Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Ai được, ai mất?

Bài viết được đăng tải trên báo Đầu Tư Tài Chính số ra ngày 19.1.2017

(ĐTTCO) –  Dù ngày mai 20-1 mới đến thời điểm Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, nhưng không chỉ những tuyên bố chính thống trước báo giới, mà mỗi dòng tweet của ông trên trang Twitter cá nhân cũng đủ khiến cho thị trường tài chính biến động mạnh.

Chấm dứt chính sách đồng USD mạnh

Ngày 17-1, tờ Wall Street Journal trích bình luận của ông Trump về cuộc chiến thương mại với người Trung Quốc: “Các công ty của chúng ta không thể cạnh tranh lại với người Trung Quốc vì đồng tiền của chúng ta quá mạnh. Và nó đang giết chết chúng ta”. Thông điệp này một lần nữa cho thấy Trump chắc chắn sẽ thực thi cam kết tranh cử của mình: “Đã đến lúc cứng rắn với người Trung Quốc”.

http://www.elibook.vn/2017/01/13/kinh-te-tai-chinh-the-gioi-2017-nhieu-bien-so-kho-doan-dinh/

Vào tháng 12 năm ngoái, Trump cũng chỉ trích Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ” trên trang Twitter cá nhân. Sau 4 ngày bình luận của Trump được đưa ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng ông chống lại chủ nghĩa bảo hộ và nếu một cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc diễn ra, sẽ không ai giành chiến thắng.

Ông Marc Chandler, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại Brown Brothers Harriman, nói: “Đây là lần đầu tiên chúng ta có một vị tổng thống nói đồng tiền của mình có giá quá cao. Trump là vị tổng thống nói và làm những điều mà chưa có tổng thống nào làm”.

Các Tổng thống Hoa Kỳ thường cố gắng hạn chế bình luận trực tiếp về chuyện đi lên hoặc đi xuống của đồng tiền, nhưng Trump thì nói thẳng. Chanlder cho rằng bình luận của Trump cho thấy ông đang phát tín hiệu chấm dứt chính sách đồng USD mạnh của Bộ trưởng Tài chính Robert Rubin.

Trưởng bộ phận chiến lược thị trường của Westpac ông Robert Rennie và nhà kinh tế học Mr Eslake, cho rằng Donald Trump sẽ sử dụng mức tỷ giá tâm lý 7NDT đổi 1USD để đưa ra cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nội tệ. Tỷ giá hiện nay đang giao dịch ở gần mức tâm lý này (6,9-6,95NDT/USD).

Một khi cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, Trump sẽ thiết lập những hạn chế giao dịch với quốc gia này. Theo đó, cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung sẽ tiến hành dưới 2 hình thức phổ biến là đánh thuế (khoảng 45%), hoặc đưa ra hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc vào Hoa Kỳ.

Người Hoa Kỳ nắm lợi thế?

Vào năm 2009, Tổng thống Obama từng đánh thuế 35% lên vỏ xe tải của Trung Quốc và quốc gia này cũng lập tức đánh thuế lên thịt gà của Hoa Kỳ. Lần đó, phần thiệt rơi về phía Trung Quốc. Nhập khẩu vỏ xe từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ giảm 50% đến thời điểm năm 2015 và được thay thế bởi nguồn từ Hàn Quốc và các quốc gia khác. Ngành vỏ xe của Trung Quốc ngay lập tức rơi vào thế khó khi chỉ có thể sản xuất 50-60% tổng công suất, nhiều nhà máy phải đóng cửa. Trong khi đó, xuất khẩu thịt gà của Hoa Kỳ vẫn tăng gấp đôi từ năm 2011 đến năm 2016 và ngành sản xuất gia cầm vẫn tăng trưởng.

Tất nhiên, quy mô của cuộc chiến thương mại sắp tới sẽ lớn hơn, nhưng một số yếu tố cho thấy người Hoa Kỳ đang có một số lợi thế. Thứ nhất, Hoa Kỳ không phụ thuộc nhiều vào hàng hóa của Trung Quốc. Nhiều mặt hàng có thể thay thế từ các nước khác thay vì nhập từ Trung Quốc. Các mặt hàng Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc mang tính chất mang lại tiện nghi cao hơn cho người Hoa Kỳ và Trump có thể buộc người Hoa Kỳ phải “chịu đựng một chút” để trừng phạt Trung Quốc.

Hơn nữa, cũng đang có làn sóng các quốc gia di chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác, nên Hoa Kỳ có nhiều lợi thế lựa chọn hơn. Các công ty như Apple có thể di chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc mặc dù điều này sẽ tiêu tốn thời gian và tiền bạc. Thực tế, các tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ cũng không có nhiều nguồn thu từ Trung Quốc.

Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu Geopolitical Futures (GPF), Trump biết người Trung Quốc nhận ra họ đang ở thế yếu hơn và ông muốn mở ra một cuộc chiến thương mại để giành lấy những lợi thế đàm phán tốt hơn cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ phải đối phó với những vấn đề căng thẳng từ cuộc chiến này. Một trong những biện pháp trả đũa khiến nhiều người lo lắng là con át chủ bài của Trung Quốc: đất hiếm. Trung Quốc gần như độc quyền về đất hiếm, 89% lượng đất hiếm trên toàn cầu năm 2016 được sản xuất từ Trung Quốc.

Năm 2010, Trung Quốc từng cắt giảm xuất khẩu đất hiếm vào Nhật Bản như một biện pháp trả đũa thương mại. Kịch bản này rất có thể tái diễn trong cuộc chiến với Hoa Kỳ. Khi đó, Hoa Kỳ có thể phải sử dụng những nguồn đất hiếm khác với giá thành cao hơn như của công ty nội địa Molycorp Inc, hoặc của các quốc gia khác như Australia. Dù có thể không phải là một thảm họa đối với ngành kỹ thuật cao của Hoa Kỳ, nhưng ngành này sẽ gặp phải nhiều khó khăn.

Nhiều nước lo ngại

Nếu Trung Quốc muốn làm giảm tỷ giá để tránh một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, quốc gia này có thể phải kết hợp cả việc tăng lãi suất đồng NDT. Khi Trung Quốc buộc phải tăng lãi suất cho vay, các ngân hàng ở khu vực Đông Nam Á và cuối cùng là Australia cũng phải nâng lãi suất. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của IMF, khi Trung Quốc tăng lãi suất những quốc gia như Campuchia, Philippines…mới chịu ảnh hưởng tăng lãi suất mạnh hơn, vì dòng vốn của các quốc gia này có sự tác động mạnh từ phía ngân hàng của Trung Quốc. Việt Nam ít chịu ảnh hưởng từ tác động này.

Tuy nhiên, gần như mọi quốc gia đều chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến Mỹ-Trung. Theo nghiên cứu của Deutsche Bank, gần 37% xuất khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ vào năm 2015 bao gồm giá trị tăng thêm được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Mặc dù Trung Quốc là người “chịu trách nhiệm lớn nhất” về thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ, nhưng tỷ lệ thực tế chỉ là 16,4%. Thực tế, 4 đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc chiếm đến 49,6% tỷ lệ thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ. Do đó, nếu Hoa Kỳ mở cuộc chiến thương mại với người Trung Quốc, vô hình trung cũng tác động lên các quốc gia khác.

Quy mô tác động đến thế giới còn tùy thuộc vào chiến lược của Hoa Kỳ trong cuộc chiến với Trung Quốc. Deutsche Bank cho rằng có 3 mục tiêu Hoa Kỳ phải xem xét: (i) giảm thâm hụt thương mại; (ii) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (iii) đem việc làm quay lại Hoa Kỳ. Các lĩnh vực có thể đáp ứng được cả 3 mục tiêu trên sẽ là những ngành như máy tính và điện tử, ô tô, da và các sản phẩm liên quan, thiết bị điện tử và đồ gia dụng. Nhưng khó khăn là Hoa Kỳ sẽ phải xem xét ưu tiên mục tiêu nào. Nếu Hoa Kỳ ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, họ sẽ tập trung cuộc chiến thương mại vào các ngành có giá trị tăng thêm cao như máy tính và điện tử, ô tô…

Lúc này, các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng hàng công nghệ cao như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và Nhật Bản sẽ chịu tác động mạnh. Ngược lại, nếu Hoa Kỳ muốn ưu tiên tạo ra nhiều việc làm cho người Hoa Kỳ, họ sẽ tập trung vào những ngành có thu nhập thấp như dệt may, da giày… Lúc này, những quốc gia như Canada, Mexico, Ấn Độ và Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh, vì đây là những nước có thế mạnh về những mặt hàng xuất khẩu như da giày, dệt may, đồ gia dụng, đồ gỗ…

 

Trả lời