Sự kiện Vinpearl (VPL) chính thức vượt qua những “ông lớn” như Hòa Phát và FPT về vốn hóa trên sàn HOSE, đạt mức 187,400 tỷ đồng (7.23 tỷ USD), đã gây ấn tượng mạnh mẽ trên thị trường. Điều này không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu của VPL trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và giải trí mà còn cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phát triển mạnh mẽ của công ty trong tương lai. Tuy nhiên, các dự phóng của SSI cho thấy VPL chỉ lãi 1,680 tỷ trong năm 2025 (-34% yoy) và 2,590 tỷ trong năm 2026 (+59% yoy), với mảng cốt lõi là khách sạn và giải trí chỉ mới bắt đầu trở lại lãi gộp từ năm 2024, thì liệu VPL có đắt khi so sánh lợi nhuận hàng chục nghìn tỷ đồng của HPG, FPT, hay MBB?
Việc niêm yết Vinpearl sẽ nâng tỷ trọng nhóm cổ phiếu thuộc Tập đoàn Vingroup trong chỉ số VN-Index từ khoảng 11% lên 13.5%.
Việc VPL vươn lên vị trí thứ 7 về vốn hóa trên sàn HOSE, vượt qua nhiều tên tuổi quen thuộc như VPBank, PV Gas, MB, Vinamilk, ACB…, khiến VPL đang nổi lên như một “blue-chip” mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, Vietcap cho rằng, định giá hiện tại có phần cao hơn so với các đối thủ. Với mức giá tham chiếu ban đầu là 71,300 đồng/cổ phiếu, P/E dự phóng năm 2025/26 của VPL lần lượt là 73.1x/55.6x, P/B là 3.3x/3.2x và P/S là 9.0x/7.8x. So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực, VPL đang giao dịch với P/E và P/S cao hơn, và P/B thấp hơn nhẹ so với mức trung vị.
Vinpearl (VPL): Đón sóng phục hồi du lịch, kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng hậu niêm yết
Dự báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đầy hứa hẹn
Theo dự báo của SSI (Công ty Chứng khoán SSI), Vinpearl dự kiến sẽ đạt doanh thu 13 nghìn tỷ đồng (-8% yoy) và LNST 1,680 tỷ đồng (-34% svck) trong năm 2025.
Mặc dù có sự sụt giảm nhẹ so với năm trước do quá trình tái cấu trúc kinh doanh, SSI vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong năm 2026 với doanh thu dự kiến đạt 15,400 tỷ đồng (+16% svck) và LNST đạt 2,590 tỷ đồng (+59% svck).
SSI kỳ vọng sự tăng trưởng này sẽ đến từ việc hoạt động kinh doanh khách sạn tiếp tục khởi sắc nhờ lượng khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc và Hàn Quốc, tăng mạnh. Bên cạnh đó, mảng công viên giải trí VinWonders cũng được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ấn tượng 10% trong giai đoạn 2025-2026.
Tái cấu trúc kinh doanh và lợi nhuận gộp phục hồi
Mặc dù doanh thu năm 2024 không tăng trưởng tương ứng với sự phục hồi của tỷ lệ lấp đầy khách sạn và lượng khách tham quan công viên giải trí do quá trình tái cấu trúc (chuyển nhượng hoặc đóng cửa một số cơ sở), điểm sáng là hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vinpearl đã ghi nhận lợi nhuận gộp trở lại sau giai đoạn khó khăn 2020-2023. Điều này cho thấy những nỗ lực tái cơ cấu đang mang lại những tín hiệu tích cực ban đầu.
Lợi thế cạnh tranh vượt trội và chiến lược phát triển “quần thể tiện ích toàn diện”
Vinpearl sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh đáng kể, bao gồm:
- Kinh nghiệm và uy tín từ Vingroup: Thừa hưởng kinh nghiệm quản lý dự án, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và uy tín thương hiệu Vingroup.
- Thị phần dẫn đầu: Chiếm thị phần lớn trong phân khúc khách sạn hạng sang, khu nghỉ dưỡng cao cấp (20%), công viên giải trí (35%) và sân golf (31%) tại các thành phố du lịch trọng điểm.
- Kinh nghiệm phát triển tổ hợp quy mô lớn: Có bề dày kinh nghiệm trong việc phát triển và vận hành các quần thể nghỉ dưỡng và giải trí tích hợp.
- Quỹ đất lớn và hệ thống khách sạn đa dạng: Sở hữu nhiều bất động sản du lịch tại các vị trí đắc địa với đa dạng thương hiệu (Vinpearl, Meliá Vinpearl, Marriott).
- Hệ sinh thái Vingroup: Hưởng lợi từ tập khách hàng rộng lớn của Vingroup thông qua các chương trình bán chéo sản phẩm.
- Mô hình tổ hợp hấp dẫn: Phát triển thành công mô hình quần thể nghỉ dưỡng giải trí tại Nha Trang và Phú Quốc, tương tự như Resorts World Sentosa và Disneyland.
Chiến lược phát triển chủ đạo của Vinpearl trong giai đoạn tới là mở rộng theo mô hình “quần thể tiện ích toàn diện” – xây dựng các điểm đến “tất cả trong một” với sự kết hợp giữa khách sạn, công viên giải trí, sân golf và các tiện ích khác.
Vinpearl có kế hoạch nhân rộng mô hình này tại các địa điểm tiềm năng như Cần Giờ (TP.HCM) và Hạ Long (Quảng Ninh), với mục tiêu tăng 40% số phòng khách sạn, mở rộng diện tích công viên giải trí thêm 65% và tăng gấp 4 lần số lượng sân golf 18 hố vào năm 2028.
Bên cạnh đó, Vinpearl cũng chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mới (MICE, du lịch y tế, du lịch âm nhạc), mở rộng thị trường quốc tế, tăng cường hiện diện trên các nền tảng trực tuyến và chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng trực tiếp hiệu quả hơn.
Mảng kinh doanh khách sạn và nghỉ dưỡng thường đóng góp khoảng 50% trong doanh thu từ hoạt động cốt lõi, với biên lợi nhuận EBITDA đạt 20% trong năm 2024 và được kỳ vọng sẽ tăng lên 28% vào năm 2025. Tính đến cuối năm 2024, Vinpearl trực tiếp quản lý 4,050 phòng lưu trú tại 8 dự án
Theo số liệu từ công ty, VinWonders đón khoảng 7 triệu lượt khách mỗi năm. Mảng này đóng góp khoảng 40% trong doanh thu từ hoạt động cốt lõi và đạt biên lợi nhuận EBITDA lên tới 57%. Biên lợi nhuận vẫn còn dư địa tăng nhờ mức giá vé hiện tại vẫn tương đối hợp lý so với đối thủ trong khu vực.
Tiềm năng từ mảng bất động sản không cốt lõi
Hoạt động bán các sản phẩm bất động sản (shophouse, biệt thự) tại các điểm đến du lịch của Vinpearl mang lại lợi nhuận cao và dự kiến đóng góp đáng kể vào doanh thu trong năm 2025 (2,800 tỷ đồng từ dự án Vinpearl Phú Quý) và 2026 (4,000 tỷ đồng).
Mặc dù không phải là mảng kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận từ bất động sản sẽ là một yếu tố hỗ trợ quan trọng cho kết quả kinh doanh chung của VPL. Các dự án bất động sản của Vinpearl trong quá khứ thường mang lại biên lợi nhuận gộp cao hơn đáng kể so với các mảng kinh doanh cốt lõi, với biên lợi nhuận EBIT ước đạt khoảng 64%.
Vinpearl (VPL): Đón sóng phục hồi du lịch, kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng hậu niêm yết