3 thuyết địa lý lớn của Trung Quốc và ảnh hưởng của ‘một vành đai, một con đường’ ở Việt Nam

[VietnamBussinessinsider]- Trong lúc thế giới đang chao đảo vì dịch Covid-19, Trung Quốc đã phải dừng các hoạt động xây dựng dọc tuyến đường tơ lụa mới (nguyên văn: One Belt, One Road, hoặc Belt Road Initiative – BRI). Việc trì hoãn này được coi là một trong những điều tốt cho Mỹ, khi nỗ lực của Nhà Trắng hòng đẩy Trung Quốc vào tình thế cân bằng giữa cán cân kinh tế và hình ảnh cởi mở giao thương đang gặp trục trặc.

Khi nước Mỹ đang đứng trước thềm tranh cử tổng thống, cộng với việc chia rẽ giàu nghèo và sắc tộc có dấu hiệu trở nên trầm trọng. Chính việc này đang cản trở Mỹ đẩy lùi tiến độ hiện thực hóa cả 3 thuyết địa lý lớn của Trung Quốc, mở đường cho giấc mơ bá chủ năm 2049 (kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc), theo lời của Michale Pillsbury (2016, trang 10). Vậy 3 thuyết này là gì, và nó đã có tầm ảnh hưởng như thế nào tới kinh tế Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng?

Sức mạnh của hàng hải

Năm 1890, nhà chính trị gia Alfred Thayer Mahan xuất bản cuốn Tầm Ảnh Hưởng Của Hải Quân Lên Lịch Sử Thế Giới (Nguyên văn: The Influence of Sea Power upon History). Trong cuốn sách này, ông giải thích tại sao hải lộ quan trọng tới kinh tế và chính trị thế giới. Vận chuyển bằng đường biển là phương tiện lâu đời nhất và cũng mang lại hiệu quả kinh tế nhất, xét về giá cả. Đó là lý do tại sao các nền kinh tế lớn trên thế giới đều giáp biển.

Đế Anh Quốc đã từng là đế chế mà “mặt trời không lặn” vì nó trải dài trên con đường nối liền xuyên châu lục. Những thế kỷ 16, 17, quân đội Anh đã đóng quân tại Ai Cập, Nam Phi, Ấn Độ, Singapore, Hồng Kông, và Úc. Điều này cho phép Anh kiểm soát hoàn toàn từ Địa Trung Hải, kênh Suez vào thế kỷ 19, vịnh Bengal, một phần vịnh Thái Lan, và tuyến đường Hương Cảng. Điều này giải thích một phần tầm ảnh hưởng của Anh những năm 1800 và 1900.

Hình 1: Bản đồ Hải Quân Hoàng Gia Anh, 1914 (Ozedweb)

Sức mạnh của đất trụ

Năm 1904, Mackinder ấn bản cuốn sách Lịch Sử Của Đất Trụ (Nguyên văn: The Geographical Pivot of History). Theo ông, Đất Trụ (nguyên văn: Pivot Area) được bao bọc bởi một phần lục địa và các đại dương gọi là Vòng Ngoài (nguyên văn: Marginal Crescent, bao gồm Châu Âu và Châu Á) và phần Vòng Đảo (nguyên văn: Insular Crescent, bao gồm Châu Mỹ, Châu Phi, Úc, và Nhật Bản).

Theo Mackinder, Đất Trụ là phần lục địa không thể thâm nhập bằng đường biển. Việc xây dựng đường sắt nối liền các căn cứ hải quân ở các nước Vòng Ngoài sẽ làm cho nước nắm giữ đất trụ thành cường quốc thế giới. Đó đã từng là giấc mơ của Napleon và Hitler: bá chủ toàn cầu bằng việc đánh chiếm Đất Trụ là Liên Xô, tạo nên liên minh Euro-Asia. Cho đến nay, liên minh giữa Nga và Trung Quốc luôn là sự quan ngại của Mỹ.

Hình 2: Thuyết Đất Trụ của Halford Mackinder (Nguồn: Geography.name)

Vòng Ngoài và chiến lược của Trung Quốc

Đến năm 1944, học giả Nicholas Spykman nhận ra rằng việc làm chủ Đất Trụ sẽ không cho phép sự thống trị toàn cầu như mong đợi. Ông chỉ ra rằng phần Đất Trụ sẽ hoàn toàn bị cô lập khi các nước vòng ngoài nổi lên thành cường quốc có sức mạnh hải quân. Điều này nhấn mạnh cho việc để làm chủ thế giới không phải nằm ở đánh chiếm được một quốc gia cố định, mà là tạo ra một trục dọc nhằm chia cắt và cai quản các nước liên quan bằng đòn bẩy kinh tế.

Hình 3: Đường tơ lụa 2.0 (Nguồn: Kohona, 2018)

Trung Quốc hiểu rõ điều này hơn cả và họ bắt đầu bằng việc đổ tiền vào xây dựng các căn cứ hải quân ở Djibouti để kiểm soát phần phía đông kênh đào Suez và bảo vệ các chiến hạm vùng Aden đang cập bến ở Oman, Sudan, và Ả Rập Saudi. Trung Quốc cũng đã đưa vào hoạt động một cảng nước sâu ở Campuchia để kiểm soát vịnh Thái Lan và cho xây một cảng nước ở Sri Lanka để tranh chấp vịnh Bengal.

Trên đất liền, Trung Quốc cũng đẩy mạnh hoạt động xây dựng đường sắt trải dài qua các nước như Myanmar, Iran, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Chỉ Ấn Độ là nước duy nhất trong số các nước nằm trên con đường tơ lụa mới đang lưỡng lự trước việc chống lại sự bành trướng này của Trung Quốc. Đó cũng là lý do tại sao Mỹ đẩy mạnh chính sách ngoại giao với Ấn Độ hòng tìm đối tác chiến lược.

Thành quả của BRI sau 7 năm và ảnh hưởng ở Việt Nam

Kể từ năm 2013, kinh tế Trung Quốc dần có dấu hiệu chững lại với việc xuất nhập khẩu không còn tăng mạnh. Tới năm 2018, khi Mỹ bắt đầu tuyên bố cấm vận Trung Quốc và tố cáo việc Trung Quốc gian lận trên thương trường và có nhiều chính sách theo dõi và lấy cắp trí tuệ, thì xuất khẩu giữa hai nền kinh tế lớn lao dốc (hình 4). Để bù lại cho việc thâm hụt xuất khẩu, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang các nền khác, nhưng hầu như không thế đạt được kết quả như mong đợi. Đây là lúc mà các nước nằm trong khối BRI đóng góp vào việc phát triển thương mại cho Trung Quốc. Các nước nằm trên con đường tơ lụa như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh đang có chỉ số xuất nhập trên bình quân đầu người rất thấp, báo hiệu việc bùng nổ thương mại trong thập kỷ tới (Hình 5). Đó là chưa kể tới các nước có dân số trẻ và lực lượng lao động vào tuổi như Ethiopia, Iran, Sri Lanka, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hình 4: Xuất khẩu của Trung Quốc từ 2000 tới 2019 (Nguồn: Horseman Capital Management, 2020)

Hình 5: Tổng xuất nhập khẩu trên dân số (Nguồn Horseman Capital Management, 2020)

Trong tất cả các nước BRI thì Ấn Độ (nước đóng góp GDP cho thế giới đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ) và Iran (nền văn minh Ba Tư cổ) là hai nước lớn nhất nằm ờ khu vực châu Á. Việc Trung Quốc phát triển mối quan hệ giao thương với hai nước này là điều tất yếu. Ngân hàng Phát Triển Hạ Tầng Châu Á (AIIB) nhanh chóng cho các nước Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Iran vay để phát triển cơ sở hạ tầng đổi lấy thông thương. Năm 2009, xuất khẩu của Trung Quốc cho các nước này chỉ đạt 10% tổng kim ngạch. Đến nay, các nước này đã chiếm hơn 20% và gần như bù vào phần thâm hụt của Mỹ (Hình 6). Riêng Ấn Độ, Trung Quốc đã vượt rất xa so với Mỹ trên bàn cân thương mại (Hình 7). Điều này cũng giải thích lý do tại sao Tổng Thống Donald Trump ra sức lôi kéo Ấn Độ trên phương diện chính trị, khi nền kinh tế Iran luôn nằm trong danh sách cấm cảnh vì cáo buộc viện trợ khủng bố và tàng trữ vũ khí hạt nhân.

Hình 6: Xuất khẩu của Trung Quốc cho các nước trên con đường tơ lụa mới so với phần còn lại.

Hình 7: Xuất khẩu của Trung Quốc so với Mỹ tới Ấn Độ

Về phía Việt Nam, PwC cho rằng Việt Nam sẽ là nước nhận được lợi thế nhiều nhất từ BRI (Hình 8). Trong ngân sách đề ra, Indonesia sẽ nhận được nhiều nhất với 3 tỷ đô la Mỹ, Campuchia nhận 2.5 tỷ, Singapore nhận 1.9 tỷ, và Việt Nam nhận được 1.6 tỷ. Số tiền trên thuộc vào phần ngân sách khởi đầu và có thể được tăng lên nếu dự án cần hỗ trợ vốn. Việc vốn đầu tư BRI vào Việt Nam được cho là điều cần thiết, khi các nguồn vốn nước ngoài khác có dấu hiệu chững lại.

Hình 8: Khảo sát của PwC về lợi ích dành cho các nước trong dự án BRI (Nguồn: Nikkei Asian Review, 2019)

Việc Việt Nam được xếp vào hàng các nước có thu nhập trung bình năm 2011 đã làm cho các nguồn vốn ODA dần bị cắt giảm. Song song đó, việc thu hút đầu tư bằng điều luật Liên Kết Công Tư (Public Private Partnership – PPP) đang gặp nhiều sức ép về tính minh bạch, trong tình thế mà chính phủ đang bị thâm hụt ngân sách và chỉ số nợ trên GDP vào ngưỡng 65%. Theo thống kê của Global Infrastructure Hub (2017, trang 150), Việt Nam cần ít nhất 605 tỷ đô la Mỹ để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng từ năm 2016 tới năm 2040, tương đương với gần 25 tỷ đô la mỗi năm, với các dự án về điện, cơ sở truyền thông, và đường bộ chiếm đại đa số (hình 9).

Hình 9: Dự báo ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam (nguồn: Global Infrastructure Hub)

Việt Nam gia nhập BRI là điều tất yếu, khi các dự án trong nước phụ thuộc vào vốn nước ngoài tương đối lớn. Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông tại Việt nam là một phần của BRI, khi chủ đầu tư là Ngân Hàng Xuất Khẩu Trung Quốc (China EximBank, là một trong 3 ngân hàng gây quỹ cho BRI) đã rót tổng cộng gần 1 tỷ đô la, và Việt Nam phải trả cho Trung Quốc 650 tỷ đồng Việt Nam mỗi năm, trong vòng 9 năm (nguồn:Vnexpress). Chưa hết, việc nha giập BRI cũng sẽ khóa Việt Nam vào việc sử dụng công nghệ và nhân công của Trung Quốc, dẫn tới hiện tượng chảy máu thương mại.

Kết luận, BRI là dự án khó có thể bỏ qua trong hoàn cảnh Việt Nam đang khát vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng đi kèm với BRI là hệ quả kinh tế và, có thể, chính trị phức tạp. Khoản vay tới từ Trung Quốc là không hề rẻ và việc phải sử dụng công nghệ và lao động Trung Quốc sẽ dẫn đến xung đột, khi thái độ của người Việt đối với Trung Quốc là không thân thiện sau khi trải qua nhiều tranh chấp lãnh thổ và ấn tượng không hay về hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thế nên, việc Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện PPP và thu hút các vốn đầu tư khác bằng việc minh bạch tài chính và hỗ trợ tài chính là điều hết sức cần thiết, song song với việc gia nhập BRI để mở cửa thông thương.

Nguồn tham khảo:

Pillsbury, Michael (2016), The Hundred-year Marathon: China’s Secret Strategy to Replace America As the Global Superpower (tạm dịch: cuộc việt dã 100 năm: Bí mật của Trung Quốc trong việc thế Mỹ làm cường quốc)

Ozedweb, Bản đồ căn cứ của Hải Quân Hoảng Gia Anh, 1914. Link: https://www.ozedweb.com/history/oz_british_empire_growth.htm
Geography.name, Thuyết Đất Trụ của Halford Mackinder. Link: https://geography.name/heartland/

Kohona, Palitha, 2018, One Belt One Road – A Unique Opportunity For Sri Lanka (tạm dịch: Đường tơ lụa 2.0 – Cơ hội hiếm cho Sri Lanka). Link: https://www.indepthnews.net/index.php/opinion/1666-one-belt-one-road-a-unique-opportunity-for-sri-lanka

Horsement Capital Management, 2020, Is China’s Belt Road Initiative Working? (tạm dịch: Kế hoạch con đường tơ lụa của Trung Quốc có hiệu quả không?)

Nikkei Asian Review, 2019, Vietnam and Indonesia stand out as Belt and Road bets, reports show (tạm dịch: Việt Nam và Indonesia hưởng lợi từ BRI). Link: https://asia.nikkei.com/Spotlight/Belt-and-Road/Vietnam-and-Indonesia-stand-out-as-Belt-and-Road-bets-reports-show

Global Infrastructure Hub, 2017 Global Infrastructure Outlook – Infrastructure Investment Needs – 50 Countries, 7 Sectors to 2040”

Vnexpress, 2018, “Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông trả nợ Trung Quốc 650 tỷ mỗi năm”. Link: https://vnexpress.net/du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong-tra-no-trung-quoc-650-ty-moi-nam-3703020.html

Trả lời