Đầu tư theo sau xu hướng (Trend Following) là “mua ở đỉnh, bán ra ở đáy và sau đó phải mua lại với giá cao hơn”…Để đầu tư theo sau xu hướng, bạn phải gạt bỏ bản năng của con người là thích “mua ở đáy và bán ở đỉnh” và thực hành kiểm soát tâm lý và kỷ luật giao dịch hết sức nghiêm ngặt.
Trích Chương 2, cuốn sách “TÌM KIẾM LỢI NHUẬN TỪ CHIẾN LƯỢC THEO SAU XU HƯỚNG”
Trong giao dịch Theo Sau Xu Hướng (gọi tắt là giao dịch theo xu hướng), nhà giao dịch cố gắng để thu lãi trong một chuyển động giá lớn diễn ra trong vài tháng hoặc vài năm. Nhà giao dịch Theo Sau Xu Hướng tham gia giao dịch khi thị trường thiết lập các đỉnh cao nhất hoặc đáy thấp nhất trong lịch sử và thoát vị thế khi thị trường đảo ngược.
Các nhà giao dịch Theo Sau Xu Hướng xây dựng các phương pháp để định nghĩa một cách chính xác khi nào xu hướng bắt đầu và xu hướng kết thúc. Mặc dù các hệ thống giao dịch là khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm. Chiến lược giao dịch theo xu hướng thường tạo ra tỷ suất sinh lợi vượt trội cao (xem bảng 2.1) và có được thông qua một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, chiến lược Theo Sau Xu Hướng lại là chiến lược mà hầu hết mọi người khó áp dụng được vì những lý do mang tính chất tâm lý của con người.
Đầu tiên, các xu hướng lớn hiếm khi xuất hiện; điều này có nghĩa rằng chiến lược Theo Sau Xu Hướng thường có tỷ lệ số giao dịch lỗ cao hơn nhiều so với tỷ lệ giao dịch thắng. Do đó, thử thách về mặt tâm lý và kỷ luật là rất lớn. Thông thường, một hệ thống giao dịch Theo Sau Xu Hướng thường có tỷ lệ thua lỗ từ 65% đến 70%. Tâm lý các nhà đầu tư mới tham gia thị trường hoặc thậm chí lâu năm cũng khó chịu đựng nổi tỷ lệ thất bại cao như vậy. Các tâm lý hoài nghi về hệ thống, chán nản sẽ khiến cho nhà đầu tư “từ bỏ kho vàng khi chỉ còn cách một bước chân”.
Tôi thường gọi vui hệ thống giao dịch theo sau xu hướng là “mua ở đỉnh, bán ra ở đáy và phải mua lại với giá cao hơn”. Nó hoàn toàn trái với mong ước tự nhiên của con người là “mua ở đáy và bán ra ở đỉnh”. Để thực hiện theo sau xu hướng, thường chúng ta phải nghiêm chỉnh thực hiện cắt lỗ và sẵn sàng mở lại vị thế khi hệ thống giao dịch đề nghị, mặc dù nó có thể khiến bạn bị cảm thấy tổn thương bởi giao dịch trước đó. Ví dụ bạn mua ACB với giá 15,000 nhưng sau đó ngay lập tức giá cổ phiếu rớt về mức cắt lỗ 13,500. Bạn phải sẵn sàng cắt lỗ theo đúng kỷ luật đề ra. Nhưng tiếc thay, ngay khi bạn cắt lỗ, giá cổ phiếu lại bật tăng và hệ thống lại cho tín hiệu mua. Vấn đề lúc này chính là cảm xúc của bạn. Bạn cảm thấy bị tổn thương bởi lần mua trước và thậm chí là “nhục nhã” khi cắt lỗ đúng đáy. Nhưng một nhà đầu tư lý trí cần tách biệt từng giao dịch riêng lẽ (kinh tế học hành vi gọi đây là “hiệu ứng mốc neo”, tức nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi các mốc neo tạo ra do các lần giao dịch trước) và kiên định thực hiện tín hiệu mua khi hệ thống lại cho tín hiệu mua. Thông thường, nhà đầu tư thường bỏ qua tín hiệu mua do hệ thống đề nghị sau một chuỗi thua lỗ và đó là lý do tại sao lại bỏ lỡ những đợt tăng trưởng mạnh ngay sau đó.
Thật không may, đầu tư theo xu hướng có vẻ như không phải là một cá tính mang tính bẩm sinh của con người. Những nhà nghiên cứu về tâm lý học hành vi đã cho thấy, con người thường “nhanh chóng chốt lãi nhưng lại ôm khư khư các khoản lỗ”. Điều này là do nỗi sợ hãi thua lỗ. Tâm lý này đã khiến các nhà đầu tư không thoát vị thế một cách hợp lý. Phần lớn thì thường ăn non, nhưng lại rất chậm chạm trong việc đóng các vị thế lỗ.
2. Tại sao nhà đầu tư khó áp dụng hệ thống Trend Following, một hệ thống giao dịch sinh lợi nhất trên Phố Wall.
Thứ nhất, bản năng con người luôn tránh muốn tránh sai lầm. Từ lúc sinh ra và lớn lên, đặc biệt là từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, là thời gian định hình nên tính cách con người, chúng ta luôn được dạy rằng, sai lầm là xấu và nên tìm cách tránh né nó. Bản năng con người luôn e sợ thua lỗ . Chính vì vậy, họ thích các hệ thống giao dịch có tỷ lệ thành công cao. Thật không may, điều này là không phù hợp cho hệ thống giao dịch Trèn Following. Các nhà nghiên cứu tài chính hành vi đã phát hiện ra hai đặc điểm con người mà nhà đầu tư thường mắc phải: “e sợ thua lỗ” và “chậm cắt lỗ, nhưng nhanh chóng chốt lãi (ăn non)”. Trong khi đó, hệ thống Trend Following đòi hỏi sự kiên nhẫn để thắng những khoản lợi nhuận lớn nhằm bù đắp cho các khoản lỗ nhỏ liên tiếp.
Thứ hai, “Mua đỉnh, bán đáy và phải mua lai với giá cao hơn“. Trend Following là hệ thống giao dịch thử thách tâm lý rất lớn. Đối với những nhà đầu tư mua cổ phiếu. Các sai lầm liên tiếp có thể làm cho họ nản chí. Tôi thường gọi vui Trend Following là trò chơi “mua đỉnh, bán đáy và phải mua lại với giá cao hơn”.
Thứ ba, nhà đầu tư thường thiếu kiên nhẫn sau một loạt thua lỗ liên tiếp. “Chúng ta thường cách kho vàng trong một bước chân“. Trend Following giống hệt như trò đào vàng hoặc khai thác mỏ. Chúng ta liên tiếp bỏ ra những khoản chi phí để tìm kiếm trend. Rất nhiều lần, bạn phải gặp chuỗi thua lỗ kéo dài để tìm ra mỏ vàng hoặc mỏ dầu. Nhưng thường, chúng ta thường từ bỏ hệ thống giao dịch sau một chuỗi giao dịch liên tiếp bị thua lỗ.