LỜI RĂN SỐ CHÍN CỦA ONEIL
Có lẽ đây là một trong những quy tắc quan trọng nhất mà O’Neil đã dạy chúng tôi, và là quy tắc mà chúng tôi thấy không hề dễ dàng để tuân theo. Lời răn số chín là: “Hãy cẩn thận với người mà bạn đưa lên giường”. Điều này không hề nói đến người bạn đời của bạn, mà là trong thời đại bệnh dịch thông tin, bạn nên thận trọng với đối tác kinh doanh của mình. O’Neil có niềm tin mãnh liệt vào sự thật này và lòng chính trực giữa hai người là biến số quan trọng nhất trong cuộc sống và kinh doanh. Sẽ chẳng hề dễ dàng chút nào để tìm kiếm một người bạn đời chân thành và một đối tác kinh doanh trung thực. Trong nghề đầu tư, đây là một bài học quan trọng, vì thương trường vốn đầy rẫy những kẻ lừa lọc kiểu như trùm lừa đảo Bernie Madoff, cũng như những kẻ ma lanh, giả dối, lừa gạt, thâm hiểm. Khi bạn tìm thấy một ai đó có sự chính trực và đáng tin cậy, đó chính là người đáng trân trọng mà bạn nên gìn giữ trong suốt sự nghiệp kinh doanh. O’Neil đã từng nói rằng, cuộc sống và thương trường sẽ đem đến cho bạn rất nhiều kẻ thù và những kẻ chỉ biết xỉa xói bạn, vì thế hãy chọn bạn bè, đối tác kinh doanh một cách cẩn trọng và sáng suốt!
ED SEYKOTA và NHÓM CON RÙA:
Ed Seykota có một thời gian dài nghiên cứu về ảnh hưởng của tâm lý cá nhân đến hoạt động giao dịch. Bài phỏng vấn với Jack Schawager trong cuốn sách Market Wizards vẫn được xem là một trong những bài phỏng vấn hay nhất của một nhà giao dịch hàng đầu. Seykota nói rằng giao dịch lột tả tất cả mọi thứ đang diễn ra trong một con người. Một trong những câu hỏi đầu tiên mà Seykota hỏi các nhà giao dịch đang tìm đến học phương pháp của ông: Bạn có từng lừa dối người khác không? Seykota cho rằng điều quan trọng là muốn biết liệu nhà giao dịch có sẵn lòng thỏa hiệp với đạo đức của họ vì hành vi và các vấn đề trong đời sống hằng ngày bên ngoài giao dịch có thể tác động đến hoạt động giao dịch. Cả hai thế giới có mối quan hệ chặt chẽ với nhau ở khía cạnh tâm lý. Do đó, giao dịch chính là cuộc sống, cuộc sống chính là giao dịch. Bạn không được phép gian lận. Hoặc như nhà kinh tế theo trường phái thị trường tự do, Milton Firedman từng nói: “Chẳng có bữa trưa nào miễn phí”. Khi mọi người lừa dối người khác, và họ cũng đang lừa dối chính mình. Điều này sẽ thể hiện trong hoạt động giao dịch và thành tích giao dịch sẽ rất tệ.
Richard Dennis và William Eckhard đã lựa chọn các nhà đầu tư cá nhân cho chương trình đào tạo Con Rùa (Turtle) của họ (đã đề cập ngắn gọn ở Chương 7), chỉ quan tâm đến các đặc điểm tâm lý để xem có thể dạy họ giao dịch thành công hay không. Một trong những đặc điểm tâm lý mà họ cần là sự trung thực. Bạn nên nhớ, xuất thân của nhóm con rùa cực kỳ đa dạng: từ giới hàn lâm, tri thức, bà nội trợ cho đến những người thuộc thế giới thứ ba (gay hoặc less), tội phạm, bảo vệ…Cho dù bạn xuất thân ở đâu, thì điều Richard Dennis quan tâm là họ có lòng trung thực, sự tự trọng hay không.
P/S: Thị trường tài chính không thiếu trò lừa đào. Như Michael Lewis, tác giả cuốn sách bán khống từng nói: “Muốn làm người tốt đừng đến phố Wall”. Đủ mọi chiêu trò lừa dối khách hàng và nhà đầu tư trên phố Wall. Ở Việt Nam ngày nay chúng ta không thiếu trò này. Những trò làm photoshop tài khoản, PR trên cộng đồng mạng, lập nhiều tài khoản xã hội, skype khác nhau để tự ca tụng chính mình nhằm lùa “F0″…là những chiêu trò rất phổ biến, thiếu chính trực mà nhiều nhà môi giới sử dụng. Còn những trader tự doanh ở các công ty chứng khoán thì lại dùng tài khoản của công ty để “đổ bô” cho tài khoản của mình. Nhiều nhà lãnh đạo lập ra công ty chỉ để niêm yết và bán giấy, lừa lọc nhà đầu tư….Tất cả đều là sự thiếu chính trực.