CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) công bố lãi ròng quý 2 đạt 220 tỷ, là mức cao nhất 2 năm qua kể từ quý 2 năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận +76% yoy, NKG đang tiếp tục duy trì mức độ hồi phục hai đến ba con số. Kết quả kinh doanh quý 2 vừa khớp với dự báo của CTCK HSC.
Sự phục hồi này đến từ việc nhu cầu phục hồi và cải thiện biên lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận gộp quý 2 của NKG ở mức 9%, giảm nhẹ so với 10.7% của quý 1, nhưng rõ ràng đã mở rộng nhiều so với các quý của hai năm trước.
Doanh số quý 2 tăng +3% yoy, trong đó xuất khẩu vẫn chiếm chủ đạo với tỷ trọng 68%.
So với HSG nhanh chóng bắt đáy HRC vào quý 3.2023 bằng cách tăng mạnh nợ vay ngắn hạn gần như gấp đôi lên 6,100 tỷ để tài trợ cho việc mở rộng hàng tồn kho, thì NKG duy trì một mức tăng hàng kho nhẹ trong cùng thời gian. Điều này là do NKG sớm thực hiện xử lý hàng tồn kho từ quý 2/2022 (đỉnh tồn kho hơn 9,000 tỷ) và duy trì ở mức quanh 5,500-6.000 tỷ từ đầu năm 2023 đến nay. Chính vì thế, nợ vay ngắn hạn của NKG vẫn giữ ổn định quanh 5,000 tỷ.
Trong khi HSG cố gắng trở thành một nhà bán lẻ thép bằng cách mở rộng chuỗi Hoa Sen Home, thì NKG đang tập trung cho dự án đầu tư lớn ở nhà máy Nam Kim Phú Mỹ, với quy mô đầu tư lớn hơn 4,500 tỷ (so với tổng tài sản hiện nay của NKG là gần 13,000 tỷ). NKG đã góp đầu tư 500 tỷ đồng và đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, với giá 12,000 đồng cổ phiếu trong nửa sau năm 2024, để huy động 1,580 tỷ, thực hiện dự án lớn này.
Diễn biến kinh doanh quý 2 của NKG được trình bày trong Mindmap
Theo dự phóng của CTCK HSC, lợi nhuận quý 3 của NKG sẽ chậm lại do ảnh hưởng của mùa mưa, nhưng sẽ hồi phục tích cực vào quý 4. Dự báo nửa sau năm 2024, NKG tiếp tục duy trì mức lợi nhuận không đổi quanh 350 tỷ, gần sát mức 370 tỷ của nửa đầu năm. HSC dự phóng LNST năm 2024 của NKG là 710 tỷ, tăng +507% yoy.
Công tác xây nhà máy Phú Mỹ đúng tiến độ
NKG gần đây thông báo đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cho nhà máy Phú Mỹ và báo cáo Đánh giá tác động môi trường cũng đã được phê duyệt trước đó vào tháng 2/2024. Dự án đã được khởi công vào tháng 4/2024 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Nhà máy mới có công suất thiết kế lên đến 1 triệu tấn CRC (thép cán nguội) mỗi năm và dự kiến sẽ giúp bổ sung 500.000 tấn công suất tôn mạ (hiện tại công suất tôn mạ là 1.2 triệu tấn/năm). Do đó, Công ty đặt mục tiêu bán công suất CRC dư thừa (khoảng 500,000 tấn/năm) cho đối tác (sản phẩm CRC này dự kiến có chất lượng cao để cạnh tranh với nhà cung cấp hiện tại như Posco và Nippon).
Thép dẹt – Dư địa tăng trưởng của phân khúc cho sản xuất công nghiệp
Và việc này đồng nghĩa với việc NKG có thể giúp tăng công suất của tôn mạ lên trong dài hạn từ công suất CRC dư thừa này nếu nhu cầu vẫn tiếp tục tăng. Sản phẩm của nhà máy mới này tập trung vào các phân khúc cao cấp như tôn mạ dùng cung cấp cho việc sản xuất thiết bị gia dụng và ô tô, cũng như phân khúc xây dựng.
Trong khi các nhà phân tích vẫn lạc quan, dòng tiền lại đang lo lắng.
Thông tin lợi nhuận quý 2 được công bố vào sáng ngày 30 tháng 7, nhưng phản ứng của cổ phiếu NKG là tiêu cực. Hiện NKG đang giảm hơn -1% do bị kháng cự bởi đường EMA 21 ngày đang dốc xuống. Điều này tạo ra lo ngại NKG sẽ để mất đường MA200 ngày.
Phản ứng của giá trước thông tin lợi nhuận còn quan trọng hơn chính thông tin lợi nhuận.
Mặc dù kết quả kinh doanh quý 2 vừa khớp với dự báo, giúp các nhà phân tích duy trì sự lạc quan về triển vọng hồi phục nửa sau năm 2024, nhưng dòng tiền lại tỏ ra quan ngại với lượng cung cổ phiếu được phát hành.
Trong khi CTCK HSC vẫn duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 30,800 đồng ( so với thị giá hiện tại là 23,200 đồng) thì việc giá cổ phiếu để mất các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng như đường MA50 ngày và thậm chí là MA200 ngày, cảnh báo sự thận trọng về triển vọng hạ cánh cứng của nền kinh tế.
Elibook Team không còn duy trì khuyến nghị giao dịch ở nhóm thép như HPG, NKG, HSG sau khi hạ triển vọng thị trường chung xuống đèn đỏ (Xu Hương Giảm) từ ngày 23 tháng 7.