VN-Index xuất hiện 1 ngày phân phối vào ngày 27/5. Trong các phiên cuối tuần, giá hồi phục nhưng rất yếu. Điều này cho thấy áp lực điều chỉnh còn xuất hiện ở các phiên tiếp theo trong tuần tới. Chúng tôi lưu ý ngày nguyệt thực nửa tối 5.6.2020 như là khả năng tạo đáy MB nếu như thị trường điều chỉnh.
Đồ thị dưới đang cho thấy khả năng hình thành một kênh giá hướng lên. HIện tại chỉ số VN-Index đang đứng ở MA25 tuần (không thể hiện trên đồ thị) và để xác nhận cho đáy chu kỳ 50 tuần vào 1.4.2020, chỉ số VN-Index cần tiếp tục tăng và vượt qua MA25 tuần hoặc thậm chí là MA200 ngày.
Nguyên tắc CANSLIM chưa cho tín hiệu đảo chiều khi mới có 1 ngày phân phối. Mặc dù vậy, chú ý sự phân kỳ giữa VN-Index và HNX-Index đang xảy ra.
Số lượng các cổ phiếu vượt đỉnh 52 tuần đang mở rộng, đây là dấu hiệu tích cực cho thị trường. Danh sách vượt đỉnh 52 tuần tập trung ở nhóm ngành bất động sản trong đó có BĐS KCN, sản xuất thực phẩm, thép, hóa chất.
Bảng RS tuần cho thấy nhóm ngành khai khoáng, dịch vụ bất động sản (BĐS KCN), Thép và Công nghệ phần mềm đang có RS cao nhất. Thép, khai khoáng, dịch vụ bất động sản KCN đang là những ngành được kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách chi tiêu công và dịch chuyển nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Danh sách chi tiết các mã cổ phiếu có RS cao được gửi vào nhóm Trend Trader.
Bộ Sách: “LÀM GIÀU TỪ CHỨNG KHOÁN (phiên bản mới) + “Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM”
Các cổ phiếu bất động sản có điểm phá vỡ rất đẹp trong tuần qua như SJS và PDR. RS của SJS là 94 trong khi RS của PDR là 92, đều là những cổ phiếu có sức mạnh giá cao và vượt đỉnh 52 tuần.
SJS có mẫu hình VCP của phù thủy Mark Minervini với ba vòng thu hẹp là -30%, -10% và -5%. Hoặc có thể xem đó là mẫu hình Cup and Handle. Điểm phá vỡ vào ngày 26/5/2020 với khối lượng lớn.
SJS là một doanh nghiệp có tỷ lệ nợ thấp (theo đó nợ có lãi/vốn cổ phần chỉ ở mức 0.26) và quỹ đất sạch lớn ở nhiều vị trí đắc địa. SJS đang có hơn 3,500 tỷ hàng tồn kho các dự án bất động sản, chiếm 53% tổng tài sản. Trong đó, lớn nhất là dự án Nam An Khánh (Xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội với diện tích 288 ha). Được biết, một phần của dự án này đã được Vinhomes Thăng Long mua lại (Hải Phát Land phân phối). Thuyết minh số iv cho thấy đây là khoản vay cung cấp bởi Techcombank.
Theo số liệu tại đại hội đồng cổ đông năm 2018, dự án Nam Án Khánh đã có 20 ha thành phẩm hỗn hợp cao tầng, 10 ha đất thấp tầng, Tổng cộng hơn 30 ha. Tuy nhiên, theo dõi của tôi trong báo cáo doanh thu năm 2018 và 2019 chưa thấy ghi nhận doanh thu cho dự án này và hiện đang nằm treo dần trên khoản mục người mua trả tiền trước.
Dự án Nam An Khánh mở rộng đã đền bù được 20 ha.(xem chi phí xây dựng cơ bản dỡ dang bên dưới)
Người mua trả tiền trước của dự án Nam An Khánh đã tăng thêm gần 80 tỷ vào cuối năm 2019, ở mức 418 tỷ đồng. Số liệu quý 1.2020 là 430 tỷ đồng cho dự án Nam An Khánh.
Ở khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dỡ dang, SJS có gần 2,000 tỷ đồng chiếm 29.4% tổng tài sản. Trong đó tiềm năng các dự án khá hấp dẫn. Dự án Tiến Xuân – Lương Sơn – Hòa Bình có triển vọng cao khi Vingroup vừa đề xuất xây 2 khu đô thị 500 ha tại huyện Thạch Thất, đối diện với dự án Tiến Xuân của SJS https://cafeland.vn/tin-tuc/vingroup-de-xuat-xay-2-khu-do-thi-500ha-o-hoa-lac-86065.html.
Dự án Khu Đô Thị mới Hòa Hải- Đà Nẵng đang có giá gốc là 1162 tỷ nhưng trong năm 2017, Sudico đã từng trích lập dự phòng 300 tỷ cho dự án này (với giá trị thu hồi là 811 tỷ đồng) trong báo cáo năm 2017. Cẩn thận đây là chiêu trò dấu lãi của doanh nghiệp. Dự án khu đồ thị Hòa Hải được SJS mua lại từ ông Ngô Ánh Hùng từ năm 2010 với giá trị chuyển nhượng 963 tỷ đồng. Với chi phí lãi vay 20%/năm khiến giá vốn đến giữa năm 2012 tăng thêm 400 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngay sau khi mua lại dự án, Sudico không có ý định phát triển mà nhiều lần thông báo sẽ tìm đối tác chuyển nhượng (từ năm 2010), tuy nhiên dự án vẫn nằm yên trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp này, với giá gốc tới cuối tháng 6/2017 là 1.109 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi 812 tỷ đồng. (xem thêm tại đây)
Ông Ngô Ánh Hùng chính là người có liên quan đến Vũ Nhôm. Tại thời điểm đấu giá năm 2017, có bố chồng siêu mẫu Ngọc Thạch trả dự án này 1,800 tỷ đồng tuy nhiên sau đó không chuyển nhượng được (đã chấm dứt hợp đồng vào tháng 8/2018). Rõ ràng, điều này cho thấy giá trị dự án khu đô thị mới Hòa Hải không hề có dấu hiệu suy giảm. Đến nay SJS vẫn chưa hoàn nhập dự phòng 300 tỷ đã trích lập vào năm 2017 mặc dù công ty vẫn cho rằng giá trị thu hồi của dự án này là bằng giá gốc trong báo cáo năm 2019.
Trong năm 2020, chúng tôi lưu ý khả năng SJS sẽ có nguồn thu từ dự án Mở Rộng Phía Đông Nam Khu Dân Cư Bắc Đường Trần Hưng Đạo (do công ty con làm chủ dự án Sudico Hòa Bình). Theo thông tin tiến độ dự án, khả năng dự án sẽ được bán trong năm nay. SJS sở hữu 65% công ty con này. Tài sản dỡ dang của dự án này là 137 tỷ đồng.
Chất xúc tác của SJS là kế hoạch thoái vốn của Tổng Công Ty Sông Đà (hiện đang nắm hơn 36%). Kế hoạch thoái vốn này đã bị trì hoãn hơn 3 năm. Phó chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Bình vừa bán ra hơn 4 triệu cổ phiếu vào tháng 3. Bên cạnh đó, Vietnam Enterprise Investment Ltd cũng bán hơn 5 triệu cổ phiếu vào tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng còn rất nhiều ẩn số bên trong cuộc sắp xếp quyền lực tại SJS. Đồ thị giá là mấu chốt để trader theo dõi những cuộc đấu đá nội bộ bên trong.