TTCK toàn thế giới đã giảm từ trên 10% đến gần 40% kể từ mức đỉnh đầu năm 2020 đến cuối tuần qua. Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan… đã công bố thực thi các chính sách tiền tệ, tài khóa mạnh và giải pháp cho TTCK.
Tại Việt Nam, VN-Index đến nay đã giảm 30,4% vì đại dịch, câu hỏi nhà đầu tư đau đáu nhất lúc này là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, Chính phủ đang và chuẩn bị những giải pháp gì cho TTCK Việt Nam?
Ứng phó với dịch bệnh, hành động của Chính phủ và UBCK các nước Khác với 2 cuộc khủng hoảng xảy ra năm 2000 và 2008, là những khủng hoảng bắt nguồn từ yếu tố tài chính – tiền tệ nên hệ thống tài chính – tiền tệ chịu tác động mạnh đầu tiên, cuộc khủng hoảng hiện nay lại bắt nguồn từ dịch bệnh, dẫn đến suy thoái kinh tế do chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ.
Các doanh nghiệp vùng dịch ngừng sản xuất, các nước áp dụng nhiều biện pháp mạnh đóng cửa biên giới, cấm xuất nhập cảnh… để phòng ngừa dịch bệnh, khiến sản xuất – kinh doanh bị đình trệ trên phạm vi toàn thế giới, từ đó tác động mạnh đến cung – cầu, gây nên các cú sốc về cả tổng cung và tổng cầu.
TTCK vốn được coi là “phong vũ biểu” của mỗi nền kinh tế, nên chịu tác động của dịch bệnh, các TTCK đều rơi. Dow Jones (Mỹ) giảm 28,3%, Nikkei 225 (Nhật) giảm 18,8%, KOSPI (Hàn Quốc) giảm 24,8%, Hang Seng (Hồng Kông) giảm 19%, FTSE 100 (Anh) giảm 25,9%, SET (Thái Lan) giảm 32,5%, PSEI (Philippines) giảm 35,9%…
Riêng thị trường Trung Quốc không sụt giảm quá mạnh do về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, chỉ số Shanghai hiện chỉ giảm 10,7%.
Các nước đã và đang ứng xử với hiện trạng trên như thế nào? Tính đến cuối tháng 3, Chính phủ nhiều nước đã tung ra không ít giải pháp, cả chính sách tiền tệ và tài khóa, để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp – là đối tượng chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh.
Các gói kích thích tiền tệ chủ yếu nhằm vào các nội dung tăng cung tiền trong lưu thông, giảm lãi suất điều hành và giãn nợ cho doanh nghiệp.
Chính sách tài khóa tập trung vào các công cụ giãn thuế, tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, cá nhân, nhất là bảo hiểm thất nghiệp.
Liên quan đến TTCK, có 2 quốc gia công bố tạm đóng cửa thị trường với lý do để ngăn ngừa dịch bệnh.
Cụ thể tại TTCK Philippines, cơ quan quản lý thông báo đóng cửa TTCK ngày 17/3 và cơ quan quản lý TTCK Palestin thông báo đóng cửa Sở GDCK Palestin từ ngày 22/3. Tuy nhiên, trước sức ép lớn của nhà đầu tư, TTCK Philippines phải tiếp tục mở cửa trở lại sau 2 ngày (19/3) và ngay lập tức bị sụt giảm tiếp 24%.
Các thị trường khác áp dụng nhiều giải pháp khác nhau để duy trì hoạt động của TTCK. Chẳng hạn, Tây Ban Nha ra chỉ thị cấm bán khống đối với 69 loại cổ phiếu; Italia, Anh cấm bán khống đối với số loại sản phẩm; Hàn Quốc tạm dừng bán khống trong vòng 6 tháng; Ðài Loan xem xét giải pháp cấm toàn bộ hoạt động bán khống…
Một số thị trường cho phép kéo dài thời hạn nộp báo cáo tài chính theo quy định, như UBCK Mỹ cho phép gia hạn việc nộp báo cáo tài chính của các công ty đại chúng trong vùng ảnh hưởng của dịch bệnh thêm 45 ngày.
Cơ quan Quản lý tài chính Anh (FCA) cho phép gia hạn trước mắt là 2 tháng. UBCK Italia cho phép hoãn nộp báo cáo tài chính thường niên của các tổ chức phát hành cho đến khi có thông báo mới.
Ủy ban Giám quản chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho phép hoãn nộp báo cáo tài chính định kỳ cho hơn 60 công ty niêm yết ở Hồ Bắc và kéo dài các thời hạn liên quan.
Cùng với đó, nhà quản lý TTCK các nước cũng cho phép gia hạn thời gian tổ chức các cuộc họp đại hội đồng cổ đông và khuyến khích doanh nghiệp niêm yết mua cổ phiếu quỹ để bình ổn giá.
Chẳng hạn, Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia cho phép các công ty niêm yết mua cổ phiếu quỹ đến 20% tổng vốn góp mà không cần có sự thông qua trước của đại hội đồng cổ đông, Ủy ban Giám sát dịch vụ tài chính Ðài Loan (FSC) khuyến nghị các công ty mua lại cổ phiếu quỹ.
Trong bối cảnh đại dịch, các dịch vụ trực tuyến và từ xa như tổ chức đại hội đồng cổ đông trực tuyến, biểu quyết từ xa (evoting), tổ chức họp trực tuyến đều được các thị trường thúc đẩy thực hiện. Nhiều nước cũng miễn, giảm các loại phí, lệ phí trên thị trường để hỗ trợ thành viên và nhà đầu tư.
Việt Nam, dự phòng giải pháp mạnh cho TTCK
Quan sát của Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, kể từ khi dịch bệnh bắt đầu có ảnh hưởng tiêu cực trên TTCK đến nay, có 3 giải pháp được áp dụng.
Thứ nhất, Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng khẳng định việc rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp (DN) từ 7 ngày xuống còn 1 ngày, để hỗ trợ DN thực hiện nhanh giải pháp mua vào cổ phiếu của chính mình khi giá rơi quá xa so với giá trị nội tại của DN.
Thứ hai, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020, trong đó giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán.
Thứ ba, UBCK đã có hướng dẫn các DN niêm yết gia hạn thời gian tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, tổ chức đại hội trực tuyến và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Các giải pháp được đưa ra khá nhanh, nhưng thực tế TTCK vẫn rơi mạnh mẽ cho thấy, tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư vẫn bao trùm lên toàn thị trường. Ðây cũng là tâm lý chung của nhà đầu tư tài chính toàn cầu.
Về phía nhà đầu tư, đã có nhiều đề xuất được nêu ra về giải pháp nhà quản lý cần làm để giảm tác hại của đại dịch.
Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital cho rằng, sẽ khó có giải pháp thay đổi tình thế, nhưng lúc này, nhà quản lý nên tập trung giải quyết các vấn đề nền tảng của TTCK, như soạn thảo các nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán một cách tốt nhất và tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia TTCK Việt Nam.
Khó khăn ở đây không chỉ là room, mà là một nhóm vấn đề liên quan như danh mục ngành nghề nước ngoài được sở hữu, định nghĩa thế nào là công ty nước ngoài, khả năng tham gia của khối ngoại vào các cổ phiếu hết room, phát hành chứng chỉ lưu ký…
Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt, ông Nhữ Ðình Hòa cho rằng, trong hoàn cảnh nào thì sự minh bạch và thanh khoản của thị trường cũng là những yếu tố tạo ra sự yên tâm cho nhà đầu tư.
Do vậy, các giải pháp dài hạn cần hướng đến sự phát triển bền vững, còn trong ngắn hạn cần sự hỗ trợ đến nhà đầu tư, hỗ trợ các thành viên thị trường.
Các giải pháp cần thực hiện là đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống công nghệ, cải thiện nền tảng giao dịch, thanh toán bù trừ, đề xuất phương án để giảm hoặc miễn thuế giao dịch chứng khoán, thuế cổ tức cho nhà đầu tư trong một khoảng thời gian.
Cùng với đó, cần mở rộng khả năng tiếp cận vốn để mua chứng khoán của nhà đầu tư như kéo dài hợp đồng vay ký quỹ (margin), hạ tỷ lệ ký quỹ…
Vậy về phía nhà quản lý, sau những giải pháp đã công bố, tiếp theo sẽ là gì?
Về vấn đề này, cơ quan quản lý TTCK nêu quan điểm, sự sụt giảm của TTCK Việt Nam hiện nay chủ yếu là do tác động trực tiếp của dịch bệnh làm suy giảm tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết, đồng thời do tâm lý bất an của nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh.
Diễn biến của thị trường phụ thuộc phần lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, sự hỗ trợ từ các chính sách kích thích để hỗ trợ doanh nghiệp và việc ổn định tâm lý của nhà đầu tư.
Theo đó, quan điểm điều hành TTCK trong giai đoạn hiện nay là đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, minh bạch trên cơ sở tôn trọng quy luật quan hệ cung cầu, hạn chế tối đa can thiệp hành chính và kỹ thuật vào thị trường.
Cùng với đó, sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến của thị trường để kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch; trấn an tâm lý nhà đầu tư.
Thực tế, TTCK Việt Nam giảm mạnh, song khác với giai đoạn 2008, ngay cả những phiên giảm điểm mạnh nhất, thanh khoản trên 3 sàn vẫn duy trì ở mức 6.000 tỷ đồng/phiên. Ðiều đó có nghĩa là thị trường vẫn còn lực cầu tốt.
Nhiều ý kiến nhà đầu tư cho rằng, nhà quản lý nên xem xét thu hẹp biên độ dao động giá, nhưng quan điểm của Bộ Tài chính là chưa cần thiết phải điều chỉnh biên độ giá trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để cân nhắc áp dụng khi thực sự cần thiết.
Về dòng tiền margin, thống kê của UBCK cho biết, tổng mức dư nợ ký quỹ trên TTCK giảm dần đều, giảm gần 7.000 tỷ đồng so với cuối năm 2019.
Việc nới tỷ lệ margin không phải là giải pháp ưu tiên trong bối cảnh hiện tại, thay vào đó, nhà quản lý TTCK nghiêng về phương án kiến nghị tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán, khi hiện nay, dư nợ của ngân hàng cho vay kinh doanh chứng khoán mới ở mức thấp, chưa tới 30.500 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,37% tổng dư nợ tín dụng của toàn ngành ngân hàng.
Một số giải pháp cũng đang được nhà quản lý nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo như việc chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và các tập đoàn kinh tế nhà nước nghiên cứu, sử dụng nguồn tiền mặt chưa sử dụng thực hiện mua vào cổ phiếu của một số DN lớn, quan trọng, hoạt động hiểu quả khi giá cổ phiếu của doanh nghiệp xuống sâu hơn giá trị nội tại.
Người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này đề xuất hội đồng quản trị thực hiện mua cổ phiểu quỹ. Những giải pháp này có khả năng hỗ trợ sức cầu và tâm lý thị trường. Tuy nhiên, giải pháp chỉ được thực thi khi Thủ tướng chấp thuận.
Ðược biết, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép một số DN chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh được lùi thời hạn nộp các báo cáo tài chính theo Luật Kế toán, lùi thời hạn tổ chức họp đại hội đồng cổ đông theo Luật Doanh nghiệp để hỗ trợ DN trong thời gian dịch bệnh.
Cùng với đó là việc sớm xem xét cho phép DN có vốn đầu tư nước ngoài đủ điều kiện được niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK để tạo tác động tích cực tới tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là thời điểm hiện nay.
Theo báo Đầu Tư Chứng Khoán