Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những thách thức đáng kể từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ trong khu vực và khả năng linh hoạt trong đàm phán, dệt may Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì vị thế và thậm chí giành thêm thị phần trong bối cảnh xung đột thương mại toàn cầu. MSH và TNG được các công ty chứng khoán đánh giá cao. Tỷ lệ doanh thu cao tại Hoa Kỳ có thể không còn là bất lợi đối với MSH, trong khi danh mục khách hàng đa dạng của TNG sẽ mang lại sự linh hoạt. Dựa trên hành động giá, MSH được đánh giá cao hơn so với TNG.
“Sản xuất chip, không phải giày dép, quần áo”
Bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định Mỹ muốn tập trung sản xuất chip, máy tính, thiết bị quân sự và AI thay vì giày dép, quần áo có thể làm giảm áp lực đối với ngành dệt may của Việt Nam.
Về vấn đề thuế quan, theo VDSC, mặc dù có những tín hiệu tích cực, Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức trong việc đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Các ngành như đồ gỗ, cao su & nhựa, máy móc thiết bị, dệt may, túi xách & giày dép hiện có hàm lượng giá trị gia tăng từ Trung Quốc khá cao (trên 30%) và có nguy cơ bị áp thuế cao.
Tuy nhiên, ngày 26.5.2025, thị trường rao tin đồn đã có kết quả đàm phán:
– Với những hàng 100% từ VN, sẽ áp thuế như cũ (từ trước đến giờ),
– Với những hàng > 50% xuất xứ VN thì sẽ áp thuế 15-18%, hàng <50% sẽ áp 18-22%.
Việc Hoa Kỳ áp dụng thuế quan đối với hàng dệt may Việt Nam đang là mối lo ngại hàng đầu. Mặc dù có những cuộc họp “hiệu quả” giữa hai bên, mức thuế cơ sở 10% được cho là khó có thể thương lượng. Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ (hơn 123 tỷ USD trong năm 2024), và việc trung hòa thặng dư này trong ngắn hạn là không khả thi. Các giải pháp như mua thêm sản phẩm của Hoa Kỳ hoặc giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam không được đánh giá cao về hiệu quả.
CTCK MAS (Miare Asset) tin rằng mức thuế quan tối đa có thể cao hơn 10%, kèm theo một số miễn trừ và yêu cầu về nguồn gốc hàng hóa để tránh lẩn tránh thuế. Điều này tạo áp lực lớn lên chi phí và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
“Nơi trú ẩn” giữa xung đột thương mại toàn cầu
Mặc dù đối mặt với thuế quan từ Mỹ, ngành dệt may Việt Nam lại nổi lên như một “nơi trú ẩn an toàn” giữa các cuộc xung đột và bất ổn chính trị của các đối thủ cạnh tranh chính:
- Trung Quốc: Là nước xuất khẩu dệt may lớn nhất sang Hoa Kỳ, Trung Quốc đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Dù có thể có những khoảng tạm dừng, khả năng sản phẩm của Trung Quốc giành lại thị phần là rất thấp. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đang tăng tốc, tạo cơ hội lớn cho Việt Nam.
- Bangladesh: Mặc dù thị phần tại Hoa Kỳ có cải thiện, Bangladesh vẫn đối mặt với căng thẳng chính trị và bất ổn nội bộ. Những rủi ro này có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất dệt may của quốc gia này.
- Ấn Độ và Pakistan: Hai cường quốc dệt may này đang đứng trước nguy cơ xung đột trực diện. Nếu tình hình leo thang, cơ sở hạ tầng sản xuất sẽ bị ảnh hưởng, niềm tin khách hàng giảm sút và đơn hàng có khả năng dịch chuyển ra khỏi hai quốc gia này.
Những bất ổn của các đối thủ cạnh tranh lớn củng cố vị thế của Việt Nam như một lựa chọn ổn định và đáng tin cậy cho các nhà nhập khẩu dệt may quốc tế.
Triển vọng tại các thị trường trọng điểm khác
Khi thị trường Hoa Kỳ gặp khó khăn, sự cạnh tranh tại các thị trường trọng điểm khác như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn sẽ tăng lên. Việt Nam có lợi thế đáng kể nhờ đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho phép xuất khẩu hàng dệt may với mức thuế nhập khẩu thấp.
- Ví dụ, Bangladesh và Pakistan vẫn chưa ký FTA với Nhật Bản và Hàn Quốc, khiến hàng dệt may của họ phải chịu thuế quan.
- Đối với thị trường EU, theo EVFTA, thuế hải quan đối với các sản phẩm dệt may có xuất xứ từ Việt Nam thuộc danh mục “B5” sẽ được xóa bỏ từ năm nay.
Điều này giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đa dạng hóa thị trường và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Vì sao MSH và TNG được MAS yêu thích?
Trong Quý 2/2025, các công ty sợi và may mặc Việt Nam dự kiến sẽ hoạt động tốt khi đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc và khách hàng tận dụng thời gian tạm dừng thuế quan 90 ngày. Các công ty may mặc sẽ là những người hưởng lợi đầu tiên.
Từ năm 2025 trở đi, ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa nguồn cung và mức thuế quan cao của Hoa Kỳ đối với hàng dệt may Trung Quốc.
- CTCP May Sông Hồng (MSH): MSH đã xác nhận đơn hàng đến cuối năm 2025 và nhà máy Sông Hồng Xuân Trường mới đi vào hoạt động sẽ tăng tổng công suất. Mặc dù quy mô lao động tăng chậm, việc MSH tiếp tục nhận được nhiều đơn hàng sản phẩm dệt may, đặc biệt là các đơn hàng FOB, trong bối cảnh bất ổn ở Bangladesh và căng thẳng Mỹ-Trung, là tín hiệu tích cực. MAS khuyến nghị mua MSH với giá mục tiêu 62,200 đồng.
- CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG): TNG dự kiến hoạt động hết công suất cho đến tháng 8/2025 và có danh mục khách hàng đa dạng, mang lại sự linh hoạt. MAS khuyến nghị mua TNG với giá mục tiêu 25,000 đồng.
Cả MSH và TNG đều ghi nhận sự tăng trưởng về quy mô lao động, cho thấy sự mở rộng sản xuất. Mặc dù có những rủi ro như cạnh tranh nhân công, phụ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc và biến động tỷ giá, lợi thế về nhân công năng suất, tay nghề cao, tình hình chính trị ổn định và khả năng đáp ứng các yếu tố ESG sẽ là điểm hỗ trợ thu hút đơn hàng về Việt Nam.
Kế hoạch 2025 và triển vọng của MSH: Thận trọng trước áp lực thuế quan
CTCP May Sông Hồng (MSH) đã ghi nhận kết quả kinh doanh Quý 1/2025 khá tích cực với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu lạc quan ban đầu, triển vọng cho các quý cuối năm 2025 và giai đoạn 2025-2027 có thể đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu do tác động của chính sách thuế quan từ Mỹ và tình hình nhu cầu thị trường.
MSH thông qua kế hoạch DTT và LNTT năm 2025 lần lượt đạt 5,500 tỷ đồng (+4.2% YoY) và 600 tỷ đồng (+10.3% YoY). Đáng chú ý, doanh nghiệp không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng.
Triển vọng đơn hàng 2025:
- MSH đã chốt đơn hàng sản xuất đến hết tháng 7, tháng 8 cho tất cả các nhà máy, bao gồm cả Nhà Máy Xuân Trường 2 mới, chủ yếu là các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ và đến thời điểm hiện tại chưa khách hàng nào hủy bỏ đơn hàng đã đặt.
- Tuy nhiên, đối với đơn hàng cuối năm, MSH cho rằng triển vọng hiện tại là bất định và khả năng cao sẽ giảm so với cùng kỳ, mức giảm sẽ phụ thuộc vào mức thuế đối ứng của Việt Nam sau khi kết thúc 90 ngày đàm phán. Doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm những đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang để đảm bảo nguồn việc cho Quý 4/2025.
Triển vọng biên lợi nhuận 2025:
- Biên lợi nhuận 2025 dự kiến sẽ đi ngang hoặc giảm. Ở mức thuế 10% hiện tại, khách hàng yêu cầu MSH chia sẻ 1% mức thuế tăng thêm. Trong trường hợp thuế cao hơn 10%, mức tối đa MSH có thể chia sẻ là 2%. Phần chi phí tăng thêm này được kỳ vọng sẽ bù đắp được một phần bằng năng suất và ứng dụng công nghệ.
Dự báo của BSC:
BSC dự báo MSH ghi nhận DTT năm 2025 đạt 5,838 tỷ đồng (+10.5% YoY) và LNST-CĐTS đạt 424 tỷ đồng (+3.3% YoY). Điều này tương đương EPS 2025 là 5,649 VNĐ/CP, với P/E FW 2025 là 8.3 lần.
- Doanh thu ước tính tăng 10% YoY nhờ lượng đơn hàng đã lấp đầy đến hết tháng 7, tháng 8 (bao gồm nhà máy Xuân Trường II tăng 12% công suất). BSC cũng kỳ vọng lượng đơn hàng cuối năm sẽ không giảm mạnh khi Việt Nam có khả năng đàm phán được mức thuế đối ứng thấp hơn nhiều so với mức công bố ban đầu, do tình hình căng thẳng thương mại đã dần hạ nhiệt, và lượng đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang.
- Biên lợi nhuận gộp 2025 dự kiến giảm 1% xuống 14.7%. BSC ước tính việc chia sẻ thuế quan với khách hàng sẽ làm chi phí của MSH tăng từ 65 – 75 tỷ đồng, ngoài ra, đơn giá bình quân ước tính sẽ đi ngang so với cùng kỳ.
Đầu tư dài hạn và chiến lược mới:
- Dệt may Việt Nam vẫn sẽ được hưởng lợi trong dài hạn nhờ năng suất lao động tốt, chính trị ổn định so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Ấn Độ, Bangladesh. Khả năng sản xuất hàng may mặc dịch chuyển khỏi Châu Á là rất khó do Châu Á chiếm 70% năng lực sản xuất và cần nhiều năm để xây dựng chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng.
- MSH đã đầu tư nhà máy tại Ai Cập, hoạt động được 6 tháng và kỳ vọng hoàn thành giai đoạn 1 với 15 chuyền may và 800 nhân công vào cuối năm nay. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào cuối 2027 với thêm 30 chuyền may và 1,700 nhân công, tập trung sản xuất các đơn hàng dệt kim giá trị thấp để tận dụng nhân công giá rẻ.
Kết quả kinh doanh Quý 1/2025: Bứt phá nhờ đơn hàng và nền thấp
Trong Quý 1/2025, MSH ghi nhận Doanh thu thuần (DTT) đạt 1,036 tỷ đồng (+34% YoY) và Lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số (LNST-CĐTS) đạt 84 tỷ đồng (+61% YoY).
- Doanh thu tăng mạnh nhờ lượng đơn hàng hồi phục từ các khách hàng lớn như Walmart, Columbia Sportwear, Target, trong bối cảnh nhu cầu chung hồi phục trước khi chính sách thuế quan của Mỹ được công bố. Ngoài ra, Quý 1/2024 có mức nền thấp khi MSH chủ yếu nhận các đơn hàng CMT (cắt – may – hoàn thiện) giá trị thấp do thị trường may mặc chưa hồi phục rõ ràng và rơi vào trái vụ.
- Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh nhờ Biên lợi nhuận gộp đạt 18%, cải thiện 6% yoy. Điều này là do đơn giá các mặt hàng dệt may xuất khẩu hồi phục (trung bình 3-5% theo VITAS) và lượng đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) giá trị cao hồi phục trở lại so với cùng kỳ.
Khuyến nghị và Định giá
BSC đưa ra khuyến nghị THEO DÕI đối với MSH với giá mục tiêu 54,500 VNĐ (+7% so với giá ngày 14/05/2025, đã bao gồm cổ tức tiền mặt 3,500 VNĐ/CP).
Giá mục tiêu dựa trên phương pháp P/E mục tiêu = 9 lần, tương đương trung bình 5 năm và trung bình ngành dệt may Việt Nam, với kỳ vọng dư địa tăng trưởng của ngành và MSH vẫn còn nhiều nếu Việt Nam đàm phán được mức thuế thấp hơn.
Elibook Team cho rằng, MSH là cổ phiếu có chất lượng cơ bản tốt trong ngành dệt may. Theo MAS, Tỷ lệ doanh thu cao tại Hoa Kỳ có thể không còn là bất lợi đối với MSH, và vẫn rộng cửa xuất khẩu sang Mỹ.
Một số công ty như May Sông Hồng (MSH) có tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ chiếm đến 80% doanh thu, trong khi các công ty khác như TNG, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) và Dệt may Thành Công (TCM) có tỷ trọng thấp hơn, lần lượt là 46%, 35% và 25%
Trên đồ thị, MSH có RS là 84, nằm trong số các cổ phiếu hoạt động tốt trên thị trường.
Ngày 23.5.2025, MSH breakout mẫu hình Chiếc Cốc Tay Cầm, vượt qua điểm mua 51,700. Tuy nhiên, tay cầm nằm ngay chính giữa nền giá nên không mạnh. Elibook Team cho rằng, nên thận trọng với khả năng xây lại tay cầm mới. Vào thời điểm này, điểm mua breakout vẫn chưa hoạt động tốt.
Kế hoạch 2025 và triển vọng của TNG: Vượt Sóng Thuế Quan Nhờ Đa Dạng Hóa Thị Trường và Nâng Cao Hiệu Suất
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) khởi đầu Quý 1/2025 với kết quả kinh doanh tích cực và đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cho cả năm. Mặc dù đối mặt với thách thức từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, TNG đang chủ động thích nghi thông qua chiến lược đa dạng hóa thị trường, tập trung vào sản phẩm phức tạp và tối ưu hóa chi phí để duy trì đà tăng trưởng bền vững.
Kế hoạch 2025: Mục tiêu tăng trưởng và chiến lược ứng phó thuế quan
Năm 2025, TNG thông qua kế hoạch kinh doanh với DTT đạt 8,100 tỷ đồng (+5% YoY) và LNST-CĐTS đạt 340 tỷ đồng (+8% YoY).
Để ứng phó với thuế quan từ Mỹ, TNG đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ:
- Thị trường EU: Chiếm 60% tổng cơ cấu đơn hàng năm 2025, đa phần đã được TNG chốt đến hết năm, với lượng đơn hàng gia tăng từ Decathlon, Sportmaster và LTAG. TNG cũng đang phát triển một khách hàng lớn khác ở Nga.
- Thị trường Mỹ: Tỷ trọng đơn hàng đi Mỹ giảm xuống 26% từ mức 38% của năm 2024, và đã được chốt đến hết tháng 7 và tháng 8.
TNG đánh giá tác động của thuế quan chủ yếu trong ngắn hạn do sức mua giảm khi giá hàng hóa tăng. Tuy nhiên, về dài hạn, khi người tiêu dùng đã quen với mặt bằng giá mới, mức tiêu thụ sẽ trở lại bình thường.
TNG đã đưa ra đánh giá dựa trên hai kịch bản thuế quan:
- Thuế 10%: Đơn giá ước tính giảm -1%, trong đó TNG chia sẻ 1% thông qua giảm đơn giá, phần còn lại do nhà cung cấp vải và khách hàng chịu. TNG cho rằng ở kịch bản này, sức cạnh tranh của Việt Nam so với Bangladesh và Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng.
- Thuế 25% trở lên: Đơn giá ước tính giảm tối đa -2%. Giá thành may mặc Việt Nam sẽ cao hơn Bangladesh một chút nhưng thấp hơn Trung Quốc, và Việt Nam vẫn có lợi thế để thu hút đơn hàng khi thị trường hồi phục và khách hàng quen với mặt bằng giá mới.
Triển vọng biên lợi nhuận và các yếu tố hỗ trợ:
TNG dự kiến biên lợi nhuận trong năm 2025 sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ do việc chia sẻ chi phí thuế với khách hàng và chi phí lương tăng. Tuy nhiên, TNG sẽ bù đắp lại bằng việc nâng cao năng suất lao động và tự động hóa trong nhà máy. Đồng thời, công ty tập trung sản xuất các dòng hàng có giá trị gia tăng cao, giúp cải thiện giá bán bình quân.
Mặc dù giá nguyên phụ liệu có xu hướng tăng nhẹ, TNG đã ký hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp để ổn định giá đầu vào, hạn chế ảnh hưởng đến giá bán và biên lợi nhuận.
Về chi phí đầu tư (CAPEX) trong năm 2025, TNG dự kiến khoảng 700 tỷ đồng, trong đó 350 tỷ đồng cho hoàn thiện nhà máy may Việt Đức, còn lại đầu tư máy móc, thiết bị may, hoàn thiện hệ thống điện và phòng cháy chữa cháy. Sau năm 2025, TNG sẽ tạm dừng mở rộng quy mô và tập trung nâng cao năng suất chuyền may.
Quý 1/2025: Doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận chịu ảnh hưởng tỷ giá
Trong Quý 1/2025, TNG ghi nhận Doanh thu thuần (DTT) đạt 1,510,6 tỷ đồng (+11.6% YoY). Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ lượng đơn hàng gia tăng từ các khách hàng ở thị trường EU như Decathlon, Sportmaster, LTAG, trong bối cảnh nhu cầu hồi phục trước khi chính sách thuế quan của ông Trump được công bố. Đơn giá ước tính đi ngang so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số (LNST-CĐTS) chỉ tăng 1% YoY, đạt 53.48 tỷ đồng. Điều này là do:
- Tỷ lệ chi phí quản lý/DTT tăng 0.8% lên 7% do TNG thực hiện tăng lương cho cán bộ công nhân viên.
- Lỗ tỷ giá ước tính 26.4 tỷ đồng, tăng 2.7 lần so với cùng kỳ do biến động tỷ giá mạnh trong Quý 1/2025.
Các thông tin đáng chú ý khác:
- Công nợ với TCP: Hiện chỉ còn khoảng 1.8 tỷ đồng, đã ký kết với khách hàng này đến hết tháng 7/2025 và TNG đánh giá TCP hoàn toàn có thể trả công nợ đúng hạn.
- KCN Sơn Cẩm: Tổng diện tích 59ha, đã cho thuê 13ha với giá 120 USD/m2. Năm nay, TNG có kế hoạch xây kho và cho thuê với kỳ vọng lợi nhuận, dòng tiền ổn định hơn.
- KĐT Đại Thắng: Nhà thấp tầng và cao tầng đã bán hết và sẽ bàn giao vào tháng 9.
- TNG hiện tại chưa chuẩn bị kịch bản xấu nếu Việt Nam bị áp thuế đối ứng 46%.
Khuyến nghị và định giá:
BSC dự báo doanh thu năm 2025 của TNG đạt 8,000 tỷ đồng (+4.5% YoY). Lợi nhuận hoạt động và LNST lần lượt là 421.5 tỷ đồng (+5.1% YoY) và 345.7 tỷ đồng (+9.8% YoY).
BSC duy trì mức giá mục tiêu của TNG là 25,000 đồng/cổ phiếu (sau điều chỉnh cổ tức). Đây cũng là mức giá mục tiêu của MAS
Elibook Team cho rằng là công ty may mặc có tốc độ tăng trưởng nhanh và là doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu Việt Nam. Công ty có danh mục khách hàng đa dạng từ nhiều thị trường xuất khẩu dệt may trọng điểm như Mỹ, EU, Canada.
Đồng quan điểm, BSC duy trì quan điểm tích cực về hoạt động kinh doanh của TNG trong năm 2025, dựa trên các lý do sau:
- Danh mục khách hàng của TNG khá đa dạng, dù thị trường Hoa Kỳ chiếm gần một nửa.
- Các đối thủ của Việt Nam (Trung Quốc, Bangladesh) vẫn phải đối mặt với khó khăn riêng bên cạnh vấn đề thuế quan, đặc biệt là Trung Quốc đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại căng thẳng với Hoa Kỳ.
- Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để giảm bớt mất cân bằng thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, với hy vọng thuế quan sắp tới sẽ thấp hơn.
- Chính quyền Trump gần đây đã tuyên bố tạm dừng áp dụng thuế quan trả đũa đối với các đối tác thương mại trong 90 ngày, điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho hàng may mặc Việt Nam ít nhất là trong Quý 2/2025 vì các đơn hàng sẽ tăng mạnh để tránh thuế quan.
Trên đồ thị, TNG có RS là 15, nằm trong số các cổ phiếu hoạt động kém trên thị trường. TNG đang tích lũy trong một khung giá hướng lên, quanh MA50 ngày. Ngày 26.5.2025, TNG có điểm mua Pocket Pivot
Lợi nhuận quý 3 của ngành dệt may tích cực, cổ phiếu nào sẽ tỏa sáng TNG hay MSH?