Nhiều nỗi lo cho thị trường ô tô nửa cuối năm 2024 khi đề xuất giảm phí trước bạ 50% không được thông qua

  • Trong 6T-2024, doanh số bán ô tô tại Việt Nam giảm -9.9% YoY phù hợp với dự báo trước đó của chúng tôi về mức tiêu thụ ô tô sẽ giảm trong các tháng đầu năm.
  • Bước vào nửa cuối 2024, chúng tôi cho rằng tiêu thụ ngành xe sẽ tăng sv H1-2024 theo pha phục hồi chung của nền kinh tế và yếu tố “mùa vụ tiêu dùng của ngành xe” nhưng sẽ không đạt tăng trưởng YoY như kỳ vọng đầu năm do đề xuất chính sách giảm lệ phí trước bạ 50% khả năng không được thông qua. 
  • Trong dài hạn, ngành xe sở hữu dư địa phát triển to lớn về lý thuyết do tỷ lệ sở hữu xe trong dân ở mức thấp. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng tiềm năng tăng trưởng ngành này không lớn như kỳ vọng khi hạ tầng giao thông chưa phù hợp phát triển ô tô và giá bán vẫn ở mức cao (cấu thành từ tỷ lệ nội địa hóa thấp và cấu trúc thuế/phí cồng kềnh).
  • Các nhà sản xuất xe lâu đời tại Việt Nam (Toyota, Huyndai, Mazda…) ngày càng gặp nhiều khó khăn với môi trường cạnh tranh ngày càng lớn với sự gia nhập của nhiều hãng xe mới (MG, Lexus, Ford…). Về phần các nhà phân phối xe (HAX, CTF…), họ đang nỗ lực đa dạng hóa tệp nhãn hàng để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới thay vì chỉ phụ thuộc vào một hãng xe duy nhất

Sức tiêu thụ xe sẽ tốt dần lên nhưng không giúp tổng thể năm 2024 đạt tăng trưởng dương YoY như kỳ vọng

Theo VAMA, trong 6T-2024, doanh số bán ô tô giảm -9.9% YoY do (1) nhu cầu gần như đổ dồn vào H2-2023 – giai đoạn có hiệu lực của quyết định cắt giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô (Hình 1), (2) tâm lý người tiêu dùng vẫn trì trệ (Hình 2). 

Bước vào nửa cuối 2024, sức tiêu thụ ô tô có thể sẽ tốt hơn so với đầu năm theo pha phục hồi chung của nền kinh tế và yếu tố “mùa vụ tiêu dùng của ngành xe” (*), tuy nhiên chúng tôi cho rằng sản lượng bán ra sẽ chỉ đi ngang/giảm YoY vì niềm tin tiêu dùng chưa thực sự khởi sắc đi kèm yếu tố chủ chốt – chính sách giảm lệ phí trước bạ 50% khả năng không được chấp nhận. (**)

(*) Chủ động phương tiện đi lại cho gia đình trong Tết Nguyên đán, nhận ưu đãi phí trước bạ và mùa quà tặng tri ân, kích cầu từ hãng xe là những quyền lợi mà khách hàng được hưởng nếu kịp mua xe trong các tháng cuối năm.

(**) Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tiến hành “xem xét không thực hiện giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước” trong văn bản gửi Bộ Tư pháp ngày 17/07/2024. Theo quan điểm chúng tôi, điều này có khả năng cao sẽ xảy ra do nhiều nguyên nhân:

       (1) Từ trước đến nay, Chính Phủ có 3 lần giảm lệ phí trước bạ nhưng chính sách chỉ có hiệu quả trong giai đoạn kinh tế bình thường ngược lại với bối cảnh tâm lý tiêu dùng vẫn căng cứng như hiện nay (doanh số tiêu thụ xe 3 lần giảm theo VAMA lần lượt, T6-12/2020: +12.9% YoY, T1-6/2021: +49.7% YoY, T7-T12/2023: -18.7% YoY); 

         (2) Tâm lý tiêu dùng ô tô dần phụ thuộc vào việc chờ chính sách này xuất hiện, nên trước và sau khi có ban hành chính sách ở các năm gần đây, tình hình tiêu thụ là ảm đạm. Điều này tạo tâm lý phụ thuộc và dần phản tác dụng đối với doanh nghiệp ngành xe trong các thời điểm không có chính sách này hỗ trợ.

         (3) Việc thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ngành ô tô Việt Nam vấp phải nhiều rào cản để hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng lớn trong dài hạn

Về lý thuyết, ngành ô tô Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn trong dài hạn do tỷ lệ sở hữu xe trong dân thấp (Hình 3). Tuy nhiên, doanh thu ngành xe hơi của Việt Nam chỉ được dự báo tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 2024-28 đạt 1.17%, theo Statista.

Theo quan điểm chúng tôi, điều này được cấu thành từ (1) chất lượng hạ tầng giao thông thấp chưa phù hợp sử dụng xe ô tô (Hình 4), gây ra các trở ngại đến sự sẵn sàng mua xe của người tiêu dùng như tắt nghẽn đường và tìm chỗ đỗ xe, (2) thu nhập chung của người dân vẫn thấp kết hợp với mức giá bán xe cao (hơn ~20-30% so với giá xe các nước trong khu vực), khiến người Việt Nam phải mất trung bình 12 năm tiết kiệm để mua được một chiếc xe – mức này cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á khác (Hình 5). (*)

(*) Ghi chú: Số liệu trên dựa trên giả định toàn bộ thu nhập kiếm được đều dành cho việc tiết kiệm mua xe, con số năm thực tế để mua được xe từ người dân Việt Nam cao hơn mức 12 năm.

Chúng tôi đề cập thêm lý do khiến giá xe Việt Nam bình quân cao hơn ~20-30% các nước trong khu vực do năng lực tự sản xuất kém (chỉ sản xuất được các linh kiện cơ bản và tay nghề nhân công cũng thấp) (Hình 7) nên phải nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (chịu thuế cao) hoặc ô tô lắp ráp trong nước những cũng phải nhập khẩu linh kiện, phụ kiện ô tô quan trọng (đòi hỏi tay nghề cao như động cơ đốt, hộp số MT/AT, thùng xe, lốp xe ô tô… với thuế cao). Điều này dẫn đến giá thành cao và giá xe bán ra cao tương đương.

Nhấn mạnh thêm, Việt Nam vẫn chưa thể phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô khi số lượng nhà sản xuất linh kiện, phụ kiện ô tô còn rất ít (Hình 6), năng lực nhân công/công nghệ còn kém khiến các nhà SX ô tô phải nhập khẩu các sản phẩm này với số lượng lớn trong môi trường tỷ giá mất giá (USD/VND), chịu chi phí vận chuyển/thuế cao khi nhập khẩu. Trong khi đó, quy mô thị trường nội địa nhỏ không tối ưu được công suất dẫn đến không thu hút được các nhà đầu tư FDI tăng sản xuất ô tô vào Việt Nam. Điều này gián tiếp cũng khiến giá thành sản xuất nói chung vẫn ở mức cao.

Phân chia thị phần trong ngành ngày càng gay gắt khi miếng bánh chung chưa thể nở ra

Thị trường xe trong các năm gần đây chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các hãng xe mới gia nhập/tái định vị vào Việt Nam như Ford, MG, khác (Lexus, BMW…) với chiến lược giá rẻ và đa dạng các dòng xe (Sedan, CUV, SUV, xe bán tải…). Điều này tạo nên thách thức đối với các ông lớn lâu năm như Hyundai, Toyota, Kia, Mazda, Honda, Mercedes-Benz… (Hình 8)

Về phần các đại lý ô tô như HAX, CTF, họ cũng chủ động đa dạng hóa hãng xe phân phối trong kế hoạch mở showroom của mình nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới thay vì phụ thuộc vào chỉ một hãng xe. Do đó, sự tăng trưởng doanh thu của các Công ty này sẽ phân hóa tùy theo năng lực phát triển thị trường của các hãng xe họ phân phối. (*)

(*) Một ví dụ đến từ nhà phân phối xe ô tô Haxaco (HSX: HAX), do Mercedes-Benz gặp khó khăn trong tăng trưởng, HAX đã bắt tay với SAIC Motor thực hiện mở liên tiếp 10 showroom kinh doanh xe MG từ T7-2023 đến T7-2024 (gấp đôi số lượng showroom hiện có của Haxaco Mercedes-Benz). Nhờ đó, HAX giữ tăng trưởng về doanh thu trong bối cảnh ngành xe ảm đạm ở 6T-2024. (Hình 9)

Nguồn: VDSC

 

Trả lời