Cảng biển – Tác động từ sự kiện tái cấu trúc liên minh hãng tàu đến chuỗi giá trị ngành cảng biển (GMD, HAH)

Năm 2025, thế giới sẽ chứng kiến sự kiện tái cấu trúc liên minh các hãng tàu lớn với sự xuất hiện của Gemini Cooperation và Premier Alliance, dự kiến sẽ tạo ra những thay đổi về luồng hàng hóa trên các tuyến hàng hải chính. Các cảng nước sâu của Việt Nam sẽ trở thành điểm đến ưa thích của hãng tàu bởi xu hưướng mở rộng đội tàu với kích thước ngày càng lớn và tăng tần suất/thêm chân cảng để mở rộng thị phần trên hai tuyến hàng hải trọng yếu Châu Á – Bắc Mỹ và Châu Á – Châu Âu.

Ngành hàng hải sẽ có diễn biến trái chiều, trong khi giá cước vận tải biển quốc tế được dự báo sẽ giảm do các liên minh gia tăng cạnh tranh trên các tuyến hàng hải trọng yếu thì lĩnh vực cho thuê định hạn sẽ tích cực hơn nhờ tính linh hoạt, phù hợp với bối cảnh thị trường.

Thay đổi thị phần cảng biển Việt Nam do tái cấu trúc liên minh hãng tàu

Năm 2025, thế giới sẽ chứng kiến sự kiện tái cấu trúc liên minh các hãng tàu lớn với sự xuất hiện của Gemini Cooperation và Premier Alliance, dự kiến ​​sẽ tạo ra những thay đổi về luồng hàng hóa trên các tuyến hàng hải chính.(Tham khảo sự hình thành liên minh hãng tàu ở cuối bài viết)

Kể từ tháng 02/2025, thị trường vận tải container đường biển trên toàn cầu sẽ có 04 đối thủ cạnh tranh gồm 3 liên minh và 1 hãng tàu lớn MSC (hình 1). Cụ thể:

  • Maersk sẽ hợp tác cùng Hapag-Lloyd để tạo nên Gemini.
  • Hapag-Lloyd rời The Alliance, liên minh này được đổi tên thành Premier Alliance với ba thành viên ONE, YangMing, HMM.
  • MSC gần như hoạt động độc lập và chỉ hợp tác cùng Premier Alliance trên tuyến Á – Âu.
  • Ocean Alliance gia hạn hợp tác tới năm 2032 mà không có sự thay đổi thành viên.

Gemini sẽ vận hành theo hình thức trục – nan hoa (Hub & Spoke) (*), giảm số chân cảng trong một hải trình và tăng tần suất sử dụng tàu Feeder từ cảng trung tâm để phân phối cho các điểm đến. Gemini sử dụng chiến lược này dựa trên bối cảnh:

  • Maersk và Hapag-Lloyd mở rộng đội tàu ít hơn so với đối thủ.
  • Tối ưu khả năng khai thác tàu khi linh hoạt sử dụng tàu to cho trục chính và tàu nhỏ cho trục nan hoa.
  • Hình thức này cho phép Gemini mở rộng phạm vi dịch vụ đến nhiều điểm đến hơn, ngay cả những khu vực có khối lượng hàng hóa nhỏ.

Trong khi đó, hầu hết các liên minh sẽ phát triển theo hướng tăng sự kết nối cảng – cảng trên hai tuyến hàng hải chính Châu Á – Bắc Mỹ và Châu Á – Châu Âu (Hình 3).

(*) Hub & Spoke là một hệ thống tổ chức mạng lưới vận chuyển, trong đó hàng hóa được tập trung tại cảng trung tâm chính (trục) trước khi được phân phối đến các điểm đến cuối cùng (nan hoa) và ngược lại. Trong đó:

  • Cảng trung tâm (trục) là các cảng lớn, được trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại và khả năng xử lý hàng hóa lớn như Singapore, HongKong, Thượng Hải.
  • Các cảng nhánh (nan hoa) là các cảng nhỏ hơn, phục vụ cho các khu vực địa phương hoặc các tuyến đường ngắn hơn như cảng Nam Đình Vũ, Chùa Vẽ, Tân Vũ,…

Những tác động từ sự kiện tái cấu trúc liên minh đến một số doanh nghiệp cảng/vận tải biển

  • Nhìn chung, các cảng nước sâu của Việt Nam sẽ trở thành điểm đến ưa thích của hãng tàu bởi xu hưướng mở rộng đội tàu với kích thước ngày càng lớn và tăng tần suất/thêm chân cảng để mở rộng thị phần trên hai tuyến hàng hải trọng yếu Châu Á – Bắc Mỹ và Châu Á – Châu Âu. Ngoài ra, những biến động về thị phần cũng sẽ diễn ra trong từng khu vực:
    • Khu vực Hải Phòng: MSC và Maersk lần lượt là đối tác chiến lược của cùng PHP và Hateco tại hai cảng Lạch Huyện bến 3-4 và bến 5-6. Chúng tôi cho rằng, cảng Nam Đình Vũ (thuộc sở hữu của GMD) có thể bị giảm thị phần do MSC hiện đang khai thác hai tuyến cố định mỗi tuần sẽ dời ra Lạch Huyện 3&4. Trong khi đó, VSC là điểm đến ưu tiên của Maersk nhưng không phải tuyến khai thác cố định nên mức độ ảnh hưởng sẽ ít hơn so với GMD.
    • Khu vực Cái Mép – Thị Vải:Thay đổi liên minh không tác động quá lớn đến thị phần của hai cảng Gemalink và CMIT, nhờ sự hoán đổi giữa Hapag-Lloyd và MSC.
  • Đối với thị trường hàng hải quốc tế:
    • Vận tải biển:Giá cước vận tải biển được dự báo giảm do (1) Khả năng cung ứng đang cao hơn so với nhu cầu vận chuyển và (2) sự cạnh tranh về thị phần trên các tuyến hàng hải trọng yếu của các liên minh.
    • Thuê định hạn:Triển vọng tích cực hơn vận tải, nhờ sự phù hợp với bối cảnh thị trường nên nhu cầu thuê tàu cao:
      • Tăng thuê tàu Feeder hoạt động trên tuyến nội khu hoặc gom hàng (theo mô hình Hub & Spoke) sau khi hãng tàu tập trung vào đội tàu có kích thước rất lớn khai thác tuyến đường dài.
      • Giá trị thuê thấp hơn nhiều so với việc đầu tư tàu mới.
      • Tính linh hoạt phù hợp theo mùa vụ trong điều kiện thị trường biến động mạnh.

Lịch sử hình thành và phát triển của liên minh hãng tàu

Yếu tố dẫn đến sự hình thành liên minh hãng tàu

Liên minh các hãng tàu là sự hợp tác giữa các công ty vận tải biển để chia sẻ tàu, tuyến đường và các nguồn lực khác. Các liên minh thường được hình thành giữa các hãng vận tải biển lớn để tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô và mở rộng phạm vi dịch vụ.

Liên minh hãng tàu mang đến lợi ích, sự thuận tiện nhiều hơn so với hoạt động riêng lẻ, tăng khả năng cạnh tranh, tối ưu chi phí hoạt động, mở rộng độ phủ và nâng cao hiệu quả khai thác đội tàu.

  • Tăng khả năng cạnh tranh: các hãng tàu trong liên minh có thể cạnh tranh hiệu quả hơn với các đối thủ lớn khác trên thị trường. Liên minh tạo ra một sức mạnh tổng hợp, giúp các công ty giảm bớt sự cạnh tranh trực tiếp về giá cả và dịch vụ.
  • Giảm chi phí hoạt động:
    • Chia sẻ tàu: Các hãng tàu có thể sử dụng chung tàu trên các tuyến đường nhất định, giúp giảm số lượng tàu cần thiết và tối ưu hóa công suất vận chuyển.
    • Chia sẻ chỗ trên tàu: Các hãng tàu có thể chia sẻ không gian chở hàng trên tàu của nhau, cho phép họ cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình trên nhiều tuyến đường mà không cần phải sở hữu tất cả các tàu.
    • Tối ưu hóa lịch trình: Liên minh giúp các hãng tàu phối hợp lịch trình vận chuyển, giảm thời gian chờ đợi và tăng hiệu quả vận chuyển.
    • Chia sẻ cảng và cơ sở hạ tầng: Một số liên minh còn chia sẻ cảng và cơ sở hạ tầng giúp giảm chi phí hậu cần.
    • Mở rộng độ phủ: Liên minh cho phép các hãng tàu cung cấp dịch vụ vận chuyển rộng khắp hơn, bao phủ nhiều khu vực và cảng biển trên thế giới, điều mà một công ty riêng lẻ khó có thể thực hiện.
    • Nâng cao hiệu quả: Các hãng tàu tối ưu hóa việc sử dụng tàu, giảm thời gian chờ đợi, giảm thiểu thời gian di chuyển không tải, linh hoạt trong việc lựa chọn các tuyến đường ngắn nhất và hiệu quả nhất.

Lịch sử hình thành liên minh hãng tàu

  • Giai đoạn sơ khai (1980 – 1990): các thỏa thuận chia sẻ không gian trên tàu (Vessel sharing agreements – VSAs) trở nên phổ biến.
  • Giai đoạn hình thành các liên minh lớn (2000 – 2010): sự ra đời của ba liên minh New World Alliance (APL, Hyundai và Mitsui OSK), CKYH Alliance (COSCO, K-Line, Yang Ming và Hanjin), và Grand Alliance (Hapag-Lloyd, NOL, NYK và P&OCL).
  • Giai đoạn hợp tác mới (2010 – nay): sau các hoạt động M&A, tái cấu trúc, thay đổi thành viên thì hiện nay có ba liên minh dẫn đầu thế giới trong ngành vận tải container là 2M (Maersk và MSC), OCEAN Alliance (COSCO, CMA CGM, Evergreen), và THE Alliance (Hapag-Lloyd, ONE, Yang Ming, HMM).

Theo VDSC, link gốc

Trả lời