Cổ phiếu dầu khí lao đao vì giá dầu

Bài viết được đăng tải trên báo Đầu Tư Tài Chính số ra ngày 6.3.2017.

(ĐTTCO) – Trong khi các nước thành viên OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu) nghiêm túc thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng, thì các nước ngoài OPEC (non-OPEC) không hề có thiện chí trong việc cắt giảm sản lượng dầu. Với áp lực tăng cung dầu của Hoa Kỳ và chính sách tăng lãi suất của FED, giá dầu thế giới đang gặp phải áp lực điều chỉnh mạnh trong thời gian tới. Trong bối cảnh này, khối ngoại thường ưa thích bán ròng các cổ phiếu (CP) dầu khí trên TTCK Việt Nam.

Giá dầu tăng không như kỳ vọng

Ngày 30-11-2016, các nước thành viên OPEC cam kết cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,2 triệu thùng/ngày trong ít nhất nửa đầu năm 2017. Cam kết này còn được tham gia bởi 11 nước ngoài khối OPEC, dẫn đầu là Nga và Mexico đã cam kết cắt giảm sản lượng thêm khoảng 558.000 thùng/ngày. Tổng cộng có 21 quốc gia tham gia vào việc cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,8 triệu thùng/ngày.

Thế nhưng, theo số liệu tháng 1-2017, tháng đầu tiên thực hiện cắt giảm sản lượng, được công bố, cho thấy khối OPEC hoàn tất 93% việc cắt giảm sản lượng, với 3 quốc gia hoàn thành mục tiêu, trong khi khối ngoài OPEC mới chỉ hoàn tất 48% sản lượng cắt giảm, khoảng 270.000 thùng/ngày.

Nhiều người lo lắng việc khó hoàn tất mục tiêu cắt giảm sản lượng vào đầu tháng 7-2017 như đã cam kết. Hiện giá dầu đã tăng 10USD sau thời điểm có thỏa thuận cắt giảm dầu bởi 21 quốc gia. Tuy nhiên giá dầu bị kháng cự mạnh tại vùng 55USD/thùng bởi các quốc gia ngoài OPEC còn chưa thực thi đầy đủ cam kết. Giá dầu trong 2 tháng đầu năm 2017 chỉ dao động quanh vùng 50-55USD/thùng, không đạt mục tiêu kỳ vọng trên 60USD/thùng của khối OPEC. Khả năng giá dầu có tiếp tục đi lên nữa hay không đang tùy thuộc vào nỗ lực cắt giảm tiếp theo của các quốc gia ngoài khối OPEC.

Sự trỗi lên từ Hoa Kỳ

Trong khi đó, Hoa Kỳ đang tiếp tục gia tăng sản lượng sản xuất dầu. Đến cuối tháng 2, Hoa Kỳ đã tăng thêm 125 giàn khoan so với thời điểm OPEC đưa ra kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu, lên mức 602 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 10-2015. Chi phí đầu tư vốn vào ngành gas và dầu của Hoa Kỳ được kỳ vọng tăng 35% trong 2017. Việc Tổng thống Donald Trump cởi trói cho ngành dầu khi rút khỏi Hiệp định Chống biến đổi khí hậu Paris, xóa bỏ các tiêu chuẩn về xả thải khí metan khiến cho nhiều dàn khoan thiếu thân thiện với môi trường quay trở lại hoạt động. Đó là chưa kể, Trump đang thúc đẩy nguồn vốn hỗ trợ cho ngành khai thác dầu đá phiến của nước này.

Vào tháng 1, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) ước tính sản lượng dầu bình quân của nước này năm 2017 sẽ tăng đạt mức trên 9 triệu thùng/ngày (thêm 110.000 thùng/ngày), sau khi giảm 6% trong năm 2016. Giá dầu đang chịu áp lực giảm bởi nhà đầu tư lo ngại việc mở rộng sản lượng dầu của Hoa Kỳ trong thời gian tới. Hiện tại, số liệu sản xuất dầu đến cuối tháng 2 của Hoa Kỳ đã đạt 9,03 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 220.000 thùng/ngày so với mức 8,78 triệu thùng/ngày của cuối năm 2016.

Brazil và Canada cũng đang trên đường nối gót Hoa Kỳ mở rộng sản lượng dầu. Từ tháng 9-2016, chính phủ Brazil đã nới lỏng quy định đầu tư nước ngoài vào ngành dầu của quốc gia này. Nếu giá dầu tăng, Brazil sẽ ngay lập tức gia tăng sản lượng dầu ngoài khơi. Brazil được xem là một quốc gia mới nổi trong ngành công nghiệp dầu. Canada vừa xây xong 2 đường ống dầu đến bờ Tây và sẵn sàng cho khả năng mở rộng xuất khẩu dầu. 2 đường ống dẫn dầu này đủ sức gia tăng khả năng xuất khẩu dầu của Canada thêm 1 triệu thùng/ngày.

 

Đường line màu xanh là giá CP PVS, đường line màu đỏ là CP PVD,  đường line màu đen là giá CP GAS (có giá tính theo trục trái).  Đồ thị nến là giá dầu có giá tính theo trục phải.
Đồ thị Area là tỷ giá USD/VNĐ bán ra ở ngân hàng thương mại (Nguồn: Investing).

 

CP dầu khí bị khối ngoại bán mạnh

Trong điều kiện tỷ giá trong nước ổn định, CP dầu khí ở trong nước biến động sát theo diễn biến giá dầu quốc tế. Chẳng hạn giai đoạn nửa đầu năm 2016, khi tỷ giá USD/VNĐ ổn định, việc giá dầu tăng gấp đôi từ đáy 26USD/thùng vào tháng 2-2016 lên 50USD/thùng vào tháng 6-2016, đã giúp nhiều CP dầu khí tăng vài chục phần trăm đến cả gấp đôi giá. Tuy nhiên, hiện tượng tỷ giá USD/VNĐ sốt nóng, giá dầu quốc tế rớt giá mạnh thường dẫn đến xu hướng bán ròng của khối ngoại đối với TTCK Việt Nam.

Trong đó các CP dầu khí như GAS, PVD, PVS thường là tâm điểm bán ròng. Chúng ta đã thấy điều này trong giai đoạn năm 2014-2015 và giai đoạn từ đỉnh tháng 10-2016. Từ đầu tháng 11-2016 đến đầu tháng 1-2017, có sự lạc nhịp giữa giá dầu thế giới (tăng) và diễn biến giá CP dầu khí trong nước (giảm) khi USD trên thị trường quốc tế tăng nóng. Sự tăng giá của đồng USD quốc tế khiến giới đầu tư quốc tế có xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi và cận biên. Các mã CP dầu khí như GAS, PVD, PVS đứng đầu danh sách nhóm bán tháo của khối ngoại trong thời gian này.

Nếu như lịch sử lặp lại, khi đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh hơn nữa, giá dầu sẽ không trụ nổi, áp lực bán ở các CP dầu khí của Việt Nam có lẽ còn mạnh hơn. Điều này xuất phát từ mối quan hệ giữa USD và nợ. Từ năm 2008-2014, ngành công nghiệp dầu và các quốc gia dầu mỏ tích lũy quá nhiều nợ bằng USD, khiến giá dầu bị ảnh hưởng rất mạnh bởi sự tăng giá của USD.

Khi đồng USD tăng giá, các công ty buộc phải bán dầu bằng mọi giá để có tiền trả nợ là nguyên nhân khiến giá dầu là loại hàng hóa tổn thương mạnh nhất so với nhiều hàng hóa khác trong thời điểm 2014-2015 khi đồng USD tăng giá.

Mô hình sóng Elliott: giá dầu có thể giảm mạnh về 50-51 USD/thùng.

Trên đồ thị H4 (hình 2), giá dầu đang gặp phải nhiều đường kháng cự màu đen, tỷ lệ Fibonacci 50% và 61.8%, đường MA 50 trên đồ thị H4 (khoảng MA20 trên đồ thị ngày). Điều này cho thấy mức giá 53.7-53.9 là kháng cự mạnh. Về cấu trúc sóng Ellliott, tôi nhìn thấy sóng X có dạng Double Zigzaag và đã hoàn tất cấu trúc sóng. Thị trường có thể chuyển sang sóng giảm C.

Hình 2: Mô hình sóng Elliott trên đồ thị H4.

Tôi cũng nhìn thấy mẫu hình điều hòa, Bearish Gartley trên đồ thị H1.

Hình 3- Mẫu hình Bearish Gartley trên đồ thị H1

Trương Minh Huy

Trả lời