(Trích từ Baodautu.vn) Cổ đông Coteccons đang lo lắng về một tương lai bất định khi “bầu sữa” Coteccons ngày một nhỏ lại, trong khi các công ty trong Coteccons Group ngày một lớn lên.
Kể từ khi Coteccons gây tiếng vang lớn với việc nhận 25 triệu USD đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài năm 2012, có thể thấy, Coteccons đã vươn lên trở thành thương hiệu số 1 tại Việt Nam, với doanh thu trên 1 tỷ USD, vượt xa các đối thủ cùng ngành.
Coteccons luôn được coi là một trong những lựa chọn đầu tiên cho vai cho tổng thầu ở các dự án lớn tại Việt Nam từ kinh nghiệm cũng như nguồn lực dồi dào mà khó có đối thủ nào có thể so sánh được. Cổ phiếu Coteccons thời hoàng kim đã lên tới gần 250.000 đồng/cổ phiếu, giúp Coteccons chuẩn bị gia nhập câu lạc bộ những công ty tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Có hay không cái được gọi là “hệ sinh thái Coteccons Group”?
Không thể phủ nhận tên tuổi của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương gắn liền với sự phát triển vượt bậc của Coteccons trong 10 năm trở lại đây. Với vị thế của công ty đầu ngành, uy tín cá nhân của ban lãnh đạo trong ngành, những tưởng Coteccons tiếp tục đà phát triển khi hưởng lợi lớn từ quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ cao ở Việt Nam.
Các báo cáo nghiên cứu nhận định, đến năm 2030 khoảng 35% dân số sẽ sống ở đô thị. Trên thực tế, khắp 63 tỉnh, thành phố, đâu cũng cũng có các công trường xây dựng, với vô số dự án dân dụng, hạ tầng, công nghiệp, mà trong đó, luôn có chỗ cho nhà tổng thầu đáng tin cậy như Coteccons.
Tuy nhiên, số liệu kinh doanh của Coteccons cho thấy, công ty đầu ngành này như con tàu đi ngược dòng. Tương ứng với kết quả kinh doanh là thị giá cổ phiếu của Coteccons đã tụt dốc không ngừng từ sau khi đạt đỉnh tháng 11/2017 và giờ chỉ còn chưa tới 1/3 so với đỉnh.
Nếu bỏ qua một phần ảnh hưởng của sự sụt giảm chung của thị trường xây dựng – bất động sản trong năm 2019, cũng như tác động của Covid-19 tới thị trường xây dựng nói chung và với Coteccons nói riêng, liệu còn có lý do nào khác dẫn tới việc cổ phiếu Coteccons mất tới 2/3 giá trị, đồng nghĩa với việc hơn 500 triệu USD giá trị của cổ đông biến mất?
Ricons luôn quảng bá là thành viên của Coteccons Group. |
Câu trả lời có lẽ nằm ở khái niệm mù mờ về “Coteccons Group”.
Có thể thấy, trong suốt nhiều năm qua, Coteccons Group đã được marketing như là một hệ sinh thái bao gồm Coteccons và một số các công ty khác có quan hệ mật thiết với Coteccons. Một số cái tên thường gặp khác nằm trong hệ sinh thái Coteccons Group bao gồm Unicons, Ricons, FDC (Newtecons), BM Windows, Boho Décor, Dcons, SMART…
Hiện nay, Coteccons chỉ sở hữu 14,3% cổ phần tại Ricons và không sở hữu cổ phần nào trong các công ty còn lại (trừ Unicons đã được sáp nhập 100%). Điều mà ít người để ý là bản thân cái tên Coteccons Group chỉ để mô tả một nhóm các công ty có liên hệ mật thiết với Coteccons mà thôi.
Nhìn lại toàn bộ những công ty trong hệ thống Coteccons Group, không khó để nhận thấy dấu ấn của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương cùng một số cộng sự của ông tại Coteccons trong mọi mặt từ sở hữu tới hoạt động của mỗi công ty. Toàn bộ các công ty trong “Coteccons Group” đều nằm trong cùng tòa nhà Coteccons.
Nhiều nguồn tin nội bộ cho hay, các công ty trong “Coteccons Group” hoạt động như một thể thống nhất, nhiều cán bộ được điều chuyển từ Coteccons tới các dự án của các công ty khác, bao gồm cả việc giữ vị trí điều hành. Điều này cho thấy, nguồn lực và uy tín của Coteccons được sử dụng một cách thoải mái cho các công ty mạo nhận là thành viên của Coteccons, nhưng thực tế Cotecons cũng như cổ đông không nhận được lợi ích gì.
Không thể không đặt nghi vấn liệu Cottecon có bị rút ruột để nuôi lớn cá công ty này không? Dấu ấn của gia đình Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và các cộng sự trong cơ cấu cổ đông của các công ty trong “Coteccons Group” còn lớn hơn nữa. Mặc dù cá nhân ông Dương không công khai sở hữu một cổ phần nào tại các công ty trong “Coteccons Group”, thì những người thân của ông Dương lại nằm trong danh sách các cổ đông sáng lập của hầu hết các công ty này. Ông Nguyễn Xuân Đạo (em ruột) đứng tên cổ đông sáng lập của BM Windows, Newtecons, SMART, Dcons. Ông Huỳnh Nhật Minh (em rể) là cổ đông sáng lập của BM Windows, trong khi bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc (vợ) là cổ đông sáng lập của BM Windows và nắm cổ phần lớn trong Ricons.
Bên cạnh đó, cũng có thể thấy những cái tên khác như Ngô Thanh Phong, Trần Quang Quân hay Hà Tiểu Anh, những lãnh đạo cao cấp lâu năm của Coteccons xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn và giữ vị trí quan trọng tại các công ty nói trên trong hệ thống Coteccons Group.
Một điểm đáng chú ý, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons Group mới chỉ được đăng ký vào ngày 15/8/2019 bởi ông Nguyễn Văn Hệ, Võ Phùng Thanh Phú, và Nguyễn Thanh Tuấn, đều là các cá nhân có liên quan tới Ricons.
Chiến lược vòng quay sáp nhập
Giao dịch sáp nhập Unicons vào Coteccons đã giúp tăng đáng kể lượng sở hữu của các lãnh đạo công ty trong Coteccons. Giả định như thương vụ sáp nhập Ricons vào Coteccons bằng hoán đổi cổ phiếu được thông qua, tỷ lệ sở hữu tại Coteccons thông qua lượng cổ phiếu nắm giữ tại Ricons của gia đình Chủ tịch Nguyễn Bá Dương, cũng như một số cộng sự thân thích, chắc chắn lại gia tăng. Điều đáng nói là kịch bản này có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, chỉ khác ở tên của đơn vị sáp nhập. Vòng quay sáp nhập – xây công ty – sáp nhập có thể tiếp tục diễn ra khiến cho sở hữu của cổ đông hiện hữu của Coteccons tiếp tục bị pha loãng, nếu không có sở hữu tại các công ty được sáp nhập.
Nếu cổ đông hiện hữu từ chối sáp nhập, họ sẽ tiếp tục nhìn các công ty trong hệ thống Coteccons Group nương theo cái bóng của Coteccons một cách thoải mái để phát triển.
Không thể không đặt ra nhiều câu hỏi lớn về sự minh bạch và trong cách vận hành của Coteccons khi nhiều lãnh đạo chủ chốt và người thân của họ đã trở thành đối tượng gây ra xung đột lợi ích. Khi một nhóm lãnh đạo cao cấp của Coteccons nắm quyền quyết định trong các giao dịch giữa Coteccons và các công ty trong Coteccons Group, khiến họ có toàn quyền đưa dự án và lợi nhuận về bất kỳ công ty nào mà họ muốn. Về mặt lâu dài, cổ đông Coteccons không thể không lo lắng về một tương lai bất định khi bầu sữa Coteccons ngày một nhỏ lại trong khi các công ty trong Coteccons Group ngày một lớn lên.
Đối với Chủ tịch Nguyễn Bá Dương, quyền điều hành tuyệt đối tại Coteccons có lẽ vẫn là một mắt xích không thể thiếu để hệ thống Coteccons Group vận hành trơn tru. Đổi lại, ông cần có sự ủng hộ của đa số cổ đông tại Coteccons để tiếp tục nắm quyền. Nhưng liệu cổ đông Coteccons còn có thể yên tâm khi các xung đột lợi ích của Ban Điều hành dẫn tới việc Ricons và các công ty khác trong Coteccons Group ngày một lớn mạnh trong thế suy giảm của Coteccons? Liệu Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát tại Coteccons, những người được cổ đông bầu ra để đại diện cho quyền lợi của cổ đông, đã làm tròn trách nhiệm ủy thác của mình đối với cổ đông, đặc biệt là bổn phận trung thành với doanh nghiệp?
Xung đột lợi ích là một vi phạm nghiêm trọng được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014, Điều lệ của Coteccons cũng như Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 trong công ty đại chúng. Nhưng khi những vi phạm có hệ thống này đến từ một nhóm các lãnh đạo cao nhất của Coteccons thì việc giải quyết những vi phạm này trở thành một câu hỏi khó cho cổ đông của Coteccons cũng như các cơ quan chức năng.
Trong khi Chính phủ đang có những nỗ lực đáng kể để cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, thì các cơ chế cần thiết cho việc giải quyết xung đột lợi ích tại một trong những tên tuổi lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ góp phần quyết định không nhỏ tới lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới một môi trường đầu tư trong sạch và minh bạch.