[Nhịp đập thị trường-12/3/2021] VN-Index rung lắc tại cứ điểm 1200 điểm. Sóng ngành mía đường lại “ngọt”. Tiêu điểm -SBT

Chỉ số VN-Index giảm 0.02% với thanh khoản hôm nay đạt 595 triệu đơn vị, cao hơn so với phiên trước. Điệp khúc đơ sàn lại tiếp tục xảy ra trên HOSE vào gần 14h. Chúng tôi đã đề cập vấn đề này khá nhiều lần ở các bài viết trước, sự cố nghẽn lệnh không phải là điều quá đỗi xa lạ đối với các nhà đầu tư ở Việt Nam, bây giờ các giao dịch chủ yếu đều được giao dịch vào sáng sớm. Dường như các nhà đầu tư cá nhân đã nhận ra điều này và chuyển dần danh mục qua các mã cổ phiếu qua sàn HNX và Upcom chấp nhận giao dịch với biên độ giá dao động mạnh hơn để tránh phải việc đứt gánh giữa đường của HOSE. Thị trường giảm điểm hôm nay đa phần đều do các cổ phiếu có vốn hóa lớn kéo giảm, các “tội đồ” ấy cũng không đổi xa lạ với chúng ta nổi bật với những cái tên như GAS (-1.73%), VCB (-0.5%), VNM (-1.6%), CTG (-0.7%),.. Bên kia chiến tuyến phải kể tên các công thần giúp chỉ số VN-Index không bị giảm điểm quá mạnh như GVR(+4.7%), VPB(+1.7%), SAB(+1.1%), VRE(+0.9%), SBT(+4.8%),…

Thị trường vẫn đang ở trong xu hướng tăng với duy nhất 1 phiên phân phối. Xu hướng tăng càng được củng cố khi số lượng cổ phiếu nằm trên đường MA50 ngày đang chiếm tỷ số áp đảo so với số lượng cổ phiếu nằm dưới MA50 ngày, chứng tỏ sức mạnh của thị trường đang ủng hộ cho xu hướng tăng của chỉ số VN-Index.

Số lượng cổ phiếu vượt đỉnh 52 tuần tăng lên cho thấy độ rộng thị trường tăng dần, tiếp tục ủng hộ cho đà tăng của chỉ số VNINDEX.

Chỉ số VN-index đang tiến tới khá gần điểm Pivot của mẫu hình Cốc tay cầm. Chỉ cần chỉ số Vn-index breakout vượt khỏi khu vực giá 1196.1 cùng với khối lượng lớn thì sẽ kích hoạt mạnh mẽ dòng tiền tham gia vào thị trường trong giai đoạn sắp tới. Nhưng một lần nữa, chúng tôi nhắc nhở trader tỉnh táo hơn bởi mẫu hình này đã trở nên rộng và lỏng hơn so với mẫu hình W hồi tháng 6-7 năm ngoái.

Sức Mạnh Giá (RS) ngành cho thấy, nhóm tài nguyên cơ bản, dầu khí, công nghệ, hóa chất, bất động sản đang có sức mạnh giá vượt trội so với các nhóm ngành khác.

TIÊU ĐIỂM CỔ PHIẾU

SBT – CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa

Theo hệ thống CANSLIM, SBT hôm nay có điểm mua Pocket Pivot trùng với điểm breakout Mẫu hình Cốc tay cầm. Thời gian hình thành mẫu hình xấp xỉ 7 tuần. Lưu ý: mẫu hình Cốc tay cầm này có dạng chữ “V nhọn” và đã khá rộng và lỏng lẻo so với mẫu hình Cốc tay cầm ở tháng 11, chúng tôi không đánh giá cao mẫu hình này đối với cổ phiếu SBT. Hiện tại, SBT đang ở nền giá số 2.

SBT đáp ứng tiêu chí chữ C và chữ A trong CANSLIM khi quý 4/2020, lợi nhuận sau thuế đạt 139.5 tỷ (tăng 776% so với cùng kỳ năm ngoái) trong khi doanh thu mang về 3,851 tỷ đồng tăng 30% so với Quý 4/2019. Lũy kế cả năm 2020, SBT ghi nhận doanh thu 14,210 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 564 tỷ đồng tăng 84% so với năm 2019.

Tiêu chí SMR (xếp hạng B, cao)

  • ROE < 25% (không đỗ)
  • Biên lợi nhuận gộp năm 2020 mở rộng so với năm 2019 (đỗ)
  • Tăng trưởng doanh số năm gần nhất (đỗ)

Với tỷ lệ Free Float là 36%, chúng tôi đánh giá đây là mức thấp.

Điểm đặc biệt trong thời gian gần đây, Ban Lãnh đạo doanh nghiệp có động thái mua ròng 2.8 triệu cổ phiếu chứng tỏ họ đang kỳ vọng doanh nghiệp trong thời gian sắp tới sẽ ăn nên làm ra. Cổ đông lớn trong 3 quý gần nhất cũng đã mua ròng 3.3 triệu cổ phiếu, tất cả đều kỳ vọng doanh nghiệp sẽ có những tiến tiến triển mới nhờ các chính sách hỗ trợ ngành đường của Chính phủ, sản phẩm mới tạo ra lợi nhuận đột biến trong những năm tới.

CHẤT XÚC TÁC ĐẾN TỪ Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC)

Ngày 09 tháng 2 năm 2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế CBPG, CTC đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33.88%. Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu đường tinh luyện, đường trắng sang nhập khẩu đường thô để lẩn tránh thuế CBPG, CTC ở mức cao hơn. -> Với việc mức thuế CBPG có hiệu lực thì lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam sẽ bị sụt giảm mạnh vì giá nhập khẩu sau khi trừ thuế đi sẽ cao hơn hoặc bằng giá đường tại Việt Nam. Qua đó giúp các doanh nghiệp sản xuất đường như SBT có lợi thế canh tranh hơn trong việc mở rộng thị phần nội địa.

CẬT NHẬT NGÀNH ĐƯỜNG THẾ GIỚI

Theo ghi nhận của Tổ chức Đường ISO, giá đường thế giới duy trì đà tăng từ giữa tháng 9 đến nay, và đạt mức cao mới 15.65 cent/lb trong tuần đầu của tháng 2. Tình trạng thiếu hụt container ở các quốc gia như Ấn Độ đã tạo ra sự khan hiếm đường trên thị trường và sản lượng thất vọng tại một số nước sản xuất như Thái Lan và EU cũng hỗ trợ giá đường tăng.

Giá đường thô giao ngay (tính theo giá hàng ngày của ISA) trung bình đạt 15.28 cent/lb trong đầu năm 2021, tăng 8.5% so với trung bình tháng 12 năm ngoái. Chỉ số giá đường trắng ISO trung bình tăng lên mức 462$/tấn, tăng 10.9% so với trung bình giá tháng 12. Mức chênh lệch giữa đường trắng và  đường thô đã tăng thêm trong đầu năm 2021 lên 100- 117 USD/tấn so với mức 88-90 USD/tấn trong tháng 12.

Dự phóng NĐ 20/21, sản lượng toàn cầu sẽ thấp hơn NĐ 19/20, Ấn Độ là nước hưởng lợi do sản lượng trong nước dư thừa, Thái Lan bị ảnh hưởng do thời tiết xấu và dự kiến không thể đạt mục tiêu xuất khẩu sang các nước khác. Brazil thu hẹp diện tích mía do chuyển hướng sang sản xuất ethanol. Triển vọng giá đường sẽ được thúc đẩy bởi tác động của La Nina (được xác nhận trong tháng 10 và kéo dài đến nửa đầu năm 2021). (Nguồn từ Báo cáo của VCBS)

Rủi ro đến từ đường nhập lậu

Theo VSSA lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra với khối lượng lớn sau khi có quyết định điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp. Cuối năm còn ghi nhận tình trạng ngoài đường Thái thì đường từ Campuchia, Malaysia và Indonesia vào Việt Nam đều đạt mức lớn hơn bình thường hoặc phá kỷ lục. Malaysia là nước không sản xuất đường, còn Indonesia và Campuchia là các nước phải nhập khẩu đường. Đây là có thể xem là dấu hiệu của lẩn tránh phòng vệ thương mại của đường từ Thái Lan. -> Chúng tôi đánh giá việc chống nạn đường nhập lậu là vấn đề nan giải của Chính phủ Việt Nam, việc xử lý triệt để sẽ rất khó và doanh nghiệp SX ở VN vẫn phải đối mặt với vấn đề này trong thời gian dài.

Bài viết được phân tích bởi 

ĐỖ QUỐC HUY

PHÓ BỘ PHẬN CHIẾN LƯỢC THỊ TRƯỜNG ELIBOOK & ADMIN KÊNH YOUTUBE TREND FOLLOWING

Trả lời