Vấn đề chuyển tải hàng hóa khiến Washington tức giận trong cuộc chiến thuế quan với Bắc Kinh
Việt Nam, Indonesia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bắc Kinh, khi khu vực này chịu áp lực ngày càng tăng trong việc trấn áp hoạt động chuyển tải hàng hóa Trung Quốc khi bước vào các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực này đã tăng hơn 20% trong tháng trước, bù đắp cho sự sụt giảm trong thương mại Mỹ-Trung và nhấn mạnh những cáo buộc từ chính quyền Trump rằng các quốc gia ở Đông Nam Á đang giúp các nhà sản xuất Trung Quốc tránh thuế trừng phạt.
Các quan chức và chuyên gia thương mại cho biết, hoạt động này, được gọi là chuyển tải (trans-shipment), đã trở thành một vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán với Mỹ, khi chính quyền Trump yêu cầu các quốc gia trong khu vực phải trấn áp để được giảm bớt một số mức thuế cao nhất áp dụng cho các đối tác thương mại của Mỹ.
Sharon Seah, điều phối viên của trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Viện Nghiên Xứu Đông Nam Á (Iseas-Yusof Ishak Institute) của Singapore, cho biết: “Đông Nam Á đang chịu nhiều áp lực hơn các khu vực khác trên thế giới… vì vấn đề ‘rửa xuất xứ'”.
“Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng [khu vực] như một cửa sau để tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Mỹ.”
Các quốc gia trong khu vực đang hy vọng vào các cuộc đàm phán tiếp theo với Đại Diện Thương Nại Mỹ Jamieson Greer tại cuộc họp các phái viên thương mại của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Hàn Quốc trong tuần này, sau khi Washington và Bắc Kinh tuyên bố ngừng bắn tạm thời trong cuộc chiến thương mại vào thứ Hai.
Nhiều công ty lắp ráp các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc ở các nước thứ ba tại Đông Nam Á, hoặc gia tăng đủ giá trị cho sản phẩm để thay đổi hợp pháp xuất xứ của chúng. Tuy nhiên, một số chỉ đơn thuần dán nhãn lại sản phẩm mà không có bất kỳ giá trị gia tăng nào, một hành vi bất hợp pháp nhưng khó bị phát hiện.
Việt Nam đã bị giám sát chặt chẽ nhất. Quốc gia này, có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ sau Trung Quốc và Mexico, đã nổi lên như một cường quốc sản xuất trong những năm kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump khi sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc. Việt Nam đã bị các quan chức Mỹ nhiều lần chỉ đích danh vì cho phép chuyển tải, và đã bị áp mức thuế 46% trong đợt tấn công thuế quan “ngày giải phóng” của Trump vào đầu tháng Tư, trước khi được hoãn 90 ngày.
Theo Adam Sitkoff, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói với các giám đốc điều hành Mỹ trong một cuộc họp tuần này rằng Washington đã nhấn mạnh vấn đề chuyển tải trong các cuộc đàm phán thuế quan. Sitkoff nói: “Ưu tiên hàng đầu của phía Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại này dường như là vấn đề chuyển tải.” Ông nói thêm rằng Việt Nam đã tăng cường nỗ lực trấn áp hoạt động chuyển tải bất hợp pháp.
Kể từ khi Trump công bố thuế quan “đối ứng”, Indonesia, Thái Lan và Malaysia cũng đã hứa sẽ tăng cường giám sát các hoạt động chuyển tải.
Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đã tổ chức các cuộc đàm phán thương mại ban đầu với Mỹ và đã cam kết tăng cường mua hàng hóa Mỹ và giảm các rào cản phi thuế quan. Những lo ngại này đã được nêu bật vào tuần trước khi dữ liệu hải quan tháng 4 của Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của Bắc Kinh sang Đông Nam Á đã tăng 21%, gần bằng mức giảm xuất khẩu sang Mỹ.
Mức tăng mạnh nhất là ở Việt Nam, Indonesia và Thái Lan, mà các nhà phân tích cho rằng phản ánh việc các công ty Trung Quốc chuyển hàng hóa cho Mỹ thông qua các nước thứ ba. Mặc dù Mỹ đã đồng ý giảm thuế bổ sung đối với Trung Quốc xuống khoảng 30% trong 90 ngày theo thỏa thuận được công bố trong tuần này, nhưng các mức thuế còn lại của họ cao hơn nhiều so với mức 10% hiện đang áp dụng cho các nước Đông Nam Á cho đến tháng 7.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Đông Nam Á, yêu cầu giấu tên, cho biết Mỹ đã nói rõ trong các cuộc đàm phán thuế quan rằng họ sẽ không chấp nhận “bất kỳ quốc gia nào khác ‘ăn theo’” các thỏa thuận song phương. Quan chức này, người tham gia các cuộc đàm phán với Washington, nói: “Quy tắc xuất xứ là một vấn đề lớn đối với Mỹ.”
Tuy nhiên, quan chức này nói thêm, các chính phủ trong khu vực sẽ thận trọng trong việc hành động trực tiếp chống lại các công ty Trung Quốc vì sợ làm Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất của hầu hết các nước Đông Nam Á, những nước này sẽ cố gắng tránh bị buộc phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh. Việt Nam và Indonesia đều tự hào duy trì chính sách đối ngoại không liên kết – mà Việt Nam gọi là “ngoại giao cây tre” – cho phép họ cân bằng mối quan hệ chặt chẽ với cả Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng quan chức này cho biết, một số quốc gia “chắc chắn sẽ phải đưa ra lựa chọn”.
Seah tại viện Iseas cho biết các nước Đông Nam Á sẽ cố gắng thể hiện sự trung lập thay vì “chọn phe, nhưng khi một ngành công nghiệp cụ thể đáng được bảo vệ vì lợi ích quốc gia của họ, họ có thể phải làm vậy”.
Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich, lưu ý rằng bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Trump nhằm loại bỏ hàm lượng Trung Quốc khỏi hàng hóa có xuất xứ từ Đông Nam Á sẽ rất khó khăn vì chuỗi cung ứng trong khu vực cũng được tích hợp chặt chẽ.
Bà nói: “Nếu bạn bị yêu cầu giảm bớt hoặc loại bỏ hàm lượng Trung Quốc và áp dụng các quy tắc xuất xứ rất nghiêm ngặt, điều đó sẽ trở nên phức tạp. Các chính phủ sẽ phải đưa ra một tính toán chính trị và một tính toán kinh tế. Nếu Mỹ đi theo con đường cụ thể này, thì [họ] đang yêu cầu các quốc gia đó phải lựa chọn một cách rõ ràng.”
Theo Financial Times, link gốc
Đọc thêm: