Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đã công bố kết quả kinh doanh Quý 1/2025 với doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu nhờ mảng Cơ khí và Xây lắp (M&C) từ các dự án điện gió. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp mảng M&C sụt giảm đáng kể do chi phí bất thường, khiến lợi nhuận Quý 1 thấp hơn kỳ vọng. BSC duy trì quan điểm “MUA” đối với PVS, nhận định cổ phiếu đang được định giá rẻ, với triển vọng dài hạn được củng cố bởi backlog dự án lớn trị giá 3 tỷ USD, dù còn nhiều thách thức trong ngắn hạn. Elibook Team vẫn không đánh giá cao triển vọng của PVS trong bối cảnh xu hướng giá dầu giảm giá dài hạn trong vòng 1 năm tới.
Triển vọng kinh doanh 2025
BSC đã điều chỉnh dự báo năm 2025: Doanh thu thuần của PVS đạt 36,151 tỷ VND (+52% yoy) và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1,177 tỷ VND (+10% yoy), EPS FW = 1,847 VND/CP. So với dự phóng gần nhất, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ giảm 12% do BSC điều chỉnh biên lợi nhuận gộp mảng M&C giảm từ 3.8% về 2.3%. BSC chưa bao gồm khoản trích lập liên quan đến tiền thuê đất tại Sao Mai – Bến Đình trong dự phóng.
Kế hoạch năm 2025 của PVS là doanh thu 22,500 tỷ (-5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 780 tỷ (-27% yoy). Tuy nhiên, ban lãnh đạo cũng tiết lộ kế hoạch doanh thu nội bộ là 29,715 tỷ (+25% yoy), cho thấy sự thận trọng trong kế hoạch chính thức.
Triển vọng dự án và các động lực tăng trưởng
Mặc dù PVS đang chịu ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới khiến một vài dự án điện gió thương thảo bị tạm hoãn, PVS vẫn đảm bảo được công việc cho giai đoạn 2025 – 2028 nhờ backlog các dự án (dầu khí và điện gió) trị giá 3 tỷ USD.
- Dự án dầu khí:
- Các gói thầu đang thực hiện: Lô B Ô Môn (EPCI#1 đạt 22%, EPCI#2 đạt 47%, Đường ống dẫn khí chậm tiến độ); Lạc Đà Vàng (Gói 1 đạt 25%, Gói 2 đạt 30%, Gói 3 đạt 27%).
- Các gói thầu mới trúng: Dự án Sư Tử Trắng 2B (trị giá ~400 triệu USD), Hợp đồng cung cấp FSO cho Lô B – Ô Môn (~480 triệu USD trong 14 năm cố định).
- BSC cho rằng kết quả kinh doanh chính của PVS trong năm 2025 – 2026 sẽ đến từ các dự án dầu khí.
- Dự án điện gió:
- Gói thầu đang thực hiện: Bàn giao hết chân đế cho Orsted trong tháng 6, thực hiện dự án Baltica 2.
- Gói thầu mới: 2 dự án điện gió (Mỹ và Đan Mạch) đang tạm hoãn do tình hình thuế quan. Các dự án đã ký kết nhưng chưa thực hiện: 35 chân đế cho Formosa (~300 triệu USD).
- Ban lãnh đạo PVS kỳ vọng ký 500 triệu USD/năm hợp đồng điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2026-2030, dù việc triển khai các dự án mới có thể chậm trễ 1-2 năm. BSC thận trọng hơn, cho rằng việc ký mới các dự án điện gió sẽ chậm lại đến năm 2028 do tình hình địa chính trị. BSC kỳ vọng các dự án điện gió sẽ chiếm tỷ trọng chính trong năm 2027 – 2028.
- Mảng kinh doanh mới: PVS có định hướng tham gia vào dịch vụ giải pháp ở mảng điện hạt nhân và LNG, đây đều là các định hướng chiến lược dài hạn của Việt Nam và PVN.
Thách thức về biên lợi nhuận M&C và rủi ro trích lập
Biên lợi nhuận mảng M&C đã ghi nhận mức thấp hơn kỳ vọng trong 4 quý liên tiếp. Nguyên nhân được PVS giải thích là do (i) Công ty ghi nhận chi phí thay vì khấu hao tài sản cố định và (ii) Phát sinh một số chi phí bất thường liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng điện gió.
PVS kỳ vọng đến năm 2027, biên lợi nhuận gộp các dự án điện gió sẽ tương đương các dự án dầu khí.
BSC dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm dự phóng mức biên lợi nhuận mảng M&C trong năm 2025-2026 do các yếu tố trên và kế hoạch đầu tư 2,500 tỷ VND trong năm 2025.
Về rủi ro trích lập đối với Sao Mai – Bến Đình, PVS đã trích lập 251 tỷ VND trong năm 2024. Nghĩa vụ còn lại đang chờ quyết định của cơ quan chức năng. BSC không dự phóng thêm khoản trích lập này trong năm 2025.
Định giá và Khuyến nghị
Tính đến ngày 2/6/2025, cổ phiếu PVS đã giảm 13% từ đầu năm. BSC cho rằng PVS đang được định giá rẻ khi giá trị vốn hóa hiện bằng giá trị tiền mặt đã trừ vay nợ (14,044 tỷ VND so với 14,992 tỷ VND).
Cổ phiếu cũng đang được giao dịch ở mức EV/EBITDA = 1, thấp hơn rất nhiều so với mức EV/EBITDA trung bình 5 năm là 5.6.
Với giá mục tiêu 2025 là 38,600 VND/cổ phiếu, BSC (2.6.2025) đưa ra quan điểm “MUA” đối với PVS, tương đương với upside +28% so với giá ngày 02/06/2025.
- SSI (27.5.2025) nâng khuyến nghị lên KHẢ QUAN với giá mục tiêu 1 năm là 33,000 đồng/cổ phiếu, phản ánh dự báo lợi nhuận 2025 và 2026 tăng lần lượt 14% và 8%. PVS hiện đang giao dịch ở mức P/E và P/B dự phóng 2025 khá thấp so với lịch sử.
- Vietcap (16.5.2025) điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 21,100 đồng/cổ phiếu nhưng nâng khuyến nghị lên KHẢ QUAN.
- HSC (8.5.2025) duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 43,300 đồng/cổ phiếu.
Elibook Team cho rằng, PVS đang sở hữu một khối lượng công việc lớn từ các dự án dầu khí và điện gió, đảm bảo triển vọng tăng trưởng doanh thu trong dài hạn. Tuy nhiên, thách thức về biên lợi nhuận gộp mảng M&C trong ngắn hạn do các chi phí bất thường và việc ghi nhận chi phí thay vì khấu hao cần được theo dõi.
Sự chậm trễ tiềm năng trong việc ký kết các dự án điện gió mới do tình hình địa chính trị cũng là một yếu tố cần lưu ý.
Elibook Team không đánh giá cao triển vọng nhóm dầu khí vì chu kỳ giảm giá dài hạn của giá dầu (dự báo về 20-30 đôla vào năm 2026).
Trên đồ thị, PVS đang gặp phải cản kháng cự từ đường trendline và vùng MA200 ngày.