Sự cố lò cao tại Hòa Phát: Tác động hạn chế, cơ hội mua vào?

Thông tin về sự cố xảy ra tại một trong tám lò cao của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vào ngày 8/5 vừa qua đã gây chú ý trên thị trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty chứng khoán HSC, tác động của sự cố này đến sản lượng thép thô năm 2025 của HPG được cho là không đáng kể. Thậm chí, HSC vẫn duy trì khuyến nghị mua vào đối với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 39,200 đồng (tiềm năng tăng giá +52%), cho rằng đây có thể là cơ hội hợp lý để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng.

Chi tiết sự cố và đánh giá tác động ban đầu

Theo HSC, sự cố xảy ra tại một lò cao thuộc Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 1 (DQSC 1), có công suất thiết kế 1.4 triệu tấn/năm. Các chuyên gia đang tiến hành kiểm tra để đưa ra phương án xử lý, và trong kịch bản xấu nhất, lò cao này có thể phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa trong vài tuần.

Với tổng công suất sản xuất hiện tại của HPG đạt 11.7 triệu tấn/năm từ các nhà máy ở Hải Dương, DQSC 1, DQSC 2 và Hưng Yên, sự cố tại lò cao DQSC 1 có thể ảnh hưởng đến khoảng 4.3% sản lượng dự kiến năm 2025 của HPG trong kịch bản tiêu cực nhất (ước tính sản lượng bị ảnh hưởng khoảng 500,000 tấn).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG có lúc giảm hơn -3% vào ngày 12.5.2025 do ảnh hưởng của tin đồn cháy lò cao có thể làm gián đoạn sản xuất 6 tháng. Việc ban lãnh đạo nhanh chóng đính chính thông tin khiến cổ phiếu HPG rút chân và chỉ còn giảm chưa tới -1% khi đóng phiên.

Các giải pháp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sản lượng

Tuy nhiên, HSC tin rằng HPG có thể triển khai một số chiến lược để giảm thiểu đáng kể tác động tiêu cực từ sự cố này:

  • Tăng công suất vận hành tại các cơ sở hiện có: Các nhà máy khác của HPG hiện đang hoạt động ở mức công suất tối đa, và việc duy trì hiệu suất cao sẽ giúp bù đắp phần sản lượng bị thiếu hụt.
  • Đẩy nhanh công suất lò cao số 2 tại DQSC 2: Lò cao số 2 tại DQSC 2, mới bắt đầu vận hành thương mại từ tháng 3/2025, hiện đang hoạt động ở mức 70-80% công suất. Việc nâng công suất lò này lên mức tối đa có thể giúp tăng thêm 200,000-300,000 tấn sản lượng trong thời gian lò cao bị sự cố ngừng hoạt động.
  • Đưa lò cao số 2 DQSC 2 vào vận hành sớm hơn dự kiến: HPG kỳ vọng lò cao số 2 DQSC 2 sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025. Nếu tiến độ được đẩy nhanh và có thể vận hành từ tháng 10/2025, sản lượng bổ sung trong giai đoạn chạy thử có thể đạt tới 500,000 tấn.
  • Chuyển trọng tâm bán hàng: HPG có thể chủ động điều chỉnh cơ cấu sản xuất và chuyển hướng bán hàng từ phôi thép sang các sản phẩm thép thành phẩm (như thép xây dựng, HRC) để phù hợp với nhu cầu thị trường trong giai đoạn này và giảm thiểu tác động đến doanh thu.

Với các giải pháp này, HSC ước tính HPG có thể tạo thêm từ 700,000 đến 800,000 tấn sản lượng, hoàn toàn bù đắp được lượng thiếu hụt tối đa 500,000 tấn trong kịch bản tiêu cực nhất. Do đó, tác động đến sản lượng năm 2025 của HPG được đánh giá là hạn chế, với giả định công ty quản lý hiệu quả hoạt động của 7 lò cao còn lại và đảm bảo tiến độ xây dựng lò cao số 2 tại DQSC 2.

Duy trì khuyến nghị Mua vào và đánh giá cơ hội đầu tư

HSC vẫn duy trì khuyến nghị Mua vào đối với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu không đổi là 39,200 đồng/cp (tiềm năng tăng giá 53%). Theo HSC, mục tiêu sản xuất 11 triệu tấn thép thô năm 2025 của HPG (tăng trưởng 36%) vẫn có khả năng đạt được, thậm chí cao hơn dự báo 10 triệu tấn trước đó của HSC.

Do đó, sự cố này không được xem là rủi ro đáng kể đối với lợi nhuận và doanh thu dự kiến năm 2025 (lợi nhuận thuần 17 nghìn tỷ đồng, tăng 41.2%; doanh thu thuần 164,800 tỷ đồng, tăng 18.6%).

Chi phí sửa chữa lò cao, dù chưa được xác định cụ thể, được HSC đánh giá là không đáng lo ngại và có khả năng sẽ được chia sẻ bởi các bên liên quan như nhà thầu và đơn vị bảo hiểm.

Hiện tại, HPG đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 9.3 lần, thấp hơn bình quân 5 năm (11.9 lần), cho thấy mức định giá hấp dẫn trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận tích cực và tiềm năng hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công cũng như công suất vận hành mới.

Mặc dù tâm lý thị trường có thể bị ảnh hưởng tạm thời bởi thông tin sự cố, HSC cho rằng đây là cơ hội hợp lý để nhà đầu tư mua vào cổ phiếu HPG.

HSC lạc quan hơn so với các công ty chứng khoán khác.

Trước đó, CTCK MBS (30.4.2025) đưa ra giá mục tiêu đối với cổ phiếu HPG là 33,000 đồng, dựa trên kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2025 và 2026 tăng lần lượt là 42% và 31% so với cùng kỳ.

HPG: Sản lượng tiêu thụ HRC dự kiến tăng mạnh 50% trong năm 2025, giá HRC tăng +4% yoy

 BVSC (27.4.2025) hạ giá mục tiêu HPG từ 37,000 đồng/cổ phiếu xuống còn 35,500 đồng/cổ phiếu, duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu HPG, với mức tiềm năng tăng trưởng +39% so với mức giá hiện tại. Tương ứng, BVSC điều chỉnh giảm dự phóng Doanh Thu và LNST của HPG trong 2025 từ mức 176 nghìn tỷ đồng và 15,300 tỷ đồng xuống còn 171 nghìn tỷ đồng và 14,300 tỷ đồng.

Elibook Team vẫn duy trì khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu HPG. Hiện cổ phiếu đang trong sự kiện Test (Kiểm tra) sau sự kiện Shakeout (Rũ Bỏ) ở pha C.

Sau tin đồn về cháy lò cao ngày 12.5.2025, HPG hình thành điểm mua Pin Bar.

Elibook Team cho rằng cổ phiếu HPG đang dần trở thành cổ phiếu tăng trưởng. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận quý 1.2025 là +17%yoy, và cao hơn dự đoán của các nhà phân tích khoảng 5%-7%.

Trên đồ thị HPG có RS=47 nằm trong số các cổ phiếu hoạt động ở mức trung bình trên thị trường. HPG có tăng trưởng lợi nhuận +77% yoy vào năm 2024 và đang đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao +25%yoy trong năm 2025, nhưng các CTCK đang nâng dự phóng lợi nhuận lên mức cao, trên +40% yoy.

Trả lời