Vì sao cổ phiếu MWG vẫn dẫn đầu ngành hàng bán lẻ-tiêu dùng trong 3 tháng qua?

Sự sụt giảm lợi nhuận của ngành bán lẻ giải thích tại sao các cổ phiếu này có hiệu suất kém hơn so với VN-Index. Trong số đó, MWG trở nên sáng sủa nhất. Động lực tăng trưởng ngành bán lẻ trong các năm tới đặt vào tay các ông lớn như MWG, FRT và MSN.

Tổng quan ngành bán lẻ tiêu dùng: Áp lực ngắn hạn nhưng triển vọng dài hạn sáng sủa

Trong 3 tháng vừa qua, giá cổ phiếu của các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng trong danh sách khuyến nghị của HSC đã giảm bình quân 8.5%, diễn biến kém tích cực hơn mức tăng 12.4% so với chỉ số VN-Index. Các cổ phiếu như VNM, MCH, DGW và PNJ là những mã có diễn biến kém nhất so với thị trường chung.

Về mặt định giá, các cổ phiếu ngành bán lẻ đang giao dịch ở mức P/E bình quân dự phóng năm 2025 và P/E trượt dự phóng 1 năm lần lượt là 18.5 lần và 16.8 lần, thấp hơn 0.6 độ lệch chuẩn so với bình quân 3 năm. Nhiều cổ phiếu như VNM, SAB và DGW thậm chí đang giao dịch với định giá rẻ hơn đáng kể so với mức bình quân 3 năm.

Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận cho giai đoạn 2025-2027 lại cho thấy triển vọng khả quan. Tổng lợi nhuận thuần của các công ty hàng tiêu dùng (loại trừ MCH để tránh trùng lặp với MSN) được dự báo tăng trưởng 11.9% trong năm 2025. Nếu tiếp tục loại trừ VNM (do triển vọng kém khả quan và đóng góp lớn vào tổng lợi nhuận ngành), mức tăng trưởng này có thể đạt 17.6% trong năm 2025. Đà tăng trưởng này dự kiến sẽ tăng tốc lên 14.7% vào năm 2026 và 13% vào năm 2027, với MWG, MSN và FRT là những động lực chính.

Quý 1/2025 cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong kết quả kinh doanh:

  • Điểm sáng: MWG, MSN và FRT đều ghi nhận kết quả tích cực. Lợi nhuận của MWG được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh và chuyển biến lợi nhuận tại chuỗi Bách Hóa Xanh. MSN được hỗ trợ từ kết quả kinh doanh tích cực ở hầu hết các mảng cốt lõi. FRT hưởng lợi từ lợi nhuận cao kỷ lục của chuỗi nhà thuốc Long Châu. MCH có EBITDA tăng tốt nhờ các chương trình bán hàng và marketing hiệu quả, chiến lược cao cấp hóa và đổi mới sản phẩm.
  • Thách thức: VNM, SAB, QNS, PNJ và TLG ghi nhận lợi nhuận thuần kém khả quan. Đặc biệt, lợi nhuận thuần của VNM giảm mạnh 29% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đáng kể đến tổng lợi nhuận ngành do VNM đóng góp đến 27% vào tổng lợi nhuận thuần.

Theo SSI Research, những doanh nghiệp được dự báo hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển tiêu dùng sau loạt vụ hàng giả bao gồm Thế Giới Di Động (MWG), FPT Retail (FRT), Digiworld (DGW) và chuỗi Winmart của Masan (MSN).

Các lựa chọn đầu tư hàng đầu

1. MWG: Mua vào với giá mục tiêu 79.600 đồng HSC tiếp tục duy trì khuyến nghị Mua vào đối với cổ phiếu MWG và tăng 9% giá mục tiêu lên 79,600 đồng. Vị thế số 1 trên thị trường bán lẻ công nghệ giúp MWG đa dạng hóa danh mục sản phẩm, bao gồm cả sản phẩm độc quyền và khai thác các dòng sản phẩm mới. Mạng lưới dịch vụ hậu mãi vững mạnh cũng là lợi thế cạnh tranh của công ty. Chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) dường như đã tìm ra mô hình hoạt động phù hợp và đang đi đúng hướng để mang lại lợi nhuận cao hơn vào năm 2025.

Sau khi tăng 5% trong 3 tháng qua, MWG đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 16.1 lần, thấp hơn 0.7 độ lệch chuẩn so với bình quân từ tháng 5/2022. P/E dự phóng năm 2025 của MWG là 17.1 lần, sát với bình quân ngành. HSC dự báo lợi nhuận thuần của MWG sẽ tăng 47% trong năm 2025 và 21% mỗi năm trong 2026-2027 nhờ giành thêm thị phần, tỷ suất lợi nhuận cao hơn ở chuỗi điện máy và đóng góp lớn hơn từ BHX.

MWG: Câu chuyện tăng trưởng vẫn còn nguyên vẹn, vững vàng vị thế dẫn đầu ngành bán lẻ ICT

2. FRT: Tăng tỷ trọng với giá mục tiêu 202,800 đồng FRT được HSC khuyến nghị Tăng tỷ trọng với giá mục tiêu 202,800 đồng. Chuỗi nhà thuốc Long Châu của FRT có vị thế vượt trội trên thị trường chăm sóc sức khỏe, đây là một lĩnh vực có tính phòng thủ cao trong bối cảnh nhiều bất ổn toàn cầu. FPT Shop đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, và nhà đầu tư cần kiên nhẫn để chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững hơn. Kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% có thể thúc đẩy thanh khoản và là động lực tăng trưởng ngắn hạn. Dự báo lợi nhuận thuần của FRT tăng trưởng mạnh với CAGR 3 năm ở mức 54% nhờ Long Châu.

Tốc độ mở cửa hàng Long Châu chậm lại trong quý 1.2025, dự báo lợi nhuận ròng của FRT tăng gấp 3.4 lần so với cùng kỳ

Triển vọng nhu cầu tiêu dùng: Phục hồi vừa phải trong 2025-2026

Doanh thu bán lẻ Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ tháng 1/2025, với mức tăng trưởng cải thiện liên tục trong 4 tháng đầu năm, đạt 99% so với cùng kỳ. HSC nâng dự báo tăng trưởng doanh thu bán lẻ năm 2025 lên 10% (từ 85% trước đó) và kỳ vọng đà tăng trưởng này sẽ duy trì trong năm 2026.

Sự phục hồi này được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích tiêu dùng của Chính phủ (nới lỏng tiền tệ, đẩy mạnh đầu tư công, kéo dài giảm thuế GTGT, miễn học phí, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân).

Ngoài ra, khả năng tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN (2026) và trì hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (2027) cũng sẽ hỗ trợ chi tiêu. Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ cũng sẽ đóng góp vào tăng trưởng bán lẻ, với lượng khách quốc tế dự kiến đạt 20.5 triệu lượt trong năm 2025.

Các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu bán lẻ đến từ sự tăng trưởng ổn định của nhóm thực phẩm thiết yếu, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và các loại hình dịch vụ khác.

Ngành hàng tiêu dùng nhanh dự kiến tăng tốc lên 4.6% trong năm 2025 và 5.5% trong năm 2026, trong khi doanh số hàng công nghệ dự báo tăng 5% năm 2025 và 8% năm 2026.

Trả lời