Trên thị trường tài chính, những nhà giao dịch non nớt, yếu kinh nghiệm, vốn ít gọi là “Cừu”. Những tay giao dịch lão luyện, vốn mạnh được gọi là “Sói” hoặc “Cáo Già”. Một số mỹ từ khác như Cá Mập hay Big Boy cũng là để mô tả Sói. Sói luôn lừa và dụ dỗ cừu để ăn thịt. “kéo Giá”… “Vẽ chart”… hay vô số chiêu thức Sói thường sử dụng để đánh lừa Cừu. Những Cừu Non chỉ biết chăm chăm vào diễn biến giá thường rất dễ sập bẫy của Sói. Nhiều năm trên thị trường chứng khoán, tôi biết chuyện các Big Boy cố tình kéo giá để vẽ lại chart, đánh lừa các trader theo tín hiệu kỹ thuật là chuyện dễ dàng. Thậm chí, Sói còn “mua tay này, bán tay kia” để tạo thanh khoản ảo và lừa luôn cả khối lượng giao dịch.
Nhưng khối lượng không phải là thứ dễ che đậy. Biết cách phân tích khối lượng, sẽ giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ đoán được ý định của Smart Money do bầy Sói tạo ra. Từ đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể chạy theo sau (trend following) các đợt sóng tăng.
Tại sao khối lượng luôn đi trước giá? Vì cảm xúc luôn đi trước lý trí và vì dòng tiền thông minh luôn đi trước và thể hiện vào khối lượng.
Một số nhà giao dịch thường lờ đi khối lượng. Họ nghĩ rằng giá đã phản ánh tất cả mọi thông tin được chuyển đến thị trường. Họ nói, “bạn phải trả bằng giá chứ không phải khối lượng.” Vì vậy, các nhà giao dịch nghiệp dư chỉ tập trung vào giá. Ngược lại, các nhà giao dịch chuyên nghiệp biết rằng việc phân tích khối lượng có thể giúp cho họ hiểu sâu hơn về thị trường và giao dịch tốt hơn.
Thực sự, giá chỉ thể hiện sự đồng thuận về giá trị, tức thể hiện lý trí của nhà đầu tư, nhưng khối lượng thể hiện cảm xúc của các thành viên tham gia thị trường. Khối lượng giao dịch phản ánh độ nhạy cảm xúc và khả năng tài chính của nhà giao dịch, cũng như nỗi đau của những nhà đầu cơ thua lỗ. Sở dĩ khối lượng đi trước giá vì cảm xúc là cái đi trước lý trí.
Joe Granville, nhà giao dịch nổi tiếng những năm 70, từng viết cuốn sách: “New Strategy of Daily Stock Market Timing (Chiến lược mới định thời điểm thị trường chứng khoán), một chuyên gia nổi tiếng về khối lượng viết: “Cổ phiếu sẽ không tăng giá trừ khi cầu vượt cung. Cầu được đo lường bằng khối lượng, do đó khối lượng phải đi trước giá”.
Đối với một nhà giao dịch bên ngoài, khối lượng là manh mối quan trọng để đọc ra có hay không sự tham gia của những nhà đầu tư tổ chức hay dòng tiền thông minh, những người sở hữu các thông tin nội bộ. Cần phải hiểu rằng, mỗi con sóng tạo ra không phải do các nhà giao dịch nhỏ lẻ mà là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức và những tay trong (insider). Nếu bạn tin rằng sóng của HBC, REE, VNM….là do sự phối hợp của hàng nghìn nhà đầu tư nhỏ lẻ thì bạn quá ngây thơ. Con sóng nào cũng phải tạo ra và được dẫn dẵn bởi dòng tiền tổ chức, thông minh. Nhỏ lẻ chỉ là người bám theo sau, khiến cho con sóng giá trở nên lớn hơn và tiếp tục mạnh hơn nhờ số đông các nhà đầu nhỏ mới.
Sự tham gia của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, thông minh sẽ lập tức thể hiện ngay trong khối lượng và cả giá. Tuy nhiên, giá có thể dễ bị “vẽ lại” để đánh lừa trader còn khối lượng thì khó thao túng hơn.
Tưởng tượng, giá chỉ hình dáng bề ngoài của một cô gái còn khối lượng chính là cân nặng thực sự. Một cô gái có thể sử dụng các thủ thuật như “độn mông, miếng lót ngực, vòng bó bụng” để tạo ra vòng 1 phổng phao, vòng 3 to tròn và vòng 2 eo thon. Điều có thể tạo nên sự hấp dẫn đánh lừa thị giác của bạn. Một cô gái sành sỏi có thể sử dụng các bí quyết ăn mặc thời trang để che lấp các khiếm khuyến của bản thân.
Nhưng cân nặng thì không thể giấu vào đâu được. Một cô gái 60 kg nếu khéo léo “ngụy tạo” có thể trông giống như 50 hay 55 kg. Nhưng khi bước lên bàn cân, cân nặng vẫn là 60kg.
Tương tự, các big boy có thể vờ đẩy giá lên tạo tín hiệu mua chỉ bằng với lượng giao dịch nhỏ. Ví dụ như khi giá tiếp cận với ngưỡng kháng cự, Sói có thể làm điều này để thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tưởng chừng giá sẽ phá vỡ mức kháng cự để tạo đà tăng nhưng không ngờ sau một vài phiên lại quay trở lại dưới mức kháng cự. Thuật ngữ gọi đây là điểm phá vỡ giả, thường xuất hiện tại các phiên phá vỡ với khối lượng giao dịch mỏng. Do đó, khối lượng giao dịch là một yếu tố quan trọng để kiểm tra xem hành động giá có thực hay không. Một điểm phá vỡ thực nên đi kèm với khối lượng giao dịch lớn vì nó cho thấy mức độ cảm xúc của nhà đầu tư tại mức giá đó cũng lớn.
Trong phần sau, các bạn sẽ thấy tôi sử dụng chỉ báo A/D để kiểm tra dòng tiền thông minh của Sói có thực sự muốn làm giá hay không. Trong trường hợp cổ phiếu có thể giảm đầu phiên nhưng cuối phiên, Sói sẽ hành động để đẩy giá lên nếu như họ thực sự muốn đẩy giá. Nhưng không phải lúc nào hành động đẩy giá cuối phiên cũng trung thực. Thanh khoản ở thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự là khá yếu và thậm chí nhiều mã cổ phiếu có thể bị Sói kiểm soát nguồn cung. Nếu việc mua vào với khối lượng thấp, tuy vừa đủ để giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa (nến xanh) nhưng nó không bền vững. Điều này vừa đủ để đánh lừa trader nhỏ lẻ bằng một số chỉ báo về giá như tín hiệu mua từ Stochastic Oscillator hay MACD chẳng hạn.
Hành động đẩy giá cuối phiên của Sói chỉ đáng tin cậy khi có khối lượng giao dịch đủ cho giá đóng cửa cuối phiên phải cao hơn nhiều so với giá mở cửa. Muốn tạo nên sự chênh lệch này, Sói phải dùng một khối lượng đủ lớn để tạo ra niềm tin thực sự. Khi đó sẽ hình thành nên sự phân kỳ dương giữa mẫu hình giá và chỉ báo A/D, một chỉ báo chuyên dùng để đọc hành vi này. Nếu khối lượng đẩy cuối phiên thấp sẽ không đủ để tạo ra chênh lệch đáng kể giữa giá đóng cửa và giá mở cửa, và điều này sẽ thể hiện bằng việc chỉ báo A/D không đủ để tăng lên tạo ra phân kỳ dương. Trong phần phân tích về chỉ báo A/D, tôi sẽ minh họa rõ hơn.
Sử dụng các chỉ báo khối lượng để đọc sóng.
Trader có thể tham khảo chi tiết cách đọc khối lượng để nhận biết xu hướng trong Phần 5 cuốn sách “Phương Pháp Mới để giao dịch Kiếm Sống- The New Trading for a Living”.
*Cuốn sách “The New Trading for A LIVING” được chuyển ngữ sang tiếng Việt và được phân phối độc quyền bởi Lê Đạt Chí & Trương Minh Huy theo giấy phép bản quyền của Alexander Elder. Giá sách là 300,000 đồng/bộ (gồm sách cứng và ebook sách hướng dẫn nghiên cứu). Ra mắt vào cuối tháng 7.2017.
*Mức giá trên chưa bao gồm phí vận chuyển.
Tuy nhiên, tôi có thể chỉ nhanh một số thủ thuật. Có một số chỉ báo khối lượng cung cấp tín hiệu giao dịch chính xác hơn so với thanh khối lượng. Các chỉ báo này bao gồm On-Balance Volume (OBV) và Accumulation/Distribution (A/D), sẽ được mô tả dưới đây.
- Chỉ báo OBV (On-Balance Volume)
OBV là chỉ báo được thiết kế bởi Joseph Granville và được mô tả trong cuốn sách của ông, New Strategy of Daily Stock Market Timing (Chiến lược mới định thời điểm thị trường chứng khoán). Granville sử dụng OBV như chỉ báo dự báo trước cho thị trường chứng khoán, nhưng các nhà phân tích có thể áp dụng nó cho thị trường tương lai.
OBV sử dụng tổng khối lượng. Khối lượng mỗi ngày được cộng hoặc trừ đi, tùy thuộc giá đóng cửa cao hơn hoặc thấp hơn so với ngày trước đó. Khi một chứng khoán đóng cửa cao hơn, thể hiện bên mua giành chiến thắng trong trận chiến ngày hôm đó, khối lượng ngày hôm đó sẽ được cộng vào OBV. Khi một chứng khoán đóng cửa giảm giá, cho thấy con gấu giành chiến thắng trong ngày hôm đó, và khối lượng ngày này sẽ được trừ đi khỏi OBV. Nếu giá đóng cửa không đổi, OBV vẫn giữ nguyên. Chỉ báo OBV thường tăng hoặc giảm trước giá, hoạt động giống như chỉ báo dự báo trước (leading indicator).
Đỉnh cao mới của chỉ báo OBV cho thấy bên mua đang tràn trề sức mạnh, bên bán đang bị tổn thương, và giá chắc chắn tiếp tục tăng. Một đáy mới của chỉ báo OBV thể hiện bên bán đang thắng thế và bên mua bị tổn thương, giá chắc chắn tiếp tục giảm. Khi mẫu hình OBV có sự khác biệt với mẫu hình giá, cho thấy cảm xúc đám đông không hòa nhịp với sự đồng thuận giá trị của đám đông. Đám đông chắc chắn hành động theo cảm xúc hơn là dựa trên suy nghĩ, đó là lý do tại sao khối lượng thường thay đổi trước khi có thay đổi giá.
Một ví dụ tôi có thể minh họa cho các bạn là trường hợp mã cổ phiếu SPI, là mã cổ phiếu tôi đã tiên đoán chính xác cơn sóng tăng manh trong tháng 7.2017 (thực sự SPI nằm trong nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trong tháng 7).
Các bạn có thể thấy rằng tại thời điểm đầu tháng 7, SPI đang tiến sát mức kháng cự tâm lý 3. Trong khi giá vẫn chưa phá vỡ đỉnh cũ thì chỉ báo OBV đã phá vỡ (break) đỉnh cũ trước đó và thiết lập đỉnh cao mới. Khi OBV thiết lập đỉnh cao mới, nó báo hiệu trước khả năng giá sẽ theo sau và phá vỡ mức kháng cự.
Chỉ báo OBV thiết lập đỉnh cao mới báo hiệu khả năng SPI phá vỡ mức kháng cự để tạo ra sóng lớn
- Chỉ báo Accumulation/Distribution
Chỉ báo này được xây dựng bởi Larry William và được giới thiệu trong cuốn sách của ông vào năm 1973, How I made One Million Dollars (Tôi đã kiếm 1 triệu USD như thế nào). Chỉ báo này được thiết kế để trở thành chỉ báo dự báo trước trên thị trường chứng khoán, nhưng các nhà phân tích ứng dụng nó cho cả thị trường tương lai. Đặc điểm độc đáo của chỉ báo Accumulation/Distribution (A/D) là theo dõi mối quan hệ giữa giá mở cửa và giá đóng cửa, bên cạnh khối lượng. Khái niệm của nó giống như đồ thị nến Nhật Bản, vốn chưa được các nhà giao dịch Phương Tây biết đến tại thời điểm William viết cuốn sách này.
Accumulation/Distribution chắc chắn được hiệu chỉnh tốt hơn so với OBV vì nó tính chiến thắng của bên mua hoặc bên bán theo tỷ lệ phần trăm với khối lượng giao dịch mỗi ngày.
Nếu giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa, bên mua giành chiến thắng ngày hôm đó, và chỉ báo A/D có giá trị dương. Nếu giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa, bên bán giành chiến thắng, và giá trị của A/D sẽ âm. Nếu giá đóng cửa bằng giá mở cửa, không bên nào giành chiến thắng, và A/D sẽ bằng 0. Tổng của A/D mỗi ngày sẽ tạo ra chỉ báo A/D tích lũy.
Nếu chênh lệch đỉnh cao nhất và đáy thấp nhất của ngày hôm nay là 5 điểm nhưng khoảng cách giữa giá mở cửa và giá đóng cửa chỉ là 2 điểm, thì chỉ 2/5 khối lượng giao dịch của ngày hôm đó được tính cho người chiến thắng. Giống như chỉ báo OBV, mẫu hình đỉnh và đáy của chỉ báo A/D là quan trọng vì giá trị tuyệt đối của nó đơn giản bị phụ thuộc vào ngày bắt đầu tính toán.
Có tương đồng quan trọng giữa chỉ báo A/D và đồ thị nến Nhật Bản, vì cả hai tập trung vào sự chênh lệch giữa giá mở cửa và giá đóng cửa. Tuy nhiên, chỉ báo A/D có thể cải tiến hơn so với đồ thị nến vì đưa khối lượng vào trong tính toán.
Ưu điểm của chỉ báo A/D do đó là sự kết hợp quan sát giữa giá và khối lượng trong mối liên hệ tương quan cuộc chiến giữa các nhà giao dịch nghiệp dư (cừu non) và các nhà giao dịch chuyên nghiệp (sói già).
Giá mở cửa phản ánh áp lực được tạo ra trong khi thị trường đã đóng cửa. Giá mở cửa thường bị chi phối bởi các nhà giao dịch nghiệp dư khi đọc các thông tin mới vào buổi tối và buổi sáng trước khi mở cửa giao dịch.
Các nhà giao dịch chuyên nghiệp hoạt động suốt cả ngày. Họ mở giao dịch ngược lại với các kẻ nghiệp dư. Khi thời gian trong ngày trôi qua, làn sóng mua và bán tạo ra bởi các nhà giao dịch nghiệp dư cũng như hành động từ tốn của các nhà đầu tư tổ chức sẽ dần dần phân chia cục diện. Các nhà giao dịch chuyên nghiệp có khuynh hướng chi phối lúc thị trường đóng cửa. Giá đóng cửa là cực kỳ quan trọng vì nó là cơ sở cho các thanh toán giao dịch.
Chỉ báo A/D theo dõi kết quả cuộc chiến mỗi ngày giữa những kẻ nghiệp dư và dân chuyên nghiệp. Chỉ báo A/D tăng lên khi giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa- đó là khi các nhà giao dịch chuyên nghiệp lạc quan hơn những nhà giao dịch nghiệp dư. Chỉ báo A/D giảm xuống khi giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa- là khi các nhà giao dịch chuyên nghiệp bi quan hơn các kẻ nghiệp dư. Tốt hơn hết là giao dịch cùng hướng với các nhà giao dịch chuyên nghiệp và ngược hướng với kẻ nghiệp
Khi thị trường tăng lên, hầu hết mọi người tập trung vào các đỉnh mới, nhưng nếu giá mở cửa cao hơn giá đóng cửa, thì chỉ báo A/D, theo dõi mối quan hệ này, sẽ quay đầu giảm xuống. Điều này cảnh báo xu hướng tăng đang bị yếu đi. Mặt khác, nếu chỉ báo A/D tăng lên trong khi giá giảm xuống, nó cho thấy bên mua đang giành lại được sức mạnh.
Tôi có thể minh họa bằng trường hợp của cổ phiếu REE trong đợt sóng vào đầu năm 2017. REE có hai điểm cần quan sát mà tôi đánh dấu số 1 và số 2 trên đồ thị.
Tại điểm số 1, trong khi REE chuẩn bị tiến sát mức kháng cự 21.5 thì OBV đã thiết lập đỉnh cao mới. Theo phân tích của chỉ báo OBV, điều này tiên đoán khả năng REE sẽ vượt qua mức kháng cự 21.5. Tuy nhiên, vào giữa tháng 9.2016, toàn bộ thị trường chung giảm điểm và có lẽ phía các nhà giao dịch chuyên nghiệp cảm thấy không nên vội đẩy giá lên. REE điều chỉnh theo thị trường chung cho đến cuối tháng 11.2016.
Trong đợt giảm này, mặc dù REE giảm điểm nhưng các bạn nhận thấy chỉ báo A/D lại dốc hướng đi lên, tạo ra một phân kỳ dương. Nếu những ai chịu khó quan sát mã REE vào lúc này, sẽ thấy một đặc điểm là vào cuối phiên giao dịch, REE thường được kéo lên để tránh bị giảm sâu hoặc thậm chí là tăng giá. Đó là đặc điểm của dòng tiền tổ chức hoặc các nhà giao dịch chuyên nghiệp bắt đầu can thiệp vào.
REE tạo đáy sớm hơn thị trường. Trong khi các chỉ só VN-Index và HNX-Index tạo đáy vào giữa tháng 12.2016 thì REE đã tạo đáy vào tháng 11.2016. Khi toàn bộ thị trường chung tạo đáy đi lên thì REE lập tức có sức bật để vượt qua ngưỡng kháng cự 21.5 và được xác nhận bởi chỉ báo OBV và A/D vượt qua đỉnh cũ.
Vào tháng 10-11.2016, trong khi giá giảm thì chỉ báo A/D tiếp tục đi lên cho thấy có bàn tay lớn can thiệp vào.
Đó là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, biết nhiều thông tin về REE.
A cho e hỏi. A dùng phần mềm gì để có chỉ báo obv và a/d vậy ạ??? Dùng amibroker có thêm đc k ạ.