[Sách hay]: Hai sai lầm kinh điển khi giao dịch theo sau xu hướng?

“Chiến lược giao dịch theo sau xu hướng” (Trend Following) là một chiến lược mang lại lợi nhuận cao, nhưng lại khó thực hiện vì những vấn đề thuộc về tâm lý con người  (Thích dự báo và thiếu niềm tin) nên thường chỉ  các nhà đầu tư chuyên nghiệp mới có thể vận dụng.

Sai lầm kinh điển đầu tiên là: Kẻ nghiệp dư thích dự báo, người chuyên nghiệp thích chạy theo sau xu hướng.

Đối với những nhà giao dịch nghiệp dư, thường là các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường tài chính hoặc giao dịch lâu năm nhưng không tích lũy được kinh nghiệm, dự báo là một trò chơi rất hấp dẫn. Các nhà đầu tư nghiệp dư tin rằng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp sở dĩ có được thành công vì họ sở hữu được một bí quyết giao dịch tài chính có thể tiên đoán trước thị trường. Họ đồng nhất một nhà đầu tư thành công là người có tỷ lệ dự báo chính xác cao. Chính vì vậy, các nhà giao dịch nghiệp dư thường đổ nhiều công sức và tiền bạc để mua “học cách dự báo” từ các “chuyên gia”, những người  quảng cáo rằng họ sở hữu hệ thống giao dịch có độ chuẩn xác cao.

Đây chính là mảnh đất màu mỡ để nuôi sống các chuyên gia thường cung cấp các dịch vụ tư vấn thị trường, hoặc các nhà lập trình bán các hệ thống giao dịch “có độ chuẩn xác cao” hoặc các khóa học truyền đạt các “bí quyết” dự báo. Ngoài công việc của một trader, cá nhân người viết cũng là người thường xuyên tổ chức các khóa học (Chiêm Tinh Tài Chính hoặc Sóng Elliott). Ở mỗi khóa học, tôi đều làm hai câu hỏi trắc nghiệm nhỏ:

  • Hỏi: Tại sao các  anh/chị (trader) lại đăng ký tham gia khóa học của tôi? và Yếu tố nào là quan trọng nhất tạo nên một nhà giao dịch thành công?
  • Một kết quả thú vị: “các nhà đầu tư rất ấn tượng với những dự báo chiêm tinh học của tôi và họ tin rằng khả năng dự báo chính xác sẽ mang lại thành công trên thị trường”. Những nhà giao dịch đưa ra câu trả lời này đa phần mới bước chân vào thị trường tài chính khi thấy bùng nổ thị trường forex tại Việt Nam cũng như sự tăng trưởng thần tốc của TTCK Việt Nam. Tuổi nghề giao dịch của họ phần lớn 1-2 năm.

 Vì vậy, công việc đầu tiên của tôi trong mỗi khóa học là trích dẫn hai câu nói nổi tiếng của Warrren Buffett và George Sosor. 

“Phố Wall là nơi duy nhất mà những người đi xe Rolls-Royce xin lời khuyên từ những người đi tàu điện ngầm.”- Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet

Thị trường tài chính là một cuộc chơi nghiệt ngã. Thị trường tài chính là là nơi mà có đến 95% nhà đầu tư thất bại và chỉ 5% nhà đầu tư chiến thắng, nhưng phần lớn các nhà đầu tư được hỏi hoặc mới tham gia vào thị trường, họ sẽ thuộc về nhóm 5% thành công. Điều tai hại là không một gã say rượu này thừa nhận mình say. Và không một nhà giao dịch thua lỗ nào thừa nhận rằng mình chịu đứng về nhóm 95% kẻ thất bại. Đa phần họ sẽ nghĩ và tự phân loại mình vào nhóm 5% thành công. Nếu như một ai đó ép họ phải nhìn vào thực tế của kết quả giao dịch thua lỗ, họ sẽ ngay lập tức kiếm cớ đồ thừa. Họ giao dịch thua lỗ không phải vì kém tài năng mà là vì nhà tư vấn chưa tốt, họ chưa tìm ra hệ thống giao dịch phù hợp hay vì thiếu may mắn. Gã bác sĩ tâm lý thị trường kiêm nhà giao dich, Alexander Elder, tác giả nổi tiếng của cuốn sách “New Trading For Living” đã xác nhận triệu chứng tai hại này. Ông nói: “Chẳng gã say rượu nào nói mình đang say?” Và ông nhận thấy hành vi của kẻ nghiện rượu với nhà giao dịch thua lỗ thì …giống hệt nhau.

 Kẻ nghiện rượu thường ảo tưởng và có thể họ mượn rượu để quên đi những sự thật đắng cay của cuộc sống. Nhà giao dịch thua lỗ cũng gặp ảo tưởng tương tự. Họ “nghiện giao dịch” và ảo tưởng vào hệ thống giao dịch có độ chính xác cao. 

Nhà giao dịch nghiệp dư, thua lỗ thường tin vào sự huyền bí của dự báo

Nasim Nicholas Taleb đã có cuốn sách “Thiên Nga Đen” bỡn cợt câu chuyện dự báo của giới chuyên gia. Các nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường mắc phải ảo tưởng dự báo vì truyền thông có nhan nhãn cái bài báo ca ngợi về khả năng dự báo. Và chính giới chuyên gia tài chính đã có những chiêu trò để phù phép về “khả năng tiên tri” thị trường tài chính. Và đó là lý do tại sao đám đông các nhà đầu tư giàu có, nhưng thiếu tri thức giao dịch tài chính, lại “xin lời khuyên” từ những gurus (các chuyên gia thị trường).

Sự thật đã được vạch trần bởi các tài chính hành vi như giáo sư Daniel Kanehman, người đoạt giải Nobel về kinh tế học hành vi, thực hiện các thí nghiệm so sánh dự báo của giới chuyên gia tài chính với việc tung đồng xu hay thậm chí là thử tài với các chú khỉ. Kết quả là, về dài hạn, tỷ lệ dự báo của các chuyên gia cũng chẳng khá hơn lũ khỉ, khi chúng lựa chọn cổ phiếu bằng cách ném phi tiêu vào các tấm biển có chứa sẵn tên các cổ phiếu. 

Không một nhà môi giới nào hé lộ sự thật về sự khắc nghiệt của thị trường tài chính với khách hàng khi tiếp xúc với nhà đầu tư mới. Thị trường tài chính là một nghề có nét độc đáo là có tỷ lệ thành công thấp. Nó giống như một Casino cao cấp, hút dòng tiền của xã hội bằng những chiêu trò thủ đoạn, lừa gạt. Ngoài công việc giao dịch, công việc của tôi là huấn luyện các trader (nhà giao dịch). Một phát hiện của tôi rằng, trung bình khoảng 2-3 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có một đợt “thay máu” các nhà đầu tư. Điều này có nghĩa rằng, một lượng nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường do thua lỗ hoặc gần như hết sạch tiền và một lượng nhà đầu tư mới non trẻ lại bước vào thay thế. Thị trường tài chính muốn phát triển luôn cần có một số lượng các nhà đầu tư thua lỗ tiềm năng để thay thế cho các nhà đầu tư thua lỗ cũ, bị loại bỏ ra khỏi thị trường. Các nhà đầu tư mới thường có tâm lý hết sức lạc quan. Họ nghĩ chứng khoán là một nghề khá dễ dàng, có thể tạo thêm thu nhập ngoài công việc hiện tại hoặc làm giàu từ chứng khoán. Sự ảo tưởng liên quan đến giới tính. Thường đàn ông mắc bệnh ảo tưởng nhiều hơn phụ nữ. Phụ nữ là những người thực tế hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có khả năng đầu tư tốt hơn đàn ông chỉ vì họ thực tế hơn nhiều. 

Các nhà giao dịch chuyên nghiệp không quan tâm đến dự báo. Họ quan tâm đến những khía cạnh khác. Ví dụ như George Soros cho rằng: 

“Bạn đúng hay sai không quan trọng, cái chính là kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai”, George Soros”

Đối với các nhà giao dịch họ không tâp trung đến khả năng dự báo mà phần lớn thời gian và trí lực vào việc phân bố tài sản. Quyết định đầu tư là quyết định phân bổ tài sản: bao nhiêu vốn sẽ dành đầu tư vào vàng, bao nhiêu vốn đầu tư cho cổ phiếu? ngành nào nên có tỷ trọng cao nhất? …Họ thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc quản trị rủi ro và quản trị tiền. Đằng sau các quy tắc quản trị tiền thực chất là một quá trình khổ hạnh, giải quyết những vấn đề thuộc về tâm lý con người. Để giao dịch thành công, trong khi các kẻ nghiệp dư nỗ lực đưa ra dự báo, thì các nhà chuyên nghiệp lại tập trung vào thiền định, khống chế lòng tham và nỗi sợ hãi. Họ thậm chí vạch ra bảng câu hỏi để kiểm tra tâm lý mỗi ngày trước khi giao dịch. Họ chỉ giao dịch khi tâm lý đã sẵn sàng và không có trục trặc, thiên lệch về tham lam hay sợ hãi.

Huyền thoại giao dịch theo sau xu hướng Ed Seykota, thậm chí còn thiết lập một mạng lưới giao tiếp toàn cầu để cùng nhau chia sẽ kinh nghiệm trong việc điều tiết tâm lý trước khi giao dịch. Họ muốn vận dụng sức mạnh của tập thể để giúp mỗi cá nhân có thể đạt được hiệu quả cao trong việc kiểm soát tâm lý. Tôi biết điều này khi tham gia vào các buổi thiền định tập thể. Hóa ra, khi thiền định tập thể tạo ra một năng lượng cộng hưởng giúp mỗi cá nhân nhanh chóng đạt tới trạng thái thiền định tốt hơn. Bác sĩ tâm lý học Alexander Elder cũng đã đưa ra kiến nghị các nhà giao dịch nên sử dụng các nguyên lý của Hội Cai Rượu để giúp các trader… “cai lỗ”. Mỗi một cá nhân không thể cai nghiện thành công nếu không có sự giúp sức từ cộng đồng. Hội Cai Rượu AA, nơi mà Elder dùng để chữa trị cho các bệnh nhân nghiện rượu, thường tổ chức các buổi họp để các cá nhân giúp nhau kiểm soát và duy trì tình trạng tỉnh táo. Vì vậy, bài học được rút ra là các nhà đầu tư thua lỗ cũng nên tụ tập và chia sẽ với nhau để …”cai lỗ” bằng cách áp dụng 12 nguyên lý cai rượu (theo đề xuất của Elder).

Rõ ràng, các nhà đầu tư nghiệp dư khi nhìn vào công việc của những nhà giao dịch chuyên nghiệp sẽ vô cùng ngạc nhiên và lạ lẫm. Họ không tập trung vào hệ thống giao dịch mà tập trung vào những vấn đề mang tính tâm lý. Người không hiểu biết cho rằng, họ đang lạc đề. Nếu họ muốn nhìn thấy điều mà các nhà giao dịch chuyên nghiệp đang chú tâm hơn đến việc giao dịch thì đó là các quy tắc quản trị rủi ro và quản trị tiền (nhưng thực chất chỉ là biểu hiện bên ngoài của việc kiểm soát tâm lý).

Thế còn cách thức giao dịch! Các pro trader giao dịch ra sao? Alexander Elder chỉ ra hai chiến lược giao dịch mà các Pro thường sử dụng: Hoặc là Day-Trader hoặc là Position Trader (áp dụng chiến lược Trend Following). Thường một nhà giao dịch khi mới tập giao dịch sẽ giao dịch theo Swing Trade là thích hợp nhất vì thời gian cho một giao dịch không quá nhanh cũng không quá chậm. Nó đủ thời gian và số lượng giao dịch giúp các nhà giao dịch nghiệp dư có thể rút ra kinh nghiệp, thuần thục các quy tắc giao dịch, học cách kiểm soát rủi ro và tâm lý để tiến tới giao dịch chuyên nghiệp.

Khi trở thành chuyên nghiệp, có hai hướng: Hoặc là giao dịch thật nhanh, hoặc giao dịch thật chậm. Giao dịch thật nhanh giống như bạn lên “level” mỗi khi chơi game. Các màn game thực ra cũng tương tự nhau nhưng đòi hỏi bạn phải xử lý nhanh hơn, quyết đoán hơn, kỹ luật hơn, tâm lý vững hơn vì tốc độ chơi bây giờ đang tăng lên. Đó chính là Day-Trader, được coi là Swing Trader ở tốc độ nhanh. Đó là lý do tại sao mà những nhà giao dịch nghiệp dư nếu vội vàng nhảy vào Day-Trader thì chỉ có nhanh chóng…cháy túi.

Nhưng có một hình thái khác của các nhà giao dịch chuyên nghiệp là “thật chậm”. Nó giống như loai võ công Thái Cực Quyền, dùng nhu chế cương, lấy tĩnh chế động. Các nhà giao dịch vị thế (Position Trader) phải thực hiện chiến lược Trend Following để theo sau thị trường. Họ ít giao dịch vì mỗi giao dịch có thời gian nắm giữ lâu, họ lấy sự tĩnh tại trong thời gian nắm giữ để vượt qua các biến động hỗn loạn trên thị trường. Trend Following đòi hỏi sự thức thách khắc nghiệt về tâm lý. Các nhà đầu tư phải có tâm lý thật vững vào hệ thống giao dịch mới có thể áp dụng được chiến lược theo sau xu hướng. 

Do đó, các Position Trader không thích dự báo, họ tập trung vào việc đo lường xu hướng và độ biến động. Họ lập ra các nguyên tắc xác nhận xu hướng tồn tại để tham gia mở vị thế và dùng độ biến động để thiết lập quy tắc quản trị rủi ro hoặc chốt lãi.

Sai lầm thứ hai: “Cách kho vàng chỉ một bước chân”

Trading (Giao dịch) = Psychology (Tâm lý) + Trading System (Hệ thống giao dịch). Đó là quy tắc mà tôi rút ra sau nhiều năm giao dịch. Ở đây có sự rút gọn vì tôi muốn mô tả đúng bản chất của vấn đề. Psychology là cốt lõi bên trong và được biểu hiện ra bên ngoài bằng các quy tắc quản trị rủi ro và quản trị tâm lý. 

Tuy nhiên, thậm chí có thể rút gọn hơn nữa. Trading = Psychology. Nghĩa là giao dich tài chính đúng nghĩa chỉ là trò chơi của tâm lý, không hơn cũng không kém. Ở đây, chúng ta lại gộp Trading System vào Psychology. Trong đó, Psychology là cốt lõi bên trong và hệ thống giao dịch chỉ là cái biểu hiện bên ngoài. Có thể nhiều bạn đọc sẽ không hiểu điều này nên tôi sẽ giải thích bằng một câu chuyện. 

Tôi rất thích truyện kiếm hiệp của Kim Dung vì trong đó có chứa nhiều triết lý sống và giao dịch rất thú vị.  Lấy “vô chiêu” thắng “hữu chiêu” là tư tưởng độc đáo trong truyện kiếm hiệp Kim Dung. Thông qua các nhân vật của mình, Kim Dung lập luận rằng, võ học, hễ có chiêu thức thì ắt có sơ hở.  Người đạt trình độ vô chiêu lúc bình thường hệt như người không biết rõ; cái khác là ở chỗ khi giao đấu biết “tùy cơ ứng biến”, biết tìm ra sơ hở của đối phương mà khắc chế. Điều kỳ diệu của vô chiêu là hễ đối phương xuất bao nhiêu chiêu thức thì theo đó cũng có bấy nhiêu ứng biến để đối địch, thành thử vô chiêu cũng đồng nghĩa với vô số chiêu, vô cùng, vô tận. Kim Dung gọi học võ hữu chiêu là “võ thuật”, vô chiêu là “võ đạo”. Võ thuật có giới hạn, còn võ đạo thì khôn cùng.

Trương Tam Phong chân nhân (tổ sư sáng lập phái Võ Đang) lúc bế quan nhiều năm để sáng chế ra Thái cực kiếm cũng đã chiêm nghiệm điều kỳ diệu của võ đạo vô chiêu. Còn nhớ trong “Ỷ Thiên Đồ Long Kiếm”, Trương Vô Kỵ được Trương Tam Phong “dạy cấp tốc” Thái cực kiếm để đối phó với Huyền Minh nhị lão. Trương Chân Nhân tay cầm kiếm gỗ, chậm rãi múa thái cực kiếm, đoạn giảng giải cho Trương Vô Kỵ nghe.

Hỏi: Con thấy thế nào? Đáp: Con còn nhớ được sáu, bảy phần. Lại giảng cặn kẽ thêm rồi hỏi: Bây giờ thì sao? Đáp: Còn nhớ một, hai phần. Chân nhân múa kiếm một lượt nữa, lại giảng giải. Lần này thì Trương Vô Kỵ reo lên: Con đã quên hết sạch rồi! Trương Tam Phong gật đầu mãn nguyện “tốt lắm”. Thì ra Trương Vô Kỵ đã lĩnh hội đầy đủ điều ẩn dụ cao siêu của Thái cực kiếm, quên đi cái tiểu tiết về chiêu thức để đạt đến cái khôn cùng. Kim Dung viết: Cái mà Trương Tam Phong truyền cho Trương Vô Kỵ là “kiếm ý”, không phải “kiếm chiêu”.

Đó là câu chuyện mà tôi muốn kể và tôi đã mất rất nhiều thời gian để “ngộ ra điều này”. Hóa ra, tâm lý giao dịch và hệ thống giao dịch không thể tách rời mà phải hợp nhất. Một nhà giao dịch thành công phải tự tìm ra cho mình một hê thống giao dịch tương thích với cá nhân. Mỗi con người có một đặc điểm tính cách riêng, không ai giống ai. Thậm chí, các hoàn cảnh sống, điều kiện tài chính, đạo đức xã hội…khác nhau nên phải có một hệ thống giao dịch phù hợp. Chỉ khi nào bạn tìm ra hệ thống giao dịch phù hợp bạn mới có thể vận dụng được hệ thống giao dịch một cách trơn tru.

Có rất nhiều hệ thống giao dịch tốt nhưng bạn không thể thành công nếu sử dụng hệ thống không phù hợp với bạn. Vấn đề không phải là hệ thống giao dịch “tốt hay dỡ” mà “phù hợp hay không phù hợp” với người sử dụng. Chỉ khi giữa người sử dụng và hệ thống giao dịch có sự tương đồng, hợp nhất thì lúc đó quá trình giao dịch mới diễn ra suôn sẻ. 

Biểu hiện của sự phù hợp thể hiện ở hai khía cạnh: Một là khả năng giao dịch tùy nghi (discretionary trader), hay nói vui chính là vô chiêu trong võ đạo. Một nhà giao dịch thành công không phải là một cái máy tuân thủ một cách nghiêm ngặt robot (hệ thống giao dịch) mà là khả năng vượt qua con robot và đánh giá lại khi nào nên dùng hay không dùng tín hiệu giao dịch được đề xuất bởi hệ thống giao dịch.  Các đánh giá của Alexander Elder, hay kể cả những siêu trader như Jack Schwager, tác giả của cuốn sách ” Market Wizards – Những phù thủy của thị trường tài chính“, một nhà giao địch thành công thường là giao dịch tùy nghi (discretionary trader) chứ không phải là các nhà giao dịch máy móc (system Trader).  Sai lầm của các nhà giao dịch khi nói về tính cách “kỹ luật” trong giao dịch là tuân thủ quá chặt đến mức cứng nhắc và khô cứng tín hiệu giao dịch của robot. Alexander Elder nói rằng, không có một hệ thống giao dịch nào có thể mô tả hoàn hảo thị trường tài chính vì nó là một hệ thống phức hợp (complex system). Do đó, phải biết linh hoạt sử dụng. Giao dịch tùy nghi khác với tùy tiện. Tùy Nghi thể hiện sự linh hoạt, thay đổi theo từng tình huống còn tùy tiện là vô kỷ luật. Điều này cũng giống như cách hiểu về khái niệm “vô chiêu”.

Biểu hiện thứ hai là niềm tin và một trạng thái mà tôi gọi là “niết bàn”. Khi có sự phù hợp giữa tính cách của nhà giao dịch với hệ thống giao dịch, người giao dịch sẽ có sự tự tin cao độ về hệ thống giao dịch của mình. Khi anh ta tự xây dựng và thiết kế hệ thống giao dịch, anh ta sẽ hiểu hệ thống vận hành ra sao và có nên tin nó hay không. Vấn đề lớn nhất của trader trên thị trường tài chính là mất niềm tin vào hệ thống giao dịch mà họ đang sử dụng và liên tục chuyển đi chuyển lại tìm kiếm hệ thống giao dịch này đến hệ thống khác. Cứ thế, họ quay cuồng với các hệ thống giao dịch.

Sở hữu một thanh bảo kiếm tốt mà không biết sử dụng thì cũng như không. Vấn đề không nằm ở hệ thống giao dịch mà vấn đề là sự phù hợp giữa công cụ giao dịch với người sử dụng để tạo ra sự tin tưởng và hiểu nhau. Chỉ khi có sự phù hợp, bạn mới hiểu được cách vận hành của hệ thống và tin tưởng hệ thống đến mức như “tin vào chính mình”. Tôi đã nghe một trader nói: “Trên đời này có hai thứ phải tuyệt đối tin tưởng: Đó là chúa và hệ thống giao dịch của bạn”.

Điều này được bộc lộ rõ nét nhất khi thực hiện chiến lược theo sau xu hướng (Trend Following). Đặc trưng của chiến lược này có sự thử thách niềm tin cao độ vì luôn có tỷ lệ chính xác của các giao dịch thấp.(Michael Cowell, tác giả cuốn sách “Trend Following” nói rằng thường các chiến lược theo sau xu hướng chỉ có độ thành công tầm 30%-40%, rất hiếm khi được đẩy lên 50% hay 60%. Nghĩa là nó còn tệ hơn cả việc tung đồng xu may rủi. Người sử dụng Trend Following thu lời bằng cách có được các khoản lãi lớn từ một số ít giao dịch để bù đắp cho các khoản lỗ nhỏ liên tiếp. Ví dụ họ có 3 giao dịch thắng, mỗi giao dịch là 30 USD, tổng cộng lãi 90 USD. Trong khi có đến 7 giao dịch lỗ nhưng chỉ lỗ 5 USD cho mỗi giao dịch, nên tổng lỗ là 35 USD. Như vậy, lãi ròng là 90-35= 55 USD.

Chiến lược giao dịch theo sau xu hướng cũng gần giống như “việc khoan thăm dò dầu khí”. Mỗi khoản lỗ nhỏ cũng như các đợt khoan thăm dò, là các khoản lỗ nhỏ được kiểm soát và kỷ luật cao độ để tìm kiếm các mỏ dầu (chính là Trend). Một khi phát hiện ra Trend (mỏ dầu), Trader hay công ty khai thác sẽ thu lời rất lớn.

Vì vậy, khi giao dịch theo sau xu hướng, thử thách của Trader là vấn đề niềm tin vào hệ thống giao dịch. Nếu không cự sự hợp nhất giữa người và hệ thống, không có sự hòa quyện và thấu hiểu lẫn nhau để tạo dựng niềm tin, trader sẽ nhanh chóng rơi vào cảm giác hoài nghi: Phải chăng hệ thống của tôi đã bị thất bại? Tôi nghi ngờ?…

Nếu như có sự tin tưởng, nhà đầu tư sẽ đạt tới trạng thái “niết bàn”. Đó là họ không có cảm giác hân hoan đến tột độ khi chiến thắng hay đau đớn quá mức khi bị thua lỗ. Đây chính là điều tôi thấy ở các nhà giao dịch thành công, họ không thể hiện các thái cực cảm xúc trái ngược nhau. Họ coi các khoản thua lỗ như chỉ là chi phí để tìm kiếm lợi nhuận. Vì họ hiểu rằng, vấn đề là tập trung vào kiểm soát tâm lý để vận hành hệ thống giao dịch được trơn tru. Và các nhà đầu tư hiểu rằng, sự tuân thủ kỹ luật nhưng linh hoạt (giao dịch tùy nghi) sẽ đưa đến lợi nhuận cho họ. (Coi phim thấy các cao thủ tỏ ra thản nhiên mỗi khi trúng đòn và khi tung chiêu hạ đối thủ cũng rất bình thản. Họ không thể hiện cảm xúc).

Đây chính là sai lầm chết người thứ hai của các nhà giao dịch nghiệp dư. Vì họ không hiểu được nguyên tắc “phù hợp” nên họ có khuynh hướng đi mua Robot hay sử dụng hệ thống giao dịch của người khác. Cho dù Robot hay hệ thống giao dịch tốt như thế nào, thì kết quả của họ vẫn là thua lỗ. Và tệ nhất, là họ thường tiếc nuối khi bỏ qua những cơ hội kiếm tiền đậm sau một loạt giao dịch thua lỗ liên tiếp.  Điều này giống như người đào vàng thường hay bỏ cuộc khi cách kho vàng…chỉ một bước chân.

Lòng tin là một cách tốt để xây dựng kỷ luật. Khi hệ thống giao dịch cho tín hiệu cắt lỗ và các phân tích của bạn cũng cho thấy rằng điều này là hợp lý, bạn phải nhanh chóng thực hiện việc cắt lỗ. Việc kiểm soát các khoản lỗ nhỏ thành công cũng cho thấy nhà giao dịch tin tưởng vào hệ thống vì họ biết rằng, đó là một hành động phù hợp.

Thiếu kiên nhẫn và mất lòng tin vào hệ thống giao dịch là lý do các trader

không thể nào thực hiện chiến lược Trend Following. Nguyên nhân là vì hệ thống giao dịch không phù hợp với tính cách người sử dụng.

Tôi giao dịch theo sau xu hướng như thế nào?

Trong nhiều năm thử nghiệm, hiện nay tôi sử dụng chiến lược giao dịch theo sau xu hướng bằng các đường trung bình di động. Đó là công cụ giao dịch phù hợp với cá tính và nhiều hệ thống khác mà tôi sử dụng như chiêm tinh học tài chính. Các đường trung bình di động thể hiện sự thay đổi chu kỳ và biến đổi thời gian, điều mà tôi tin rằng: “Thời gian chi phối tất cả”. Thời gian là thứ làm thay đổi cảm xúc của nhà giao dịch. Vì vậy, chỉ cần theo dõi các đường trung bình di động, tôi theo dõi sự thay đổi trong các trạng thái cảm xúc của đám đông các nhà giao dịch trên thị trường tài chính.

Việc lựa chọn thời gian cho các đường trung bình di động được thực hiện dựa trên các nghiên cứu của chu kỳ. Chu kỳ là sự biến đổi của thời gian, được thể hiện qua sự thay đổi của các hành tinh. Chúng ta luôn sử dụng chu kỳ, một cách thông dụng nhất là chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời. Nhưng chiêm tinh tài chính cho phép tôi tạo ra sự linh hoạt bằng cách quan sát nhiều chu kỳ thời gian khác, đó là chu kỳ của các hành tinh. Trader có thể xem chi tiết thời gian mà tôi sử dụng cho các đường trung bình di động trong cuốn sách “TÌM KIẾM LỢI NHUẬN TỪ CHIẾN LƯỢC GIAO DỊCH THEO SAU XU HƯỚNG”.

Đây là cuốn sách đúc kết những kinh nghiệm của tôi về chiến lược giao dịch theo sau xu hướng. Trong đó, tôi trình bày các “tuyệt kỹ” để bắt các giao dịch chuyển động mạnh như là các hiện tượng Dellphic và Cá Sâu Săn Mồi…

Cuốn sách của tôi rất nhấn mạnh Chương 4 là Lý Thuyết Sóng Elliott và Chương 8, hướng dẫn sử dụng định thời điểm thị trường. Chiến lược theo sau xu hướng bị hai nhược điểm là: thua lỗ tại các thời điểm thị trường không có xu hướng hoặc các điểm đảo chiều.

Lý thuyết sóng Elliott là tấm bản đồ kết nối của các xu hướng. Tôi tin rằng, thị trường có tính cấu trúc và giữa các xu hướng luôn có mối quan hệ với nhau. Hiểu được mối quan hệ giữa các xu hướng giúp chúng ta có sự linh hoạt để đánh giá nên hay không nên sử dụng chiến lược theo sau xu hướng ở từng tình huống cụ thể. Nói cách khác, lý thuyết sóng Elliott mang lại cho tôi khả năng giao dịch tùy nghi khi vân dụng chiến lược theo sau xu hướng.

Trong khi đó, định thời điểm thị trường là mặt đối lập của giao dịch theo sau xu hướng. Xu hướng sẽ tiếp tục diễn ra nếu như chưa đến các vùng thời gian có khả năng gây đảo chiều. Ngược lại, khi đến các vùng thời gian đảo chiều, nên hạn chế tránh sử dụng chiến lược giao dịch theo sau xu hướng.

Cuốn sách chia sẽ kinh nghiệm 10 năm nghiên cứu và thực thi chiến lược giao dịch theo sau xu hướng

 

One thought on “[Sách hay]: Hai sai lầm kinh điển khi giao dịch theo sau xu hướng?

Trả lời