PVT – Mở rộng công suất đội tàu trong bối cảnh ngành khả quan

PVT thực hiện kế hoạch mở rộng đội tàu giai đoạn 2024-2025. Lũy kế 11 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã đầu tư thêm 7 tàu mới, nâng tổng số tàu lên mức 56 tàu, bao gồm 47 tàu sở hữu và 9 tàu thuê bareboat. VDSC (Rồng Việt) ước tính PVT sẽ có thể thanh lý các tàu đã hoạt động lâu để đầu tư thêm các tàu có tuổi trẻ hơn nhằm gia tăng lợi nhuận.

Thị trường tàu chở dầu khả quan với kỳ vọng giá cước thuê tàu giai đoạn 2024 – 2025 vẫn neo ở mức cao hơn so với giai đoạn 2022 – 2023.

Mặc dù một vài phân khúc được dự báo công suất sẽ dư thừa do nguồn cung tàu gia tăng và nhiều khả năng giá thuê sẽ hạ nhiệt, nhưng chúng tôi kỳ vọng PVT sẽ duy trì được hiệu quả kinh doanh của mình nhờ ưu thế giữ chi phí quản lý vận hành ở mức thấp hơn khoảng 10 – 15% so với các công ty nước ngoài và nhờ sự đóng góp từ các tàu mới

Kế hoạch mở rộng đội tàu giai đoạn 2024 – 2025

Cuối năm 2024 dường như là giai đoạn “mưa thuận gió hòa” khi PVT liên tục công bố các thương vụ mua tàu, tính từ đầu tháng 9 đến nay, PVT đã thành công mua 3 tàu mới, trong đó gồm 2 tàu chở dầu thành phẩm là PVT Valencia và Pacific Pride (sở hữu 65% thông qua công ty con là PV Trans Pacific JSC) và 1 tàu chở hàng rời – PVT Coral (sở hữu 52% thông qua công ty con là PVT Logistics JSC).

Lũy kế 11 tháng đầu năm, tổng số tàu đầu tư mới của PVT là 7 tàu, tương ứng với mức tỷ trọng là 270,000 DWT + 5k CBM (tăng lần lượt 24% & 5% so với tổng tỷ trọng đội tàu hóa lỏng và tàu chở khí của doanh nghiệp đầu năm nay). Các tàu mới này đều được doanh nghiệp đưa vào khai thác các chuyến quốc tế.

Theo đó, chúng tôi ước tính đội tàu của PVT vận hành sẽ đạt cột mốc 56 tàu, bao gồm 47 tàu sở hữu trực tiếp và 9 tàu thuê bareboat tương ứng 3 tàu cho mỗi phân khúc vận tải dầu thành phẩm/hóa chất, vận tải LPG và vận tải hàng rời.

Ngoài ra, trong tháng 12 này, doanh nghiệp dự kiến sẽ nhận thêm 1 tàu chở hàng rời với kích cỡ supramax mới.

Với kế hoạch trẻ hóa và mở rộng đội tàu, chúng tôi ước tính PVT sẽ có thể thanh lý các tàu đã hoạt động lâu để đầu tư thêm các tàu có tuổi trẻ hơn.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại đối với phân khúc vận tải khí LPG có 2 tàu trên 30 tuổi, và 1 tàu trên 20 tuổi đối với phân khúc vận tải hóa chất. Nhóm tàu này sẽ khó tham gia vận tải trong khu vực nội địa lẫn quốc tế. Do đó, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng công ty có thể cân nhắc thanh lý để tái đầu tư đội tàu, và gia tăng lợi nhuận trong năm 2025.

Bên cạnh việc giữ vững thị phần trong nước, PVT coi việc mở rộng thị trường quốc tế là mục tiêu chiến lược.

Hiện nay PVT đang chuyển dịch sang phân khúc thị trường có tiêu chuẩn cao hơn như Mỹ, châu Âu (trước đây là châu Á, Đông Nam Á, Nhật Bản, Trung Đông) với gần 90% đội tàu PVT đang hoạt động trên các tuyến khắp thế giới, kết hợp linh hoạt nhiều hình thức từ thuê định hạn (TC), thuê giao ngay (SPOT), thuê tàu theo chuyến (COA), thuê tàu trần (bareboat), đến khai thác trong các hiệp hội tàu (pool).

Do vậy triển vọng kinh doanh của PVT phụ thuộc nhiều vào biến động giá cước vận tải dầu khí trên thế giới.

Thị trường tàu chở dầu khả quan với kỳ vọng giá cước thuê tàu giai đoạn 2024 – 2025 vẫn neo ở mức cao hơn so với giai đoạn 2022 – 2023

Giá cước vận tải quốc tế tăng kể từ năm 2022 do nhu cầu tiêu thụ hồi phục và quãng đường vận chuyển liên tục gia tăng khi:

(1) Nhu cầu nhập khẩu xăng dầu tại Châu Âu tăng (thay cho lượng khí đốt thông qua đường ống khí của Nga)

(2) Hạn hán tại kênh đào Panama khiến tốc độ qua kênh giảm trong năm 2023

(3) Căng thẳng tại Biển Đỏ kéo dài khiến các tàu phải vận chuyển với quãng đường xa hơn

Chúng tôi cho rằng giá cước vẫn tiếp tục neo ở mức cao trong năm 2025 nhờ nhu cầu vận tải được dự báo tiếp tục tăng trưởng theo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm dầu khí và hàng rời trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đỏ có khả năng kéo dài.

Tuy nhiên diễn biến giá cước/giá thuê định hạn giữa các mảng vận tải sẽ có mức phân hóa khác nhau, phụ thuộc vào tăng trưởng nguồn cung và nhu cầu giữa các nhóm hàng.

Giá cước vận tải dầu khí ước tính sẽ tiếp tục neo ở mức cao đối với dầu thô và giảm nhẹ đối với dầu thành phẩm.

Chúng tôi kỳ vọng, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động thương mại Đại Tây Dương – Châu Á đường dài trong bối cảnh nguồn cung đội tàu hạn chế là yếu tố hỗ trợ cho mảng vận tải dầu thô trong giai đoạn tới.

Mặc dù hiện nay, thị trường tàu chở dầu thô có sự điều chỉnh ngắn hạn do nhu cầu dầu thô của Trung Quốc yếu. Tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng hoạt động lọc dầu của Trung Quốc sẽ được cải thiện trong tương lai gần khi nhu cầu về lọc dầu được cải thiện.

Đối với phân khúc vận tải dầu thành phẩm, chúng tôi kỳ vọng những xung đột địa chính trị sẽ tiếp tục là yếu tốt hỗ trợ.

Cụ thể, các tuyến đường vận chuyển dầu từ Nga ước tính sẽ dài hơn khi phải tránh các khu vực có xung đột chiến tranh tại quốc gia này. Thêm vào đó, thị trường tàu chở dầu thành phẩm được dự đoán sẽ ổn định nhờ hỗ trợ từ công suất lọc dầu tăng (+1.9%).

Trong giai đoạn 2025-2026, phân khúc vận tải dầu thành phẩm dự kiến sẽ đối mặt với áp lực nguồn cung tàu lớn khi mà thị trường sẽ đón nhận một lượng lớn các tàu từ đơn đặt hàng giai đoạn 2023-2024 (gấp 5 lần giai đoạn 2022-2023).

Điều này có thể khiến giá cước vận tải phân khúc này có sự điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, với ưu thế về chi phí quản lý vận hành thấp hơn khoảng 10-15% so với công ty nước ngoài, chúng tôi tin rằng đội tàu của PVT sẽ duy trì vị thế của mình trên thị trường quốc tế.

Báo cáo tháng 11/2024 của Hội đồng Hàng hải Baltic và Quốc tế (BIMCO) dự báo mức tăng trưởng đội tàu chở dầu thô trong năm 2025 là 1.3% trong khi nhu cầu vận tải sẽ ở mức 3.5% YoY với giả định tỷ lệ tàu tránh Biển Đỏ & kênh đào Suez là tương tự năm 2024;

Trong trường hợp căng thẳng tại Biển Đỏ hạ nhiệt và các tàu thuyển có thể quay trở lại lộ trình bình thường trong năm 2025 thì nhu cầu vận tải ước tính sẽ sụt giảm về mức 2.5%.

Với cả hai kịch bản trên, chúng tôi kỳ vọng giá cước vận tải dầu thô vẫn sẽ neo ở mức cao. Tương tự, đối với phân khúc tàu chở XDTP, BIMCO dự báo mức tăng trưởng đội tàu là 3.7% trong khi nhu cầu vận tải sẽ dao động từ 2.5% – 3.5%.

Ngoài ra, Clarkson cũng đưa ra mức dự báo với mức chênh lệch cung – cầu tương tự như BIMCO, cụ thể như sau:

(1) Phân khúc vận tải dầu thô ước tính có nhu cầu vận tải tăng 3% trong khi nguồn cung tàu tăng 1.1%;

(2) Phân khúc vận tải dầu thành phẩm có có nhu cầu vận tải tăng 5.1% trong khi nguồn cung tàu tăng 2.9%.

Với mức tăng trưởng cung và cầu vào năm 2025 được dự báo như trên, chúng tôi kỳ vọng giá cước vận tải năm 2025 sẽ duy trì ở mức cao đối với tàu chở dầu thô và giảm nhẹ đối với tàu chở sản phẩm khi phân khúc này phải đối mặt với sự tăng trưởng nhanh hơn của đội tàu và nguồn cung.

Thị trường vận tải hóa chất kỳ vọng vẫn khả quan trong ngắn hạn

Mặc dù giá cước vận tải hóa chất có hạ nhiệt trong giai đoạn mùa hè và xu hướng dịch chuyển từ vận tải dầu thành phẩm sang vận tải hóa chất đang yếu dần, song nhìn chung giá cước tàu chở hóa hiện nay vẫn đang đi ngang và neo ở mức cao.

Về triển vọng, chúng tôi kỳ vọng thị trường tàu chở hóa chất trong ngắn hạn vẫn khả quan khi được hỗ trợ bởi

(1) Sự gián đoạn tại Biển Đỏ khiến các tàu phải vận chuyển với quãng đường xa hơn. Hiện nay, lực lượng Houthi vẫn chưa rút khỏi khu vực này khiến tình hình căng thẳng tại đây vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Do vậy chúng tôi ước tính sự gián đoạn ở Biển Đỏ có thể kéo dài đến năm sau.

(2) Nguồn cung tàu dự kiến sẽ tăng chậm khi phần đa các đơn hàng đóng tàu mới đều tập trung vào đóng các tàu cỡ lớn như tàu Container, LNG và tàu MR hơn là tàu hóa chất 13k DWT & tàu 20k DWT.

Giá cước tàu Coaster khá ổn định và kỳ vọng thị trường chở LPG tiếp tục thuận lợi

Giá cước tàu VLGC nhìn chung đã hạ nhiệt sau khi tăng gấp đôi trong năm 2023 nhờ lượng nước qua kênh đào Panama dần hồi phục khiến tốc độ qua kênh tăng trở lại. Ngoài ra, năng lực đội tàu trong giai đoạn này cũng tiếp tục tăng bù đắp cho mức tăng trưởng mạnh về nhu cầu.

Đối với cước tàu Coaster, giá cước tàu khá ổn định do chủ yếu các tàu tham gia vận chuyển trong khu vực nhất định.

Trong Q4 này, sẽ có 1 tàu LPG sẽ được tái ký hợp đồng định hạn.

Về triển vọng năm 2025, Clarkson dự báo thị trường tàu chở LPG tiếp tục thuận lợi. Nhu cầu vận tải LPG có thể đạt ~4.4% do sức mạnh xuất khẩu của Hoa Kỳ và Trung Đông tiếp tục tăng trong bối cảnh căng thẳng ở Biên Đỏ vẫn chưa hạ nhiệt, trong khi đó mức tăng trưởng nguồn cung có thể giảm xuống còn 4%.

Theo VDSC, link gốc

Trả lời