Đây là bài viết của Trương Minh Huy được đăng tải trên báo Đầu Tư Tài Chính Online ra ngày 3.2.2017.
Hệ quả của mâu thuẫn Mỹ-Iran đối với đồng USD.
Chỉ 1 tuần sau khi tuyên hệ nhậm chức Tổng Thống, Donald Trump đã thực hiện thay đổi chính sách ngoại giao dưới thời Tổng Thống Obama. Ngày 28/1/2017, chính quyền của Trump ban hành sắc lệnh tạm thời không nhận người tị nạn khắp nơi trên thế giới đồng thời cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi Giáo gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen và Syria (thậm chí cả những người có thẻ xanh vào Mỹ), và vào ngày 2.2.2017, Mỹ tiếp tục gia tăng căng thẳng bằng cảnh báo nhắm vào Iran. Theo đó, Donald Trump cho rằng, Iran đang có “hành vi gây bất ổn tại Trung Đông”. Thái độ của chính quyền Donald Trump được cho là nhằm thể hiện thái độ kiên quyết của Mỹ với Iran khi lên án vụ thử tên lửa đạn đạo của quốc gia này (tiến hành vào hôm 29.1.2017) và đưa ra tuyên bố: “Chính thức đưa Iran vào diện phải chú ý”.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran là điều mà nhiều nhà phân tích chính sách ngoại giao đã dự báo trước khi Trump luôn thể hiện thái độ bài xích người Hồi Giáo và chỉ trích kịch liệt đối với Iran. Còn nhớ vào tháng 10 năm ngoái, Donald Trump đã từng phát biểu “Khi tôi quan sát thỏa thuận với Iran và nhận thấy đây là thỏa thuận tồi tệ đối với chúng ta (người Mỹ), nó chẳng khác nào giao dịch một phía mà chúng ta đưa 150 tỷ USD cho một quốc gia khủng bố, thực sự là nhà nước khủng bố số 1”. Donald Trump luôn chỉ trích Tổng Thống Obama vì những thỏa thuận mà ông cho là bất lợi với nước Mỹ. Do đó, không hề ngạc nhiên trước động thái cứng rắn của Donald Trump với Iran chỉ 1 tuần sau khi ông chính thức nhậm chức Tổng Thống. Theo Reuters, Mỹ đang kỳ vọng sẽ thực hiện lại một thỏa thuận mới với Iran có lợi hơn cho Mỹ.
Ngay sau khi sắc lệnh cấm của Donald Trump với người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi Giáo, Iran là quốc gia có biện pháp trả đũa mạnh mẽ nhất bằng việc ngừng cấp thẻ visa cho các công dân Mỹ vào Iran và đặc biệt là: “Dừng sử dụng đồng Đôla Mỹ như là đơn vị tiền tệ trong các báo cáo giao dịch ngoại hối và tài chính của Iran”. Thông báo này được công bố bởi ngân hàng trung ương, Ông Valiollah Seif trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 29.1.2017. Hiệu lực của thay đổi này sẽ bắt đầu vào ngày 21.3.2017.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran về dài hạn sẽ là tổn thương vị trí thống trị của đồng USD. Từ những năm 1970, đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ thế giới và có sức mạnh thống trị như hiện nay là nhờ vào thỏa thuận của chính quyền Nixon với Ả Rập Xê Út trong việc giao dịch dầu bằng đồng USD. Ả Rập Xê Út sau đó dùng vị thế của mình trong khối OPEC (trong đó có Iran) để khối này chấp nhận niêm yết và giao dịch dầu bằng đồng USD. Do đó, nếu như Iran rút khỏi thỏa thuận này sẽ đe dọa đến vị thế của đồng USD. Iran, dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc và Nga trong các giao dịch hoán đổi tiền tệ sẽ cố gắng để gia tăng các giao dịch dầu bằng đồng NDT (Trung Quốc) hoặc Ruble (Nga), thay cho đồng USD. Nên nhớ, Iran đang nắm giữ 13% dự trữ dầu của OPEC, trong khi OPEC đang chiếm 42% sản lưởng dầu toàn cầu và 73% dự trữ dầu trên toàn thế giới. Trong năm tài khoán 2016, Iran đã kiếm được 41 tỷ USD từ việc bán dầu với khách hàng chính là Trung Quốc.
Phía Iran cho rằng, hành động của Trump là mang tính chất tìm cớ để gây hấn với quốc gia này khi vụ thử hạt nhân là không vi phạm các điều khoản với nhóm P5+1 vào năm 2015. Chính quyền Trump cũng không bao gồm Ả Rập Xê Út, một đồng minh của Mỹ, vào trong nhóm các quốc gia hồi giáo bị cấm nhập cư cho thấy một hành động gấy hấn có mục đích.
Trong ngắn hạn, căng thẳng giữa Mỹ và Iran tác động trực tiếp đến giá dầu vì các nhà đầu tư lo ngại Iran sẽ khó thu hút dòng vốn đầu tư để mở rộng sản xuất dầu. Điều này sẽ làm giảm bớt nguồn cung dầu, giúp giá dầu tăng. Thực tế, giá dầu đã tăng hơn 1% sau phát biểu của chính quyền Trump về Iran vào ngày 1.2.2017.
Đối với đồng USD, có vẻ như Trump đang muốn hạ giá đồng USD sau những bình luận trước ngày nhậm chức Tổng Thống. Vào ngày 18.1.2017, Donald Trump đã nói với tờ báo Wall Street Journal rằng: “Các công ty của Mỹ không thể cạnh tranh lại với người Trung Quốc vì đồng USD quá mạnh. Và nó đang giết chết chúng ta.”.
Vào ngày 31.1.2017, Trump và các thành viên tư vấn đã chỉ đích danh khu vực đồng tiền chung Châu Âu và cụ thể hơn là Đức, Nhật Bản và Trung Quốc đã thao túng tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh với Mỹ. Phát biểu này tạo ra khả năng Trump đang muốn tạo cớ để tiến hành các biện pháp nhằm hạ giá đồng USD.
Những bình luận tiền tệ của Donald Trump và căng thẳng với Iran ngay những ngày đầu nhậm chức Tổng Thống cho thấy Trump đang muốn tạo ra một cuộc chiến tranh tiền tệ bằng cách phá giá hoặc thậm chí là bỏ rơi đồng USD.
Rủi ro chính trị quan trọng hơn cả quyết định chính sách tiền tệ của FED
Ngày 2.2.2017, đồng USD giảm giá sau khi FED quyết định không tăng lãi suất. Quyết định này đã chấm dứt kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng FED sẽ tăng lãi suất nhanh hơn trong năm 2017 khi chính quyền Trump sẽ chi tiêu mạnh tay cho cắt giảm thuế và chính sách chi tiêu tài khóa. Jim Reid của Deutsche Bank bình luận về cuộc họp của FED: “thông điệp từ cuộc họp đêm qua của FED không cho thấy một dấu hiệu nào cho lần tăng lãi suất tiếp theo sẽ xảy ra (cuộc họp tháng 3). Không có thông tin mới để nhà đầu tư đánh giá về quyết định tăng lãi suất của FED”.
Ông Andrew Milligan, trưởng bộ phân chiến lược toàn cầu của Standard Life Investment ltd nói: “Trong khi các yếu tố cơ bản đang ủng hộ cho đồng USD tăng gía, thì các rủi ro chính trị đang làm ngược lại. Nếu các rủi ro chính trị tăng lên, diễn biến của đồng USD có thể đi ngược lại với các yếu tố cơ bản.”.
Nhận định này được đưa ra sau khi FED vẫn đang nhìn thấy sự cải thiện trong các thước đo về niêm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. FED cũng nhìn thấy “sự cải thiện mạnh hơn” trong thị trường việc làm và lạm phát đang tăng lên. Thực tế, các chỉ số lạm phát toàn cầu và khu vực Châu Âu vừa công bố cho thấy lạm phát đang tăng nhanh (Chỉ số Citi Global Inflation Index, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011).
Nhưng có vẻ như thị trường đang quá chú ý vào Trump và các rủi ro chính trị mà chính quyền Mỹ đang tạo ra. Theo quan sát của các tạp chí tài chính, các trader đang chú ý đến các dòng Twitter của Trump và những bình luận của ông hơn là các yếu tố cơ bản trên các thị trường tài chính (vàng, dầu, tiền tệ).
Thực sự, chỉ số USD Index có tháng 1 tệ nhất (giảm 2.7%) trong 3 thập niên qua sau khi Trump cho rằng: “Đồng USD đang quá mạnh”. Hoạt động của đồng USD dưới chính quyền Trump giống hệt như Ronald Reagan (Một Tổng Thống thuộc đảng Cộng Hòa và cũng là người truyền cảm hứng cho Trump) lúc mới lên nắm quyền: Đó là đồng USD giảm mạnh trong tháng 1. Hiện nay chỉ số USD đã gần như xóa hết mức lãi từ khi Trump đắc cử Tổng Thống vào tháng 11.2016 và tạo đáy thấp nhất trong 3 tháng. Điều này khiến các nhà phân tích chu kỳ lo ngại lịch sử sẽ lặp lại vì dưới thời của Ronald Reagan, đồng USD cũng mất giá mạnh.
Hình 1: Đồng USD đều giảm mạnh trong tháng 1 khi Ronald Regan và Donald Trump nhâm chức Tổng Thống.
Nguồn: Zeroheged
Trương Minh Huy