Thương mại thặng dư đột biến: Phần nào cho thấy những dấu hiệu đáng ngờ

(TBKTSG) – Việt Nam đã có bảy tháng xuất siêu cao ngoài sức tưởng tượng, nhưng nếu phân tích kỹ vào từng nhóm hàng xuất khẩu sẽ thấy “thành tựu” này có thể là nguy cơ lớn với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngược dòng với mọi dự báo

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7-2020 thặng dư gần 2,8 tỉ đô la Mỹ, đây là tháng có mức thặng dư lớn thứ hai từ trước đến nay của Việt Nam, chỉ sau con số 3,4 tỉ đô la vào tháng 8-2019. Lũy kế bảy tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại thặng dư gần 8,4 tỉ đô la, cao hơn rất nhiều so với con số 1,7 tỉ đô la của cùng kỳ năm 2019.

Diễn biến này trái ngược với hầu hết các dự báo từ trước đến nay, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam từ tháng 4 và đang có những diễn biến phức tạp trở lại trong thời gian gần đây.

.

Khi dịch bùng phát tại Trung Quốc đã xuất hiện những lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Sau khi dịch được kiểm soát tại Trung Quốc và Việt Nam thì mối lo ngại đó được giảm bớt và hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc gần như diễn ra bình thường trong tháng 5 và 6. Nhiều quan điểm lúc đó cho rằng quí 3 và 4 mới thực sự là thời điểm khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Trong thực tế, giá trị xuất khẩu trong ba tháng của quí 2 dù sụt giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn đạt được những kết quả khả quan là do phần lớn các đơn hàng đã được ký kết từ trước đó. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng các đơn hàng xuất khẩu cho quí 3 và 4 đang có xu hướng giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng của người dân các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu được dự báo giảm đáng kể trong những tháng cuối năm 2020. Do vậy, giá trị xuất khẩu tháng 7 tăng tới 8,2% so với cùng kỳ của năm 2019; 10,2% so với tháng 6 và mang lại giá trị thặng dư 2,8 tỉ đô la đặt ra một dấu hỏi lớn về nguyên nhân nào đã dẫn tới kết quả đó?

Bất ngờ đến từ các doanh nghiệp trong nước

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kết quả thặng dư thương mại trong tháng 7 vừa qua có được chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu của Samsung, khi doanh nghiệp này vừa ra mắt sản phẩm mới là Galaxy Note 20 và Note 20 Ultra. Theo đó, giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong tháng 7-2020 của cả nước đạt 4,3 tỉ đô la, tăng 17,4% so với tháng trước và tăng 7,3% so với tháng 7-2019. Đây là sự kiện thường niên của Samsung nhằm đón đầu mùa mua sắm của người dân vào dịp lễ Noel và năm mới tại Mỹ và châu Âu.

Con số thặng dư 8,4 tỉ đô la trong bảy tháng còn có sự đóng góp rất lớn từ phía các doanh nghiệp trong nước.

Số liệu cho thấy tổng giá trị xuất khẩu của cả nước trong bảy tháng đầu năm 2020 đạt trên 147 tỉ đô la, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2019. Trong khi giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 95,4 tỉ đô la, giảm 4,2% thì con số tương ứng của các doanh nghiệp trong nước đạt 52,2 tỉ đô la, tăng tới 13,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý hơn khi giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa trong tháng 7 vừa qua đạt 9,2 tỉ đô la, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 9,8% so với tháng 6-2020.

Đây là những diễn biến rất bất ngờ, bởi đi kèm với mức tăng trưởng 13,7% trong bảy tháng ở trên là giá trị xuất khẩu tăng thêm tới 6,2 tỉ đô la.

Tuy nhiên, những con số trên lại đang phần nào cho thấy những dấu hiệu đáng ngờ. Vì, trong khi hầu hết các mặt hàng có thế mạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đều sụt giảm so với cùng kỳ, như giày dép giảm 8%, dệt may và thủy sản cùng giảm 6%, rau quả giảm 14%, cao su giảm 15% và hạt tiêu giảm 25%…, thì đóng góp vào mức tăng trưởng 13,7% ở trên lại là những mặt hàng chưa bao giờ là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Số liệu cho thấy, giá trị xuất khẩu máy móc thiết bị của các doanh nghiệp trong nước đạt 4,1 tỉ đô la trong bảy tháng đầu năm 2020, tăng tới 175%; tương tự là mặt hàng điện thoại và linh kiện cũng đạt 2 tỉ đô la và tăng 147%; máy vi tính và linh kiện điện tử đạt 3,7 tỉ đô la, tăng 114% so với bảy tháng đầu năm 2019.

Mừng thì ít mà lo thì nhiều

Với diễn biến như hiện nay, khả năng trong 2-3 tháng tới Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận thặng dư về thương mại, do đây là thời điểm mà nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu tăng cao để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

Như vậy, năm 2020 có thể sẽ phá kỷ lục về con số thặng dư của năm 2019 (hơn 11 tỉ đô la). Tuy nhiên, kết quả của mức thặng dư lớn này sẽ trở thành mối lo cũng lớn không kém nếu chúng ta không thể trả lời được doanh nghiệp nào của Việt Nam có thể sản xuất và xuất khẩu được máy móc, thiết bị và điện thoại với giá trị lên tới vài tỉ đô la như vậy? Chưa kể xuất khẩu mặt hàng máy móc và thiết bị sang Mỹ đạt 5,7 tỉ đô la, tăng tới 95% trong bảy tháng đầu năm và 150% so với tháng trước là những con số ngoài sức tưởng tượng.

Chúng ta phải mất vài năm mới có thể xuất khẩu được các mặt hàng nông sản sang Mỹ thì lấy đâu ra khả năng để xuất khẩu được máy móc, thiết bị với giá trị lớn như vậy? Câu trả lời có lẽ là số hàng hóa ở trên được sản xuất bởi một doanh nghiệp nước ngoài nhưng đã được “Việt Nam hóa” để tận dụng những ưu đãi về thuế mà các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng theo các hiệp định thương mại tự do (FTA). Mỹ và châu Âu tiếp tục sẽ là đích đến của những mặt hàng này. Chính vì vậy mà Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện về bán phá giá, các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế mà hệ quả cuối cùng là các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ phải chịu những tác động không nhỏ. Trong quá khứ, rất nhiều mặt hàng như thủy sản, gỗ, sắt thép đã phải chịu những mức thuế rất cao, lên tới 150-200%. 

Trả lời