Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đang thể hiện khả năng giữ vững vị thế trong ngành, với lượng backlog đáng kể từ các dự án dầu khí và năng lượng tái tạo, đảm bảo khối lượng công việc ổn định ít nhất đến năm 2028. Dù lợi nhuận cốt lõi Q1/2025 còn khiêm tốn và kế hoạch năm 2025 thận trọng, nhưng dấu hiệu hồi phục của mảng M&C cho thấy điểm sáng. Dù vậy, Elibook Team vẫn không đánh giá cao triển vọng của PVS trong bối cảnh xu hướng giá dầu giảm giá dài hạn trong vòng 1 năm tới.
KQKD Quý 1/2025 và Kế hoạch năm 2025: Thận trọng nhưng mảng M&C đang phục hồi
Trong Quý 1/2025, PVS ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 6,000 tỷ đồng (+62% YoY), chủ yếu nhờ tăng trưởng mạnh từ mảng Cơ khí & Xây lắp (M&C) với doanh thu 4,000 tỷ đồng (+122% YoY).
Tuy nhiên, nếu không tính khoản lãi/lỗ tỷ giá và lợi nhuận từ việc định giá lại tài sản (130 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế (LNTT) Quý 1/2025 giảm 66% YoY do chi phí quản lý tăng mạnh liên quan đến trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Lợi nhuận cốt lõi từ hoạt động kinh doanh (trừ các khoản bất thường) đạt 230 tỷ đồng, giảm 23% YoY và chỉ hoàn thành 20% dự báo cả năm của HSC. Biên lợi nhuận gộp mảng M&C ở mức thấp 1.2%, phản ánh chi phí đầu tư ban đầu cao cho các lĩnh vực mới như EPC điện gió.
Chú ý sự phục hồi của mảng M&C ở cả góc độ doanh thu và biên lợi nhuận gộp cải thiện
PVS đưa ra kế hoạch năm 2025 khá thận trọng với doanh thu 22,500 tỷ đồng (-5% so với kết quả 2024) và LNTT 1,000 tỷ đồng (-36% so với kết quả 2024). Tuy nhiên, ban lãnh đạo tự tin sẽ vượt mục tiêu này, với kỳ vọng tăng trưởng doanh thu cả năm đạt 25% YoY (tương đương 30,000 tỷ đồng doanh thu), dựa trên kết quả Q1 tích cực và tiến độ dự án.
Lịch sử cho thấy PVS thường vượt kế hoạch, với doanh thu và lợi nhuận thực tế vượt mục tiêu trung bình lần lượt 55% và 85% trong giai đoạn 2022-2024.
Backlog kỷ lục và động lực tăng trưởng dài hạn
PVS sở hữu lượng backlog “khủng” trị giá 2.5 – 3 tỷ USD, đảm bảo khối lượng công việc ổn định ít nhất đến cuối năm 2028. Các dự án chính đóng góp vào backlog bao gồm:
- Dự án Lô B: Hơn 1 tỷ USD (mảng thượng nguồn, hợp đồng FSO/FPSO). PVS đã hoàn thành 18% gói thầu thi công đường ống trên đất liền vào cuối Q1/2025 và có khả năng giành thêm các gói thầu đường ống ngoài khơi trị giá 14,200 tỷ đồng.
- Điện gió ngoài khơi: Hợp đồng cung cấp chân đế cho dự án của Orsted (300 triệu USD) và tiềm năng giành được tới 500 triệu USD hợp đồng điện gió ngoài khơi mỗi năm từ châu Á và châu Âu (dự kiến 2.5 tỷ USD giai đoạn 2026-2030), cao hơn dự báo hiện tại của Vietcap và SSI.
PVS cũng đang nghiên cứu tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới đầy tiềm năng sau năm 2030:
- Điện hạt nhân: PVS đặt mục tiêu nâng cao năng lực để tham gia đấu thầu dự án điện hạt nhân của Việt Nam (trị giá khoảng 10 tỷ USD) khi Quốc hội phê duyệt tái khởi động.
- Điện gió xuất khẩu: Dự án trang trại gió để xuất khẩu điện sang Singapore & Malaysia được xem là khả thi nhất để PVS tham gia sâu hơn vào ngành điện gió xuất khẩu, dù còn rào cản pháp lý và kỹ thuật.
- Thu dọn mỏ và Lưu trữ carbon (CCS): Hai lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ tạo dư địa tăng trưởng khi nhiều mỏ dầu khí ở Việt Nam bước vào giai đoạn cuối vòng đời và nhu cầu về lưu trữ carbon tăng cao.
Định giá và khuyến nghị
PVS duy trì vị thế tiền mặt ròng dồi dào, với Tiền mặt – Nợ ngắn & dài hạn đạt 29,850 đồng/cổ phiếu trong Q1/2025 (cao hơn thị giá hiện tại là 29,000 đồng), hạn chế đáng kể những rủi ro.
Công ty cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 7% thông qua cổ tức bằng cổ phiếu cho lợi nhuận năm 2024.
Kế hoạch đầu tư XDCB của PVS trong giai đoạn 2026-2030 là 27,000 tỷ đồng (tăng 57% so với kế hoạch năm 2024), tập trung vào cơ sở hạ tầng M&C, mở rộng căn cứ cảng dịch vụ, đầu tư tàu và dự án xuất khẩu điện sang Singapore. Khoản đầu tư lớn này có thể gây áp lực nhẹ lên biên lợi nhuận ngắn hạn, nhưng sẽ củng cố năng lực cốt lõi và chuẩn bị cho các lĩnh vực kinh doanh mới.
- SSI (27.5.2025) nâng khuyến nghị lên KHẢ QUAN với giá mục tiêu 1 năm là 33,000 đồng/cổ phiếu, phản ánh dự báo lợi nhuận 2025 và 2026 tăng lần lượt 14% và 8%. PVS hiện đang giao dịch ở mức P/E và P/B dự phóng 2025 khá thấp so với lịch sử.
- Vietcap (16.5.2025) điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 21,100 đồng/cổ phiếu nhưng nâng khuyến nghị lên KHẢ QUAN.
- HSC (8.5.2025) duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 43,300 đồng/cổ phiếu.
Trên đồ thị, RS của PVS là 7, nằm trong số cổ phiếu đội sổ trên thị trường cùng với cổ phiếu PVD. Ngành dầu khí lặng sóng trong gần 2 năm qua, và Elibook Team cũng đã rời xa nhóm này từ tháng 5.2023.
Ngày 28.5.2025, PVS có điểm mua Pocket pIvot ở vùng đáy, nhưng Elibook Team không đánh giá cao vì triển vọng kinh doanh không quá lạc quan cho ngành dầu khí.
Theo đó, Elibook Team dự báo giá dầu khí giảm về 20-30 USD/thùng trong vòng 1 năm tới.