Căng thẳng địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong tháng qua, sản lượng hàng hóa qua Kênh Đào Suez đã giảm tới 74% so với năm 2023, chỉ còn 1.2 triệu tấn. Ngược lại, thông lượng qua Mũi Hảo Vọng đã tăng 65%, đạt gần 6.0 triệu tấn. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào Israel tại Biển Đỏ có thể dẫn đến việc tăng giá cước tàu chở dầu, trong khi quãng đường vận chuyển vẫn dài hơn. Theo dự báo của BIMCO, tình hình căng thẳng này sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2025, góp phần hỗ trợ giá cước vận tải biển.
Sản xuất dầu gia tăng dưới chính quyền ông Trump có khả năng làm tăng lưu lượng vận chuyển từ Vịnh Hoa Kỳ đến Châu Á. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng 1.9 triệu thùng mỗi ngày (mb/d) vào năm 2025, trong khi nhu cầu sẽ tăng từ 840,000 thùng mỗi ngày lên 1.1 mb/d, chủ yếu đến từ khu vực Châu Á.
Việc OPEC+ duy trì các biện pháp cắt giảm sản xuất có thể giúp ổn định thị trường dầu mỏ. Trong bối cảnh này, các hãng tàu Việt Nam đang mở rộng hoạt động sang Mỹ và Châu Âu, dự báo triển vọng ngành vận tải dầu khí sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới.
Các tuyến đường vận tải dầu khí trên biển & các điểm nghẽn
Trong năm 2023, tổng nguồn cung dầu mỏ và các chất lỏng khác trên toàn cầu đạt khoảng 101.9 triệu thùng mỗi ngày, trong đó khoảng 76% (tương đương 77,5 triệu thùng) được vận chuyển qua đường biển.
Các tuyến đường vận chuyển dầu thô chủ yếu bắt nguồn từ các nước Trung Đông, như Saudi Arabia và Iraq. Các tàu chở dầu thường đi qua những điểm chiến lược như eo biển Bab-el-Mandeb, ngăn cách Djibouti (Châu Phi) với Yemen (Châu Á), và eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới, nối liền Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với Iran.
Từ những địa điểm này, hành trình của các tàu chở dầu kéo dài từ 2 đến 4 tuần để đến các khu vực khác nhau:
- Hoa Kỳ và phần còn lại của Bắc và Nam Mỹ (qua Mũi Hảo Vọng).
- Châu Á (qua eo biển Malacca, nằm giữa Sumatra và Malaysia).
- Châu Âu (qua Kênh đào Suez hoặc, nếu tàu quá lớn, vòng qua Mũi Hảo Vọng trước khi vào Bắc Âu qua Eo biển Dover).
Những tuyến đường này không chỉ quan trọng về mặt thương mại mà còn gặp phải nhiều thách thức, từ vấn đề an ninh đến tắc nghẽn giao thông.
Các nút thắt trên các tuyến vận tải biển chính
Các điểm nghẽn trên các tuyến đường biển toàn cầu là những kênh hẹp đóng vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng toàn cầu. Những điểm này thường có kích thước hạn chế, dẫn đến việc áp dụng các quy định về kích thước tàu. Chúng là những tuyến đường quan trọng cho việc vận chuyển lượng lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và các chất lỏng khác. Dưới đây là một số nút thắt quan trọng trong vận tải biển quốc tế:
- Kênh đào Panama: Nối Thái Bình Dương với biển Caribe và Đại Tây Dương. Các tuyến đường thay thế như Eo biển Magellan, Mũi Horn và Eo biển Drake sẽ làm tăng đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển. Nếu đi vòng quanh Nam Mỹ, tàu phải đi về phía đông qua Mũi Hảo Vọng hoặc Kênh đào Suez.
- Kênh đào Suez: Kết nối Viễn Đông với Tây Âu qua biển Đỏ và Địa Trung Hải. Đây là tuyến đường chiến lược cho dầu và khí đốt tự nhiên từ Vịnh Ba Tư đến Châu Âu và Bắc Mỹ, với tổng sản lượng dầu và khí LNG vận chuyển qua đây chiếm 11% và 8% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2023.
- Eo biển Malacca: Nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, là tuyến đường ngắn nhất giữa các nhà cung cấp dầu khí Trung Đông và thị trường Đông Á, Đông Nam Á.
- Eo Hormuz: Nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman và Biển Ả Rập, là cửa ngõ dầu mỏ quan trọng nhất thế giới. Eo biển này đủ sâu và rộng để tiếp nhận các tàu chở dầu lớn, với sản lượng dầu và khí LNG vận chuyển qua đây chiếm 1/4 và 1/5 tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2023.
- Mũi Hảo Vọng: Mặc dù không phải là điểm nghẽn, nhưng Mũi Hảo Vọng là tuyến đường thương mại quan trọng, đóng vai trò trung chuyển cho các chuyến hàng dầu. Trước khi có Kênh đào Suez, đây là con đường biển duy nhất giữa Châu Âu và Châu Á. Năm 2023, sản lượng dầu thô đi qua Mũi Hảo Vọng chiếm khoảng 8% tổng lượng dầu giao dịch trên biển toàn cầu.
Căng thẳng địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Vào giữa tháng 11 năm 2023, các nhóm phiến quân Houthi từ Yemen đã tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu xung quanh eo biển Bab el-Mandeb và Biển Đỏ.
Ban đầu, các cuộc tấn công này chủ yếu nhắm đến các tàu container chở hàng không phải năng lượng, nhưng khi tình hình leo thang, ngày càng nhiều tàu chở dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã phải tránh tuyến đường Bab el-Mandeb và Kênh đào Suez, lựa chọn lộ trình dài hơn vòng quanh Châu Phi.
Việc chuyển sang các tuyến đường dài hơn không chỉ làm tăng chi phí vận chuyển mà còn kéo dài thời gian hành trình từ 10 đến 15 ngày so với trước đây. Các tàu chở dầu chọn đi qua Bab el-Mandeb và Kênh đào Suez đã phải đối mặt với phí bảo hiểm rủi ro cao hơn, làm gia tăng chi phí logistics cho các công ty vận tải.
Theo thống kê, sản lượng hàng hóa vận chuyển qua Kênh đào Suez trong tháng gần nhất chỉ đạt khoảng 1.2 triệu tấn, giảm 74% so với mức trung bình năm 2023.
Trong khi đó, thông lượng vận chuyển qua Mũi Hảo Vọng đã tăng lên gần 6.0 triệu tấn, tăng 65% so với mức trung bình năm 2023.
Dự báo cho năm 2024 cho thấy thông lượng qua Kênh đào Suez chỉ đạt khoảng 30% so với mức trung bình giai đoạn 2019-2023, cho thấy rằng các gián đoạn tiếp tục có thể làm giảm đáng kể lượng hàng hóa qua tuyến này.
Tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ vẫn đang diễn biến phức tạp. Lực lượng Houthi, được Iran hậu thuẫn, tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào Israel.
Ví dụ, vào ngày 21/12 vừa qua, Lực lượng Houthi tuyên bố đã tấn công một “mục tiêu quân sự” ở khu vực Jaffa thuộc miền Trung Israel bằng tên lửa đạn đạo. Sự leo thang này không chỉ tạo ra rủi ro cho an ninh hàng hải mà còn khiến các hãng tàu phải xem xét lại lộ trình vận chuyển của họ.
Căng thẳng tại các điểm nghẽn như Eo biển Bab-el-Mandeb và Eo biển Hormuz có khả năng đẩy giá cước tàu chở dầu lên cao hơn do chi phí bảo hiểm gia tăng.
Năm 2023, sản lượng dầu và khí LNG qua Eo Hormuz chiếm khoảng 1/4 và 1/5 tổng sản lượng toàn cầu, cho thấy tầm quan trọng của khu vực này đối với an ninh năng lượng toàn cầu. BIMCO dự báo rằng căng thẳng địa chính trị tại khu vực này vẫn tiếp tục mức độ như năm 2024.
Theo đó đây cũng chính là yếu tố hỗ trợ giá cước vận tải dầu khi trên biển nói riêng và vận tải biển nói chung trong năm tới.
Chính sách gia tăng xuất khẩu dầu khí của ông Trump tạo điều kiện thuận lợi cho lưu lượng vận chuyển từ Vịnh Hoa Kỳ đến Châu Á
Theo báo cáo tháng 12/2024 của IEA, nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1.9 triệu thùng mỗi ngày (mb/d) vào năm 2025. Trong đó, nguồn cung ngoài OPEC+ sẽ tăng khoảng 1.5 mb/d, với sự đóng góp lớn từ Hoa Kỳ, Brazil, Guyana, Canada và Argentina.
Nhu cầu dầu thế giới cũng dự kiến sẽ tăng từ 840,000 thùng mỗi ngày vào năm 2024 lên 1.1 mb/d vào năm 2025, trong đó, Châu Á được dự đoán là khu vực dẫn dắt sự tăng trưởng nhu cầu dầu này, trong khi nhu cầu của các thành viên OECD và đặc biệt là ở Trung Quốc đã chậm lại đáng kể.
Dù vậy, tình trạng dư cung tiềm ẩn có thể được giảm bớt nhờ quyết định của OPEC+ về việc duy trì cắt giảm sản lượng thêm ba tháng và kéo dài thời gian tăng cường thêm chín tháng đến tháng 9/2026. Điều này có thể giúp ổn định thị trường và gia tăng hoạt động vận chuyển dầu khí, đặc biệt là tuyến đường từ Vịnh Hoa Kỳ sang Châu Á.
Doanh nghiệp vận tải dầu khí có xu hướng dịch chuyển hoạt động sang khu vực Mỹ, Châu Âu
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải dầu khí không chỉ hoạt động độc lập mà còn gia nhập các liên minh toàn cầu như Womar Pool và Hafnia Pool để nâng cao vị thế trong việc đàm phán giá cước thuê tàu biển.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động sang các khu vực như Mỹ và Châu Âu, thay vì chỉ tập trung vào Châu Á, Đông Nam Á, Nhật Bản và Trung Đông. Điều này cho thấy phù hợp giữa dòng chảy thương mại và xu hướng hoạt động của các doanh nghiệp vận tải dầu khí nước ta.
Do vậy, chúng tôi kỳ vọng với sự đồng điệu này, các doanh nghiệp vận tải dầu khí của nước ta sẽ có nhiều hoạt động tích cực trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong bối cảnh ngành vận tải dầu khí đường biển tiếp tục khả quan.