Nhiều công ty chứng khoán tăng cho vay margin
TTCK đón thêm 100.000 tài khoản mới mở trong 3 tháng vừa qua (tháng 3, 4, 5) sau khi giảm sâu vào nửa cuối tháng 3 vì nỗi lo dịch bệnh Covid-19. Tại thời điểm cuối tháng 3, nhiều cổ phiếu tốt bị giảm giá mạnh, nên rơi về vùng giá hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia tìm kiếm cơ hội. Dòng tiền mới đã đóng vai trò quan trọng cho việc hồi phục của TTCK nói chung, hoạt động cho vay ký quỹ (margin) cũng bị cuốn theo, chuyển động nhanh và mạnh hơn theo dòng tiền mới.
Tại thời điểm cuối quý I/2020, dư nợ margin của các công ty chứng khoán (CTCK) ước đạt 50.000 tỷ đồng, giảm gần 15% so với thời điểm đầu năm 2020. Đây cũng là thời điểm đáy 3 năm của TTCK được xác lập, VN-Index quanh mức 650 điểm.
Đến cuối tháng 5/2020, dư nợ margin tại một số công ty chứng khoán tăng bình quân 20% so với cuối tháng 3 và đang ở mức cao hơn so với thời điểm đầu năm.
Tăng trưởng của dòng tiền vay chậm hơn tăng trưởng của chỉ số VN-Index phần nào cho thấy nhiều nhà đầu tư có sự thận trọng trong giải ngân.
Tuy nhiên, khi có cơ hội, dòng tiền margin cũng không thể đứng ngoài thị trường.
Cũng cần lý giải thêm, diễn biến giao dịch gần đây có sự khác biệt so với một số giai đoạn thị trường tăng nóng từng diễn ra, bởi đợt này gọi là tăng mạnh nhưng thực tế là sự hồi phục của giá nhiều cổ phiếu sau khi giảm về đáy thời đại dịch.
Cùng với đó, lực đỡ và thúc đẩy thị trường đến từ khối nội, trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng. Khối CTCK có nhiều tuần thoái tự doanh. Một sự khác biệt nữa là ở các thời điểm thị trường tăng mạnh, nhiều CTCK cạn kiệt nguồn margin thì ở thời điểm này, dư địa dành cho hoạt động margin của các CTCK còn rất lớn.
Tại CTCK TP.HCM (HSC), dư nợ margin cuối tháng 5/2020 khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng khoảng 500 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý I/2020, trong khi đỉnh margin của HSC xấp xỉ 6.000 tỷ đồng.
Tại một số CTCK khác, dư nợ margin cuối tháng 5/2020 tăng so với thời điểm cuối quý I/2020. Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS) cho biết, dư nợ margin của ACB cuối tháng 5/20202 khoảng 1.900 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với cuối tháng 3/2020.
Dư nợ margin tại CTCK VPS đang ở mức 2.000 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý I/2020…
Tổng giám đốc ACBS cho biết, chủ thể vay margin tại các CTCK có thể chia làm 2 phần. Thứ nhất là các khác hàng nhỏ lẻ sử dụng đòn bẩy để tăng cơ hội đầu tư kiếm lời trong ngắn hạn. Thứ hai là các khách hàng lớn, chính là cổ đông lớn của các doanh nghiệp, họ mua cổ phiếu với nhiều mục đích khác nhau.
Chia sẻ của một CTCK khác cho biết, ngoài cho các nhà đầu tư cá nhân vay margin thông thường, công ty cũng cho vay doanh nghiệp ngắn hạn để kiếm thêm nguồn thu, nhưng vẫn thông qua hợp đồng cho vay margin.
Thực tế, một số doanh nghiệp đang khát vốn, nhưng cửa phát hành cổ phiếu quá khó khăn, nên lựa chọn thế chấp cổ phiếu hoặc tài sản để “vay tạm” từ các CTCK.
Nhìn chung, dư nợ margin đang tăng trưởng trở lại, nhưng không phải tăng phi mã, mà có tốc độ nhỏ hơn nếu so với tốc độ mở mới tài khoản cũng như tốc độ hồi phục của thị trường. Theo ông Ngô Thế Hiếu, Giám đốc dịch vụ Chứng khoán, CTCK VNDIRECT, hiện trạng này có một số nguyên nhân.
Thứ hai, việc sử dụng margin để đầu tư chứng khoán là con dao hai lưỡi, một mặt sẽ gia tăng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận nhưng đi kèm với nhiều rủi ro hơn, đòi hỏi nhà đầu tư cần có kỹ năng, kiến thức nhất định để quản trị.
“Thực tế tại VNDIRECT, dư nợ cho vay margin đối với tệp khách hàng cá nhân tăng hơn 20% so với thời điểm cuối tháng 3, nhưng vẫn thấp hơn mức sử dụng tại thời điểm cuối năm ngoái”, ông Hiếu chia sẻ.
Với khối CTCK ngoại, CTCK KB Việt Nam (KBSV) ghi nhận con số dư nợ margin tại thời điểm cuối tháng 5/2020 là hơn 2.000 tỷ đồng.
Tính đến nay, CTCK Mirae Asset (MAS) vẫn dẫn đầu thị trường về dư nợ margin.
Số dư nợ tại thời điểm cuối quý I/2020 của MAS là 7.174 tỷ đồng, con số cuối tháng 5/2020 lớn hơn cuối quý I.
Cuộc đua giảm lãi suất
Trên sân chơi margin, các thành viên thị trường dễ nhận thấy lợi thế có phần nghiêng về khối CTCK ngoại khi khối này có lợi thế về lãi suất margin.
Chẳng hạn, CTCK Yuanta Việt Nam áp dụng mức lãi suất ưu đãi 8,8%/năm cho tất cả các khoản nợ phát sinh mới; khách hàng mở tài khoản giao dịch ký quỹ tại CTCK Mirae Asset Việt Nam được hưởng mức lãi suất margin từ 9,5 – 9,9%/năm, hay tại KBSV đang áp dụng gói cho vay margin 8,3 – 8,5%/năm…
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất margin phổ biến ở khối CTCK nội từ 10,5 – 13,5%/năm, tùy vào từng gói vay cũng như từng nhóm khách hàng. Để hỗ trợ và thu hút khách hàng mới, nhiều CTCK nội đang tung ra các chương trình hạ phí, miễn phí giao dịch, đi kèm với đó là chính sách margin.
Một số công ty đã đẩy mạnh cho vay margin thông qua việc mở rộng danh sách cho vay, điều kiện cho vay dễ hơn và lãi suất hấp dẫn hơn…
CTCK Bảo Việt (BVSC) cho biết, Công ty vừa triển vừa khai gói dịch vụ ưu đăi lăi suất margin 9%.
“Dịch vụ ưu đãi lãi suất margin 9% được BVSC đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đă phần nhiều được kiểm soát tốt và nền kinh tế chuyển sang trạng thái bình thường mới”, lãnh đạo BVSC chia sẻ.
Theo BVSC, TTCK biến động từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề tới hiệu quả đầu tư của nhiều khách hàng. Việc tung ra gói ưu đãi lãi suất margin của BVSC là một giải pháp đồng hành cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường.
Từ 1/6/2020 đến 31/8/2020, CTCK Viecombank (VCBS) cho biết, nhằm hỗ trợ khách hàng, Công ty áp dụng mức lãi suất margin 9,5%/năm, đây là mức lãi suất thấp nhất của VCBS trong hai năm qua.
Đại diện CTCK Tân Việt (TVSI) cho hay, Công ty liên tục phát triển, cho ra mắt những chương trình, sản phẩm dịch vụ tài chính ưu đãi đến khách hàng như chương trình hỗ trợ phí giao dịch, áp dụng phí giao dịch 0,1% đối với các tài khoản mở mới.
Ngoài ra, Công ty áp dụng gói sản phẩm Active30 với danh mục đa dang và có tính linh hoạt cao.
Với độ nhạy và tính linh hoạt cao, cùng với mức hỗ trợ ưu đãi của các CTCK, dòng tiền margin lãi suất thấp hơn đang âm thầm nhập cuộc, bên cạnh dòng vốn “tiền tươi thóc thật” của nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Dù dòng tiền mới và margin khá dồi dào, nhưng không ít ý kiến trên TTCK cho rằng, VN-Index đã lên đến 886 điểm thì sự cẩn trọng giải ngân với dòng tiền vay và tiền thật là rất cần thiết, để giảm rủi ro cho chính nhà đầu tư và cho cả thị trường.