉnh chu kỳ kinh tế.
Là điểm mà GDP thực tế ngừng tăng và bắt đầu giảm; là điểm cao nhất của chu kỳ kinh tế. Ở đỉnh, hay đỉnh cao nhất của chu kỳ kinh tế, việc leo thang trong mở rộng kinh doanh kết thúc. Việc làm, chi tiêu tiêu dùng và sản xuất đạt mức cao nhất. Một đỉnh chu kỳ kinh tế, cũng giống như đáy suy thoái, có thể kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn hoặc dài. Khi đỉnh chu kỳ kinh tế kéo dài trong một thời gian dài, chúng ta đang trong thời kỳ thịnh vượng.
Thông thường, người ta chỉ nhận ra hai điểm đáy và đỉnh của chu kỳ kinh tế khi nền kinh tế đã sang pha tiếp sau điểm ngoặt với dấu hiệu là tốc độ tăng trưởng GDP thực tế đổi chiều giữa mức âm và mức dương. Trong thực tế, các nhà kinh tế học cố tìm cách nhận biết dấu hiệu của suy thoái vì nó tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế, xã hội.
Trước đây, một chu kỳ kinh tế thường được cho là có bốn pha lần lượt là suy thoái, khủng hoảng, phục hồi và hưng thịnh. Ở Việt Nam, trong một số sách về kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa, khi nói về chu kỳ kinh tế thường gọi tên bốn pha này là khủng hoảng, tiêu điều, phục hồi và hưng thịnh. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hiện đại, khủng hoảng theo nghĩa nền kinh tế trở nên tiêu điều, thất nghiệp tràn lan, các nhà máy đóng cửa hàng loạt, v.v… hiếm khi xảy ra do những biện pháp can thiệp của chính phủ để giảm nhẹ hậu quả. Vì thế, một số lý thuyết mới chỉ nói về 3 pha là suy thoái-phục hồi-hưng thịnh. Toàn bộ giai đoạn GDP giảm đi, tức là giai đoạn nền kinh tế thu hẹp lại, được gọi duy nhất là suy thoái.
III/. CÁC NGÀNH NGHỀ/LĨNH VỰC ĐẦU TƯ TIỀN NĂNG Ở TỪNG GIAI ĐOẠN THỊ TRƯỜNG
Hầu hết các biểu đồ chu kỳ kinh tế và chu kỳ thị trường cho thấy chu kỳ thị trường đi trước chu kỳ kinh tế. Nguyên nhân là bởi là các chuyên gia tài chính và các nhà đầu tư nhìn thấy các dấu hiệu của chu kỳ kinh tế trước khi báo cáo thực tế về một giai đoạn kinh tế xảy ra, do đó thị trường chứng khoán luôn đi trước như một chỉ báo của nền kinh tế.
Không có mô tả ảnh.
Đồng hồ thị trường ở hình trên cho thấy thời điểm tốt nhất để mua cổ phiếu là khi cuộc suy thoái kết thúc và sự phục hồi bắt đầu. Các tín hiệu kinh tế khác xuất hiện quanh đồng hồ là những chỉ báo để hỗ trợ cho việc xác định chu kỳ kinh tế, ví dụ: “giai đoạn Giữa hồi phục kinh tế” có các dấu hiệu gồm tài nguyên tăng, cổ phiếu giá trị tăng, các trái phiếu liên kết lạm phát tăng.
Dưới đây trình bày về Các lĩnh vực chiếm ưu thế (là các lĩnh vực mà cổ phiếu có thể tăng giá tốt hơn phần còn lại) trong mỗi giai đoạn thị trường và giai đoạn của chu kỳ kinh tế nhất định. Thị trường được thể hiện đầu tiên, thứ hai là kinh tế, và thứ ba là các tín hiệu của giai đoạn kinh tế.
  1. Hàng tiêu dùng không theo chu kỳ: Đầu tư ở đầu giai đoạn thị trường gấu, tương ứng cuối giai đoạn kinh tế phục hồi; Tín hiệu: dự trữ ngoại hối gia tăng, Cổ phiếu vốn hoá lớn tăng giá, hàng hoá tăng giá.
  2. Hàng tiêu dùng theo chu kỳ (lâu bền hoặc không lâu bền): Đầu tư ở Cuối giai đoạn thị trường gấu, tương ứng đỉnh của chu kỳ kinh tế (đầu giai đoạn suy thoái kinh tế); Tín hiệu: tỷ lệ lãi suất tăng và trái phiếu chính phủ ngắn hạn tăng.
  3. Chăm sóc sức khoẻ: đầu tư ở giai đoạn đầu thị trường gấu, tương ứng cuối giai đoạn kinh thế phục hồi; Tín hiệu: dự trữ ngoại hối tăng, Cổ phiếu vốn hoá lớn tăng, và hàng hoá tăng.
  4. Tài chính: chiếm ưu thế trong 2 giai đoạn:
    • Cuối giai đoạn thị trường Gấu, tương ứng đỉnh chu kỳ kinh tế (giai đoạn đầu suy thoái kinh tế); Tín hiệu: tỷ lệ thất nghiệp tăng và trái phiếu doanh nghiệp tăng.
    • Giai đoạn đầu thị trường bò tót tương ứng giai đoạn cuối suy thoái kinh tế; Tín hiệu: tỷ lệ lãi suất tăng (ND-sau khi lãi suất đã được cắt giảm sâu để hỗ trợ kinh tế giai đoạn trước đó) và trái phiếu chính phủ ngắn hạn tăng.
  5. Công nghệ: đầu tư từ phần giữa của giai đoạn đầu thị trường bò tót đến giữa thị trường bò tót, tương ứng đầu giai đoạn kinh tế hồi phục; Tín hiệu: tỷ lệ lãi suất rơi (falling), trái phiếu rác tăng, và các cổ phiếu vốn hoá nhỏ tăng.
  6. Công nghiệp cơ bản: đầu tư ở giai đoạn cuối của thị trường bò tót, tương ứng trước của giai đoạn giữa phục hồi kinh tế; Tín hiệu: tỷ lệ lãi suất rơi (falling) và các cổ phiếu tăng giá.
  7. Tư liệu sản xuất: ĐT từ giai đoạn giữa đến giai đoạn cuối thị trường bò tót, tương ứng từ đầu giai đoạn kinh tế hồi phục đến giữa giai đoạn kinh tết phục hồi; Tín hiệu: tỷ lệ lãi suất rơi và cổ phiếu tăng.
  8. Vận tải: ĐT ở đầu thị trường bò tót, tương ứng cuối suy thoái kinh tế; Tín hiệu: thất nghiệp tăng và trái phiếu doanh nghiệp tăng.
  9. Lĩnh vực năng lượng: đầu tư ở Đỉnh thị trường chứng khoán, tương ứng với giai đoạn Giữa chu kỳ kinh tế hồi phục; Tín hiệu: tài nguyên tăng, cổ phiếu giá trị tăng, các trái phiếu liên kết lạm phát tăng (inflation linked bonds hay inflation-indexed bonds, là loại trái phiếu bảo đảm suất sinh lợi cao hơn tỷ lệ lạm phát nếu nó được nắm giữ cho đến đáo hạn).
  10. Lĩnh vực tiện ích: đầu tư từ đầu đến giữa thị trường con gấu, tương ứng với cuối chu kỳ kinh tế hồi phục; Tín hiệu: bất động sản tăng.
  11. Kim loại quý: đầu tư nhóm này ở giai đoạn đỉnh thị trường chứng khoán, tương ứng giai đoạn giữa phục hồi kinh tế; Tín hiệu: Tài nguyên tăng, Các cổ phiếu giá trị tăng, và các trái phiếu liên kết lạm phát tăng.
GIẢI THÍCH THÊM VỀ CÁC NHÓM NGÀNH TRONG BIỂU ĐỒ CHU KỲ THỊ TRƯỜNG VÀ CHU KỲ KINH TẾ 
1. Ngành hàng tiêu dùng không theo chu kỳ (Consumer non-Cyclicals):
Hay còn gọi là cổ phiếu phòng thủ, hoạt động tốt trong suy thoái kinh tế do nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ trong nhóm này vẫn tiếp diễn bất kể nền kinh tế thế nào. Cổ phiếu không theo chu kỳ đại diện cho những mặt hàng và dịch vụ mà người tiêu dùng và doanh nghiệp không thể không có. Nếu nền kinh tế đột ngột lao dốc, mọi người vẫn cần những vật dụng thiết yếu. Khi nền kinh tế đang tăng trưởng, các cổ phiếu này có xu hướng bị tụt lại phía sau. Tuy nhiên, trong thời kỳ suy thoái kinh tế, mức tăng ổn định của chúng là cần thiết cho các nhà đầu tư. Đây là những hàng hóa thiết yếu và được coi là một chiến thuật phòng thủ bởi vì các nhà đầu tư vẫn sẽ tạo ra lợi nhuận ngay cả trong một thời kỳ kinh tế ở đáy suy thoái.
2. Ngành hàng tiêu dùng theo chu kì (Consumer cyclicals):
Bao gồm những ngành như sản xuất ô tô, nhà đất, giải trí, và bán lẻ. Những ngành này cũng có thể được chia ra thành hai nhóm là hàng tiêu dùng lâu bền và hàng tiêu dùng không lâu bền. Hàng tiêu dùng theo chu kì lâu bền bao gồm những tài sản vật chất như dụng cụ hay xe cộ, còn hàng tiêu dùng theo chu kì không lâu bền là những sản phẩm mà con người tiêu thụ nhanh như quần áo hay thức ăn.
Hiểu rõ hơn về ngành hàng tiêu dùng theo chu kì
Hiệu quả hoạt động của ngành hàng tiêu dùng theo chu kì liên quan mật thiết đến tình trạng của nền kinh tế. Nó đại diện cho những hàng hóa và dịch vụ không cần thiết và được mua tùy theo sở thích. Trong giai đoạn kinh tế thu hẹp hay suy thoái, người dân thường không có thu nhập dư dả để mua sắm những hàng tiêu dùng theo chu kì này. Còn khi nền kinh tế đang mở rộng hay bùng nổ, thì doanh thu của những sản phẩm này sẽ tăng do chi tiêu dành cho những nhu cầu này tăng.
Sự nhạy cảm trong chi tiêu tiêu dùng.
Các công ty hàng tiêu dùng theo chu kì, hay còn gọi là công ty hàng tiêu dùng tùy ý, sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động trong chi tiêu tiêu dùng. Chi tiêu tiêu dùng bị tác động bởi các yếu tố trong nền kinh tế như lãi suất, lạm phát, tỉ lệ thất nghiệp và mức tăng trưởng thu nhập.
Khi tình hình nền kinh tế chuẩn bị xấu đi thì người tiêu dùng ít sẵn sàng để chi tiền cho những sản phẩm không thiết yếu như ti vi màn hình phẳng, du lịch hay quần áo mới, xe mới.
Niềm tin người tiêu dùng là một thước đo quan trọng trong thái độ chi tiêu của người tiêu dùng. Một sự sụt giảm trong chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) thường là dự báo cho một sự sụt giảm trong chi tiêu tiêu dùng của những loại hàng hóa không thiết yếu.
6. Công nghiệp cơ bản (hay công nghiệp nặng) – Basic industry:
Lĩnh vực công nghiệp cơ bản hay vật liệu cơ bản là loại cổ phiếu của các công ty tham gia vào việc phát hiện, phát triển và xử lý nguyên liệu thô. Lĩnh vực này bao gồm khai thác và tinh chế kim loại, các sản phẩm hóa học và lâm sản. Lĩnh vực vật liệu cơ bản rất nhạy cảm với những thay đổi trong chu kỳ kinh doanh. Bởi vì các công ty trong lĩnh vực này cung cấp vật liệu cho xây dựng, chúng phụ thuộc vào một nền kinh tế mạnh.
7. Tư liệu sản xuất (capital goods):
Còn được gọi là “industrial sector”. Tư liệu sản xuất là tài sản hữu hình mà một doanh nghiệp sản xuất và sau đó được một doanh nghiệp thứ hai sử dụng để sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ tiêu dùng. Tư liệu sản xuất bao gồm các tài sản hữu hình, như các tòa nhà, máy móc, thiết bị, phương tiện và công cụ mà một tổ chức sử dụng để sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ.
Cổ phiếu tư liệu sản xuất là nhóm cổ phiếu sản xuất kinh doanh các tư liệu sản xuất. Các lĩnh vực của nhóm này đa dạng, bao gồm các công ty sản xuất máy móc dùng để tạo ra tư liệu sản xuất, thiết bị điện, hàng không vũ trụ và quốc phòng, kỹ thuật và dự án xây dựng. Hiệu suất của lĩnh vực Tư liệu sản xuất rất nhạy cảm với những biến động trong chu kỳ kinh tế. Bởi vì nó phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất, lĩnh vực này hoạt động tốt khi nền kinh tế đang bùng nổ hoặc mở rộng. Khi điều kiện kinh tế trở nên tệ hơn, nhu cầu về tư liệu sản xuất giảm xuống, thường làm giảm giá cổ phiếu trong ngành.
9. Ngành năng lượng (energy sector):
Là nhóm các cố phiếu có liên quan đến hoạt động sản xuất và cung cấp năng lượng. Ngành năng lượng gồm những công ty tham gia vào việc khảo sát và phát triển trữ lượng dầu khí, khoan lắp dầu khí và lọc dầu. Ngành năng lượng cũng bao gồm các công ty điện năng tích hợp như năng lượng tái tạo và than đá.
Hiểu rõ hơn về ngành năng lượng
Ngành năng lượng là một khái niệm lớn và bao trùm, dùng để diễn tả mạng lưới phức tạp và tương quan giữa các công ty trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất và phân phối năng lượng cần thiết cho nền kinh tế, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và vận chuyển.
Các công ty trong ngành năng lượng có liên quan đến nhiều loại năng lượng khác nhau. Phần lớn thì những công ty năng lượng thường được phân loại dựa trên nguồn của dạng năng lượng mà họ sản xuất; và thường rơi vào một trong hai nhóm sau:
  • Năng lượng không tái tạo: – Dầu mỏ – Khí tự nhiên – Xăng – Dầu diesel – Dầu đốt – Hạt nhân
  • Năng lượng tái tạo: – Thủy điện – Nhiên liệu sinh học, như là ethanol – Năng lượng gió – Năng lượng mặt trời
Ngành năng lượng cũng bao gồm các nguồn thứ cấp như là điện. Giá năng lượng – cùng với hiệu suất lợi nhuận của công ty sản xuất năng lượng – bị tác động chủ yếu bởi lượng cung cầu năng lượng trên toàn thế giới.
Công ty sản xuất dầu khí thường hoạt động tốt trong các giai đoạn giá cả dầu khí leo thang. Tuy nhiên, các công ty năng lượng thường bị giảm thu nhập khi giá hàng hóa năng lượng giảm.
Ngược lại, những công ty lọc dầu hưởng lợi từ việc giảm thiểu chi phí nguyên liệu để sản xuất thành phẩm dầu như là xăng, khi giá dầu thô giảm. Ngoài ra, ngành năng lượng cũng nhạy cảm với các sự kiện chính trị mà trong quá khứ đã nhiều lần dẫn đến biến động lớn trên giá dầu.
Mỗi loại công ty trong ngành năng lượng đều có vai trò riêng trong việc mang năng lượng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một số loại công ty trong ngành năng lượng bao gồm: Khoan lắp và sản xuất dầu khí, bọc ống và lọc dầu, dịch vụ công cộng điện và khí tự nhiên, công ty khai thác, năng lượng tái tạo, hóa chất.
10. Ngành tiện ích (Utilities sector):
Là một tập hợp các công ty cung cấp những tiện nghi cơ bản như điện, nước, khí tự nhiên, dịch vụ chất thải và đập ngăn nước. Và dù cho ngành tiện ích kiếm được lợi nhuận, nhưng chúng vẫn là một phần của cảnh quan công cộng nên được kiểm soát rất chặt chẽ. Nhà đầu tư thường xem ngành tiện ích là khoản nắm giữ dài hạn và sử dụng chúng để vun đắp thêm dòng thu nhập cố định cho danh mục đầu tư của họ.
Hiểu rõ hơn về ngành tiện ích
Ngành tiện tích thường cho nhà đầu tư những khoản cổ tức đều và ổn định, cùng với mức dao động giá tương đối thấp hơn thị trường cổ phiếu chung. Vì các lí do này, ngành tiện ích thường hoạt động tốt trong những giai đoạn suy thoái. Ngược lại, các cổ phiếu tiện ích thường không được thị trường ưa chuộng trong những thời kì kinh tế tăng trưởng.
Có nhiều loại hình công ty tiện ích đang hiện hữu, bao gồm các doanh nghiệp lớn cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau như điện và khí tự nhiên. Những công ty tiện ích khác có thể chỉ chuyên một loại hình dịch vụ, như là nước. Một số doanh nghiệp tiện ích khác thì dựa trên nguồn năng lượng sạch và tái tạo như tua bin gió và pin mặt trời, để sản xuất điện.
Nhìn chung nhóm ngành này được phân thành bốn mảng cung ứng là:
  • Công ty phát điện: Hoạt động là tạo ra năng lượng điện.
  • Công ty vận hành mạng năng lượng: Là các công ty vận hành đường dây, mạng lưới địa phương và mạng lưới phân phối, bán quyền truy cập vào mạng lưới của họ cho các công ty bán lẻ dịch vụ.
  • Công ty tiếp thị và giao dịch năng lượng: Bằng cách mua và bán các hợp đồng tương lai năng lượng, công cụ phái sinh và tạo ra những “sản phẩm được cơ cấu” phức tạp; những công ty này hỗ trợ bảo đảm cho các doanh nghiệp tiện ích và sử dụng nhiều năng lượng một nguồn cung điện ổn định và có mức giá được báo trước.
  • Công ty cung cấp và bán lẻ năng lượng.
Bài được tổng hợp từ nhiều nguồn bởi Khúc Ngọc Tuyên (Mr)


Trưởng phòng Môi giới SSI THĐ 05
Nhận tư vấn đầu tư – Hỗ trợ mở tài khoản chứng khoán
Điện thoại/zalo: 0989591288
Facebook: facebook.com/ngoctuyen.khuc
Đăng ký mở tài khoản: https://forms.gle/6VR6XvLQ7iCXoAoCA

Trả lời