Trong những ngày gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam hay dòm sang chỉ số chứng khoán Mỹ mỗi khi mở cửa. Chẳng ngạc nhiên khi VN-Index nhuốm đỏ sau phiên TTCK Mỹ bị bán mạnh. Lực hồi cuối phiên ở nhóm cảng biển, thủy sản… cho thấy bên mua sẵn sàng đỡ thị trường khi cần thiết.
HÀNH ĐỘNG GIÁ NGÀY HÔM NAY
Đây vẫn là một thị trường khó kiếm ăn dành cho nhà đầu tư. Ít có cổ phiếu tăng giá kéo dài và nhanh chóng trả điểm sau một hoặc hai phiên tăng mạnh, hoặc vì sự phân hóa của thị trường chung, hoặc vì sự xoay tua (rotation) của các nhóm ngành.
PNJ, GEG những leader ngành bán lẻ, năng lượng sau phiên tăng mạnh đầu tuần, cũng èo uột trong hai phiên giao dịch gần đây. FRT hay một số cổ phiếu dầu khí sau khi tăng mạnh phiên hôm qua cũng quay sang trả điểm. Ngay cả nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán được kéo mạnh trong mấy phiên vừa qua cũng không thể tăng giá kéo dài. VGC vẫn không thể nào bứt phá ra khỏi mẫu hình Chiếc Cốc Tay Cầm…
Nhà đầu tư đang cảm thấy sức nặng của toàn bộ thị trường chung đang đè các cổ phiếu xuống, bất kể nội tại cổ phiếu có tốt hay không.
Mấu chốt của VN-Index để thể hiện sức mạnh của xu hướng tăng là giành lại EMA 21 ngày, vốn đang nằm sát ngay bên trên. Để làm điều đó, chính các leader hiện nay, chủ yếu là các cổ phiếu mang tính chu kỳ như dầu khí, điện, bán lẻ, công nghệ, hóa chất….phải bật dậy từ MA50 ngày một cách mạnh mẽ. Các cổ phiếu leader này vẫn đang bị kẹt loanh quanh MA50 ngày, tuy có RS (Sức Mạnh Giá Tương Đối) cao và kỳ vọng lợi nhuận quý 2 tích cực, nhưng dòng tiền đổ vào vẫn chưa mạnh mẽ.
Nếu VN-Index thất bại giành lại EMA 21 ngày là dấu hiệu rủi ro, đó có thể là khi các cổ phiếu leader đánh mất MA50 ngày và đợt nỗ lực hồi phục bị thất bại, thị trường quay lại trở lại xu hướng giảm. Dấu hiệu để biết VN-Index thất bại trước EMA 21 ngày là phá thủng đáy 1198 của ngày thứ ba, cũng là mất ngưỡng tâm lý 1200.
Thanh khoản của thị trường vẫn ở mức thấp là do dòng tiền vẫn chưa đẩy vào các cổ phiếu leader này một cách mạnh mẽ.
Có lẽ đây là lần đầu tiên, nhà đầu tư được chứng kiến cả chỉ số VN-Index lẫn VN30 cùng không thay đổi điểm số trong một phiên giao dịch. Cây nến ngày hôm nay là một Inside Bar, tức nằm trọn trong khung biến động giá của ngày hôm trước cho thấy nhà đầu tư lưỡng lự tiêu hóa các tin tức trong và ngoài nước. Xu hướng tiếp theo của thị trường sẽ được xác định bởi hướng break của khung giá ngày thứ ba.
Thực sự, các nhà đầu tư vẫn còn nhiều hoài nghi về triển vọng của thị trường và nền kinh tế. Ngay cả khi có một vài thông tin vĩ mô của Việt Nam khá tích cực hôm nay, cũng không làm nhà đầu tư bớt lo lắng về nguy cơ của một cuộc suy thoái kinh tế.
Số liệu GDP quý II theo Tổng Cục Thống Kê là 7.72%, cao nhất kể từ năm 2011, và cao hơn dự phóng trước đó. Một số dữ liệu kinh tế khác cũng trở nên tích cực. Ví dụ xuất khẩu 6 tháng đầu năm rốt cuộc xuất siêu 710 triệu đôla sau nhiều lần công bố dữ liệu nhập siêu trước đó; hoặc chỉ số sản xuất công nghiệp đang dần phục hồi, với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 8.48% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số CPI tháng 6 tăng 3.37% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2.44% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy Việt Nam kiểm soát khá tốt lạm phát và vẫn dưới mục tiêu 4% của chính phủ. Giá xăng vẫn là nguyên nhân khiến cho CPI tăng. Chính phủ đang kiến nghị giảm phần phí thuế để giảm giá xăng.
Số liệu FDI của 6 tháng đầu năm đạt 14 tỷ đôla, bằng 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 8.51%.
Mặc dù Apple đã chuyển 11 nhà máy trong chuỗi cung ứng sang Việt nam nhưng vào đầu tháng 6, SamSung Việt Nam quyết định giảm sản xuất từ 5 ngày/tuần xuống 3 ngày tuần, cho thấy nhà đầu tư và doanh nghiệp vẫn đang lo lắng về khả năng xấu hơn của nền kinh tế. Nỗi lo suy thoái kinh tế là có thực và niềm tin của người tiêu dùng quốc tế hiện đang ở mức rất thấp.
Ví dụ, chỉ số Niềm Tin Người Tiêu Dùng do Đại Học Michigan công bố đang ở mức thấp hơn cả giai đoạn lạm phát cao những năm 80, tệ hơn cú sập 1987, Chiến Tranh Vùng Vịnh 1990 hoặc cả Đại Suy Thoái 2008.
Nỗi lo sợ đang khiến nhà đầu tư hững hờ với một số tin tức tốt trong nước: (1) tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam đang được kỳ vọng đẩy mạnh sáu tháng cuối năm; (2) kỳ vọng ngân hàng nới room tín dụng và (3) những giải pháp hỗ trợ thị trường của nhà quản lý.
Ví dụ, Trung Tâm Lưu Ký Chứng Khoán Việt Nam (VSD) đang lấy ý kiến dự thảo để có thể giao dịch T+2. Thị trường rất mong ngóng việc rút ngắn thời gian giao dịch để làm tăng tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán. Đây là một giải pháp đang mong đợi trong bối cảnh thanh khoản èo uột như hiện nay. Khả năng chính sách này được áp dụng từ tháng 8 tới.
Nhà giao dịch cũng giảm bớt rủi ro bị kẹp hàng T+3 (nói vui là bớt đi một cây sàn nếu chẳng may mua vào lúc thị trường sập). Quan trọng hơn, tiền cũng về sớm hơn nên các nhà đầu tư giảm bớt việc phải ứng sớm tiền bán cổ phiếu từ CTCK.
Nhìn chung, việc VN-Index trụ tốt trước áp lực tin xấu của thị trường quốc tế và dừng lại nghỉ ngơi sau hai phiên tăng giá mạnh đầu tuần là điều hoàn toàn chấp nhận được.
Độ rộng thị trường ngày hôm nay có số cổ phiếu giảm gấp 1.8 lần số cổ phiếu tăng trên sàn HOSE. Lực kéo cuối phiên chỉ diễn ra ở nhóm ngành thủy sản, cảng biển…nhưng không lan rộng ra nhiều nhóm ngành khác nên về cơ bản hôm nay vẫn là ngày mà tài khoản của nhà đầu tư vẫn đỏ. Số cổ phiếu vượt đỉnh 52 tuần nhích nhẹ thêm 1 mã lên con số 5.
Số lượng cổ phiếu nằm dưới MA50 ngày và số lượng cổ phiếu nằm dưới MA200 ngày đang ở mức tương đương với Covid tháng 3.2020, cho thấy thị trường đang ở cực điểm của sợ hãi.
Ngày 30/6/2022 là ngày chốt dữ liệu để HOSE công bố thành phần mới và tỷ trọng của bộ chỉ số VN30 và VNFINLEAD, riêng VNDIAMOND chỉ điều chỉnh tỷ trọng trong rỗ. Việc thay đổi cổ phiếu thành phần sẽ được công bố vào thứ hai, tuần thứ ba của tháng 7 (nhằm ngày 18/7/2022), riêng danh mục VNDIAMOND sẽ điều chỉnh tỷ trọng của các cổ phiếu thành phần trong kỳ cơ cấu này. Các thay đổi có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/8/2022.
Ngày mai cũng là ngày giao dịch cuối cùng của tháng 6. Trên đồ thị tháng, VN-Index rất cần giữ trên 1200 điểm để nuôi hy vọng về một xu hướng tăng.
—Còn tiếp
TIÊU ĐIỂM CỔ PHIẾU GEG
—Còn tiếp
ĐỌC CHI TIẾT BẢN TIN NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG Ở ROOM ZALO 0977.697.420. HOẶC THAM GIA KHÓA HỌC TREND TRADER