Các cuốn sách như Tôi Đã Kiếm 2 Triệu Đô La Như Thế Nào Trên Thị Trường Chứng Khoán, của dancer nổi tiếng Nicolas Darvas, thực ra dựa vào khái niệm “nền giá” của O’Neil nhưng được Davas gọi bằng cái tên “chiếc hộp”. Rõ ràng, O’Neil vẫn là người sâu sắc hơn khi mô tả chi tiết và phân loại thành nhiều mẫu hình củng cố hoặc nền giá như: “nền giá dốc lên”, “chiếc cốc-tay cầm”, “hai đáy”, “hộp vuông”, “nền giá phẳng”, “lá cờ thắt chặt” và các mẫu hình khác. Đây là những mẫu hình mà O’Neil nhận thấy thường xuất hiện trước khi các siêu cổ phiếu có sóng tăng giá mạnh mẽ nhất. Các mẫu hình này thể hiện “vai trò tiếp diễn” ở các siêu cổ phiếu khi là nơi tạm ngừng và tiêu hóa một cách tự nhiên và bình thường đợt sóng tăng giá trước đó, trước khi tiếp tục tăng lên mức cao hơn.
Giống như các nền giá của O’Neil, “lý thuyết hộp” của Darvas được hình thành từ những quan sát thực tiễn và các nghiên cứu đồ thị cổ phiếu: “Tôi bắt đầu nhận ra các cổ phiếu không hoàn toàn chuyển động lung tung. Các cổ phiếu không bay giống như những kinh khí cầu theo bất kỳ hướng nào. Như thể bị hút bởi một thỏi nam châm, cổ phiếu sẽ hình thành một xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm rõ ràng, và một khi xu hướng đã được thiết lập, nó có khuynh hướng tiếp tục. Trong quá trình chuyển động theo xu hướng, cổ phiếu sẽ di chuyển theo một loạt các khung, cái mà tôi gọi là “những chiếc hộp”. Giá sẽ biến động ngẫu nhiên với một mật độ khá đặc giữa đỉnh và đáy chiếc hộp. Tôi bắt đầu nhận ra sự tồn tại rõ ràng của những chiếc hộp. (Nicolas Darvas, Tôi Đã Kiếm 2 Triệu Đô La Như Thế Nào Trên Thị Trường Chứng Khoán, Nhà xuất bản Carol Publishing Group, năm 1998, trang 51).
Tuy nhiên, O’Neil còn tinh tế hơn trong việc mô tả chính xác cấu trúc của những “chiếc hộp” hay “nền giá này”. Ông mô tả một cách chi tiết hình dạng, khoảng thời gian hình thành, độ lớn của nhiều vùng củng cố giá. Nhưng, giống như Darvas, O’Neil nhận thấy: “các đồ thị giá đơn giản là những vùng giá hiệu chỉnh và củng cố, thường xuất hiện sau một đợt tăng giá mạnh trước đo. Thách thức chính trong việc phân tích cấu trúc các vùng giá củng cố là đánh giá xem các chuyển động giá và khối lượng có hình thường không hay đó là tín hiệu của sự suy yếu nghiêm trọng của hành động giá, tức hiện tượng phân phối (Tôi Đã Kiếm 2 Triệu Đô La Như Thế Nào Trên Thị Trường Chứng Khoán, Nhà xuất bản Carol Publishing Group, năm 1998, trang 161).
Tuy nhiên, điều quan trọng cần hiểu là lý thuyết hộp của Darvas không có gì hơn chính là phiên bản ban đầu, thô sơ các mẫu hình đồ thị của O’Neil. Darvas chẳng bao giờ bận tâm đến việc đo lường khoảng thời gian tối thiểu cho những chiếc hộp để xác định xem liệu các hộp hình thành trong thời dài có tốt hơn các hộp trong thời gian ngắn hay không, cũng như ông ấy chẳng hề đo lường độ lớn hay chiều cao các chiếc hộp để xác định nên các đặc điểm có ý nghĩa. Darvas nói: “Tôi nhận thấy một số cổ phiếu thỉnh thoảng ở trong chiếc hộp trong vài tuần. Tôi không quan tâm nó sẽ ở trong chiếc hộp bao lâu cho tới khi nó có thể hoặc không rớt xuống cái hộp phía dưới.” (Tôi Đã Kiếm 2 Triệu Đô La Như Thế Nào Trên Thị Trường Chứng Khoán, Nhà xuất bản Carol Publishing Group, năm 1998, trang 52).
O’Neil hoàn toàn vượt ra ngoài sự đơn giản của “lý thuyết hộp” bằng cách nhận ra tầm quan trọng của việc áp dụng đặc điểm “tiền lệ quá khứ” trong nghiên cứu của mình. Nghĩa là O’Nel nhận ra các mẫu hình giá được hình thành ở các cổ phiếu dẫn dắt ở chu kỳ thị trường này sẽ lặp lại các cổ phiếu dẫn dắt ở chu kỳ tăng giá khác. Ví dụ, O’Neil thường thảo luận ở các diên đàn đại chúng về sự điều chỉnh lớn của America Online (AOL) về đường trung bình di động 50 ngày vào năm 1998, giống hệt như siêu cổ phiếu trước đó là Syntex Corp., vào năm 1956. Theo cách này, Syntex đóng vai trò như là “tiền lệ quá khứ” cho AOL vào năm 1998, và là nguồn thông tin hướng dẫn vô giá giúp O’Neil xử lý hợp lý cách nắm giữ cổ phiếu AOL để có được lợi nhuận lớn.
Tất nhiên, ý tưởng về tiền lệ quá khứ có thể được nhìn thấy từ Jesse Livermore trong cuốn sách Giao Dịch Chứng Khoán Như Thế Nào, “Tôi tuyệt đối tin rằng, các mẫu hình chuyển động giá đang lặp lại. Chúng lặp lại theo thời gian, với một chút biến đổi. Điều này là vì thị trường chứng khoán được chi phối bởi con người, mà bản chất con người thì chẳng bao giờ thay đổi” (Greenvile: Tạp chí Trader Press, năm 1991, trang 96). Như O’Neil nói: Lịch sử sẽ tự lặp lại chính nó vì bản chất con người sẽ vẫn mãi như thế” (Nhà Đầu Tư Thành Công, phiên bản số 3, Nhà xuất bản McGraw-Hill, năm 2004, trang 84). Wyckoff nhận xét: “Ở một mức độ nào đó, đọc đồ thị cũng giống như đọc một bản nhạc, cả hai đều cố gắng giải thích chính xác ý tưởng của tác giả và thể hiện chất nghệ sĩ của anh ta. Vì thế, đồ thị của một chỉ số thị trường, hay một cổ phiếu cụ thể, đều thể hiện ý tưởng, hy vọng, tham vọng và mục tiêu suy nghĩ của đám đông đang hoạt động trên thị trường, hoặc của kẻ đang thao túng một cổ phiếu cụ thể” (Stock Market Technique Number 2, Richard Wyckoff, năm 1933, trang 136).
O’Neil thường bị miệt thị là một “chartist (kẻ chỉ biết vẽ đồ thị), như thể phong cách đầu tư của O’Neil là một dạng hạ đẳng trong giới đầu tư. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, mặc dù O’Neil là người tiên phong trong việc tự động hóa việc sản xuất các đồ thị in giấy, thì ông không phải là người đầu tiên nhận ra sự hữu ích của các đồ thị trong việc dự báo cổ phiếu. Trong cuốn Stock Market Technique Number 2, Richard Wyckoff đã dành một chương ngắn để trả lời Tại Sao Tôi Nên Sử Dụng Các Đồ Thị Giá và tổng hợp những đánh giá về tính hữu ích của các đồ thị giá. Wyckoff viết: “Sẽ cần những dãi băng rất dài để ghi chép lịch sử giá các mã cổ phiếu. Các đồ thị thị ghi chép các dữ liệu lịch sử này thành một dạng khác, thuận tiện hơn, giá trị hơn trong việc nghiên cứu chuyển động giá quá khứ để dự báo tương lai. Vì thế, tôi cho rằng Đồ Thị Giá là cực kỳ quý giá). (Năm 1933, trang 66).
Đối với O’Neil, phân tích kỹ thuật và sử dụng đồ thị giá là cách để khám phá hành động của các nhà đầu tư tổ chức khi họ đang thu gom, tích lũy cổ phiếu. Bằng cách này, O’Neil không sử dụng các đồ thị giá như một hệ thống máy móc (nghĩa là không cần đến bất cứ đánh giá nào của con người trong việc ra quyết định mua bán), mà là công cụ để xác định các tay chơi lớn hoặc các nhà đầu tư tổ chức đang làm gì. Theo nghĩa này, ông giống hệt với Wyckoff, người luôn khuyên các nhà đầu tư nên biết cách đọc đồ thị giá để khám phá “các động cơ phía sau hành động giá của trường để giải thích chính xác hành vi của cổ phiếu) (Charting the Stock Market, The Wyckoff Method, ed Jack K.Huston, nhà xuất bản Technial Analysis, Inc, năm 1948, trang 13 và trang 16).