Maybank kỳ vọng TTCK Việt Nam tháng 5 có thể vượt “vùng nhiễu động” nhờ nội lực và kỳ vọng hạ nhiệt thuế quan

Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đang cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ sau những lo ngại về tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan tiềm năng của Mỹ. Báo cáo mới nhất của Maybank cho thấy, nội lực vững chắc của nền kinh tế và doanh nghiệp niêm yết, cùng với những tín hiệu tích cực trong đàm phán thương mại, đang tạo ra một triển vọng tươi sáng hơn cho tháng 5 và những tháng tới. Về chiến lược cổ phiếu, Maybank tiếp tục ưu tiên các mã trả cổ tức cao, các ngành có cầu bền vững (CNTT, logistics hàng không), và các ngành được hỗ trợ từ chính sách như bất động sản nhà ở và thép (như HPG).

 

Điều chỉnh tăng mục tiêu VN-Index, ưu tiên cổ phiếu tiềm năng

Maybank dự báo lợi nhuận toàn thị trường năm 2025 sẽ dao động từ suy giảm 2% trong kịch bản tiêu cực đến tăng trưởng vừa phải 15% ở kịch bản tích cực, con số này giảm nhẹ so với mức dự phóng tăng 17.3% trước khi có tác động từ thuế quan.

Bất chấp quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam, sự bất ổn kinh tế vẫn ở mức cao. Trong kịch bản cơ sở, Maybank điều chỉnh giảm 10 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng lợi nhuận thị trường chung năm tài chính 2025 so với dự báo trước thuế quan, xuống còn 7.8% so với cùng kỳ năm trước.

Với những chuyển biến tích cực, các công ty chứng khoán đã điều chỉnh tăng mục tiêu VN-Index cuối năm. Kịch bản cơ sở hiện tại hướng đến mốc 1,300 điểm, kịch bản tốt nhất là 1,500 điểm và kịch bản xấu nhất là 1,050 điểm.

Về chiến lược đầu tư cổ phiếu trong tháng 5 và thời gian tới, Maybank tiếp tục ưu tiên các nhóm cổ phiếu sau:

  • Cổ phiếu trả cổ tức cao: Đây là lựa chọn an toàn và mang lại dòng tiền ổn định cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường còn nhiều yếu tố khó lường.
  • Ngành có nhu cầu dài hạn ổn định: Các ngành như công nghệ thông tin (IT) và logistics hàng không được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng bền vững nhờ nhu cầu nội tại mạnh mẽ và ít chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
  • Ngành hưởng lợi từ chính sách: Bất động sản nhà ở và thép được kỳ vọng sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách kích cầu của chính phủ.

Trong danh mục khuyến nghị tháng 5, Maybank thay thế MBB, DGC và QNS bằng STB, HPG và HVN

Lưu ý: Báo cáo cũng đề cập đến SAB (F&B) và HVN (Logistics) với khuyến nghị “NR” (Neutral/Nắm giữ), cho thấy quan điểm thận trọng hơn hoặc chờ đợi thêm tín hiệu rõ ràng hơn từ các cổ phiếu này.

Nội lực vững vàng, lợi nhuận Q1/2025 tăng trưởng ấn tượng

Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 1/2025 vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực ở mức 13.2% yoy. Mặc dù một số ngành chịu ảnh hưởng từ yếu tố vĩ mô như năng lượng và đồ uống, các ngành trụ cột như bán lẻ (+51.2% yoy) và ngân hàng (+13.3% yoy) vẫn đạt kết quả sát kỳ vọng.

Đặc biệt, các ngành như bất động sản nhà ở (+287% yoy), công nghệ thông tin (+22.3% yoy), khu công nghiệp (+317% yoy), logistics biển (-0.7% yoy) và thép (+16.5% yoy) tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này cho thấy khả năng thích ứng và sức chống chịu tốt của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.

Maybank nhận định rằng, dù đã xuất hiện những dấu hiệu chững lại ở một số lĩnh vực, các doanh nghiệp dẫn đầu vẫn đang tận dụng tốt cơ hội để mở rộng quy mô và gia tăng thị phần.

Trên cơ sở đó, dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường năm 2025 đã được điều chỉnh tăng thêm 5-10 điểm phần trăm so với các kịch bản trước đó. 

Maybank dự báo trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường sẽ chậm lại trong các quý tới.

Kỳ vọng thuế quan hạ nhiệt và chính sách hỗ trợ

Việt Nam đang cho thấy sự chủ động và thiện chí trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Đồng thời, chính phủ cũng đang triển khai chiến lược thận trọng, cân nhắc các yếu tố địa chính trị và áp lực đàm phán.

Quyết định cuối cùng của Mỹ về thuế quan được kỳ vọng sẽ phụ thuộc vào sự phản đối từ các tập đoàn và người tiêu dùng Mỹ, cũng như kết quả đàm phán thương mại giữa Mỹ với các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Những diễn biến tích cực gần đây trong quan hệ Mỹ – Trung đang làm tăng khả năng xảy ra kịch bản thuế suất 20-25%, được xem là kịch bản tích cực nhất.

Bên cạnh đó, việc Mỹ và Anh đạt được thỏa thuận thương mại theo hướng đánh thuế có chọn lọc theo ngành có thể tạo tiền lệ tốt cho Việt Nam.

Song song với các nỗ lực ngoại giao, chính phủ Việt Nam đang ưu tiên cải cách thủ tục hành chính và đưa ra các gói hỗ trợ tài khóa ước tính trị giá 2.7-2.9% GDP, nhằm kích thích đầu tư và tiêu dùng, giảm thiểu tác động tiêu cực từ thuế quan trong giai đoạn 2025-2026.

Triển vọng 2025 của các ngành có triển vọng tích cưc:

  1. Ngân hàng: Maybank kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt 14–16% so với cùng kỳ năm trước (svck), chủ yếu nhờ hoạt động cho vay doanh nghiệp trong nửa đầu năm, và dự kiến sẽ tăng tốc ở mảng bán lẻ trong nửa cuối năm. Biên lãi ròng (NIM) nhiều khả năng vẫn chịu áp lực trong nửa đầu năm 2025 (1H25) do biến động tỷ giá lớn và sự cạnh tranh huy động vốn gia tăng, nhưng điều kiện dự kiến sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2025 (2H25) khi nhu cầu tín dụng phục hồi trên diện rộng. Trong kịch bản cơ sở, maybank điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành trong năm tài chính 2025 (FY25) xuống còn 2.5% yoy, giảm 16 điểm phần trăm so với dự báo trước khi có tác động từ thuế quan.
  2. Bán lẻ: Thuế quan được kỳ vọng sẽ tiếp tục gây áp lực lên tâm lý tiêu dùng và sức mua trong thời gian tới. Tuy nhiên, Maybank tin rằng ảnh hưởng này sẽ phần nào được bù đắp bởi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như miễn giảm học phí, phí y tế, và khả năng cải cách thuế thu nhập cá nhân. Maybank kỳ vọng các doanh nghiệp dẫn đầu như: MobileWorld (MWG VN, CP: 58.600 đồng) – lĩnh vực ICT, điện máy, bán lẻ thực phẩm; FPT Retail (FRT VN, CP: 184.500 đồng) – chuỗi dược phẩm; Phú Nhuận Jewelry (PNJ VN, CP: 94.700 đồng) – trang sức vàng …sẽ tiếp tục mở rộng thị phần nhờ chiến lược mở rộng mạng lưới mạnh mẽ. Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi điều chỉnh giảm 15 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành năm tài chính 2025 so với trước khi có tác động từ thuế quan, còn 27.3% yoy.
  3. Thép: Maybank kỳ vọng sự phục hồi của các nhà sản xuất thép trong nước được duy trì nhờ: (1) sự phục hồi đang diễn ra của thị trường bất động sản (BĐS) trong nước; (2) thuế chống bán phá giá 19%-28% đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 3/2025; và (3) việc chính phủ thúc đẩy cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nền kinh tế. Trong kịch bản cơ sở, Maybank điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành năm tài chính 2025 xuống 10 điểm phần trăm so với dự báo trước thuế quan, còn 11.7% yoy.
  4. Hóa Chất: Chúng tôi nhận thấy tác động hạn chế từ thuế quan do ngành này có mức độ tiếp xúc thấp với thị trường Mỹ. Đối với Đức Giang, việc nới lỏng các hạn chế về quặng apatit – nhờ những tiến triển vững chắc trong việc đảm bảo giấy phép khai thác – dự kiến sẽ hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận. Tuy nhiên, công ty có thể cần đánh giá lại kế hoạch mở rộng sang thị trường phốt pho Mỹ trong bối cảnh những bất ổn về thuế quan hiện tại. Trong khi đó, Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau có khả năng hưởng lợi từ Luật Thuế Giá trị Gia tăng năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2025 (theo luật mới này, phân bón sẽ chịu thuế VAT 5%, thay thế cho việc miễn thuế trước đây. Về mặt kỹ thuật, các nhà sản xuất phân bón sẽ có thể khấu trừ VAT đối với các yếu tố đầu vào từ chi phí sản xuất của họ). Tuy nhiên, sự biến động của giá khí đầu vào có thể gây áp lực lên lợi nhuận của ngành. Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi điều chỉnh giảm 16 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành năm tài chính 2025 so với dự báo trước thuế quan, xuống còn 8.3% yoy.
  5. Hàng Không: Maybank dự báo sự tăng trưởng tiếp tục của du lịch quốc tế, đặc biệt được thúc đẩy bởi sự phục hồi của lượng khách Trung Quốc. Việc mở cửa Nhà ga T3 tại Sân bay Tân Sơn Nhất, giúp tăng thêm công suất phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm, mang đến cơ hội tăng trưởng đáng kể cho các hãng hàng không trong nước. Nhờ dòng khách du lịch ổn định và khả năng sinh lời được cải thiện (do chi phí nhiên liệu đầu vào thấp hơn), Maybank đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành trong các kịch bản cơ sở, tốt nhất và xấu nhất lần lượt là 27.9% yoy, 41.5%yoy và 14.0% yoy, tăng so với mức giảm dự kiến trước thuế quan là 20.5%.

Triển vọng TTCK Việt Nam tháng 5: “Sell in May” hay “Chill in May”? Cơ hội ở Midcap?

Trả lời