CTCP Nhựa Tiền Phong (NTP), với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nhựa xây dựng, được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ bối cảnh thị trường đầy tiềm năng trong năm 2025. Các yếu tố như sự phục hồi của thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt tại miền Bắc, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ và giá hạt nhựa nguyên liệu duy trì ở mức thấp, hứa hẹn sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho NTP.
Sự phục hồi bất động sản miền Bắc và cú hích đầu tư công thúc đẩy nhu cầu
Theo đánh giá của Vietcap, nhu cầu tiêu thụ nhựa xây dựng dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện đáng kể trong năm 2025 nhờ hai yếu tố chính:
- Sự phục hồi của thị trường bất động sản: Đặc biệt tại miền Bắc, thị trường tiêu thụ chủ lực của NTP, nguồn cung căn hộ sơ cấp dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-2027. Điều này sẽ trực tiếp thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm ống nhựa xây dựng của NTP.
- Đẩy mạnh đầu tư công: Chính phủ đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 lên 875 nghìn tỷ đồng, tăng 37.7% so với ước giải ngân năm 2024. Mục tiêu giải ngân 100% ngân sách đầu tư công trong năm 2025, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, sẽ tạo ra một “cú hích” lớn cho nhu cầu vật liệu xây dựng, trong đó có ống nhựa. Nhu cầu nhựa xây dựng trong đầu tư công tập trung chủ yếu vào ống nhựa HDPE cấp thoát nước cho các dự án hạ tầng đô thị và bảo vệ cáp điện, viễn thông tại các dự án đường cao tốc. Với kế hoạch hoàn thành 1,188 km đường bộ cao tốc trong năm 2025 (gấp 10 lần năm 2024) và tăng trưởng giá trị xây dựng nước dự kiến đạt CAGR 7.04% (2019-2026), NTP với thế mạnh ở mảng ống nhựa hạ tầng HDPE được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng này.
Giá hạt nhựa nguyên liệu thấp hỗ trợ biên lợi nhuận gộp
Một yếu tố quan trọng khác tạo điều kiện thuận lợi cho NTP là giá hạt nhựa nguyên liệu đầu vào dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2025. Điều này được lý giải bởi:
- Nhu cầu tiêu thụ nhựa xây dựng yếu tại Trung Quốc: Thị trường bất động sản ảm đạm tại Trung Quốc, quốc gia chiếm 50% sản lượng sản xuất và tiêu thụ PVC toàn cầu, sẽ kìm hãm nhu cầu tiêu thụ nhựa xây dựng.
- Giá dầu thô thấp: Hạt nhựa PE và PVC có sự tương quan thuận chiều với giá dầu thô. Giá dầu thô đã giảm đáng kể từ đầu năm 2025 và dự báo trung bình năm 2025 sẽ giảm 18% so với năm trước do khả năng tăng sản lượng khai thác tại Mỹ và các nước ngoài OPEC, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm do căng thẳng thương mại toàn cầu.
Với chi phí nguyên liệu nhựa chiếm khoảng 70% cơ cấu chi phí sản xuất của NTP, việc giá hạt nhựa neo ở mức thấp sẽ trực tiếp hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của công ty trong năm 2025.
NTP có chiến lược quản lý hàng tồn kho thông minh, tận dụng chu kỳ giá PVC để tối ưu lợi nhuận. PVC là nguyên liệu chính, chiếm 70% chi phí sản xuất, nên khi giá giảm, NTP thường mua vào với giá thấp để cải thiện biên lợi nhuận gộp (LNG). Trong Q3/2022, NTP đã gom mạnh PVC khi giá chạm đáy, giúp LNG phục hồi nhanh chóng.
Chiến lược này lặp lại vào T5 – T9/2024, khi NTP giảm HTK trong Q1 – Q2/2024 để xả hàng cũ, rồi mua lại lượng lớn PVC giá rẻ vào Q3/2024, khiến cổ phiếu tăng 92%.
Hiện tại, Q3 – Q4/2024 lại ghi nhận HTK giảm, doanh thu và biên LNG sụt giảm, gợi ý rằng NTP có thể tiếp tục gom hàng giá rẻ trong Q1/2025. Dữ liệu HTK Q1/2025 tăng, đây có thể là dấu hiệu cho một chu kỳ tăng trưởng mới, tương tự T5 – T9/2024.
Kết quả Q1/2025 ấn tượng, vượt xa kỳ vọng
Doanh thu quý 1/2025 của NTP đạt 1,300 tỷ đồng, tăng mạnh 36% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp việc giảm cường độ chính sách khuyến mại (chi phí bán hàng giảm 3% svck). Kết quả kinh doanh khả quan này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ nhựa xây dựng, đặc biệt tại thị trường miền Bắc.
Với việc hoàn thành 21.8% kế hoạch doanh thu năm 2025 trong quý 1 (thường là giai đoạn thấp điểm, đóng góp trung bình 17-21% tổng doanh thu), Vietcap đánh giá NTP đang có tiến độ bán hàng tích cực và có khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu đã đề ra.
Lợi nhuận trước thuế (LNTT) quý 1/2025 của NTP đạt 254 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 94% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng doanh thu và các khoản lãi tiền gửi tăng mạnh (+135% svck) trong khi chi phí bán hàng giảm.
Kết thúc quý 1, NTP đã hoàn thành 37% kế hoạch LNTT năm 2025. Đáng chú ý, NTP thường đặt kế hoạch LNTT thấp hơn so với thực hiện (từ 7-60% trong giai đoạn 2019-2024), ngay cả trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 và khủng hoảng thị trường BĐS. Điều này cho thấy NTP hoàn toàn có khả năng vượt kế hoạch LNTT năm 2025 nhờ bối cảnh ngành thuận lợi.
Elibook Team cho rằng, NTP thỏa tiêu chí Code 33, khi tăng trưởng doanh thu tăng tốc từ -8% lên +34% yoy, trong khi LNST trong 3 quý gần nhất lần lượt tăng trưởng +16%, +32% và +94% yoy. Biên lợi nhuận ròng mở rộng từ 14.3% lên 16.7%.
Cổ phiếu NTP đỗ nhiều tiêu chí CANSLIM cho một cổ phiếu tăng trưởng. Trong 3 năm gần nhất, tăng trưởng lợi nhuận ròng của NTP cũng tăng tốc lần lượt là +3%, +17% và +32% yoy.
Trên đồ thị, RS của NTP là 90, nằm trong số các cổ phiếu hoạt động tốt nhất trên thị trường. Sau khi breakout Chiếc Cốc ở điểm mua 70,000 đồng, NTP đang kiểm tra lại EMA 21 ngày mở ra cơ hội mua bổ sung.
NTP liên tục nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC (37.1% cổ phần) kể từ 2017, tuy nhiên thương vụ này đến nay vẫn chưa được thực hiện. Vietcap cho rằng việc SCIC thoái vốn thành công sẽ mở đường cho các nhà đầu tư mới tham gia vào công ty, bao gồm các nhà đầu tư chiến lược.
Điều này có thể giúp tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, tăng khả năng tiếp cận vốn và tăng trưởng trong thời gian tới của doanh nghiệp. NTP tiếp tục nằm trong danh sách bán vốn đợt 1/2025 của SCIC nhưng kế hoạch thoái vốn chi tiết hiện chưa được công bố.