Lời mở đầu
Tại sao lại có trader thành công, vĩ đại và những trader thất bại? Tại sao lại có đến 95% hoặc hơn thế là những trader thất bại và chỉ 5% là thành công? Làm như thế nào để trở nên thành công? Bí quyết thành công thực sự là gì: một hệ thống giao dịch chính xác, chỉ số IQ cao, một công cụ Holy Grail…? Những năm tháng trading đã để lại trong tôi rất nhiều câu hỏi…
Trading là con đường. Thành công là đích đến và Thất bại là con đường mà bạn không muốn tới và né tránh nó. Muốn đi đến đích, từ điểm A đến điểm B, phải biết B ở đâu và như thế nào. Tương tự, muốn đi đến đích “trader thành công” thì phải biết yếu tố gì tạo nên thành công? Đồng thời, cũng phải biết nguyên nhân và dấu hiệu thất bại để tránh “rẽ nhầm” vào con đường thua lỗ.
Phần lớn những người bước chân vào ngành tài chính thường có một sự nhầm tưởng rất lớn. Họ tin rằng, những trader thành công là những người rất giỏi trong việc dự báo thị trường. Họ có một năng lực siêu phàm thiên phú. Những trader thành công là những người có IQ cực cao. Hoặc có thể rằng, họ đã tìm ra một “holy grail-chén thánh”…Thông thường, những niềm tin này là quá lớn. Lớn đến mức trở thành định kiến. Và đã định kiến thì rất khó tiếp nhận những luồng thông tin mới.
Tôi không cực đoan về chuyện nghiên cứu và học tập để có những tri thức về thị trường. Nhưng nghĩ rằng, thành công hoặc lợi nhuận kiếm được trên thị trường tài chính hoàn toàn là do trí thông minh là điều hết sức sai lầm.
Nếu tôi nói về cái gọi là “tâm lý giao dịch”, “cõi niết bàn”, “sự tĩnh thức”, “quản trị rủi ro”, “quản trị tiền… cũng không mấy người quan tâm đến nó. Thực tế, đây là chủ đề hết sức tẻ nhạt. Truyền thông hiểu điều này, và họ thường tâm trung vào những chủ đề hấp dẫn hơn, gay cấn hơn như mã cổ phiếu nào tăng trưởng nóng, thị trường sẽ ra sao? Các nhà đầu cơ thường dễ chú ý hơn. Bạn không tin ư! Thử lướt qua các diễn đàn, báo mạng, blogger ở Việt Nam sẽ rõ. Phần đông các broker chỉ làm một công việc duy nhất: “Phím các mã tăng nóng”.
Nhưng để thành công trên thị trường tài chính lại là một câu chuyện khác. Sau những năm tháng trading, tôi nhận thấy rằng thành công hay thất bại không phải tùy thuộc vào IQ, hệ thống giao dịch hay bất cứ điều gì khác mà chính là: “Đánh bại con quỹ dữ trong bạn”. Con quỹ dữ này khiến bạn tham lam cuồng dại, hoặc vô cùng sợ hãi…Và chính nó, đã phá hỏng thành công của bạn.
Tôi có ba bài viết về chủ đề “Trader Coach”. Bài 1 nhấn mạnh tâm lý giao dịch là chìa khóa quan trọng nhất để thành công. Chính tâm lý của bạn đã tạo ra kết quả giao dịch của bạn. Bài 2 là những hướng dẫn để kiểm soát tâm lý. Bài 3 là những hướng dẫn trong vấn đề quản trị rủi ro, quản trị tiền.
Chìa khóa thành công: Kiểm soát tâm lý giao dịch
Theo Van K.Tharp (1998), một nhà huấn luyện trader ở Mỹ và đồng thời là tiến sĩ tâm lý học, tâm lý giao dịch đóng tỷ lệ 60% trong quyết định thành công của các trader, 30% còn lại thuộc về quản trị tiền (số lượng vị thế thích hợp) và 10% thuộc về hệ thống giao dịch (khả năng dự báo đúng thị trường). Nhưng khoảng hơn 10 năm sau đó, khi xuất bản cuốn sách “Super Trader” (2009), Van K.Tharp lại cho rằng, thành công của trader hoàn toàn (100%) là do yếu tố tâm lý.
Trong khi đó, Mark Douglas (1990) cho rằng, tâm lý giao dịch chiếm đến 80% sự thành bại của bạn.
Cho dù tỷ lệ là như thế nào 60% hoặc 80% hay 100%, tôi tin chắc rằng, tâm lý giao dịch là yếu tố hàng đầu, quyết định thành bại của bạn.
Mỗi nhà trader vĩ đại đều có hiểu biết sâu sắc về tâm lý của chính họ. Tâm lý giao dịch cá nhân có ảnh hưởng đến mỗi trade entry và trade exit. Họ luôn có sự thận trọng rằng tâm lý cá nhân vẫn luôn làm việc, ẩn dấu phía bên trong. Nó giống như một con quỹ dữ với lòng tham, nỗi sợ hãi hoặc sự hối tiếc.
Các trader mới vào nghề không nhận thức được điều này. Hoặc nếu như nhận thức được thì cũng không biết rõ tầm quan trọng của nó là như thế nào so với những yếu tố khác như quản trị tiền, hệ thống giao dịch…
“Livermore không chết vì chứng khoán”
Phần đông ai cũng biết câu chuyện của Livermore, một trong những nhà đầu cơ huyền thoại phố Wall trong cuốn sách “Chết vì chứng khoán”. Livermore là một nhà đầu cơ tài giỏi. Chắc chắn rồi, tài năng của Livermore là điều mà ai ai cũng phải thừa nhận. Livermore nhận được sự ngưỡng mộ từ ngay chính cả các trader huyền thoại đương thời như W.D.Gann. W.D. Gann, trong cuốn sách “ 45 năm trên Phố Wall” (trang 117) đã mô tả Livermore như là “một trong những nhà kinh doanh ngoạn mục nhất của thời đấy”. [W.D.Gann chính là người đã giúp đỡ và kêu gọi những người khác hỗ trợ tài chính cho Livermore khi bị phá sản vào năm 1934.]
Nhưng điều gì khiến cho Livermore phải nhận một kết cục hết sức bi thảm: Gia đình tan vỡ, phá sản và phải tự sát trong tuyệt vọng? Tôi phản đối về tựa đề cuốn sách “Chết vì chứng khoán” vì nó không phản ánh đúng nguyên nhân thực sự, mặc dù không nghĩ ra tựa đề nào phù hợp. Chứng khoán không giết chết Livermore mà chính Livermore đã giết chết Livermore. Hay nói đúng hơn là Livermore đã tạo ra những câu chuyện hậu trường và nó đã làm thay đổi cuộc đời của Livermore.
Livermore thành công từ nghèo khó và những chiến thắng trên thị trường chứng khoán vào năm 1907 đã giúp Livermore trở nên giàu có tột đỉnh. Người đời vẫn gọi là “giàu như Livermore”. Nhưng chiến thắng đã khiến Livermore ngủ quên. Ông lao vào một cuộc sống thượng lưu, tiệc tùng, và hẹn hò với những cô gái bao gồm nữ diễn viên nổi tiếng đương thời là Lillian Russel và mua sắm vô tội vạ du thuyền, nhà cửa…Điều này tạo ra tâm lý hưng phấn và lạc quan cao độ. Livermore trở nên tự kiêu.
W.D.Gann từng nhận xét về Livermore:“Ông ta có sự tham lam và động lực quyền hành, và khi ông ta có số vốn rất lớn, ông ta không thể kinh doanh một cách cẩn trọng. Ông ấy đã cố gắng làm cho thị trường chuyển động theo cách của ông thay vì chờ đợi đến khi thị trường thực sự sẵn sàng để chuyển biến theo xu thế tự nhiên”.
Năm 1907, Livermore tin vào lời của ông vua bông và dẫn đến thua lỗ 3 triệu USD: “Livermore bây giờ cần tiền để gây dựng lại vị thế cũ của mình và ông cần thật nhanh. Những tình cảm mà ông cảm nhận được qua thất bại này đã là nguyên nhân khiến ông tiếp tục mắc một sai lầm khác, phá vỡ một quy tắc khác, Thật phi lý là ông muốn thị trường trả lại ông những gì ông đã mất. Vì vậy, ông quay lại thị trường để trả thù, nhưng khả năng đầu cơ của ông đã bị tổn thương. Ông là một kẻ suy nhược về tình cảm. Thay vì trở lại thị trường, lẽ ra ông nên thoát ra khỏi nó để lấy lại cân bằng tâm lý. Nhưng tự thuyết mình là nhà đầu cơ vĩ đại như mọi người nghĩ, ông lại liều lĩnh với thị trường và mất đi tài sản cuối cùng của mình. Sau đó ông vay tín dụng để chơi và mắc nợ những người ủng hộ ông.”
Livermore có sai lầm nối tiếp sai lầm (1) Đầu cơ dựa trên quan điểm của người khác; (2) Mở vị thế quá lớn (3) Bán vị thế lãi và giữ vị thế lỗ (4) Cho rằng mình là vĩ đại (quá tự kiêu) và (5) Đầu cơ bằng tiền vay nợ.
Những thất bại sau đó là hệ quả: “Trong hơn bốn năm sau đó, Livermore đã từng đi từ trung tâm môi giới này đến trung tâm môi giới khác. Ông có thể vay nợ ở nhiều nơi nhưng ông vẫn không tiếp tục đầu cơ tốt. Vẫn tức giận và uất ức, ông thể đầu cơ với cái đầu sáng suốt và ông phải chịu đựng sự thất vọng chưa từng có một cách tồi tệ. Đơn giản là ông không thể lấy lại sự cân bằng về tình cảm-trang 168”
Livermore cuối cùng đã nhận ra căn nguyên của vấn đề. “Vây đâu mới là vấn đề thực sự của ông? Vì sao các phán đoán của ông lại không đúng? Ông luôn thất vọng. Vì sao? Ông thất vọng vì ông đã nợ tiền, hầu hết là của bạn bè. Ông biết ông sẽ không bao giờ đầu cơ tốt được nữa từ khi ông nhấc được chiếc áo nợ nần ra khỏi đôi vai. Ông quyết định tuyên bố phá sản khi ở tuổi 38 từ khi trở thành nhà đầu cơ ở tuổi 16-Trang 169”. Đầu cơ dựa trên vay nợ luôn tạo ra những sức ép về tâm lý. Chính nó ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch và khiến cho khả năng phán đoán vô cùng kém.
Có một yếu tố mà chúng ta cần lưu ý khi nói về tâm lý giao dịch của Livermore, đó là những câu chuyện hậu trường yêu đương. Sau khi trở lại từ phá sản vào tuổi 38, Livermore đang yêu. Nàng Dorothy. Lúc này, Livermore vẫn đang có vợ là Nettie. Vụ ly hôn đã khiến cho Livermore phải tiêu tốn một chút tiền. Tuy nhiên, vấn đề là tình yếu mới giúp Livermore trở nên phấn chấn hơn. Livermore có cuộc hôn nhân thứ hai ở tuổi 41 với cô dâu 18 tuổi. Một cô dâu xinh đẹp.
“Đây là khoảnh khắc rất ý nghĩa với Livermore. Ông cảm thấy hạnh phúc. Đây thời điểm không giống như thời điểm năm 1907, khi ông đã có mọi thứ nhưng đã để mất hết, giờ đây ông sẽ phải cố gắng để giải quyết tốt với thành công của mình. Ông thề rằng ông sẽ kiểm soát được sự xấc xược, tính tự phụ kiêu căng của bản thân. Ông sẽ không mất bình tĩnh nữa. Ông sẵn sàng lao vào vực thẳm đen tối của sự tuyệt vọng và khổ đau. Ông sẽ nghiêm khắc tuân theo những quy tắc kiếm tiền cứng nhắc của mình và cả những luật lệ ông đặt ra khi giao dịch.-Trang 199”. Sau đó là chuỗi ngày thành công của Livermore. Ông hoàn thiện lý thuyết thị trường và đầu cơ thắng lợi hơn. Rõ ràng, tâm lý phấn chấn, tự tin và nhận ra những khuyết điểm như tính kiêu căng đã giúp Livermore thăng hoa. Một trong những thắng lợi lớn của Livermore là bán khống vào năm 1929 khi TTCK Mỹ sụp đổ. Danh tiếng, tiền bạc của Livermore trở nên lớn hơn bao giờ hết.
Livermore có một yếu điểm. “Một điểm yếu bí mật. Ông rất yếu đuối trước những phụ nữ đẹp”. Sau cuộc thứ hai, Livermore lại tiếp tục lăng nhăng ngoài luồng với những người phụ nữ đẹp. Đây chính là điểm mấu chốt làm thay đổi cuộc đời đang thăng hoa của Livermore.
Khi những chuyện bất chính đến tai Dorothy và hai người ly hôn. Cuộc ly hôn thứ hai, lại tiếp tục là cuộc tình tốn kém với livermore. Ông cưới người vợ thứ ba là Harriet, người đã có 4 đời chồng trước đều chết vì tự tử. Đó là chưa kể Livermore phải tốn những khoản tiền khác liên quan đến những phi vụ rắc rối của các người tình. Ngay khi cưới người vợ thứ ba, Livermore vẫn tiếp tục lăng nhăng và bị phát hiện. Những câu chuyện hậu trường luôn làm ông phân tâm và hủy hoại sự nghiệp lừng lẫy mà ông tạo dựng.
“Ngoài ra, Livermore đã biêt ông đang mất đi những kỹ năng kinh doanh. Tất cả sự quan tâm, những nguyên tắc và sự rèn luyện, nghị lực của ông đều suy giảm. Niềm đam mê của ông với thị trường hầu như không còn, và ông cũng không biết tại sao? Có thể đó là do từ khi ly hôn với Dorothy? Do không thường xuyên gặp những người con trai? Do người vợ mới đã khiến ông xuống dốc? ……….Trang 367
“Livermore đã mất hết tinh thần. Con người ông đã thay đổi. Mặc dù bạn bè đã cố gắng khuyên nhủ nhưng Livermore vẫn rất chán nản, suy sụp, tư duy của ông dường như không còn mạch lạc và không có sự kết nối. Tất cả niềm đam mê, sự quan tâm của ông tới thị trường chứng khoán đã chết.” Trang 370
Sự đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình đã ảnh hưởng rất nhiều đến Livemore. Con trai của ông cũng đi theo con đường ăn chơi, trụy lạc mà ông đã sống. Điều đó khiến ông cảm thấy thất vọng. Một lần nữa, những phán đoán của ông trên thị trường đều hết sức sai lầm. Điều gì đến phải đến, Livermore đã sụp đổ hoàn toàn vào ngày 5.3.1934 khi nộp đơn xin phá sản.
Những năm tháng đen tối của Livermore vẫn chưa dừng lại. Cảnh mẹ bắn con, rồi bao rắc rối gia đình làm cho cuộc sống Livermore trở nên trầm uất. “Con gấu vĩ đại” của Phố Wall, Livermore, một người bước lên đỉnh cao sang giờ đây lại có kết cục hết sức bi thảm: Tự sát bằng một phát súng.
Giống như lời tâm sự của Livermore với người vợ thứ ba; “Cuộc đời anh là một sai lầm”, câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Livermore để lại rất nhiều bài học. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Livermore đó là lối sống. Livermore là một nhà đầu cơ tài năng, tài năng bậc nhất và hiếm có. Ông tạo ra những quy tắc giao dịch và những phương pháp dự báo tốt mà hậu thế vẫn học hỏi. Nhưng lối sống sai lầm đã ảnh hưởng tới sự nghiệp của Livermore theo rất nhiều cách. Đặc biệt là tâm lý giao dịch của Livermore luôn biến động theo những thăng trầm trong cuộc sống đời thường của Livermore.
Tôi tin rằng, rất nhiều nhà đầu cơ nhận thức được tầm quan trọng của tâm lý giao dịch. Tuy nhiên, nếu nói rằng, tâm lý giao dịch là bí quyết để trở thành nhà đầu cơ vĩ đại thì có lẽ sẽ nhiều ý kiến hoài nghi. Nhưng cuộc đời của Livermore là một ví dụ.
Đã bước qua tuổi “Tam Thập Nhi Lập”, sau nhiều năm tháng trading và biến cố của cuộc sống, tôi đang cảm ngày càng cảm nhận được sức mạnh của yếu tố tâm lý giao dịch. Càng giao dịch, tôi càng nhận thấy tâm lý giao dịch thực sự có ảnh hưởng lớn đến thành bại của mỗi trader nhiều hơn tôi nghĩ. Tâm lý giao dịch này gắn bó rất mật thiết với chính cuộc sống đời thường của chúng ta.
Phải chăng: “Đằng sau thành công của người đàn ông, luôn có hình bóng của một người phụ nữ biết sẽ chia, cảm thông và giúp đỡ”?
Tôi gọi nó là “Tư Duy Trader” hoặc “cõi niết bàn”
Bây giờ, chúng ta hãy thảo luận về tâm lý giao dịch. Như thế nào là những tâm lý giao dịch tốt để tạo nên thành công của trader?
Có những tính cách nhất định giúp các trader và investor có thể tạo ra được lợi nhuận bền vững trên các thị trường. Một số tính cách nhất định là bản tính tự nhiên của mỗi cá nhân nhưng có những cá tính phải qua rèn luyện mới có được. Cần phải mất thời gian để rèn luyện những tính cách này. Sau đây là một số tính cách hoặc những điều mà bạn cảm nhận được:
1.Không quan tâm đến tiền bạc.
2. Chấp nhận rủi ro trong trading và investing.
3. Cảm thấy trade thua và thắng là như nhau (xét về cảm xúc).
4. Tận hưởng quá trình trading.
5. Không cảm thấy mình là nạn nhân của thị trường.
6. Luôn mong muốn trau dồi các kỹ năng.
7. Lợi nhuận tăng khi các kỹ năng được cải thiện.
8. Một tư duy rộng mở; không bảo thủ.
9. Không tức giận.
10. Rút kinh nghiệm từ mỗi lần trade.
11. Sử dụng một phương pháp hoặc hệ thống và không bị ảnh hưởng bởi thị trường hoặc các trader khác.
12. Không cần thiết phải kiểm soát hoặc thao túng thị trường.
13. Cảm thấy tự tin và cảm thấy bản thân được kiểm soát.
14. Cảm giác không ép thị trường đi theo dự báo bản thân.
15. Trading với tiền mà bạn có thể chịu đựng rủi ro.
16. Chịu trách nhiệm đối với tất cả kết quả trading.
17. Cảm thấy bình tĩnh khi trading.
18. Khả năng tập trung vào thực tế hiện tại.
19. Không quan tâm liệu thị trường phá vỡ hoặc chuyển động như thế nào.
20. Đi theo xu hướng của thị trường.
Tôi gọi những trạng thái tâm lý này là “Tư Duy Trader” (Mc Dowell gọi như vậy), tức là một Trader có hiểu biết. Chỉ có hiểu biết mới có thể kiểm soát tâm lý, cân bằng nó. Điều này giống như trong phật giáo, một trạng thái ung dung, tự tại khi đang ngồi trên cõi niết bàn (Nirvana). Ở cõi niết bàn, ta thấy mình giải thoát khỏi mọi ảo giác, mọi tham ái, khổ đau, tham sân si của đời người. Cõi niết bàn là có nhiều cách diễn đạt. Nhưng cách đơn giản để hiểu là như thế này. “Nirvana” thì “Nir” có nghĩa là thoát khỏi và “vana” là sự mê muội. Cõi niết bàn nghĩa là thoát khỏi sự mê muội. Mê muội, không hiểu biết chính là con đường của sự đau khổ.
Trong trading, nếu đạt được những trạng thái như vậy chẳng khác nào đạt được trạng thái niết bàn. Trader không còn lo sợ khi tham gia vị thế trên thị trường, biết được khi nào phải tiến, phải lùi, khi nào nên trading, lúc nào không trading. Trader cũng không lo sợ, thấp thỏm mỗi khi giao dịch. Thị trường tăng hay giảm, đúng hay không đúng với dự báo cũng chẳng quan trọng. Một tâm lý thoải mái vì có được một số lượng vị thế phù hợp. Trader biết rằng họ sẽ giới hạn khoản lỗ nằm trong khả năng chịu dựng và khoản lỗ này có thể thu hồi chỉ bằng một vài khoản đầu cơ lãi. Thắng hay thua cho mỗi lần trade cũng không làm cho trader dao động, hốt hoảng, lo âu, bi quan hay vui mừng thái quá.
Trader cảm nhận được trading là một hành trình khám phá bản thân. Napoleon Hill, tác giả cuốn sách “Nghĩ giàu, làm giàu” từng nói: “Học làm giàu cũng là học làm người”. Trading cũng vậy. Đó là quá trình kiểm soát bản thân, sửa chửa và hoàn thiện tích cách con người. Trader thành công có sự điềm đạm về tâm lý. Không nóng nảy, vội vàng, tĩnh tại như mặt hồ không gợn sóng.
Trader thành công biết học hỏi và đúc rút kinh nghiệm từ sự thất bại của bản thân để tiến bộ không ngừng. Họ không than trách ai khi đầu cơ thua lỗ. Họ biết rằng, đó là do sai lầm của bản thân.
Từ năm 2010, tôi đặc biệt chú ý đến những vấn đề tâm linh, huyền bí như nghiên cứu về phật giáo. Năm 2010 là năm có bước ngoặt lớn trong hoạt động trading của tôi. Tôi chịu một tổn thất rất lớn vào tháng 5.2010 và điều đó khiến tôi phải thay đổi. Tôi quyết định dành thời gian để nghiên cứu về thị trường tài chính, khám phá bản chất thị trường. Nghiên cứu các hệ thống giao dịch, nghiên cứu về chiêm tinh tài chính. Và đặc biệt là học hỏi về các phật giáo, thiền định, tâm lý học, nghệ thuật ứng xử…
Tôi nhận thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ liên quan rất lớn đến vấn đề tâm lý. Những biến động bất ổn trong tâm lý ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thành quả giao dịch. Tôi không phải là người duy nhất làm điều này. Tôi có nghe nói, nhiều trader và doanh nhân tìm đến thiền định, yoga…như là một giải pháp cân bằng tâm lý sau thua lỗ vào năm 2008. Đây là một hướng đi đúng đắn.
Trong quá trình tìm hiểu về phật học, tôi được biết rằng Đức Phật hoặc Bụt (theo cách gọi dân gian) có nguồn gốc từ là Buddha trong tiếng Magadhi (ngôn ngữ của Ấn Độ). Buddha có nghĩa là “Người tĩnh thức”. Người tĩnh thức là người biết tĩnh thức. Tĩnh thức có nguồn gốc là từ Budh.
Đức Phật đắc đạo dưới cây Bồ Đề. Cây Bồ Đề có nguồn gốc là từ “Bodhi”, cũng là một họ với chữ Bụt, cũng có nghĩa là sự tỉnh thức. Đức Phật gọi đạo mà ngài tìm ra để giải thoát nổi khổ của chúng sinh là Đạo Tỉnh Thức.
Đạo Tĩnh Thức của Đức Phật muốn nói đến con đường hiểu biết. Muốn thoát khỏi khổ đau phải có sự hiểu biết. “Sự hiểu biết sẽ làm tiêu tan được mọi phiền não và làm phát sinh được sự chấp nhận và niềm tin yêu. Ông khám phá ra rằng, hiểu biết và thương yêu là một và nếu không thể hiểu biết thì không thể thương yêu…Hiểu biết là chìa khóa của cách cửa giải thoát. Mà muốn đạt được tới hiểu biết, con người phải sống thức tỉnh trong từng phút, từng giây, thức tỉnh để tiếp xúc, để nhận diện và để nhìn thấy những gì đang xảy ra trong và và chung quanh ta. Cái nhìn ấy càng ngày sẽ sâu sắc. Và khi nhìn sâu được vào lòng một hiện tượng thì hiện tượng đó sẽ phơi bày chân tướng trước mặt ta. Đó là bí quyết của chánh niệm…Trích từ “Đường Xưa Mây Trắng” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh”
Đức Phật hay Trader thành công là những người biết dùng sự hiểu biết để chế ngự sự mê muội. Để tâm lý được cân bằng và thanh tĩnh. Bằng sự hiểu biết của mình, trader sẽ không bị hốt hoảng, lo lắng, bất ngờ trước những diễn biến của thị trường.
Cuộc sống cũng như thị trường tài chính có đặc điểm giống nhau là chứa đựng nhiều biến động bất ngờ, không lường trước. Con người không thể lựa chọn những biến cố gì xảy ra đến với mình. May mắn, thành công hay hiểm nguy, bệnh tật…tất cả đều diễn ra trên đường đời ….Cuộc sống vốn dĩ vô thường. Nhưng bạn có thể lựa chọn cách thức để đối diện với nó. Bạn sẽ vượt qua khó khăn để thành đạt hoặc chấp nhận sống trong khổ đau nghèo đói. Tất cả là do thái độ của bạn. Thái độ là do niềm tin và sự hiểu biết bên trong mỗi người. Điều mà Đức Phật khám phá.
Thị trường tài chính ngày này chứa đựng vô vàn biến cố bất ngờ, không lường trước. Trader cần phải kế hoạch phản ứng với mọi biến động rủi ro của thị trường. Điều này cần phải có sự hiểu biết về tính cách bản thân, đặc tính thị trường giao dịch, các rủi ro có thể nhận diện, các quy tắc quản trị tiền…
Tín ngưỡng, tâm linh là vấn đề thường rất dễ nhầm lẫn. Thật tệ, nếu như bạn cân bằng tâm lý, tìm lại niềm tin bằng những hành động mù quáng. Bạn lên chùa, thắp nén hương, cầu xin rằng công việc kinh doanh sẽ gặp thuận lợi…Bạn vái lạy tứ phương như thể muốn chứng minh lòng thành của mình vào Đức Phật. Bạn nghĩ rằng, sự thành tâm của bạn sẽ được các bậc “thánh linh” chấp nhận và ban phước. Đó là niềm tin mù quáng.
Một trader không thể nào tĩnh tâm hoặc tiếp tục tin tưởng mù quáng rằng, “mọi việc rồi sẽ ổn”. Cần phải dựa trên những hiểu biết về bản thân, thị trường, kỹ luật để tạo ra niềm tin về thành công của bản thân, cũng như ứng xử phù hợp với tình hình thị trường.
15 tâm lý giao dịch có thể phá hủy việc trading. Nguyên nhân và hệ quả
Sau đây là danh sách trở ngại để có Tư Duy Trader. Xem xét danh sách sau và xem bạn gặp phải vấn đề gì để sửa chữa. Hiểu bản thân là cách tốt nhất để tạo ra lợi nhuận bền vững.
- Sợ bị thua lỗ. Lý do thông thường của việc này là trader sợ bị thất bại hoặc cảm thấy không thể chấp nhận những thua lỗ tiếp theo.
- Thoát vị thế quá sớm. Điều này gây ra bởi nỗi lo sợ đảo ngược vị thế. Các lần thua liên tiếp dễ nảy sinh tâm lý này. Họ nhanh chóng chốt lãi khi có lợi nhuận và hiếm khi để cho “let profit run”.
- Mong ước và hy vọng. Những kỳ vọng quá mức có thể đem lại những quyết định đầu tư không đúng đắn. Ví dụ như tuổi trẻ thường có tâm lý “nhanh chóng làm giàu” và họ chấp nhận những rủi ro quá lớn. Không những vậy, đôi lúc hoàn cảnh hoặc mơ ước về một cuộc sống giàu sang sẽ khiến cho bạn lao vào thị trường như một con thiêu thân.
- Tức giận sau mỗi lần trade lỗ. Cảm giác như mình là nạn nhân của thị trường. Những kỳ vọng không hợp lý dẫn đến quan tâm quá mức đến mỗi lần trade cụ thể.
- Trading với số tiền mà bạn không thể chấp nhận thua lỗ hoặc trading với tiền vay mượn. Lời khuyên là bạn nên tách biệt số tiền trading ra riêng. Đôi khi vì kẹt tiền, bạn quyết định đầu tư vào vị thế thua lỗ với hy vọng gỡ gạc hoặc muốn làm một cú ăn lớn để giải quyết những khó khăn tài chính.
- Bổ sung vị thế vào các vị thế đang lỗ.
- Lúc nào cũng muốn giao dịch. Các trader này cảm thấy khó khăn khi không tham gia giao dịch. Do đó, các trader nhanh chóng tham gia thị trường mà thiếu tính toán kỹ lưỡng. Đôi khi, việc đầu tư vào thị trường tài chính tạo ra cảm giác “nghiện”. Các con nghiện cảm thấy nếu không đầu tư thì chẳng làm được gì.
- Tự tin quá mức sau khi trade thắng. Trader có cảm giác như mình đang kiểm soát thị trường.
- Giới hạn lợi nhuận. Trader không cảm thấy không tự tin để kiếm tiền. Một số trader sau nhiều lần thua lỗ kéo dài sẽ mất đi niềm tin. Họ nghĩ rằng hệ thống của họ không làm việc, hoặc đơn giản như: “Không thể làm giàu từ chứng khoán”. “Ôi, chứng khoán nó không hợp với mình”.
- Không tuân theo hệ thống giao dịch của bản thân.
- Suy nghĩ quá nhiều cho việc trade. Chính vì cảm thấy sợ thua lỗ nên trader luôn phải suy nghĩ và phân tích quá kỹ. Cảm thấy rất khó khăn để chấp nhận rủi ro trong trading.
- Không trade đúng với số lượng vị thế hợp lý. Vì quá mong muốn có lợi nhuận, trader có thể lờ đi những quy tắc quản trị rủi ro và quản trị tiền.
- Trade quá nhiều. Trading quá nhiều khiến bạn không tìm ra xu hướng lớn đang chuyển động. Trade quá nhiều khiến tâm lý bị căng thẳng, thiếu sáng suốt.
- Lo sợ khi trade. Sau khi đặt lệnh, trader bị mất ngủ, phấp phỏng lo lắng. Họ phải thường kiểm tra giá cả mỗi ngày, mỗi giờ. Điều này sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong cuộc sống.
- Dễ bị kích thích sau mỗi ngày trading. Quá phấn khích khi thắng và bi quan khi thua. Điều này khiến bạn có thể phá vỡ hạnh phúc và cuộc sống của bạn. Cáu gắt với người yêu, vợ con…Đến lượt nó sẽ là những quãng ngày bực bội. Tâm lý này sẽ lại ảnh hưởng đến vấn đề trading.
Hãy nhìn vào gương và xem liệu bạn đang gặp phải vấn đề gì trong 15 vấn đề thuộc về tâm lý giao dịch mà chúng tôi liệt kê. Đây chính là quá trình tìm kiếm ưu và nhược điểm của bạn. Nó sẽ giúp bạn hiểu được bạn đang ở đâu và vấn đề gì bạn cần phải giải quyết?
Một vài vấn đề nói trên sẽ liên quan trực tiếp đến việc thiết kế hệ thống quản trị tiền của bạn. Ví dụ, nếu bạn gặp vấn đề số 12, tức trading với số lượng vị thế không phù hợp, bạn có thể dễ dàng giải quyết ở các phần sau khi chúng tôi nói về công thức quản trị tiền.
Ở trên chính là danh sách 15 vấn đề cản trở bạn có được Tư Duy Trader. Khi khắc phục được 15 vấn đề nói trên, về cơ bản bạn giống như hướng tới cõi niết bàn.
Bây giờ, các bạn hãy ghi nó ra tờ giấy. Và nhớ, hãy trung thực…[Cá nhân tôi có lúc phạm 10/15 điều nói trên nhé]
Tài liệu tham khảo
- “A Trader’s Money Mannagement System: How to ensure profit and avoid the risk of ruin”, Benett A.McDowell, 2008.
- “Trade your way to Financial Freedom”, Van K.Tharp, 1998.
- “Super Trader”, Van K.Tharp,2009.
- “The Disciplined Trader: Developing Wingning Attitudes”, Mark Douglas, 1990
- “Đường Xưa Mây Trắng”, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, 2011.
- “Jesse Livermore: Chết vì chứng khoán” RichardSmitten, 2007.