Ngành tôm Việt Nam vừa đối mặt với thông tin gây sốc khi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ lên tới 35.29% cho một số doanh nghiệp lớn trong ngành, trong đó có Thủy Sản Sóc Trăng (Stapimex). Dù kết quả này chưa phải cuối cùng và có thể điều chỉnh, nhưng nó đã làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc trong toàn ngành. Trong bối cảnh đó, CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) vẫn cho thấy khả năng vượt trội, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ và chiến lược thích ứng linh hoạt nhờ tập trung vào phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT).
Ngành tôm Việt Nam “sửng sốt” trước mức thuế sơ bộ bất thường
Ngày 07/06/2025, DOC công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính lần thứ 19 (POR19) đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Công ty Thông Thuận đạt biên độ 0%, nhưng Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) và 22 doanh nghiệp khác bị áp mức thuế sơ bộ 35.29%.
Đây là mức thuế sơ bộ cao bất thường, chưa từng có tiền lệ trong 19 kỳ rà soát hành chính, khiến Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ sự bất ngờ và quan ngại sâu sắc.
VASEP nhận định có thể có sai sót kỹ thuật trong quá trình tính toán, tương tự trường hợp của Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HOSE: FMC) tại kỳ POR12, khi mức thuế sơ bộ 25.76% được điều chỉnh xuống 4.58% trong kết quả cuối cùng.
Dù kết quả sơ bộ chưa có hiệu lực, thông tin này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà nhập khẩu Mỹ và kế hoạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang đẩy mạnh chính sách áp thuế đối ứng cao.
Điều này sẽ khiến khả năng cạnh tranh của Tôm Việt Nam thất thế hơn một số quốc gia, ví dụ như Ecuador.
Hiện giá thành Tôm Đông Lạnh của Việt Nam cao hơn 30%-50% so với Ecuador hay Ấn Độ.
Động thái này cho thấy FMC đang cố gắng để được hưởng thuế chống bán phá giá (AD) 0% trong năm 2025. Đây sẽ là một lợi thế vượt trội cho FMC trong năm 2025. Theo báo cáo tài chính quý 1, chi phí thuế chống bán phá giá của FMC được ghi nhận tăng thêm 24 tỷ lên 126 tỷ đồng. Do đó, cần theo dõi diễn biễn thuế chống bán phá giá để quan sát khả năng được hoàn nhập. Năm 2024, FMC chưa ghi nhận hoàn nhập dự phòng cho POR 19.
FMC: Vượt trội trong bức tranh chung của ngành tôm
Bất chấp khó khăn chung của ngành, FMC đã thể hiện chiến lược hợp lý và đà tăng trưởng mạnh mẽ liên tiếp. Giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2025 của FMC đạt 115 triệu USD (+41% yoy), nhờ sản lượng tôm tiêu thụ tăng 38% yoy.
KQKD Quý 1/2025: Doanh thu tăng trưởng mạnh 36%, đạt 1,990 tỷ đồng, nhờ sản lượng tôm tiêu thụ đạt 6,119 tấn (+43% yoy). Tuy nhiên, LNST Công ty mẹ chỉ đạt 29.6 tỷ đồng (-40% yoy) do chi phí bán hàng tăng vọt 194% (đạt 88 tỷ đồng) và công ty phải ghi nhận chi phí thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà năm ngoái không có.
Tiếp đà tăng trưởng Quý 2: Hai tháng đầu Quý 2/2025, giá trị xuất khẩu của FMC (tôm + nông sản) tiếp tục tăng 41%yoy, đạt 44.83 triệu USD, nhờ sản lượng tôm tiêu thụ đạt 3,700 tấn (+31% yoy). Lũy kế 5 tháng đầu năm 2025, FMC ghi nhận doanh thu xuất khẩu đạt 115 triệu USD (+41% yoy) so với mức tăng trưởng 28.3% của toàn ngành tôm (thẻ, sú, hùm và khác). Điều này cho thấy FMC vẫn có lợi thế cạnh tranh nhất định trên thị trường quốc tế.
Chiến lược thị trường ngách và sản phẩm GTGT
FMC đã có hướng đi mạnh mẽ ở thị trường ngách là sản phẩm tôm giá trị gia tăng (GTGT), ví dụ như tôm tẩm bột. Tôm GTGT của Việt Nam chỉ chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan nhờ định vị sản phẩm chất lượng cao.
- Chất lượng là ưu tiên: Trong lĩnh vực tiêu dùng thực phẩm, ngoài giá bán, người tiêu dùng rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Tôm có dư lượng kháng sinh cao thường bị FDA từ chối nhập khẩu. Việt Nam có thể cạnh tranh tại thị trường Mỹ với vị thế sản phẩm tôm GTGT chất lượng cao, thể hiện qua việc chiếm 37% thị phần tôm GTGT tại Nhật Bản (một thị trường khó tính) trong giai đoạn 2020-2024 và ít bị FDA trả lại hàng ở Mỹ.
- Ưu thế cạnh tranh: Các số liệu xuất khẩu của NOAA (Mỹ) cho thấy, ngoài yếu tố giá, chất lượng là yếu tố quan trọng đối với các phân khúc khách hàng. Dù giá bán của Việt Nam thường cao hơn đối thủ cạnh tranh, nhưng ở mảng tôm tẩm bột đông lạnh, thị phần Việt Nam vẫn tăng 2.3% do chất lượng vượt trội. Tôm Việt Nam nổi bật hơn so với đối thủ về độ đồng đều, kích cỡ, màu sắc và chất lượng, dù giá tôm nguyên liệu cao hơn do quy trình nuôi khác biệt.
Định giá và khuyến nghị
FMC đặt kế hoạch thận trọng cho năm 2025 với doanh thu thuần 6,540 tỷ đồng (-5.4%yoy) và LNTT 420 tỷ đồng (tương đương năm 2024). Tuy nhiên, VDSC (4.6.2025) kỳ vọng LNST Công ty mẹ của FMC sẽ đạt khoảng 308 tỷ đồng (+1%yoy), tương đương giá mục tiêu dài hạn là 48,000 đồng với khuyến nghị MUA.
- Khả năng linh hoạt thị trường: Công ty vẫn có thể mở rộng qua các thị trường khác như Úc, Canada nhờ kinh nghiệm xuất khẩu qua thị trường khó tính như Nhật Bản thông qua việc định vị sản phẩm GTGT chất lượng cao đi kèm với mẫu mã và size đồng đều.
- Giá bán trung bình cải thiện: Giá bán trung bình năm 2025 của FMC dự kiến tăng trưởng nhờ mức giá bán nền thấp của năm 2024, hỗ trợ phần nào mức tăng trưởng của chi phí tôm thẻ nguyên đầu vào và chi phí bán hàng cao trong năm nay.
- Giá tôm nguyên liệu: Mặc dù giá tôm thẻ nguyên liệu vẫn ở mức cao so với cùng kỳ, kỳ vọng giá sẽ giảm dần theo tháng và thu hẹp đà tăng trưởng nhờ mùa vụ chính sẽ được thu hoạch trong tháng 6.
Elibook Team cho rằng, Mặc dù đối mặt với mức thuế chống bán phá giá đầy bất ngờ từ Mỹ và rủi ro giá tôm nguyên liệu neo cao, FMC đã chứng minh khả năng thích ứng linh hoạt và duy trì tăng trưởng vượt trội so với ngành.
Chiến lược tập trung vào sản phẩm tôm GTGT chất lượng cao và khả năng chuyển đổi thị trường sẽ là chìa khóa giúp FMC vượt qua thách thức và duy trì lợi nhuận ổn định.
Cần chú ý về sự thay đổi trong yếu tố cơ bản của doanh nghiệp trong năm 2025:
- Khả năng gỡ thẻ IUU trong năm 2025, giúp mở ra tiềm năng khai thác thị trường EU.
- Chi phí bán hàng năm 2025 giảm khi chi phí vận chuyển giảm. Elibook Team cho rằng quý 1.2025 là đáy lợi nhuận do chi phí nguyên liệu cao cho các đơn hàng cũ.
- Tăng 70% công suất chế biến: Từ năm 2023, FMC đã tăng 70% công suất chế biến, lên mức 49,000 tấn/năm. Sự gia tăng đáng kể này là nhờ vào việc đưa vào vận hành hai nhà máy mới, tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động. Điều này giúp sản lượng tiêu thụ tăng +30% trong năm 2024. Tuy nhiên, lợi nhuận chưa tăng do các vấn đề về chi phí thuế chống bán phá giá và chi phí bán hàng.
- Mở rộng vùng nuôi và tự chủ nguyên liệu: Song song với việc mở rộng công suất chế biến, FMC cũng nâng cấp vùng nuôi lên tổng cộng 520 ha. Điều này giúp tỷ lệ tự chủ nguyên liệu của công ty tăng từ 20% lên 40%, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và ổn định chi phí đầu vào.
- FMC duy trì cơ cấu sản phẩm linh hoạt với 40% tôm đông lạnh và 60% tôm chế biến. Việc tập trung vào tôm chế biến (sản phẩm giá trị gia tăng) là một chiến lược then chốt, giúp FMC đạt được lợi nhuận ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi những biến động mạnh về giá tôm nguyên liệu trên thị trường quốc tế.
Trên đồ thị, RS của FMC là 24, nằm trong số các cổ phiếu hoạt động kém trên thị trường. Do đó, Elibook Team không khuyến nghị đầu tư vào FMC tại thời điểm hiện tại. Cổ phiếu FMC đang cố gắng tích luỹ quanh MA50 ngày và điều này cần thêm thời gian để biết dòng tiền lớn tham gia hay không.