“Quay trở lại những năm 1970 và 1980, không có trang web hay công cụ tìm kiếm nào để duyệt, cũng không có bất kỳ ai để trao đổi thông tin về thị trường, tôi chỉ đọc trang báo giá chứng khoán của nhật báo và tìm kiếm những cổ phiếu có vẻ rẻ. Tôi bị cuốn hút bởi việc đọc băng báo giá vì tôi có thể thấy những cổ phiếu nào đang biến động vào ngày hôm đó và cố gắng giao dịch một chút xíu.
Tôi đã không kiếm được bất kỳ món lợi nhuận nào cho đến khi tôi nghiêm túc và quyết định dành ra một số tiền để chi trả cho một buổi hội thảo do William O’Neil dẫn dắt trên tờ báo Investors Business Daily. Đây là một bước ngoặt lớn trong khả năng lựa chọn cổ phiếu chiến thắng của tôi.
Tại một vài cuộc hội thảo vào năm 1989, tôi đã học được một số gợi ý bổ sung từ Chủ tịch của chương trình Biểu đồ Thị trường, Gene Morgan. Khoảng một năm trở lại đây, tôi đọc cuốn Phân tích kỹ thuật về xu hướng chứng khoán của Edwards và McGee, cùng với cuốn Hồi ức về một thiên tài đầu tư chứng khoán của Jesse Livermore, được coi là một trong những cuốn sách giao dịch hay nhất mọi thời đại. Nó dễ đọc và dễ hiểu đến nỗi không ngạc nhiên khi những cuốn sách này đã không có quá nhiều người đọc. Phong cách giao dịch của tôi gần giống với phong cách giao dịch của Livermore.
Tôi phát hiện ra rằng các mẫu hình biểu đồ cứ tự chúng lặp đi lặp lại ở những cổ phiếu chiến thắng lớn. Bí quyết để đọc biểu đồ là khả năng nhận diện những mẫu hình này. Bạn có thể phát triển kỹ năng này bằng cách rèn luyện đôi mắt của mình để chúng tự nhận ra những “họa tiết” này, điều mà thoạt đầu tưởng như không thể làm được.
Tôi đã thực hiện rất nhiều giao dịch thử nghiệm, khiến tôi mất rất nhiều tiền. Tôi đã phải liên tục quay lại bảng vẽ mẫu và tìm ra chỗ tôi làm sai. Tôi đã dành hơn 10 năm và có lẽ từ 20 đến 30 giờ mỗi tuần để liên tục vạch ra những sai lầm của mình trên biểu đồ. Tôi đã mua dựa trên cảm xúc. Theo thời gian, tôi học được cách mua cổ phiếu vào thời điểm chính xác, không dựa vào cảm xúc. Thực sự phải mất nhiều năm làm việc mới có thể xác định được những điều này một cách chính xác “.
Traders Magazine, tháng 11/12 năm 2003
1.5. BẠN CŨNG CÓ THỂ MÔ PHỎNG CÔNG THỨC THÀNH CÔNG CỦA DAN ZANGER
Công thức thành công của Dan Zanger khá rõ ràng. Thành công của ông chỉ dựa trên công thức lâu đời dưới đây:
THÀNH CÔNG = CHUẨN BỊ + CƠ HỘI
Dan đã “chuẩn bị” từ khi ông bắt đầu học giao dịch, từ năm 26 tuổi, về nghệ thuật phân tích các mẫu hình biểu đồ từ những người thầy như William O’Neil và Gene Morgan. Trên thực tế, ông đã làm chủ được nó. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để Dan đạt được thành công thực sự. “Thành công” chỉ đến với ông khi “cơ hội” đến gõ cửa vào năm 1998, ở tuổi 47 và ông đã tận dụng nó.
Đợt siêu tăng giá trên cổ phiếu NASDAQ từ 1998-2000 là “cơ hội” mà Dan đã nắm bắt, nó giúp giúp ông kiếm được 42 triệu đô la lợi nhuận từ cổ phiếu vào năm 2000. Con số này tương đương với tỷ lệ lợi nhuận khổng lồ 382.000% từ khoản đầu tư 11.000 đô la ban đầu, chỉ trong vòng 23 tháng!
Bạn cũng có thể đạt được thành công về tài chính bằng cách mô phỏng công thức thành công của Dan, công thức này được tạo thành từ hai trụ cột là “chuẩn bị” và “cơ hội”. “Cơ hội” trên thị trường tài chính đến theo chu kỳ từ vài tháng đến vài năm. Cơ hội là rất nhiều và có thể được tìm thấy ở thị trường cổ phiếu, hợp đồng tương lai hàng hóa, ngoại hối, v.v. Ví dụ, ở chứng khoán Malaysia hoặc Singapore, có ít nhất ba đến bốn đợt tăng giá hoặc giảm giá mỗi năm . Nhưng câu hỏi là đây. “Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng” khi cơ hội đến gõ cửa nhà bạn chưa? Bạn thậm chí có nhận ra rằng cơ hội là đây?
Do đó, điều quan trọng không kém là bạn phải “chuẩn bị” để khi cơ hội xuất hiện và tìm đến với mình, bạn có thể phát hiện ra ngay lập tức và áp dụng những gì đã học để hiện thực hóa cơ hội đó. “Chuẩn bị” là học phổ thông, cao đẳng và đại học, là tham gia các khóa học chuyên ngành như phân tích cơ bản và kỹ thuật, kinh tế, kế toán, v.v. Chuẩn bị là thu thập kinh nghiệm thực tế từ nơi làm việc của bạn. Sự chuẩn bị giống như một người thợ săn đã mài dao và vệ sinh cây súng của mình, và bây giờ anh ta đang chờ đợi con mồi (thời cơ) xuất hiện trước mặt để ra tay.
1.6. CHIẾN LƯỢC GIAO DỊCH CỦA DAN LÀ GÌ?
Phong cách đầu tư của Dan Zanger là sự kết hợp giữa việc (1) xác định các cổ phiếu dẫn đầu trên thị trường (2) đang hình thành các mẫu hình biểu đồ. Và ông sử dụng các thông tin này để giao dịch các cổ phiếu theo dao động (swing trade) khi chúng bật tăng từ các mẫu hình đã định trước. Nói chung, những điều sau đây mô tả các yếu tố chính trong chiến lược giao dịch của Dan:
- Tìm cổ phiếu dẫn đầu thị trường theo lĩnh vực và ngành nghề.
“Tôi đồng hành với những cổ phiếu đang di chuyển tốt nhất trên thị trường. Nó từng là cổ phiếu của ngành Điện thoại di động vào những năm 1980, sau đó là cổ phiếu của các tổ chức chăm sóc sức khỏe (HMOs) vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Vào đầu những năm 1990, cổ phiếu bán dẫn đã trở thành con cưng của thị trường chứng khoán, cổ phiếu mạng và cổ phiếu viễn thông cũng vậy. Trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, công nghệ sinh học đã dẫn đầu thị trường. Cuối thập kỷ này, đó là các cổ phiếu Internet như Amazon.com. Năm 2000, đó là cổ phiếu cáp quang”.
“Đó là bất cứ thứ gì mà thị trường chọn để chơi, có thể là công nghệ sinh học, chip, mạng, cáp quang, internet. Bạn phải đồng hành với những cổ phiếu sẽ được thị trường thúc đẩy nhiều nhất. Tôi chỉ quan tâm đến những cổ phiếu có thanh khoản cao (high volatility)”.
“Hãy tìm kiếm lĩnh vực đang được ưa chuộng và sau đó tìm công ty dẫn đầu lĩnh vực đó. Bạn phải biết những thứ đang “hot” và theo dõi nhóm hoặc theo dõi cổ phiếu đó … và phải ở bên những người chiến thắng. Tại sao lại sở hữu một Cổ phiếu kiếm được $2 mỗi ngày trong khi bạn có thể chơi một cổ phiếu kiếm được $5? Khi cổ phiếu dẫn đầu bắt đầu có xu hướng giảm, đó là lúc để dừng cuộc chơi.”
- Sử dụng phân tích mẫu hình biểu đồ để xác định những cổ phiếu chiến thắng tiềm năng
“Tôi lăn chuột qua danh sách cổ phiếu mỗi đêm để xem các mẫu hình biểu đồ và đặc điểm của nó. Tôi xem xét chúng hàng ngày và cảm nhận về tính cách và hành vi của chúng. Chúng là bạn của tôi. Điều rất quan trọng là phải biết tính cách cổ phiếu của bạn. Tôi không sử dụng bất kỳ biểu đồ intraday nào, nhưng tôi làm mới và kiểm tra biểu đồ ngày mỗi giờ trong ngày và lăn chuột qua các cổ phiếu trông đặc biệt hấp dẫn hoặc có hành động tốt. Tôi đánh dấu những điều cần tập trung khi nhìn vào biểu đồ ngày sau khi thị trường đóng cửa”.
“Tôi hoàn toàn không sử dụng bất kỳ chỉ báo nào. Làm gì có thời gian để xem xét nhiều chỉ báo như vậy? Tôi xem xét các thanh giá ngày mạnh mẽ và mổ xẻ chúng, sau đó thêm vào các thanh khối lượng để đưa ra một loại hệ số áp lực, nó cho tôi biết cổ phiếu muốn làm gì tiếp theo và khi nào cổ phiếu muốn làm điều đó. Hiện tại cổ phiếu đã sẵn sàng chưa hay cần thêm thời gian? Đó là Công việc trong tầm tay mỗi ngày”.
Nhưng thú vị là Dan Zanger không sử dụng các chỉ báo khối lượng như Money Flow Index.
“Tôi không tìm ra cách làm cho chỉ báo MFI hoạt động hiệu quả. Tôi đã thấy nó thất bại rất nhiều lần và chỉ báo này không thể nào làm nổi bật hoặc xác định cổ phiếu di chuyển mạnh nhất trên thị trường”. Ông giải thích.
3. Hãy lọc ra những cổ phiếu mà bạn thực sự sẽ mua bằng cách xem xét tính cách của chúng thông qua phân tích giá và khối lượng.
“Thật khó giải thích cách tôi chọn cổ phiếu để mua. Về cơ bản, tôi để thị trường chỉ cho tôi trong giờ giao dịch cổ phiếu nào đang hoạt động tốt nhất. Tôi làm bạn với cổ phiếu của mình và tìm hiểu tính cách của chúng trong giờ giao dịch.
Tôi biết khi nào chúng tốt qua cách chúng hành động, và tôi biết khi nào chúng tệ. Tôi cảm nhận được sự thay đổi tính cách của chúng từ tốt sang xấu hoặc từ xấu thành tốt. Tôi sử dụng bảng tiêu chí kiểm tra tính cách trên mỗi cổ phiếu gần giống như một bài kiểm tra tâm lý.
Điều này, kết hợp với các mẫu hình mà những cổ phiếu này đã tạo ra trên biểu đồ trong khoảng thời gian từ ba đến năm tuần, giúp tôi xác định các vị thế tăng giá. Nếu cổ phiếu đang có cảm nhận là tốt và biểu đồ cho biết đã đến lúc mua dựa trên các thông tin khác nhau, thì tôi chắc chắn sẽ nhảy vào và mua tại thời điểm đó”.
- Kiểm soát rủi ro và thời điểm bán?
“Cho tới nay, bán là việc khó nhất trên thị trường chứng khoán. Bạn có thể bán quá sớm và bỏ lỡ mức tăng $ 40- $ 50 trong vài tuần, hoặc bạn có thể bán quá muộn và bỏ lỡ $ 30 đến $ 40 lợi nhuận. Tôi mất nhiều thời gian để tìm hiểu về thời điểm bán hơn bất kỳ thứ gì khác trên thị trường.”
Chủ đề này liên quan sâu đến các chủ đề về mục tiêu lợi nhuận, cắt lỗ (thoát khỏi các giao dịch đang thua lỗ và không cố giữ hy vọng thị trường sẽ quay đầu), tâm lý của một nhà giao dịch và quản lý tiền.
Đây là những vấn đề quan trọng sẽ quyết định bạn có tồn tại được với tư cách là một nhà giao dịch hay không – ví dụ, bạn có thể đưa ra quyết định giao dịch đúng đắn nhưng vẫn thua lỗ vì khả năng quản lý tiền tệ hại.