Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sau đây gọi tắt là Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2024) được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Tác động chính bao trùm của luật này là giúp thu hút sự tham gia BHYT của người dân. Từ đó, doanh thu của dược phẩm kênh ETC sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, do sẽ cần có thời gian để chuyển hóa những điều khoản khái quát của luật thành thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể, Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2024 sẽ có ảnh hưởng nhất định trong trung và dài hạn. Tác động của luật trong năm 2025 là sẽ không đáng kể.
VDSC nhận thấy 04 điểm chính đổi mới cơ bản của Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2024, bao gồm:
1) mở rộng quyền được hưởng BHYT của người tham gia BHYT;
2) cập nhật những cải tiến công nghệ trong việc thực hiện BHYT;
3) điều chỉnh mức phân bổ từ nguồn thu BHYT cũng như nâng mức tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh BHYT;
và 4) đặt thời hạn liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
Những điểm sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2024
Ngày 27/11/2024, Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8 đã chính thức thông qua Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, trừ một số quy định được thi hành từ ngày 1/1/2025. Chúng tôi thực hiện so sánh những điểm bổ sung và sửa chữa của Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2024 so với Luật BHYT 2008 và Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2014. Chi tiết tại Bảng 1 bên dưới.
Chúng tôi nhận thấy có 04 điểm đổi mới chính cơ bản trong Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2024 từ Luật BHYT 2008 và Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2014 (chi tiết xem Bảng 1):
1. Mở rộng quyền được hưởng BHYT của người tham gia BHYT: được quy định tại những điều khoản liên quan đến việc xóa bỏ địa giới hành chính theo tỉnh của các cơ sở khám chữa bệnh BHYT (người tham gia BHYT có thể đến khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh BHYT câp ban đầu, cấp cơ bản nào trong toàn quốc theo quyền lợi BHYT của mình) và việc bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám chữa bệnh và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng khi chuyển cơ sở khám chữa bệnh.
2. Cập nhật những cải tiến công nghệ trong việc thực hiện BHYT: được quy định tại những điều khoản liên quan đến việc bổ sung hình thức thẻ BHYT điện tử và đưa hình thức khám chữa bệnh từ xa vào nội dung được hưởng BHYT.
Từ (1) và (2), chúng tôi cho rằng những quy định này có 02 tác động chính:
- Giúp cho việc tham gia BHYT ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, qua đó hỗ trợ việc đạt mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHYT của Chính phủ.
- Theo đó, kênh bệnh viện và phòng khám (kênh ETC) sẽ thu hút được nhiều hơn người dân đến khám chữa bệnh, đảm bảo việc khám chữa bệnh chính quy và sức khỏe của người dân. Khi người dân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện và phòng khám sẽ có nhu cầu mua thuốc ngay tại cơ sở khám chữa bệnh đó (thay vì hiện tại có một bộ phận lớn người dân, vì tiện lợi và nhanh chóng, không đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh mà dến thẳng nhà thuốc để mua thuốc mà không có đơn thuốc). Nhờ đó, doanh thu dược phẩm kênh ETC cũng sẽ tăng trưởng cao hơn trung bình ngành.
3. Điều chỉnh mức phân bổ từ nguồn thu BHYT cũng như nâng mức tạm ứng kinh phí khám, chữa bệnh BHYT: theo đó, Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2024 nâng mức phân bổ cho khám chữa bệnh từ 90% lên 92% và giảm tỷ lệ phân bổ cho quỹ dự phòng từ 5% xuống 4% từ nguồn thu BHYT. Đồng thời, Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2024 cũng quy định nâng mức tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh BHYT từ 80% lên 90% kinh phí khám chữa bệnh BHYT trước đó. Những quy định này tạo điều kiện cho việc chủ động hơn trong hoạt động khám chữa bệnh BHYT nhờ đảm bảo hơn nguồn kinh phí BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh.
4. Đặt thời hạn liên thông kết quả cận lâm sàng giữa cá cơ sở khám, chữa bệnh BHYT: Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2024 đặt thời hạn thực hiện liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám chữa bệnh BHYT là ngày 1/1/2027. Việc đặt một thời hạn cho việc thực hiện liên thông giúp các cơ quan bộ ngành dễ dàng lên kế hoạch thực thi. Khi việc liên thông này được thực hiện sẽ đảm bảo sự tiện lợi cũng như chất lượng khám chữa bệnh khi hoạt động này được ghi nhận và theo dõi có hệ thống bởi cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khả năng thực thi quy định này trong thực tế mới là yếu tố quyết định thành công của quy định này. Trong quá khứ, việc liên thông đơn thuốc điện tử vào hệ thống đơn thuốc Quốc gia cũng đã được đặt thời hạn hoàn tất vào ngày 30/06/2023. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù 100% cơ sở khám chữa bệnh công lập đã kê đơn thuốc điện tử và việc kê đơn thuốc điện tử đã được triển khai rộng rãi tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, việc liên thông đối với khối cơ sở khám chữa bệnh chỉ mới đạt được khoảng 27.4%.
Tuy mục tiêu hướng tới của Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2024 là tích cực, sẽ cần có thời gian để chuyển hóa những điều khoản khái quát của luật thành những thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể. Do đó, chúng tôi đánh giá rằng Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2024 sẽ có ảnh hưởng nhất định trong trung và dài hạn, tuy nhiên tác động trong năm 2025 là không đáng kể.
Việc thu hút sự tham gia BHYT của người dân góp phần hỗ trợ doanh thu dược phẩm kênh ETC
Theo số liệu Bộ Y tế, tỷ lệ số lượng người tham gia BHYT không ngừng gia tăng qua các năm, từ mức 46.1% dân số tương đương 39.7 triệu người năm 2008 lên mức 93.4% dân số tương đương 93.3 triệu người năm 2023. Như vậy, số lượng người tham gia BHYT đã tăng gần 2.4 lần sau 15 năm. Chính phủ đặt mục tiêu tăng mức bao phủ BHYT (tỷ lệ số lượng người tham gia BHYT) năm 2025 lên 95.2%.
Tác động lớn nhất của Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2024 là thu hút số lượng người khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần gia tăng doanh thu dược phẩm tại kênh ETC. HIện nay, người dân có thói quen đến thẳng nhà thuốc để mua thuốc là do sự nhanh chóng, tiện lợi của việc này. Tuy nhiên, khi người dân đã dần thay đổi thói quen đến các cơ sở khám chữa bệnh để khám bệnh một cách chính quy thì cũng sẽ tăng việc mua thuốc ngay tại bệnh viện và phòng khám. Tỷ trọng doanh thu dược phẩm trên kênh ETC được dự phóng tăng từ mức 37.1% năm 2023 lên mức 41.2% năm 2028 (Hình 1). Việc người dân tham gia BHYT nhiều hơn cũng là một nhân tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng này, ngoài các nhân tố khác là sự gia tăng các bệnh mãn tính và việc nâng cấp cơ sở vật chất và dịch vụ tại các bệnh viện công và tư trên toàn quốc.