FPT đứt mạch tăng trưởng 20% trong tháng 4 do bất ổn vĩ mô, viễn thông trở thành động lực mới

Chúng ta đã quá quen với việc Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) tăng trưởng 20% yoy mỗi tháng, mỗi quý hay mỗi năm. Thê nên kết quả kinh doanh tháng 4/2025 với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận chững lại (+14% yoy), khiến nhà đầu tư lo ngại về những tác động từ bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu và chính sách thuế quan của Mỹ. Mảng viễn thông bất ngờ vươn lên trở thành động lực tăng trưởng chính, trong khi mảng công nghệ đối mặt với sự dè dặt trong chi tiêu của khách hàng quốc tế.

Kết quả kinh doanh tháng 4/2025: Đứt mạch tăng trưởng 20%!

Trong tháng 4/2025, FPT công bố doanh thu tăng 12% yoy và lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng 14% yoy. Mặc dù vẫn duy trì đà tăng trưởng dương, các con số này cho thấy sự chững lại so với mức tăng trưởng 14% về doanh thu và 19% về LNST trong Quý 1/2025.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, FPT đạt doanh thu 21,600 tỷ đồng (+13.5% yoy) và LNST 3,500 tỷ đồng (+18.5% YoY). Kết quả này thấp hơn dự báo của các SSI, chủ yếu do tăng trưởng tại thị trường Châu Á Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) yếu hơn dự kiến.

Trong khi đó, kết quả này cho thấy lợi nhuận ròng khá sát với dự báo của HSC, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng Viễn thông đã bù đắp cho đà giảm tốc của mảng công nghệ.

Doanh thu mới ký kết vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, chỉ tăng khiêm tốn 10% yoy trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt 15,400 tỷ đồng, nhưng giảm 6%yoy trong tháng 4 (3,879 tỷ đồng, nhưng tăng 15.5% mom). Đà tăng trong 4 tháng đầu năm 2025 chậm lại phản ánh những bất ổn liên quan đến tình hình kinh tế và địa chính trị toàn cầu, tác động đến các quyết định chi tiêu cho lĩnh vực CNTT của doanh nghiệp

Điểm sáng Viễn thông, thách thức từ Công nghệ

Một điểm đáng chú ý trong tháng 4/2025 là sự đổi vai trò giữa các mảng kinh doanh:

  • Mảng Viễn thông đã vươn lên trở thành động lực tăng trưởng chính, với doanh thu và Lợi nhuận trước thuế (LNTT) lần lượt tăng 14% YoY và 25% YoY. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng nhờ nỗ lực bán hàng và tối ưu hóa các gói dịch vụ internet.
  • Mảng Công nghệ chỉ ghi nhận mức tăng trưởng LNTT đạt 5% YoY (so với 25% YoY trong Quý 1/2025), mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng hai chữ số. Điều này phản ánh tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ lên lĩnh vực công nghệ, khiến các doanh nghiệp trên thế giới trở nên dè dặt hơn trong chi tiêu công nghệ thông tin (CNTT) trong bối cảnh bất ổn vĩ mô. Giá trị hợp đồng ký mới/doanh thu từ hợp đồng ký mới cũng đã giảm 6% YoY trong tháng 4/2025, cho thấy những thách thức mà FPT đang phải đối mặt.
  • Thị trường Nhật Bản vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng doanh thu ổn định khoảng 30% YoY, chủ yếu nhờ vào nhu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ.

Định hướng và triển vọng 2025: Thận trọng và chiến lược mới

FPT đặt kế hoạch doanh thu và NPATMI năm 2025 lần lượt đạt 72,600 tỷ đồng (+15% YoY) và 9,300 tỷ đồng (+18% YoY).

Tuy nhiên, để thận trọng hơn trước tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu dự kiến còn kéo dài (ít nhất trong Quý 2/2025), SSI Research (20.5.2025) đã điều chỉnh giảm dự báo NPATMI năm 2025 của FPT khoảng 3%, chủ yếu do giảm ước tính doanh thu tại thị trường APAC (trừ Nhật Bản) khoảng 19%. Theo đó, doanh thu tại thị trường này dự kiến chỉ tăng 5% YoY trong năm 2025 (so với mức tăng 29% YoY trước đó).

Tương tự, nhằm phản ánh mối lo ngại về sức chi tiêu cho lĩnh vực CNTT tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ, HSC đã điều chỉnh giảm bình quân 7% dự báo lợi nhuận ròng giai đoạn 2025-2027 của FPT.

  • Lợi nhuận ròng năm 2025 dự báo đạt 9,051 tỷ đồng (giảm 3.1% so với dự báo trước đó; tăng trưởng 15.2% YoY).
  • Lợi nhuận ròng năm 2026/2027 được kỳ vọng đạt 10,418 tỷ đồng (giảm 7.6%; tăng trưởng 15.1% YoY) và 12,075 tỷ đồng (giảm 11.6%; tăng trưởng 15.9% YoY). Theo đó, lợi nhuận thuần được dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR 3 năm là 15.4%.

Cụ thể, HSC điều chỉnh giảm dự báo dịch vụ CNTT nước ngoài đa phần do KQKD tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ kém hơn kỳ vọng, hai thị trường chiếm tỷ trọng đáng kể trong doanh thu mảng dịch vụ CNTT nước ngoài (52%) và tổng doanh thu của FPT (26%). Sự lệ thuộc vào xuất khẩu khiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan trong thời gian gần đây. Hơn nữa, các doanh nghiệp Mỹ trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu cho CNTT do mức thuế tăng cao và trong bối cảnh chính sách đang thay đổi, từ đó ảnh hưởng đến triển vọng doanh thu của FPT.

Hơn nữa, với đà tăng chậm lại, ở mức 10% yoy của doanh thu ký kết trong 4 tháng đầu năm 2025, HSC dự báo đà tăng doanh thu dịch vụ CNTT nước ngoài sẽ chậm lại trong ngắn và trung hạn (3-6 tháng tới).

Thương vụ mua lại David Lamm Consulting: Củng cố vị thế tại Châu Âu 

Vào đầu tháng 5/2025, FPT đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ David Lamm Consulting, một công ty tư vấn CNTT của Đức chuyên sâu trong lĩnh vực năng lượng.

Thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp FPT tăng cường năng lực công nghệ và tư vấn, đồng thời củng cố sự hiện diện và năng lực cạnh tranh tại thị trường Châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng/tiện ích (hiện đóng góp gần 50% doanh thu của FPT tại thị trường này).

Khuyến nghị và giá mục tiêu

Với những điều chỉnh trong dự báo lợi nhuận và tiềm năng tăng giá hạn chế (3.6%), SSI (20.5.2025) đã hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu FPT xuống TRUNG LẬP (từ Khả quan). Giá mục tiêu 12 tháng cũng được điều chỉnh giảm xuống 122,500 đồng/cổ phiếu (từ 129,600 đồng/cổ phiếu).

Mức giá mục tiêu này đã tính đến việc điều chỉnh số lượng cổ phiếu sau khi FPT triển khai chương trình ESOP năm 2025 và giữ nguyên hệ số P/E mục tiêu cho các mảng kinh doanh (công nghệ 20x, viễn thông 14x, giáo dục 20x).

HSC (26.5.2025) đã hạ khuyến nghị đối với FPT xuống Tăng tỷ trọng (từ Mua vào) và giảm 10% giá mục tiêu xuống 140,600 đồng/cổ phiếu, tương đương tiềm năng tăng giá 19%. Việc điều chỉnh này phản ánh việc giảm dự báo lợi nhuận và đưa ra các giả định định giá thận trọng hơn.

Elibook Team cho rằng, FPT đang đối mặt với những thử thách từ môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp đến mảng kinh doanh công nghệ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng viễn thông, chiến lược mở rộng và củng cố vị thế tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản và Châu Âu thông qua M&A, cùng với khả năng thích ứng linh hoạt, sẽ là chìa khóa giúp FPT vượt qua giai đoạn khó khăn và duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn. 

Elibook Team cho rằng, còn sớm để nói rằng, FPT có thể đứt mạnh tăng trưởng lợi nhuận ròng +20% trong năm 2025 như các CTCK lo ngại, nhưng khả năng về dài hạn sẽ trở lại con số tăng trưởng quen thuộc.

Trên đồ thị, RS của FPT hiện tại khoảng 26, nằm trong số các cổ phiếu hoạt động kém trên thị trường. FPT đang tích lũy trong một kênh giá hướng lên, và quanh MA50 ngày. Nhóm ngành công nghệ vẫn chưa nhận được sự ưa thích của dòng tiền do họ vẫn còn băn khoăn về định giá sau các sự kiện như DeepSeek hay ảnh hưởng chiến tranh thương mại đến ngành công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo.

Sau khi cổ phiếu đã giảm giá kéo dài, tâm lý thị trường trở nên tiêu cực và việc các CTCK hạ giá mục tiêu cùng triển vọng lợi nhuận có thể đã được phản ánh vào trong giá rồi.

FPT đang siết biên độ giá và thanh khoản thấp cho thấy nó đang cần thời gian để tích lũy. Về mặt định giá, Elibook Team cho rằng FPT đang ở vùng hấp cho mục tiêu dài hạn. Nhưng các nhà giao dịch ngắn hạn cần chờ đợi dòng tiền tích lũy thêm trước khi tham gia.

Trả lời