Sản lượng hàng qua cảng biển Việt Nam kì vọng tiếp tục giữ đà phục hồi tích cực đến cuối năm

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước kì vọng duy trì ở mức tích cực từ nay đến cuối năm, dự kiến có thể đạt mức tăng trưởng 7-9% so với 2023 dựa trên các yếu tố:
– Kim ngạch XNK dự kiến sẽ vẫn ở mức cao đến cuối năm do, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc phục hồi, có thể thấy qua:

(1) chỉ số hàng tồn kho tại Mỹ đang có xu hướng tăng cho thấy nhu cầu tăng tồn kho tại quốc gia này, cùng với việc mùa cao điểm tích trữ hàng hóa cho dịp cuối năm đã bắt đầu sẽ thúc đẩy giao thương quốc tế

và (2) nhập khẩu nguyên vật liệu 5T2024 tăng 5.1% yoy phần nào phản ánh lượng đơn đặt hàng tăng lên, hứa hẹn các đơn hàng xuất khẩu về cuối năm.

Vốn FDI cũng đang trên đà tăng trở lại, cùng với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại, kí kết các văn bản hợp tác song phương với Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây cho thấy tiềm năng lớn hơn của giao thương quốc tế trong thời gian tới.

Sự hỗ trợ tích cực của nhà nước trong việc giải ngân đầu tư, mở rộng các cảng lớn trên cả nước. Hiện các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, luồng hàng hải tại các khu vực trọng yếu như cảng Hải Phòng, Cái Mép – Thị Vải đang được tiến hành, sau khi hoàn thành sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút được nhiều đối tác cũng như tối ưu hóa năng lực hoạt động doanh nghiệp.

Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn như cảng Singapore hiện nay khiến nhiều hãng tàu đã thay đổi hải trình, vào các cảng lân cận thay vì phải chờ 4-7 ngày để vào cảng Singapore. Việc tắc nghẽn nếu không được giải quyết sớm sẽ kéo thêm nhiều hãng tàu mới vào cảng biển nước ta, đặc biệt là khu vực cảng trung chuyển Cái Mép – Thị Vải, tác động tích cực đến ngành cảng biển Việt Nam.

Giá cước vận tải biển sẽ vẫn neo ở mức cao ít nhất đến 3Q2024

Giá cước vận tải biển kì vọng sẽ vẫn neo cao trong năm nay dù vẫn ở mức thấp hơn đỉnh điểm trong đại dịch Covid, đà tăng kéo dài ít nhất đến 3Q2024 do chịu tác động tổng hợp của nhiều yếu tố, bắt nguồn từ khủng hoảng tại biển Đỏ:

– Khủng hoảng biển Đỏ kéo dài hơn dự kiến và chưa thấy được điểm kết thúc tác động trực tiếp đến thị trường vận tải thế giới, khi mà tới 10% lượng hàng hóa giao thương quốc tế (trong đó hàng container chiếm 20%) đi qua đây.

– Tình trạng ùn tắc tại nhiều cảng lớn đến từ: (1) Mỹ tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trước khi hàng hóa Trung Quốc bị áp thêm thuế nhập khẩu từ tháng 8 tới và (2) lo ngại giá cước vận tải biển tiếp tục đà tăng phi mã kéo dài, mùa cao điểm chuẩn bị hàng hóa cho dịp cuối năm đã bắt đầu sớm hơn mọi năm, tăng lưu lượng hàng hóa giao thương từ nay đến cuối năm. Hải trình kéo dài, ùn tắc tại các cảng và nhu cầu tăng dồn dập khiến nguy cơ về đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt container rỗng tăng cao, tiếp tục đẩy giá cước vận tải container lên cao cho đến khi các tình trạng trên được giải quyết

Nhóm ngành vận tải biển kỳ vọng phục hồi trong 2H2024

Chúng tôi kì vọng lợi nhuận ngành vận tải đã tạo đáy giai đoạn cuối 2023 và quý 1 năm nay, triển vọng tăng trưởng sẽ tích cực hơn về cuối năm.

– Sản lượng hàng vận tải sẽ duy trì ở mức cao do (1) nhu cầu tiêu dùng trên thế giới hồi phục và (2) hoạt động chuẩn bị hàng chuẩn bị cho mùa cao điểm năm nay diễn ra sớm hơn mọi năm.

– Về giá vận tải giao ngay, đà tăng từ cuối tháng 4 dự kiến sẽ tiếp tục do nhu cầu về tàu biển tăng đến từ lo ngại về khủng hoảng chuỗi cung ứng, kéo theo giá trên thị trường cho thuê tàu cũng diễn biến theo xu hướng tăng. Các tuyến vận tải vốn đi qua biển Đỏ sẽ có mức tăng đáng kể do chịu ảnh hường trực tiếp, mức tăng sẽ nhỏ hơn ở các tuyến nội địa và các tuyến không đi qua biển Đỏ do chỉ chịu tác động gián tiếp từ việc nhu cầu về tàu biển tăng.

Về dài hạn, thị trường vận tải biển dự kiến sẽ hạ nhiệt ngay khi khủng hoảng biển Đỏ kết thúc do tác động cộng hưởng từ việc: (1) hàng tồn kho tại các thị trường lớn tăng nhanh trong giai đoạn khủng hoảng chuỗi cung ứng xảy ra và (2) lo ngại về dư cung tàu rõ ràng trở lại khi nhu cầu suy giảm trong khi lượng tàu đã đặt đóng mới liên tục được đưa vào khai thác.

Việc khủng hoảng biển Đỏ kéo dài hơn dự kiến, cũng như tình trạng ùn tắc tại các cảng lớn không được giải quyết sớm sẽ là các yếu tố tích cực tác động đến giá cổ phiếu trong thời gian tới, tuy nhiên chúng tôi đánh giá các tác động tích cực này chỉ có tính ngắn hạn. Nhà đầu tư nên theo dõi biến động thị trường vận tải trong thời gian này và cân nhắc đầu tư vào các cổ phiếu vận tải có cơ bản tốt, đội tàu lớn như HAH và VOS khi cổ phiếu về mức định giá hấp dẫn.

Tổng trọng tải tàu đóng mới trong 2024 và 2025 lần lượt ở mức 2.7 triệu Teu (+9%) và 1.9 triệu Teu (+5%). Lượng tàu đóng mới dự kiến giao vào 2026 hiện nay tổng trọng tải cũng đã lên đến 2.1 triệu Teu.

Với mức dự báo tăng trưởng sản lượng trên dặm hàng vận tải container năm 2024 là 12.8% yoy, mức tăng trưởng trọng tải tàu 9.3% yoy đã phần nào đáp ứng được nhu cầu vận tải biển tăng mạnh trong năm nay.

Tuy nhiên, thị trường vận tải biển dự kiến sẽ chứng kiến tình trạng dư tàu nghiêm trọng kể từ năm 2025 khi mà tăng trưởng Teu/mile giảm xuống mức –5%yoy, tăng trưởng trọng tải tàu vẫn ở mức 4.8% yoy

Nguồn: CTCK KBSV

Trả lời