Theo thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT), doanh thu toàn ngành chuyển phát (CEP) đạt 71,140 tỷ đồng vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 19.7% trong giai đoạn 2017-2024. Cho tới 2032, ngành chuyển phát được dự phóng tăng trưởng với tốc độ trung bình 5.8%/năm, đạt 111,686 tỷ đồng, theo Claight Corporation (Expert Market Research). Các động lực tăng trưởng bao gồm: tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng thu nhập và mức sống của người dân, thay đổi hành vi mua sắm hậu Covid, sự phát triển nhanh chóng của TMĐT, và sự tiến bộ trong tiến độ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm (tính theo tổng mức đầu tư).
Tuy nhiên, thị trường chuyển phát cũng phải đối mặt với một số thách thức nhất định, bao gồm: hạ tầng logistics còn hạn chế và mức độ cạnh tranh cao, và hình thức COD chiếm tỷ lệ cao (hơn 80%) gây khó khăn cho việc tiết giảm chi phí.
Ba yếu tố cốt lõi làm nên thành công và chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp chuyển phát là:
- Quy mô hàng hóa được vận chuyển: được đo bằng chỉ tiêu sản lượng đơn hàng được giao và chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân
- Khả năng tối ưu hóa về mặt logistics (cụ thể là tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển sao cho với cùng tuyến đường khối lượng hàng được giao là nhiều nhất): được đo bằng tỷ lệ chi phí trên mỗi lô hàng
- Chất lượng dịch vụ và mức độ hài lòng của khách hàng: được đo bằng tỷ lệ giao hàng đúng hẹn, tỷ lệ giao hàng thàng công, chỉ số CSAT (Customer satisfaction score), Net promoter score, Churn rate
Hiện nay, toàn thị trường Việt Nam có hơn 700 doanh nghiệp bưu chính (bao gồm cả truyền thống và công nghệ). Trong đó, top 6 (SPX Express, GHTK, VNPost, VTP, J&T Express, GHN) (gần 1% số doanh nghiệp) chiếm hơn 70% thị phần năm 2023. Top 4 doanh nghiệp chuyển phát nội địa (bao gồm VTP, VNPost, GHTK, GHN) chiếm 46% thị phần trong cùng năm. Với sự mở rộng không ngừng của các sàn TMĐT nước ngoài, thị phần của một số doanh nghiệp chuyển phát nước ngoài đang gia tăng.
Trong trung và dài hạn, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp có vốn Nhà nước hoạt động hiệu quả (VTP) và các doanh nghiệp nước ngoài vốn có lợi thế về hệ thống cơ sở vật chất và tiềm lực tài chính sẽ gia tăng thị phần do có khả năng đáp ứng được yếu tố cốt lõi thành công quan trọng nhất là khả năng mở rộng đơn hàng.
Chuyển phát là gì?
Chuyển phát (Courier express parcel delivery – CEP) là một phân ngành trong ngành vận tải (Transport) thuộc ngành Hậu cần (Logistics). Trong đó, định nghĩa các ngành và phân ngành như sau:
- Hậu cần (Logistics): là một quá trình rộng lớn, bao gồm nhiều hoạt động liên quan đến việc lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát luồng di chuyển và lưu trữ hàng hóa, dịch vụ và thông tin liên quan từ điểm xuất phát đến điểm tiêu dùng.
- Vận tải (Transport): là một phân ngành cốt lõi của logistics, tập trung vào việc di chuyển hàng hóa từ địa điểm này sang địa điểm khác bằng nhiều phương thức khác nhau (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không).
- Chuyển phát (CEP): là một dịch vụ chuyên biệt trong vận tải, nhấn mạnh vào tốc độ, tính bảo mật và giao hàng tận nơi.
Trong chuyển phát (CEP) lại phân chia ra thành các phân ngành khác nhau. Có nhiều cách để phân chia các phân ngành trong loại hình chuyển phát. Trong đó, chúng tôi xin giới thiệu cách phân chia theo loại hình dịch vụ:
- Chuyển phát nhanh (Express delivery/Courier): đây là dịch vụ vận chuyển hàng hóa với tốc độ nhanh, thường được ưu tiên về thời gian giao hàng, bù lại chi phí sẽ cao hơn các loại hình khác. Các công ty chuyển phát nhanh thường sử dụng mạng lưới vận chuyển riêng, kết hợp nhiều phương tiện như máy bay, ô tô, xe máy để đảm bảo thời gian giao hàng ngắn nhất. Ví dụ: DHL, FedEx, UPS, Giao Hàng Nhanh…
- Vận chuyển bưu chính (Postal service): đây là dịch vụ truyền thống do các cơ quan bưu chính quốc gia hoặc các công ty được cấp phép cung cấp. Dịch vụ này thường tập trung vào vận chuyển thư tín, bưu thiếp, bưu phẩm thông thường với chi phí thấp hơn so với chuyển phát nhanh. Ví dụ: Bưu điện Việt Nam (VNPost).
- Vận chuyển bưu kiện (Parcel delivery): đây là dịch vụ vận chuyển hàng hóa có kích thước và trọng lượng lớn hơn so với thư tín và bưu phẩm thông thường. Dịch vụ này thường được sử dụng cho việc vận chuyển hàng hóa thương mại, hàng hóa mua bán trực tuyến. Ví dụ: các dịch vụ vận chuyển của các sàn TMĐT như SPX Express, Lazada Express.
Vai trò của ngành chuyển phát
Ngành chuyển phát đóng vai trò là một mắt xích quan trọng ở khâu cuối của chuỗi cung ứng hàng hóa (Hình 2) giúp đưa hàng hóa từ nhà bán lẻ tới tay người tiêu dùng cuối. Trong thời kỳ công nghệ 4.0 và mua sắm online ngày càng phổ biến, vai trò của ngành chuyển phát ngày càng lớn và không thể thay thế (trái ngược với xu hướng suy giảm của các nhà phân phối và bán lẻ trung gian)
Quy mô và tiềm năng tăng trưởng của thị trường chuyển phát
Theo thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT), doanh thu toàn ngành chuyển phát (CEP) đạt 71,140 tỷ đồng vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 19.7% trong giai đoạn 2017-2024. Trong năm 2020 và 2023, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ có phần chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng trung bình, chỉ đạt mức tăng trưởng một chỉ số, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (2020) và tăng trưởng chậm của nền kinh tế ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng (2023) (Hình 3).
Cho tới 2032, ngành chuyển phát được dự phóng tăng trưởng với tốc độ trung bình 5.8%/năm, đạt 111,686 tỷ đồng, theo Claight Corporation (Expert Market Research). Những động lực tăng trường của ngành bao gồm:
- Tốc độ đô thị hóa nhanh: tới năm 2030, tỷ lệ số dân thành thị được dự báo sẽ chiếm 44.5% tổng dân số tử mức 40.2% trong năm 2024 (Hình 6). Đô thị hóa kéo theo sự tập trung dân số vào các thành phố lớn, nơi có mức sống cao hơn và khả năng tiếp cận Internet và các thiết bị công nghệ tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử (TMĐT) phát triển. Ngoài ra, đô thị hóa thường đi kèm với sự đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kho bãi và logistics. Đồng thời, cuộc sống đô thị bận rộn hơn làm gia tăng nhu cầu cho các dịch vụ tiện lợi, nhanh chóng của người dân thành thị, qua đó cũng hỗ trợ cho sự phát triển của dịch vụ chuyển phát.
- Sự gia tăng thu nhập và mức sống của người dân: thu nhập bình quân đầu người theo năm của Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức trung bình 7,0%/năm cho tới 2030 (Hình 7), là mức khá cao so với tăng trưởng của các nước trong khu vực và trên thế giới. Thu nhập cao tạo điều kiện cho người VIệt Nam gia tăng chi tiêu cho mua sắm.
- TMĐT được dự báo tiếp tục tốc độ gia tăng doanh thu (tính theo GMV) ở mức khá cao trung bình 18,7%/năm cho tới 2030 (HÌnh 8 và 9) (độc giả có thể tìm thấy chi tiết về tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam được đề cập trong Nhật ký chuyên viên ra ngày 05/02/2025). Doanh thu dịch vụ gói, kiện TMĐT đóng góp 64% doanh thu và 75% tổng sản lượng bưu gửi năm 2023, theo Vietdata (Hình 5). Sự phát triển của TMĐT kéo theo nhu cầu cho dịch vụ chuyển phát.
- Tiến độ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm theo tổng mức đầu tư đã tăng và theo kế hoạch sẽ càng tăng cao hơn trong tương lai (Hình 4). Việc tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông đường bộ sẽ hỗ trợ cho việc vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện; từ đó, sẽ hỗ trợ cho ngành chuyển phát về mặt cơ sở vật chất.
Chúng tôi cũng áp dụng mô hình 5 lợi thế cạnh tranh của Micheal Porter để phân tích sâu hơn về thị trường chuyển phát Việt Nam, được trình bày dưới đây:
1. Cạnh tranh trong ngành (competitive rivalry) – Cao
Trên thị trường có nhiều doanh nghiệp tham gia và liên tục tung ra các chương trình giảm giá, tặng quà, khuyến mãi…nhằm gia tăng thị phần, đơn cử:
- SPX Express tung mã giảm giá 3,000 đồng cho đơn từ 18,000 đồng và mã giảm giá 5,000 đồng cho đơn từ 22,000 đồng cho các đơn hàng tiêu chuẩn từ ngày 1/2/2025 đến ngày 28/2/2025.
- J&T Express chạy chương trình đổi điểm lấy voucher freeship mệnh giá: 5,000 đồng, 10,000 đồng, 15,000 đồng và 20,000 đồng trong tháng 12/2024…
Sự cạnh tranh còn ở khía cạnh tốc độ giao hàng và chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp liên tục đổi mới và áp dụng công nghệ tiên tiến để gia tăng lợi thế cạnh tranh, đơn cử:
- J&T Express cho ra mắt trung tâm trung chuyển tại Hà Nội vào ngày 9/1/2025 với diện tích 38,000 m2 và khả năng tự động hóa phân loại xử lý 2.4 triệu bưu kiện/ngày phục vụ cho chiến lược mở rộng hệ thống nhằm gia tăng thị phần tại Việt Nam.
- Viettel Post đưa vào sử dụng tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh tại Quang Minh (Hà Nội). Theo VTP, điều này giúp rút ngắn thời gian toàn trình xuống 8-10 giờ, hiệu suất tăng lên 3.5 lần.
2. Nguy cơ từ đối thủ mới gia nhập (threat of new entrants) – Trung bình
Ngành chuyển phát có rào cản gia nhập tương đối cao, chủ yếu là ở quy mô vốn đầu tư (cho việc xây dựng hệ thống mạng lưới và lấy thị phần thông qua khuyến mãi quảng cáo) và kinh nghiệm vận hành hệ thống quy mô lớn. Để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, người chơi mới cần có chiến lược và lợi thế riêng biệt như:
- GHN chọn cách tiếp cận giá rẻ, thời gian giao hàng kéo dài hơn để gom đơn hàng, cắt giảm chi phí trên mỗi đơn hàng.
- GHTK chọn cách tiếp cận giao nhanh, bù lại khách hàng phải chấp nhận cước phí cao.
- SPX Express phát huy triệt để lợi thế phục vụ cho sàn TMĐT Shopee, bắt đầu mở rộng cho các đơn hàng ngoài sàn.
- VTP và VNPost phục vụ thị trường phổ thông dựa trên nền tảng hệ thống có sẵn đã được xây dựng và mở rộng qua nhiều năm.
- J&T Express khai thác tối đa lợi thế kinh nghiệm tổ chức vận hành tại thị trường Trung Quốc và Indonesia cho thị trường Việt Nam
3. Sức mạnh của nhà cung cấp (bargaining power of suppliers) – Thấp
Các nhà cung cấp của các công ty chuyển phát chủ yếu là các công ty vận tải, công ty công nghệ và các nhà cung cấp vật liệu đóng gói. Số lượng nhà cung cấp khá lớn và không có nhà cung cấp nào có sức mạnh chi phối thị trường. Doanh nghiệp chuyển phát có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các nhà cung cấp khác nhau. Thậm chí, các doanh nghiệp chuyển phát tại Việt Nam đa phần tự xây dựng bộ phận vận tải riêng để kiểm soát chi phí. Trong trường hợp này, điểm tạo ra sự khác biệt về lợi nhuận là hiệu quả quản lý bộ phận này nói chung và hệ thống logistics nói riêng.
4. Sức mạnh của khách hàng (bargaining power of customers) – Cao
Khách hàng có nhiều lựa chọn khác nhau khi sử dụng dịch vụ chuyển phát. Họ ngày càng yêu cầu cao hơn về thời gian giao hàng, giá cước và chất lượng dịch vụ. Khách hàng có thể dễ dàng so sánh giá và dịch vụ. Nhìn chung, họ có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các đơn vị chuyển phát khác nhau. Tuy nhiên, với riêng những cá nhân/đơn vị bán hàng trên sàn TMĐT Shopee (với trên 45% thị phần ngành TMĐT), họ chỉ có duy nhất một sự lựa chọn là SPX Express làm đơn vị vận chuyển độc quyền. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh lớn của SPX Express.
5. Nguy cơ từ sản phẩm thay thế (threat of substitutes) – Thấp
Các sản phẩm/dịch vụ thay thế cho dịch vụ chuyển phát bao gồm: gửi thư qua đường bưu điện truyền thống; sử dụng các dịch vụ vận tải khác như xe tải, đường sắt; hay tự vận chuyển. Tuy nhiên, các sản phẩm này có nhược điểm hơn dịch vụ chuyển phát về tốc độ và tính tiện lợi.
Tổng kết:
Với các đặc điểm như trên, các doanh nghiệp ngành chuyển phát cần phải liên tục đổi mới về công nghệ đễ tối ưu hoá chi phí, giảm đơn giá trên mỗi kiện hàng, với mục tiêu cao nhất là tăng thị phần, tăng sản lượng hàng hoá vận chuyển và vượt ngưỡng hoà vốn. Việc có được hướng đi chiến lược và xác định thị trường phù hợp là rất quan trọng để đảm bảo thị phần trong ngành với sự cạnh tranh cao.
Những yếu tố thành công cốt lõi của một doanh nghiệp hoạt động trong ngành chuyển phát
1. Yếu tố cốt lõi quan trọng nhất là khả năng gia tăng đơn hàng, thu hút được khách hàng mới, giúp tối ưu hoá về mặt logistics và giảm đơn giá trên mỗi kiện hàng vận chuyển, từ đó có thể chào giá dịch vụ ngày càng thấp cho khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh, tạo thành vòng lặp giá càng rẻ thì lại càng dễ tăng doanh thu. . . Có ba hướng để phát triển lượng đơn hàng:
- Chiến lược cạnh tranh giá rẻ, giảm giá – tăng đơn hàng, đơn hàng càng nhiều thì càng hiệu quả.
- Phát triển chiều sâu: bằng cách củng cố và phát huy hiệu quả lợi thế cạnh tranh phù hợp với chiến lược và thị trường mục tiêu, qua đó thu hút thêm khách hàng tại thị trường đang có sẵn (ví dụ với trường hợp SPX Express thu hút thêm khách hàng qua sàn TMĐT Shopee tại Hà Nội và TP.HCM); hoặc/và
- Phát triển chiều rộng: doanh nghiệp có thể mở rộng hệ thống bưu cục tới các tỉnh thành/khu vực mới giúp mở rộng phạm vi hoạt động hoặc liên kết mở rộng các nguồn hàng như tăng thêm số lượng đơn vị sàn TMĐT mà mình hợp tác (ví dụ như J&T Express không ngừng mở rộng hệ thống bưu cục của mình, nhờ đó có thể đáp ứng các đơn hàng ở khu vực xa hơn).
2. Yếu tố quan trọng tiếp theo là khả năng tối ưu hóa về mặt logistics với các trung tâm phân loại hàng hóa, kho bãi và tuyến đường vận chuyển được thiết kế khoa học sao cho trên cùng một tuyến đường, số lượng hàng được giao là nhiều nhất qua đó giúp giảm thiểu thời gian vận chuyển đến tay khách hàng, đem lại dịch vụ tốt nhất với giá thành cạnh tranh cũng như tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Muốn được như vậy, doanh nghiệp chuyển phát cần xây dựng hệ thống mạng lưới logistics hợp lý, hệ thống quản lý vận chuyển hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin (để tự động hóa các quy trình, giảm thiểu sai sót và tăng cường hiệu quả hoạt động) cũng như xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và tận tâm với công việc. Ví dụ như với ứng dụng giao hàng dựa trên công nghệ 100% được tự xây dựng và phát triển bởi GHTK, thời gian giao nhận đã giảm 70%. Năng suất trung bình đạt mức triệu đơn hàng/ngày.
3. Chất lượng dịch vụ là yếu tố quan trọng thứ ba. Chất lượng dịch vụ bao gồm các yếu tố:
- Thời gian giao hàng và độ chính xác (giao đúng hẹn, đúng địa điểm) với giá dịch vụ cạnh tranh.
- Chất lượng gói hàng không bị suy giảm trong quá trình chuyển phát (rơi, vỡ, móp, méo, hoặc biến chất với đồ tươi sống, thực phẩm)
- Theo dõi đơn hàng: công cụ theo dõi đơn hàng (ví dụ như ứng dụng theo dõi đơn hàng trực tuyến…) cần dễ sử dụng với dữ liệu thời gian thực (real-time data) giúp khách hàng nắm bắt thông tin về quá trình vận chuyển, tăng tính minh bạch và sự an tâm. Hiện tại, hầu như toàn bộ những đơn vị chuyển phát phổ biến top đầu đều cung cấp ứng dụng theo dõi đơn hàng theo thời gian thực ngay khi shipper giao hàng và thu hộ tiền thành công, giúp nhà bán lẻ kiểm soát dòng tiền và đơn hàng ngay lập tức, đồng thời người mua thuận tiện sắp xếp thời gian nhận hàng, thanh toán.
- Bảo mật thông tin khách hàng, chống lừa đảo: chúng tôi nhận thấy một số doanh nghiệp như VTP, VNPost có biện pháp khắc phục như gửi tin nhắn cho khách hàng kèm thông tin của nhân viên giao hàng (shipper) nhằm đảm bảo hàng hóa được giao và nhận đúng người.
- Các dịch vụ khác như đổi trả hàng, hoàn tiền, kiểm tra, tiếp nhận xử lý khiếu nại, đền bù hàng bị mất mát, hư hỏng
Ngoài ra, một vài yếu tố khác cũng góp phần vào thành công của doanh nghiệp chuyển phát bao gồm:
- Khả năng hợp tác với các đối tác vận chuyển khác (ví dụ: hãng hàng không, tàu biển, đường sắt) giúp mở rộng phạm vi hoạt động và tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển đa dạng. Chẳng hạn như vào tháng 10/2024, Viettel Post và Vietnam Airlines đã ký kết hợp tác chiến lược để triển khai dịch vụ vận tải hàng không chuyên tuyến giữa Việt Nam và châu Âu: cung cấp dịch vụ toàn trình giao nhận hàng hóa từ Việt Nam đi châu Âu và ngược lại – từ gom hàng, thông quan xuất khẩu, đặt tải bay, thông quan nhập khẩu, và giao hàng tận nơi tại điểm đích. Theo đó, nhờ tận dụng thế mạnh hai bên, giá cước sẽ ở mức cạnh tranh kỳ vọng thấp hơn 10%-15% so với mặt bằng chung của thị trường.
- Khả năng quản lý rủi ro, trong đó đặc thù là rủi ro vận chuyển (mất mát, hư hỏng, tai nạn…).
- Mối quan tâm với phát triển bền vững, bao gồm bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội nhằm giảm chi phí và phù hợp với quy định pháp lý tại các thị trường. Tuy ở Việt Nam, sự thay đổi chưa phổ biến. Trên thế giới, một số doanh nghiệp chuyển phát đã tăng thêm đội xe điện, hybrid hoặc các loại phương tiện vận chuyển sử dụng nhiên liệu thay thế. Ví dụ như DHL hiện có một đội xe điện khoảng 30.000 chiếc trên toàn cầu và đặt mục tiêu 60% hoạt động giao nhận sẽ được thực hiện bằng xe điện cho tới 2030.
Một vài chỉ số quan trọng cần chú ý khi đánh giá hiệu quả hoạt động và qua đó là tiềm năng phát triển của một doanh nghiệp chuyển phát bao gồm:
- Sản lượng đơn hàng được giao và chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân (= diện tích khu vực phục vụ / số lượng điểm phục vụ): dùng để đo lường yếu tố cốt lõi quan trọng nhất là sản lượng và doanh thu
- Tỷ lệ chi phí trên mỗi lô hàng (cost per shipment ratio) (= tổng chi phí vận chuyển / tổng số lô hàng đã giao): dùng để đo lường yếu tố cốt lõi thứ (2) bên trên là chi phí và lợi nhuận
- Tỷ lệ giao hàng đúng hẹn (on-time-delivery ratio) (= số đơn hàng giao đúng hẹn / tổng số đơn hàng * 100%) và tỷ lệ giao hàng thành công (delivery success rate) (= số lượng đơn hàng giao thành công / tổng số đơn hàng * 100%) đi kèm với một số chỉ số đo lường sự hài lòng của khách hàng được thực hiện thông qua khảo sát như chỉ số CSAT (Customer satisfaction score) (= số lượng khách hàng hài lòng / tổng số lượng khách hàng khảo sát * 100), NPS (Net promoter score) chấm điểm mức độ hài lòng và sự sẵn sàng giới thiệu dịch vụ của một doanh nghiệp với người khác của khách hàng và Churn rate (tỷ lệ rời bỏ) (= số lượng khách hàng mất đi / tổng số lượng khách hàng ban đầu * 100%): dùng để đo lường yếu tố cố lõi thứ (3) bên trên., ảnh hưởng trực tiếp đến cả doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.
Thách thức đối với tăng trưởng của thị trường chuyển phát Việt Nam
Tuy có tiềm năng tăng trưởng, ngành chuyển phát cũng đối mặt với một số thách thức có thể kìm hãm sự phát triển của ngành, bao gồm:
- Hạ tầng logistics còn hạn chế: cơ sở hạ tầng giao thông còn chưa phát triển tương xứng, thể hiện ở: chỉ số Logistics Performance Index (LPI – chỉ số đo lường hiệu suất logistics) của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với các nền kinh tế còn lại trong 6 nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á (Hình 10); chi phí logistics/GDP của Việt Nam còn cao (Hình 11); hệ thống kho bãi, vận chuyển và giao nhận chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của TMĐT đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
- Cạnh tranh cao: hàng loạt các chương trình miễn phí giao hàng, tặng voucher, giảm giá, khuyến mãi, tặng quà diễn ra quanh năm, bản chất là để thu hút thêm khách hàng, tăng sản lượng hàng hoá vận chuyển. Đây là cuộc chiến giá xuống mà không một doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp bưu chính nội địa còn đối mặt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư mở rộng ngành nghề của các sàn TMĐT, công ty chuyển phát xuyên biên giới. Từ năm 2020 trở lại đây, thị trường chứng kiến xu hướng các doanh nghiệp thương mại điện tử xây dựng hệ sinh thái khép kín, bao gồm: sàn TMĐT, doanh nghiệp bưu chính để vận chuyển hàng hóa trên sàn, nền tảng thanh toán…Trong đó, các doanh nghiệp bưu chính cuả các sàn TMĐT tăng trưởng nhanh chóng, trong vòng 2-3 năm đã thuộc top 10 doanh nghiệp bưu chính xét về sản lượng.
- Hình thức COD chiếm tỷ lệ cao ở mức hơn 80% gây khó khăn cho việc tiết giảm chi phí của các công ty chuyển phát. Hình thức COD khiến quá trình giao hàng tiêu tốn nhiều công sức, nhân lực, manh mún và khó quản lý (do gia tăng tỷ lệ “bom hàng”, khó kiểm soát và quá trình đối soát phức tạp).
Xu hướng thị trường chuyển phát
Một số xu hướng lớn trong thị trường chuyển phát được chúng tôi ghi nhận dưới đây:
- Sự trỗi dậy của TMĐT: TMĐT đang phát triển với tốc độ nhanh chóng (xem Nhật ký chuyên viên ngày 05/02/2025 của chúng tôi), kéo theo sự gia tăng của nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
- Ứng dụng công nghệ: những công nghệ phổ biến được ứng dụng ngày càng nhiều bao gồm Internet vạn vật (IoT) giúp tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển và giảm thiểu rủi ro; trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để phân tích dữ liệu, dự đoán nhu cầu vận chuyển, tự động hóa quy trình và cải thiện hiệu quả hoạt động; và blockchain được ứng dụng để đảm bảo tính minh bạch và an toàn của quá trình vận chuyển, giúp khách hàng theo dõi nguồn gốc hàng hóa. Ngoài ra, có một vài doanh nghiệp trên thế giới đã thực hiện chuyển phát bằng drone, xe tự lái hoặc robot.
- Giao hàng nhanh chóng và linh hoạt: nhu cầu cho việc giao hàng trong ngày, giao hàng tận nơi ngày càng gia tăng
- Chuyển phát xanh và bền vững: ngành chuyển phát sử dụng phương tiện vận tải, và do đó cũng đóng góp một phần vào lượng khí thải CO2 toàn cầu. Khách hàng ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và mong muốn sử dụng các dịch vụ thân thiện với môi trường. Một vài gợi ý cho tương lai dành cho các doanh nghiệp chuyển phát Việt Nam bao gồm sử dụng xe điện để giảm thiểu lượng khí thải carbon, sử dụng bao bì có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học, hay tối ưu hóa tuyến đường để giảm thiểu nhiên liệu tiêu thụ và khí thải…
- Cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng: khả năng cung cấp thông tin vận chuyển theo thời gian thực (real-time data) chảng hạn có thể giúp khách hàng nắm bắt được tình trạng đơn hàng tốt hơn.
Vài nét về những doanh nghiệp tiêu biểu tham gia thị trường
Hiện nay, toàn thị trường có hơn 700 doanh nghiệp bưu chính (bao gồm cả truyền thống và công nghệ). Trong đó, top 6 (SPX Express, GHTK, VNPost, VTP, J&T Express, GHN) (gần 1% số doanh nghiệp) chiếm hơn 70% thị phần (Hình 11). Top 4 doanh nghiệp chuyển phát nội địa (bao gồm VTP, VNPost, GHTK, GHN) chiếm 46% thị phần vào năm 2023. Với sự mở rộng không ngừng của các sàn TMĐT nước ngoài, thị phần của một số doanh nghiệp chuyển phát nước ngoài đang gia tăng.
Các doanh nghiệp chuyển phát có thể chia thành 3 nhóm chính có sức ảnh hưởng trên thị trường, cụ thể trong bảng 1 sau đây:
Bảng 1: Vài nét chính về 3 nhóm doanh nghiệp chuyển phát chính có sức ảnh hưởng trên thị trường
Trong trung và dài hạn, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp có vốn Nhà nước hoạt động hiệu quả (VTP) và các doanh nghiệp nước ngoài vốn có lợi thế về hệ thống cơ sở vật chất và tiềm lực tài chính sẽ gia tăng thị phần do có khả năng đáp ứng được yếu tố cốt lõi thành công quan trọng nhất là mở rộng đơn hàng (xem phần “Những yếu tố thành công cốt lõi” ở trên). Các start-up nội địa nếu tìm được chiến lược phù hợp với thị trường ngách cũng có thể trụ vững trong thị trường cạnh tranh khốc liệt này.
Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau quyết liệt về giá, đầy giá cước xuống mức thấp, tung ra nhiều chương trình miễn cước vận chuyển và khuyến mãi lớn…Tỷ suất lợi nhuận của ngành này nhìn chung thấp, chỉ vào khoảng 2%-3%.
Một vài thông tin về top 6 doanh nghiệp chuyển phát theo thị phần năm 2023 (thứ tự thị phần từ cao xuống thấp) được đề cập bên dưới như sau:
1. SPX Express (trước đây là Shopee Express) – ưu thế đơn hàng có được từ công ty chủ quản là sàn TMĐT Shopee, đã mở rộng tệp khách hàng ngoài hệ sinh thái Shopee
SPX Express là đơn vị vận chuyển thuộc quyền quản lý của Shopee. Tuy xuất hiện sau các dịch vụ giao hàng khác (thành lập tháng 4/2020), SPX Express có những lợi thế nhất định, bao:
- có nguồn hàng hỗ trợ từ công ty mẹ là sàn TMĐT Shopee (sàn TMĐT với thị phần số 1 tại Việt Nam); và
- chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn và các huyện đông dân cư với số lượng đơn hàng bùng nổ do sự phát triển của TMĐT và lưu lượng hàng hóa lớn tại Hà Nội và TP.HCM.
Ngoài hệ sinh thái Shopee, SPX Express đã mở rộng tệp khách hàng lên gần 130 đơn vị ngoài. Nhờ tận dụng lợi thế của mình, SPX Express nhanh chóng gia tăng thị phần trong toàn ngành. Năm 2023 đánh dấu sự gia tăng vượt bậc thị phần của SPX Express khi công ty này đã vươn lên giữ vị trí dẫn đầu thị phần toàn ngành.
2. Giaohangtietkiem (GHTK) – giao nhanh, giá cước cao, tập trung vào khách hàng kinh doanh nhỏ lẻ
Ra đời từ năm 2013, GHTK hiện có mặt tại 63 tỉnh thành trên cả nước với quy mô hơn 1.000 trung tâm vận hành và 550 chi nhánh. Hệ thống bưu cục của GHTK tập trung tại các khu vực thành phố lớn và các khu vực với mật độ dân cư đông đúc hơn, nhờ đó tối ưu hóa tuyến đường và tối ưu hóa chi phí. Ưu thế của GHTK là tốc độ giao hàng nhanh cùng tư duy phục vụ linh hoạt trên nền tảng công nghệ. Thành công của GHTK phải kể đến chiến lược đánh vào phân khúc khách hàng sẵn sàng trả giá cước cao để hàng hóa được giao nhanh và tập trung vào các khách hàng cá nhân vừa và nhỏ, những người hầu hết không áp dụng chính sách vận chuyển miễn phí và có thể chuyển phí giao hàng sang người mua cá nhân. Ngoài ra, GHTK còn là đơn vị tiên phong trong việc nâng cấp dịch vụ chuyển phát, như là đơn vị đầu tiên nhận bưu kiện từ người gửi tại nhà, thu phí hộ nhà bán hàng (COD), giao lại nhiều lần miễn phí, giao hàng sáu tiếng trong nội thành). Sau nhiều lần tăng vốn điều lệ, nhiều nguồn tin cho rằng GHTK có hai cổ đông nước ngoài lớn là Sea Group và Kerry Logistics. Tuy nhiên, việc sở hữu cũng như tỷ lệ sở hữu chưa bao giờ được công ty tiết lộ.
3. VNPost (VietnamPost) – mô hình truyền thống, hệ thống sẵn có đã được xây dựng nhiều năm, nhưng vận hành hiệu quả kém
VNPost trước đây thuộc sở hữu của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT). Từ ngày 1/1/2013, VNPost chính thức thay đổi đại diện chủ sở hữu từ VNPT sang Bộ TT & TT. VNPost hiện là doanh nghiệp sở hữu hạ tầng bưu chính lớn nhất Việt Nam với 2.500 bưu cục phát trên 63 tỉnh thành. Từng là doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần, tuy nhiên VNPost đã dần sụt giảm thị phần. “Sự chậm trễ nắm bắt xu hướng chuyển dịch của thị trường, chậm trễ trong việc triển khai ứng dụng công nghệ, và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong khâu logistics, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm số…” là những yếu tố được chính VNPost chỉ ra trong báo cáo đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của mình.
Ngoài hoạt động chuyển phát, VNPost còn mở rộng sang hoạt động cung cấp sàn TMĐT chuyên sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam dưới địa chỉ https://buudien.vn/ (trước 31/3/2024 là postmart.vn) với mục tiêu đưa các sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam đến tay người tiêu dùng, loại bỏ khâu thương lái trung gian.
4. Viettel Post (HSX:VTP) – tệp khách hàng rộng, không chuyên biệt một nhóm khách hàng cụ thể nào, nhanh nhạy và linh hoạt với nhu cầu thị trường
Được thành lập năm 1997, tuy từng là một đơn vị thành viên của Tập doàn nhà nước, VTP lại tăng trưởng mạnh mẽ sau cổ phần hóa. Mức tăng trưởng trung bình doanh số hàng năm CAGR giai đoạn 2019-2023 đạt 18,5%, có được nhờ nắm bắt tốt xu hướng thị trường (ví dụ: cung cấp thông tin nhân viên giao hàng trước khi hàng được giao nhằm đảm bảo hàng được giao đúng như đã đề cập ở trên), mở rộng chuỗi cung ứng, hợp tác mạnh mẽ và mở rộng tỷ trọng doanh thu nhóm khách hàng B2B (hiện tỷ trọng doanh thu nhóm B2C và B2B là 50:50). Hệ thống bưu cục của VTP nhìn chung dàn trải đều giữa các khu vực trên cả nước hơn các đơn vị khác. VTP ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động, được kỳ vọng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa lợi nhuận. VTP không chuyên biệt một nhóm khách hàng cụ thể nào mà đáp ứng tệp khách hàng rộng lớn.
Ngoài ra, VTP còn có các dự án:
- Công viên Logistics kết hợp với cửa khẩu thông minh (khai trương ngày 11/12/2024) tại Lạng Sơn nhằm khai thác thị trường logistics xuyên biên giới tiềm năng giữa Việt Nam – Trung Quốc. Đây là chuỗi cung ứng logistics khép kín, cung cấp các dịch vụ: vận tải, kho bãi, thông quan, kiểm dịch, và xuất nhập khẩu. Giai đoạn 1 của dự án rộng 58ha với công suất đạt 336.000 xe tải/năm, và sẽ tăng lên 561.000 xe tải/năm vào năm 2030.
- Sàn TMĐT VIPO Mall (ra mắt ngày 3/12/2024): là nền tảng mua bán sỉ trực tuyến xuyên biên giới hai chiều đầu tiên tại Việt Nam. VIPO Mall kết nối khách hàng Việt Nam với các nhà cung cấp quốc tế và đưa các sản phẩm Việt Nam tới khách hàng quốc tế, bỏ qua các bước trung gian. VIPO Mall được thiết kế với giao diện tiếng Việt và cho phép thanh toán bằng đồng Việt Nam.
5. J&T Express – hệ thống bưu cục lớn, kinh nghiệm và mối quan hệ có được từ thị trường Indonesia và Trung Quốc, sẵn sàng bỏ lượng vốn đầu tư ban đầu lớn cho cuộc chơi dài hạn
J&T Express là thương hiệu chuyển phát nhanh có nguồn gốc từ Indonesia, được thành lập bởi hai nhà sáng lập là Jet Lee – GĐ điều hành của OPPO Indonesia và Tony Chen – nhà sáng lập và GĐ điều hành của OPPO. J&T Express chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2018 – khá muộn so với các doanh nghiệp lớn khác trong ngành. J&T Express có lợi thế về vốn đầu tư và kinh nghiệm có được từ nước ngoài (đặc biệt là tại thị trường Indonesia với văn hóa xe máy và Trung Quốc – chiếm tới 60%-70% lượng hàng hóa trên các sàn TMĐT ở một số ngành hàng nhất định, theo một số nghiên cứu thị trường không chính thức). J&T Express không ngừng đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, mở rộng mạng lưới và nhanh chóng gia tăng thị phần tại Việt Nam. Năm 2023 là năm đầu tiên J&T Express ghi nhận lợi nhuận dương kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của doanh nghiệp. Hệ thống bưu cục của J&T Express khá lớn với khoảng 1.700 bưu cục tại thời điểm ngày 20/1/2025, khá tập trung tại hai khu vực đông dân cư và kinh tế lớn là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.
6. Giaohangnhanh (GHN) – tập trung phân khúc giá rẻ, giao hàng chậm để tối ưu chi phí
GHN là công ty giao nhận tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập năm 2012. Năm 2015, GHN thành lập thêm một công ty con đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển tức thời mang tên Ahamove. GHN cũng đi theo chiến lược phân bổ bưu cục khá giống với GHTK với đa số các bưu cục tập trung tại hai khu vực đông dân và có lưu lượng hàng hóa giao thương cao là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, khác với GHTK, GHN có lợi thế về giá cước với giá cước cạnh tranh hơn nhiều hãng chuyển phát khác. GHN cũng nhắm đến việc mở rộng hệ thống bưu cục để gia tăng tăng trưởng.
Ngoài top 6 như đã đề cập ở trên còn có các doanh nghiệp trong top 7-11 bao gồm EMS (thuộc VNPost, chuyên mảng chuyển phát nhanh), Ninja Van, BEST Express, 247Express, Nhất TÍn Express. Các doanh nghiệp này có quy mô doanh số cách khá xa các doanh nghiệp trong top 6 với doanh thu dao động khoảng 700-1.800 tỷ đồng/năm. Tổng thị phần của nhóm này ước khoảng 10,8% vào năm 2023.