Ngành hàng bán lẻ-tiêu dùng 2025: Chọn bán lẻ nhà thuốc (FRT) hay bán lẻ tạp hóa (MWG)?

Sang năm 2025, SSI Research lưu ý một số yếu tố kinh tế vĩ mô vẫn có thể hỗ trợ tiêu dùng phục hồi, bao gồm (1) tăng trưởng xuất khẩu các ngành cần nhiều lao động, nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam; (2) thị trường bất động sản phục hồi sẽ thúc đẩy hiệu ứng tài sản và (3) gia hạn giảm thuế VAT đến tháng 6/2025.

SSI Research ước tính lợi nhuận của các công ty sẽ tăng 34% yoy trong năm 2025, vượt trội so với tăng trưởng lợi nhuận ròng của thị trường.

Trong số các nhà bán lẻ, SSI Research ước tính MWG và FRT sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, phục hồi dần sau áp lực giảm hàng tồn kho trong năm 2023, và những công ty này cũng sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại (thương mại hiện đại hiện nay chiếm <15% tổng thị trường).

PNJ cũng sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại (gần 50% tổng thị trường), nhưng sẽ không nhiều như bách hóa và dược phẩm.

Lợi nhuận của DGW dự kiến tăng mạnh trong năm 2025, mặc dù sẽ cần thêm thời gian để đạt mức đỉnh như năm 2022 do phụ thuộc nhiều vào điện thoại di động và máy tính xách tay (tổng chiếm 74% doanh thu).

Rủi ro chính đối với dự báo là thu nhập trong tương lai không chắc chắn trong trường hợp chính sách bảo hộ thương mại không thuận lợi dưới chính sách của Trump. Đối với FRT, đòn bẩy cao vẫn là mối lo ngại chính, đặc biệt khi xem xét khả năng môi trường lãi suất tăng. Tuy nhiên, việc Long Châu của FRT tăng vốn thành công có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu.

Đồng quan điểm, CTCK KBSV cho rằng, dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận chung toàn thị trường trong năm 2025 là nhóm ngành Hàng tiêu dùng không thiết yếu (+33% YoY) nhờ tiêu dùng trong nước được cải thiện. Đáng chú ý doanh nghiệp đầu ngành MWG kỳ vọng tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh sau giai đoạn tái cơ cấu 2022-2023.

KBSV dự phóng EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE trong năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng là 16.7% YoY, tăng 3.7 điểm % so với mức dự báo của năm 2024.

Theo KBSV, lĩnh vực bán lẻ Việt Nam duy trì đà phục hồi chậm trong năm 2025 do nhu cầu tiêu dùng được cải thiện.

Ngành bán lẻ ở Việt Nam trong năm 2025 sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi nhưng với tốc độ chậm nhờ nhu cầu tiêu dùng của người dân cải thiện bởi các yếu tố sau: 

(1) Thuế giá trị gia tăng tiếp tục giảm 2% với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% bắt đầu từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025;

(2) Đẩy mạnh phát triển sàn thương mại điện tử, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật TMDT nhằm thể chế hóa các chủ trương chính sách của nhà nước trong năm 2025.

Xu hướng tiêu dùng tập trung vào các sản phẩm thiết yếu trong 2025. Khảo sát của NielsenIQ cũng chỉ ra rằng xu hướng tiêu dùng toàn cầu trong năm 2025 sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và giảm chi tiêu cho các mặt hàng xả xỉ.

Cụ thể, người tiêu dùng có ý định tăng chi tiêu cho tới giữa năm 2025 vào các mặt hàng bao gồm: tiện ích (+18.9ppts) và hàng tạp hóa vào đồ gia dụng (+12.2ppts) đặc biệt là các sản phẩm đồ tươi sống tăng 21.3ppts (Bảng 6). Vì vậy, Elibook chú ý tới mảng bán lẻ tạp hóa.

Ở chiều ngược lại, các sản phầm bị cắt giảm chi tiêu bao gồm: các hoạt đồng giải trí ngoài nhà (-21.0ppts), đồ dệt may (-16.0ppts) và sản phẩm công nghệ (-13.9ppts).

Năm 2024 người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu. Ngành sản xuất chỉ bắt đầu phục hồi đáng kể từ nửa cuối năm 2024, khi chỉ số PMI vượt ngưỡng 50. MBS kỳ vọng tác động lan tỏa từ lĩnh vực sản xuất sẽ trở nên rõ nét hơn từ năm 2025, qua đó giúp cải thiện tăng trưởng bán lẻ.

Vietcap dự báo tiêu dùng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025, nhờ thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên, cùng với sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Các doanh nghiệp dẫn đầu trong các ngành như bán lẻ trang sức, dược phẩm, mô hình siêu thị mini (minimart), thiết bị ICT và điện tử, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), sản xuất bia sẽ tiếp tục củng cố vị thế trong ngắn hạn và có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong trung và dài hạn. Sức mạnh tăng trưởng này đến từ vị thế thị trường, năng lực tài chính và chiến lược tối ưu hóa chi phí hiệu quả.

Tầng lớp trung lưu và trên trung lưu ngày càng tăng trưởng, cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tại Việt Nam, sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm có thương hiệu. Xu hướng này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất với khả năng nâng tầm sản phẩm và các nhà bán lẻ có chiến lược mở rộng hiệu quả.

BSC cho rằng nhu cầu tiêu dùng phục hồi vẫn là động lực chính hỗ trợ KQKD của nhóm ngành tiêu dùng – bán lẻ nhờ các chính sách hỗ trợ kinh tế (

1) trong nước: nỗ lực kích thích đầu tư công, đề xuất kéo dài thời hạn giảm thuế VAT đến 1H/2025,…

và (2) thế giới: động thái giảm lãi suất của FED hỗ trợ tích cực lên tâm lý tiêu dùng, các gói kích thích mới của Trung Quốc dự kiến có tác động vào năm 2025.

Tuy nhiên, mức độ phục hồi nhu cầu là biến số lớn nhất, tác động lên kì vọng KQKD 2025-2026:

BSC đưa ra quan điểm KHẢ QUAN đối với KQKD nhóm ngành bán lẻ giai đoạn 2025-2026 nhờ (1) nắm bắt được xu hướng dịch chuyển quả ngành từ kênh GT sang MT; (2) hiệu quả của hoạt động tối ưu hóa hoạt động giúp các doanh nghiệp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận hoạt động trong trung hạn. Do đó, với định giá hiện tại phù hợp để đầu tư cổ phiếu trong ngành bán lẻ trung hạn.

Elibook ưa thích nhất mảng bán lẻ dược phẩm như Long Châu của FRT, sau đó là mảng bán lẻ tạp hóa như Bách Hóa Xanh của MWG. Trong khi đó, mảng bán lẻ ICT đã bảo hòa nên không còn được chúng tôi chú ý. Mảng bán lẻ trang sức đang bị đặt nghi vấn về việc thiếu vàng nguyên liệu.

Hiện chúng tôi đang nắm giữ cổ phiếu FRT.

Ngành bán lẻ dược phẩm Việt Nam dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng cao.

Ngành bán lẻ dược phẩm Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mở cho các chuỗi nhà thuốc hiện đại. Hiện 4 chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn cũng chỉ mới chiếm 11% thị phần mà thôi. 

Tỷ lệ thâm nhập dược phẩm ở Việt Nam vẫn còn thấp nếu nhìn sang bức tranh của các quốc gia khác. Ví dụ ở Trung Quốc, cứ 4,000 dân có 1 nhà thuốc hiện đại, thì tại Việt Nam phải đến 33,000 người mới có 1 nhà thuốc hiện đại.

Với chi tiêu dược phẩm đang ngày càng tăng khi sự già hóa dân số bắt đầu xảy ra sau những năm 2036 thì tiềm năng tăng trưởng vẫn còn lớn. 

Theo thống kê, năm 2023, quy mô dân số Việt Nam là khoảng 100.3 triệu người, với hơn 16 triệu người cao tuổi. Bộ Y tế đưa ra dự báo đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già,” với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm gần 20% tổng dân số.

Theo Vietdata, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam đạt 2 tỷ USD trong đó bao gồm 4 nhà thuốc hiện đại với hơn 3,000 cửa hàng, chiếm 43% thị phần bán lẻ dược phẩm của tổng số 60,000 nhà thuốc trên toàn quốc.

Mô hình nhà thuốc hiện đại vẫn còn dư địa chiếm lĩnh thêm thị phần từ các hiệu thuốc nhỏ lẻ nhờ (1) Số lượng mã hàng hóa lưu kho (SKUs) đa dạng; (2) Chất lượng dịch vụ tư vấn và hậu mãi tốt; (3) Nguồn gốc thuốc minh bạch rõ ràng; (4) Các chuỗi hiệu thuốc có tiềm lực tài chính tốt hơn các hiệu thuốc nhỏ lẻ để đầu tư vào thị trường bán thuốc online. Do quốc hội đã phê duyệt chính sách cho phép kinh doanh thuốc OTC online từ ngày 1/7/2025.

Thị trường bán thuốc online với quy mô 107.9 triệu USD vào năm 2023 và tốc độ tăng trưởng CAGR ở mức 15.8% trong giai đoạn 2024 – 2029 sẽ là thị trường mới đầy tiềm năng cho các nhà bán lẻ dược phẩm bởi: tỷ lệ người dùng internet/dân số ở Việt Nam ở mức cao (đạt 78.1% năm 2023) và tiếp tục có xu hướng tăng tiến tới mục tiêu đạt 98% người dùng internet/dân số (theo Statista) vào năm 2029 nhờ chiến lược phát triển hạ tầng số được chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1132/QĐ-TTg.

Tiện lợi trong việc lựa chọn đa dạng các mặt hàng dược phẩm cũng như tiết kiệm thời gian di chuyển với dịch vụ giao hàng tận nhà. Hiện tại theo chúng tôi khảo sát, các chuỗi dược phẩm lớn đã triển khai bán thuốc OTC trên website/app với nhiều chương trình khuyến mãi để gia tăng thị phần còn với các loại thuốc ETC sẽ được yêu cầu gửi đơn thuốc và có sự tư vấn của dược sĩ sau đó mới tiền hành bán hàng.

KBSV cho rằng với các xu hướng trên Long Châu tiếp tục mở mới 400 cửa hàng và đẩy mạnh thị trường kinh doanh thuốc online trong năm 2025 còn chuỗi An Khang vẫn sẽ tiếp tục quá trình thu gọn mô hình vận hành với mục tiêu hàng đầu tối ưu chi phí và doanh thu/cửa hàng.

Theo Vietcap, Long Châu (LC) mở rộng quy mô với lợi nhuận tăng trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh có ít tiến triển

Cụ thể, doanh thu của Long Châu được dự đoán tăng trưởng bình quân 20%/năm trong giai đoạn 2024-2029. Trong khi biên lợi nhuận ròng cũng sẽ tăng lên từ 2% vào năm 2024 lên 5% vào năm 2028.

Thận trọng hơn, MBS cho rằng ngành bán lẻ dược phẩm vẫn tiếp tục mở rộng nhưng chậm hơn so với cùng kỳ. 
Với tốc độ mở rộng cửa hàng nhanh chóng, tỷ lệ thâm nhập của các chuỗi nhà thuốc hiện đại vẫn còn tương đối thấp (<10%) cho thấy tiềm năng tăng trưởng còn nhiều cho các doanh nghiệp trong ngành.
Các nhà thuốc truyền thống đang dần mất ưu thế trước những lợi thế của các chuỗi nhà thuốc hiện đại, bao gồm: (1) danh mục sản phẩm đa dạng với giá cả ổn định hơn, (2) khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn, và (3) dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, có hệ thống.
MBS dự báo năm 2025 sẽ tiếp tục là năm bùng nổ mở rộng mạnh mẽ của các chuỗi nhà thuốc hiện đại tuy nhiên tốc độ sẽ chậm hơn giai đoạn vừa qua khi chúng tôi nhận thấy tỷ lệ bao phủ của LC đã tiếp cận mức 5%, với Long Châu dự kiến mở tới 3,000 cửa hàng và Trung Sơn Pharma đặt mục tiêu thêm 500 cửa hàng mới vào năm 2025.
MBS nhận thấy Long Châu đang dần khẳng định vị thế vững chắc trong ngành nhờ: (1) Dẫn đầu với 1,896 nhà thuốc và duy trì doanh thu mỗi cửa hàng đạt 1.2 tỷ VND/tháng,( 2) Lợi thế công nghệ vượt trội và ứng dụng AI trong ứng dụng Long Châu để hỗ trợ khách hàng, nâng cao chăm sóc khách hàng thông qua thông tin toa thuốc, (3) Tận dụng tiềm năng của mô hình chăm sóc sức khỏe, tăng điểm chạm khách hàng với các dịch vụ chăm sóc từ A-Z, mang đến trải nghiệm mới mẻ.
Long Châu đã tận dụng lợi thế về công nghệ và chiến lược về vị trí của chuỗi nhà thuốc để nhanh chóng mở rộng chuỗi tiêm chủng Long Châu – mắt xích đầu tiên trong hệ thống “chăm sóc sức khỏe” (phụ lục 1) của FRT.
Chỉ trong vòng một năm, Long Châu đã thành công mở thêm 121 trung tâm tiêm chủng mới, nâng tổng số lên 125 trung tâm. Trong cùng kỳ, VNVC đã mới mở thêm 60, đưa tổng số lên 206 trung tâm tiêm chủng.
Nhờ vào mạng lưới nhà thuốc rộng, phạm vi phủ sóng của các trung tâm tiêm chủng Long Châu gần như tương đương với VNVC.
Về mô hình kinh doanh, các trung tâm tiêm chủng của Long Châu có diện tích nhỏ hơn, cho phép áp dụng mức giá ưu đãi sâu hơn so với VNVC.
MBS tin rằng, bằng cách tận dụng thế mạnh về chuỗi nhà thuốc và kho lạnh dành cho vaccine, Long Châu sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chóng trong giai đoạn 2025-26, có khả năng thu hút thêm nhiều phân khúc khách hàng mới và tăng cường độ phủ vaccine trên toàn quốc (hiện tại khoảng 4%, so với mức trung bình khu vực từ 10-15%)
SSI  kỳ vọng việc mở rộng mạng lưới cửa hàng và biên lợi nhuận cải thiện sẽ đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận cho Long Châu trong tương lai gần. Doanh thu của Long Châu trong năm 2025  ước tính đạt 30 nghìn tỷ đồng (tăng 26% svck).
SSI tỏ ra thận trọng hơn về các thay đổi quy định ảnh hưởng đến bán lẻ dược phẩm trong năm 2025:
1. Hoàn tiền BHYT đối với các loại thuốc ngoài viện: Bắt đầu từ 1/1/2025, bệnh nhân sẽ được hoàn tiền BHYT đối với các loại thuốc mua ngoài bệnh viện trong trường hợp thiếu thuốc. Điều này nhìn chung sẽ có lợi cho các nhà thuốc ngoài bệnh viện, và Long Châu sẽ được hưởng lợi chính. Chúng tôi lưu ý tình trạng thiếu thuốc hiện nay không còn nghiêm trọng như trong giai đoạn Covid-19, do đó sự thay đổi quy định này có thể sẽ không mang lại lợi ích nhiều cho các nhà thuốc ngoài bệnh viện. Tuy nhiên, trong trường hợp tình trạng thiếu thuốc trở nên nghiêm trọng hơn (do kiểm soát chặt chẽ việc đấu thầu thuốc tại bệnh viện), các nhà thuốc ngoài bệnh biện có thể tạm thời gia tăng khách hàng từ kênh bệnh viện. Chúng tôi sẽ theo dõi tác động và cập nhật sự thay đổi này đến doanh thu của Long Châu.
2. Luật Dược 44/2024/QH15 đã được thông qua vào cuối tháng 11 (có hiệu lực từ tháng 7/2025) cho phép một số loại thuốc được bán trực tuyến. Mặc dù có khả năng gia tăng cạnh tranh từ các nhà thuốc thương mại điện tử, chúng tôi cho rằng giá trị của các loại thuốc được phê duyệt bán trực tuyến là nhỏ. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng khách hàng thường tham khảo ý kiến của dược sĩ trước khi mua hàng. Do đó, sự cạnh tranh với thương mại điện tử đối với nhà thuốc vật lý sẽ là không đáng kể.
Bán lẻ tạp hóa: Tăng trưởng các chuỗi bán lẻ hiện đại là động lực chính của ngành
MBS cho rằng, ngành bán lẻ có thể vẫn còn tiềm năng trong trung và dài hạn nhờ vào (1) thu nhập khả dụng tăng cao, (2) nhu cầu ngày càng tăng đối với lối sống chất lượng cao hơn. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận các mô hình bán lẻ hiện đại – một xu hướng phát triển trong ngành bán lẻ thực phẩm. Bên cạnh đó, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các kênh bán hàng đa kênh (omni-channel) sẽ giúp các nhà bán lẻ khai thác tiềm năng đáng kể trên thị trường này.
Kantar dự báo rằng tỷ trọng của kênh bán lẻ siêu thị mini và online tăng trong năm 2025 so với 2023 lần lượt 1% và 3% ở thành thị; 3% và 1% ở nông thôn còn các kênh còn lại đều suy giảm thị phần. Xu hướng chuyển dịch tiêu dùng bách hóa từ mô hình truyền thống sang mô hình siêu thị mini và online đến từ (1) Sự tiện lợi của siêu thị mini so với đại siêu thị và chợ. Với quy mô cửa hàng bé siêu thị mini có thể len lỏi vào từng ngõ ngách dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng cũng như thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. (2) Mức độ minh bạch của sản phẩm của siêu thị mini so với chợ và tạp hóa.
Chuỗi BHX đã ký kết hợp tác với các nhà cung cấp sản phẩm lớn có uy tín như Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chuyên cung cấp tôm chất lượng cao hay Công ty TNHH CPVFOOD (thuộc C.P. Việt Nam) chuyên cung cấp thực phẩm gà tươi sống và chế biến. Còn đối với Winmart, chuỗi này tối ưu hệ sinh thái trong tập đoàn Masan với Meat Deli cung cấp các sản phẩm thịt tươi và Wineco cung cấp các sản phẩm nông nghiệp tươi sạch.
KBSV cho rằng với xu hướng trên cả 2 chuỗi BHX và winmart sẽ tiếp tục duy trì mở rộng thị phần trong năm 2025 đặc biệt trong bối cảnh cả 2 chuỗi đều đã có lãi. BHX được dự kiến sẽ mở mới 250 cửa hàng trong năm 2025 với mục tiêu thâm nhập vào thị trường miền Trung và thí điểm một số tỉnh miền Bắc còn Winmart cũng sẽ đặt kế hoạch mở mới ròng đạt 200 cửa hàng trong 2025 với chiến lược tập trung xâm nhập thị phần ở khu vực nông thôn với Winmart+ Rural.
Nhìn về năm 2025, SSI kỳ vọng tối ưu hóa chi phí (chủ yếu số hóa các công việc có tính lặp lại tại cửa hàng để cắt giảm chi phí nhân công) và mở rộng mạng lưới cửa hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận hơn là SSSG (SSSG năm 2025 dự kiến sẽ chậm lại sau mức tăng trưởng mạnh 30% trong năm 2024).
SSI kỳ vọng BHX và Winmart sẽ mở mới lần lượt 200 và 150 cửa hàng (lần lượt mở rộng 12% và 4% mạng lưới cửa hàng), trong khi SSSG được dự báo sẽ tăng trưởng 1 chữ số thấp.
Doanh thu năm 2025 của BHX và Winmart ước tính lần lượt đạt 46,400 tỷ đồng (13% svck) và 35,200 tỷ đồng (8% svck).
Thị trường bán lẻ tạp hóa hiện đại đang được chi phối bởi 6 doanh nghiệp lớn, trong đó phân khúc minimart chủ yếu do WCM và BHX dẫn đầu.
Vietcap dự báo WCM và BHX sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của ngành bán lẻ tạp hóa hiện đại. Theo đó, dự phóng tăng trưởng doanh thu của BHX và WCM trung bình 14%/năm trong giai đoạn 2024-2029

Trả lời