Triển vọng Thị trường Chứng khoán Việt Nam tháng 6: Cẩn trọng câu chuyện thuế quan!

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tháng 5 đầy ấn tượng, đạt đỉnh 3 năm và cho thấy sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế. Mặc dù vậy, theo đánh giá của SSI, nhà đầu tư cần cẩn trọng với những áp lực điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 6, đồng thời tập trung vào các yếu tố hỗ trợ dài hạn như chính sách vĩ mô linh hoạt, sự phục hồi của thị trường bất động sản và những thay đổi tích cực về nâng hạng thị trường.

Bức tranh kinh tế vĩ mô: Hồi phục mạnh mẽ, nhưng cần theo dõi rủi ro thuế quan

Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 5/2025 tiếp tục củng cố niềm tin vào sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam. Các động lực tăng trưởng truyền thống đang trở lại mạnh mẽ, với dự báo GDP Quý 2/2025 có thể đạt mức tăng trưởng ấn tượng 7.5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, SSI cũng nhấn mạnh hai yếu tố rủi ro cần được theo dõi chặt chẽ là thuế quan và tỷ giá.

  • Rủi ro thuế quan: Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào Danh sách Giám sát, bày tỏ quan ngại về chuyển tải bất hợp pháp và khai báo sai xuất xứ. Mặc dù các vòng đàm phán liên tục giữa Hoa Kỳ và Việt Nam củng cố kỳ vọng mức thuế áp dụng sẽ không quá cao (SSI Research ước tính lợi nhuận doanh nghiệp trong phạm vi nghiên cứu sẽ tăng 13.4% so với cùng kỳ trong kịch bản Mỹ áp thuế 20%), nhưng đây vẫn là yếu tố tiềm ẩn rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
  • Áp lực tỷ giá: Áp lực tỷ giá gia tăng gần đây chưa tạo ra tác động đáng kể đến lạm phát nhờ xu hướng giảm của giá hàng hóa cơ bản trên thị trường quốc tế, nhưng vẫn là yếu tố cần được theo dõi sát sao.

Diễn biến thị trường chứng khoán: Phân hóa trong tháng 6

VN-Index kết phiên 30/05/2025 đạt 1,332,6 điểm, tăng 106 điểm (+8.67%) so với tháng trước, đánh dấu tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 7/2023 và lập đỉnh mới 3 năm. Đà tăng nổi bật ghi nhận ở các nhóm Bất động sản, Du lịch và Giải trí, Hóa chất. Thanh khoản thị trường duy trì sôi động, chỉ giảm nhẹ 7% so với tháng trước, giúp nhóm Midcap tăng tốt hơn Bluechip, đúng như dự báo của SSI.

Triển vọng TTCK Việt Nam tháng 5: “Sell in May” hay “Chill in May”? Cơ hội ở Midcap?

Về triển vọng tháng 6, các thống kê cho thấy xác suất giảm (53.8%) có khả năng xảy ra nhiều hơn so với xác suất tăng (46.2%), và tỷ suất lợi nhuận bình quân là 0%. Khả năng cao thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh.

Theo SSI, thị trường sẽ chạy trong biên giá với kháng cự là 1,360 – 1,390 và hỗ trợ là 1.300 – 1.320

SSI kỳ vọng áp lực bán có thể gia tăng trong tháng 6 sau khi thị trường đã hồi phục khoảng 22% từ mức đáy đầu tháng 4, đặc biệt với các nhóm cổ phiếu đã hồi phục mạnh.

 Sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra. Dòng tiền có thể hướng đến các nhóm cổ phiếu sau:

    • Cổ phiếu phòng thủ: Trong bối cảnh biến động, các cổ phiếu phòng thủ sẽ được chú ý.
    • Cổ phiếu có kết quả kinh doanh Quý 2 tăng trưởng tốt: Đây là nhóm hấp dẫn khi mùa công bố kết quả kinh doanh đang đến gần.
    • Cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng bởi thuế quan: Các doanh nghiệp có thị trường nội địa lớn hoặc ít phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ sẽ được ưu tiên.

 

Động Lực Tăng Trưởng Dài Hạn

  • Thị trường bất động sản hồi phục:
    • Số lượng dự án được cấp phép mới và căn hộ đủ điều kiện mở bán đều tăng trưởng mạnh trong Quý 1/2025 (cấp phép: 26 dự án, tăng +44% so với quý trước; đủ điều kiện mở bán: 19,800, tăng +3.5 lần so với cùng kỳ).
    • Nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM kỳ vọng tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 40,200 căn trong năm 2025.
    • Đà tăng giá có thể chậm lại trong thời gian tới do nguồn cung cải thiện.
    • Thị trường bất động sản tại các tỉnh thành cấp 2 ấm trở lại nhờ thông tin sáp nhập tỉnh thành và kế hoạch phát triển hạ tầng.
  • Nghị quyết 68 và cải cách pháp lý:
    • Nghị quyết 68 đang giúp các doanh nghiệp/tập đoàn lớn tiếp cận các dự án trọng điểm quốc gia, giảm rào cản cho doanh nghiệp tư nhân tham gia hạ tầng quy mô lớn.
    • Hàng loạt nghị định liên quan đến định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai, phân cấp giao đất không qua đấu giá/đấu thầu sẽ được thông qua và triển khai sớm từ 01/07/2025.
    • Dự thảo luật sửa đổi 17 luật chuyên ngành liên quan đến nông nghiệp và môi trường đang được chuẩn bị trình Quốc hội vào tháng 10/2025, hứa hẹn giải quyết phần lớn các nút thắt đất đai ngay trong năm nay.
    • Thúc đẩy mô hình Đối tác Công – Tư (PPP) với các mô hình quản trị linh hoạt.
    • Thị trường vốn được kỳ vọng hưởng lợi chính từ sự phát triển của khu vực tư nhân.
  • Nâng hạng thị trường:
    • Thông tư số 03/2025/TT-NHNN và Thông tư 18/2025 của Bộ Tài chính đã tạo thuận lợi hơn cho giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước (NPS) của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản.
    • Hệ thống KRX chính thức vận hành ổn định từ 05/05/2025, tạo cơ sở triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới.
    • Thông tin sửa đổi Nghị định 155 và các văn bản liên quan vẫn thu hút sự chú ý khi kỳ đánh giá của FTSE Russell đang tới gần (tháng 10/2025). Những thay đổi này nhằm giải quyết các vấn đề mà FTSE Russell từng nêu khi xem xét nâng hạng.
  • Chiến dịch chống hàng giả và thay đổi chính sách TMĐT:
    • Tích cực ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng và tăng thu thuế từ hộ kinh doanh theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP (từ 01/06/2025) thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang mua sắm tại các điểm bán hàng tin cậy qua kênh thương mại hiện đại (MT).
    • Các thay đổi về chính sách TMĐT (Luật sửa đổi số 56/2024/QH15 từ 01/04/2025 yêu cầu sàn giao dịch TMĐT khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh; Quyết định 01/2025/QĐ-TTg từ 18/02/2025 áp thuế VAT với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua chuyển phát nhanh; Shopee và Tiktok Shop tăng phí cho người bán từ 01/04/2025) giúp các doanh nghiệp kinh doanh chính thống (đa phần qua kênh MT) cạnh tranh công bằng hơn. Các doanh nghiệp như MWG, FRT, DGW và chuỗi Winmart của MSN được hưởng lợi.

Các cổ phiếu khuyến nghị từ SSI:

SSI khuyến nghị thêm mới các cổ phiếu: HPG, GMD, DPM, KDH và duy trì khuyến nghị với PVT.

  • HPG (CTCP TẬP ĐOÀN HÒA PHÁT): Kỳ vọng KQKD Quý 2/2025 tích cực hơn nhờ lò cao số 1 Dung Quất 2 đi vào hoạt động toàn quý và ảnh hưởng tích cực của thuế chống bán phá giá với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá thép xây dựng tăng nhẹ do nhu cầu và tồn kho hạn chế.
  • GMD (CTCP TẬP ĐOÀN GEMADEPT): KQKD Quý 2/2025 dự kiến tích cực nhờ hoạt động đẩy mạnh xuất hàng (frontloading) sang Mỹ trước thời hạn thuế. Định giá hiện tại hợp lý với kịch bản thuế quan quanh 20%, còn upside nếu đàm phán thuận lợi. Lợi nhuận đột biến từ thoái vốn mảng Cao su cũng là xúc tác tiềm năng.
  • DPM (TCT PHÂN BÓN VÀ HÓA CHẤT DẦU KHÍ): Lợi nhuận kỳ vọng quay lại đà tăng trưởng từ Quý 2/2025 nhờ giá dầu giảm, giá ure tăng và việc áp dụng luật thuế GTGT mới từ tháng 7/2025 cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào. DPM có vị thế tiền mặt cao và cổ tức hấp dẫn (dự kiến tổng cổ tức tiền mặt 20,8% trên mệnh giá cho 2025).
  • KDH (CTCP ĐẦU TƯ VÀ KD NHÀ KHANG ĐIỀN): Dự án Gladia (Bình Trưng Đông, Thủ Đức) với 226 căn biệt thự/liền kề đã hoàn thiện xây dựng, kỳ vọng mở bán trong nửa cuối năm 2025, mang lại doanh số bán hàng 5.234 tỷ đồng (+4 lần so với cùng kỳ) và lợi nhuận tăng trưởng 22% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2025.
  • PVT (TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN VẬN TẢI DẦU KHÍ): Triển vọng kinh doanh khả quan trong năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng LNTT 7-8%. Mặc dù KQKD Quý 1/2025 yếu hơn kỳ vọng do chi phí khấu hao tăng, định giá hiện tại của PVT đang ở mức thấp trong lịch sử (P/E 2025 là 6,7 lần và P/B 2025 là 0,9 lần), cho thấy tiềm năng tăng giá.

Trả lời