Lợi nhuận quý 1.2025 của ngành ngân hàng thực sự đến từ đâu?

Báo cáo mới nhất từ VDSC (Công ty Chứng khoán Rồng Việt) vừa công bố đã cập nhật bức tranh toàn cảnh về diễn biến lợi nhuận, hoạt động cho vay và huy động của ngành ngân hàng Việt Nam trong quý 1 năm 2025. Theo đó, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của 27 ngân hàng niêm yết ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tăng trưởng tín dụng cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, áp lực lên biên lãi ròng (NIM) vẫn là một thách thức đáng lưu ý.

Lợi nhuận tăng trưởng nhờ thu nhập lãi và hoạt động khác

Tổng LNTT của 27 ngân hàng niêm yết trong quý 1/2025 đạt gần 83 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với quý 1/2024. Động lực chính cho sự tăng trưởng này đến từ thu nhập lãi thuần (+7% YoY) và thu nhập từ hoạt động khác (+151% YoY).

Đáng chú ý, thu nhập từ thu hồi nợ xấu ngoại bảng (đã xử lý rủi ro) đã đóng góp gần 8 nghìn tỷ đồng vào thu nhập khác, tăng trưởng mạnh mẽ 99% so với cùng kỳ.

Chi phí hoạt động tăng chậm hơn so với tổng thu nhập hoạt động, và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đi ngang so với năm trước, càng củng cố đà tăng trưởng lợi nhuận.

Với kết quả này, các ngân hàng đã hoàn thành khoảng 24% kế hoạch LNTT đã công bố cho cả năm 2025.

Bóc tách nguồn gốc lợi nhuận cho thấy chi phí hoạt động (+8% YoY) tăng chậm hơn so với Tổng thu nhập hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đi ngang so với cùng kỳ củng cố tăng trưởng của LNTT 1Q25.

Trong bối cảnh nguồn thu khó tăng trưởng thì việc kiểm soát tốt chi phí, thể hiện nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc cắt giảm các chi phí hoạt động,  đóng vai trò quan trọng để duy trì mức lợi nhuận mục tiêu của các ngân hàng. 

Đóng góp tích cực nhất cho lợi nhuận phải kể đến việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm nhẹ -1% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh áp lực trích lập dự phòng rủi ro trong toàn ngành đã hạ nhiệt so với giai đoạn hai năm trước.

Một yếu tố nữa cũng đóng góp rất đáng kể vào mức tăng trưởng của lợi nhuận trước thuế, đó là lợi nhuận từ hoạt động khác và thu nhập từ hoạt động góp vốn tăng hơn chục lần. Tổng hợp phần đóng góp này có thể đã góp phần vào tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 5-7%. Nếu loại trừ những khoản bất thường này thì lợi nhuận trước thuế ước tính sẽ chỉ tăng khoảng 7-8%. Đó sẽ là những áp lực lớn cho mức lợi nhuận của các quí tiếp theo trong năm. (xem thêm báo Saigontimes)

Tín dụng phục hồi tích cực, tập trung vào doanh nghiệp và ngắn hạn

 

Tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2025 đến hết quý 1 của các ngân hàng niêm yết đạt 3.76%, cao hơn đáng kể so với mức 1.42% của cùng kỳ năm 2024 và tương đương với mức tăng trưởng toàn hệ thống là 3.93%. Kết quả này cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của nhu cầu vốn trong nền kinh tế, hoàn thành khoảng 25% mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề ra.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngân hàng. Các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) tư nhân ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt hơn so với nhóm ngân hàng quốc doanh.

Trong nhóm NHTMCP tư nhân, một số ngân hàng như SHB, NAB, EIB, MSB, LPB có mức tăng trưởng vượt trội, chủ yếu nhờ tập trung tài trợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp (corporate banking).

Về thị phần tín dụng tăng thêm, các NHTM quy mô lớn vẫn dẫn đầu, theo sau là nhóm ngân hàng quốc doanh và nhóm nhỏ hơn cũng có sự cải thiện về thị phần so với năm 2024.

Đáng chú ý, nguồn tín dụng mới tiếp tục đổ dồn vào các khoản vay ngắn hạn, chiếm tới 76% tín dụng tăng thêm trong quý 1/2025 và 56.9% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Xu hướng này cho thấy các ngân hàng vẫn thận trọng trong hoạt động cấp tín dụng, đồng thời phản ánh nhu cầu vốn chủ yếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu nợ của khách hàng.

Huy động tăng trưởng chậm hơn tín dụng, NIM chịu áp lực

Tăng trưởng huy động của các ngân hàng niêm yết tính đến hết quý 1/2025 đạt 3.3%, trong đó tiền gửi từ khách hàng tăng 2.4% và huy động từ giấy tờ có giá tăng trưởng 11.0%.

Tăng trưởng huy động vẫn thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng (-0.4%), tuy nhiên khoảng cách này đã thu hẹp so với cả năm 2024.

Kỳ hạn bình quân của nguồn vốn huy động có xu hướng tăng do nhu cầu phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 và phát hành chứng chỉ tiền gửi để tăng tính cạnh tranh trong thu hút CASA (tiền gửi không kỳ hạn).

Một điểm đáng lo ngại là NIM toàn ngành đã giảm 30 bps so với quý trước xuống còn 3.05%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lợi suất tài sản giảm (-25 bps QoQ) trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất cho vay gay gắt do các gói tín dụng ưu đãi theo định hướng giảm lãi suất của Chính phủ, cùng với yếu tố cấu trúc kỳ hạn của các khoản vay mới và thoái lãi dự thu do nợ xấu tăng.

Đồng thời, các ngân hàng cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh trong việc huy động vốn, khiến chi phí vốn tăng nhẹ (+5 bps QoQ).

 

Ngành ngân hàng quý 1/2025: Lợi nhuận tăng trưởng chậm lại, NIM chịu áp lực, chất lượng tài sản suy giảm

 

Trả lời