Trong Quý 1/2025, CTCP Gemadept (GMD) đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng về doanh thu cốt lõi, phản ánh sức mạnh từ hoạt động khai thác cảng. Tuy nhiên, rủi ro từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam đang đặt ra thách thức cho sản lượng hàng hóa qua cảng trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, tiềm năng tăng giá dịch vụ và các dự án mở rộng quy mô cảng lớn vẫn là động lực tăng trưởng dài hạn cho GMD. KBSV đưa ra khuyến nghị “Trung lập” với giá mục tiêu 69,000 VND/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh Quý 1/2025: Doanh thu cốt lõi tăng trưởng mạnh mẽ
Trong Quý 1/2025, GMD đạt doanh thu thuần 1.277 tỷ VND (+27% yoy. Đáng chú ý, hoạt động cốt lõi khai thác cảng đóng góp tới 1,138 tỷ VND (+35% so với cùng kỳ), cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực chính của doanh nghiệp.
Lợi nhuận sau thuế (LNST) Quý 1/2025 ghi nhận 528 tỷ VND (-20% yoy). Tuy nhiên, nếu loại bỏ khoản lợi nhuận bất thường từ việc bán cảng Nam Hải trong Quý 1/2024, LNST Quý 1/2025 của GMD thực tế đã tăng 36% so với cùng kỳ năm 2024. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi của GMD vẫn đang phát triển tích cực.
Thách thức từ chính sách thuế đối ứng và triển vọng sản lượng
Sản lượng hàng qua cảng của GMD trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ đi ngang so với năm 2024. Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm (nhờ xu hướng đẩy nhanh nhập hàng trong thời hạn tạm hoãn thuế đối ứng) sẽ bù đắp cho phần sản lượng thâm hụt từ Quý 3/2025 trở đi khi mức thuế đối ứng cao tương đối so với các quốc gia khác được áp dụng cho Việt Nam (dự kiến từ ngày 8/7/2025).
Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2025 kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng tích cực như 4 tháng đầu năm (+16% yoy) do các doanh nghiệp Mỹ tăng tốc nhập khẩu hàng hóa Việt Nam trong thời gian tạm hoãn thuế và các công ty sản xuất đẩy nhanh hoàn thành đơn hàng.
Tuy nhiên, trong kịch bản cơ sở của KBSV, nếu Việt Nam đàm phán giảm mức thuế đối ứng xuống 20 – 25% từ ngày 8/7 tới, lượng đơn hàng từ Mỹ dự kiến sẽ sụt giảm 50 – 60%, kéo theo giảm đơn hàng nhập nguyên vật liệu đầu vào. Ước tính, thuế đối ứng có thể làm giảm lần lượt 8% và 13% sản lượng hàng qua cảng GMD ở miền Bắc và miền Nam, bắt đầu ảnh hưởng từ nửa cuối năm 2025.
Đáng quan ngại hơn, sản lượng hàng qua cảng GMD trong năm 2026 dự kiến sẽ giảm từ 8-10% so với cùng kỳ năm 2025.
Giá dịch vụ cảng và chiến lược giảm thiểu tác động
Mặc dù sản lượng có thể bị ảnh hưởng, KBSV đánh giá thuế đối ứng sẽ tác động không đáng kể đến lộ trình tăng giá dịch vụ của GMD. Giá dịch vụ cảng tại các cảng GMD kỳ vọng duy trì đà tăng trung bình từ 3-4%/năm ở khu vực phía Bắc (do cạnh tranh cao) và 5-8%/năm ở khu vực phía Nam trong giai đoạn từ nay đến hết 2028. Dư địa tăng giá vẫn còn lớn do giá dịch vụ cảng tại Việt Nam vẫn thấp hơn 30-40% so với khu vực.
Để giảm thiểu tác động của thuế đối ứng, GMD đang thực hiện các chiến lược:
- Tăng trưởng thương mại với các thị trường khác: Đặc biệt là thị trường nội Á, tăng số tuyến tàu qua cảng.
- Giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ: Từ tháng 4/2025, Gemalink đã đón thêm tàu từ 4 tuyến mới đi châu Âu, châu Phi, Brazil và Canada.
- Tăng doanh thu/TEU: Nhờ hoạt động mở rộng chuỗi logistics, tập trung khai thác hoạt động trên đất liền.
Dự án mở rộng và tiềm năng dài hạn
Các dự án cảng lớn Nam Đình Vũ 3 và Gemalink 2 là những điểm nhấn đầu tư quan trọng, đảm bảo tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho GMD:
- Nam Đình Vũ 3: Với công suất 800,000 Teu, dự kiến hoàn thành vào cuối 2025 và bắt đầu khai thác từ đầu 2026. Trong kịch bản thận trọng, cảng này sẽ đạt 25% công suất thiết kế trong năm đầu và hòa vốn vào đầu 2028, sau đó tăng tốc và đạt trên 70% công suất vào 2029.
- Gemalink 2A: Với công suất 600,000 Teu, đang được triển khai pháp lý và thu xếp vốn, kỳ vọng bắt đầu khai thác từ cuối 2026/đầu 2027 và lấp đầy trên 70% công suất trước 2030. Thời gian đưa vào khai thác của Gemalink 2A và 2B dự kiến lùi xuống đầu 2027/2029.
Ngoài ra, GMD cùng SSA Marine đã gửi thư quan tâm đến dự án Cảng tổng hợp Cái Mép Hạ và Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, mở ra tiềm năng gia tăng công suất và hoàn thiện chuỗi logistics cho doanh nghiệp.
Định giá và Khuyến nghị
Dựa trên triển vọng doanh nghiệp và rủi ro từ những thay đổi trong chính sách thuế quan, KBSV (2.6.2025) đưa ra khuyến nghị “Trung lập” đối với cổ phiếu GMD với mức giá mục tiêu là 69,000 VND/cổ phiếu, cao hơn 14% so với giá đóng cửa ngày 29/05/2025.
Mức định giá này được điều chỉnh giảm nhẹ so với báo cáo trước, có tính đến các giả định về tác động của thuế đối ứng lên sản lượng của Nam Đình Vũ và Gemalink, cũng như tốc độ lấp đầy công suất của các dự án mới.
Báo cáo mới nhất từ CTCK SSI ( 28.4.2025) duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu Tổng Công ty cổ phần Gemadept (GMD), đồng thời điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 58,800 đồng/cp, tương ứng tiềm năng tăng giá khoảng 15%.
Theo đó, dự báo lợi nhuận sau thuế (LNST) năm 2025 giảm nhẹ 0.4% so với cùng kỳ xuống 1,898 tỷ đồng, và tăng trưởng 3.5% trong năm 2026 đạt 1,964 tỷ đồng.
GMD “vượt sóng” thuế quan Mỹ: Lợi thế cạnh tranh và FTA là “phao cứu sinh
Elibook Team cho rằng, GMD đang ở trong giai đoạn chuyển giao, với những thách thức ngắn hạn từ chính sách thuế đối ứng có thể ảnh hưởng đến sản lượng. Tuy nhiên, với vị thế dẫn đầu trong ngành khai thác cảng, khả năng tăng giá dịch vụ, và đặc biệt là các dự án mở rộng quy mô lớn đang được triển khai, GMD vẫn sở hữu tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn.
Nhà đầu tư nên thận trọng theo dõi diễn biến của chính sách thuế quan và quá trình triển khai các dự án mới để đánh giá chính xác hơn triển vọng của GMD. Elibook Team trung lập về GMD.
Trên đồ thị, RS của GMD là 25, nằm trong số các cổ phiếu hoạt động kém trên thị trường. VSC và HAH tăng giá mạnh nhưng liên quan đến hiệu ứng sóng họ nhà Gelex (Tuấn Mượt) hơn là do sóng cảng biển.
Sau điểm mua Pocket Pivot vào ngày 26.5.2025, GMD gặp ngay vùng kháng cự tạo bởi hỗ trợ cũ bị phá thủng và MA200 ngày đang dốc xuống. Vì thế, cần kiên nhẫn chờ đợi cổ phiếu này xây lại nền giá.