Giải mã sóng ngành. Ngành nào thay bank thực hiện “giấc mơ lớn” VN-Index 1,200 -1,400 điểm?

TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHẬN DIỆN SÓNG NGÀNH!

Gần 10 năm tham gia thị trường tài chính, tôi gần như thấu rõ bài học của nhận diện sóng ngành. Đúng! Chọn cổ phiếu là quan trọng. Bạn mua cổ phiếu dẫn dắt (leader) chứ không phải mua toàn thị trường, nên điều quan trọng vẫn là chọn cổ phiếu. Nhưng nếu chỉ chăm chăm nhìn vào cổ phiếu, bạn chỉ đang nhìn vào cái cây chứ không phải toàn bộ khu rừng. Hay nói cách khác, bạn sẽ thiếu đi góc nhìn tổng thể. Tôi tin rằng và các phù thủy chứng khoán cũng nói như sau: Nếu như bạn không nhận diện ra sóng ngành, đừng mong có được tỷ suất sinh lợi cao hay trở thành nhà giao dịch siêu hạng. Phù thủy Mark Minervini trong cuốn sách Tư Duy Như Một Nhà Vô Địch Đầu Tư Chứng Khoán cũng đã chia sẻ kinh nghiệm chọn siêu cổ phiếu: “Bạn phải có góc nhìn toàn cảnh trước khi đi đến góc nhìn cận cảnh”. Bạn phải hiểu rõ cuộc chơi thì mới bắt trúng mã ngon.

Nếu chia toàn bộ các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển động giá cổ phiếu ra thành ba phần, các nhà đầu tư tăng trưởng chia thành ba yếu tố: (1) Toàn bộ thị trường chung (nó giống như thủy triều): (2) nhóm ngành hoặc họ và (3) cổ phiếu. Các nghiên cứu định lượng đã xác định: yếu tố (1) và (2) chiếm đến 60%-70% chuyển động giá của cổ phiếu. Đây chính là chữ M trong CANSLIM mà O’Neil đề cập. Có đến 75% cổ phiếu sẽ chuyển động theo xu hướng thị trường chung, bất kể tăng hay giảm. Một cổ phiếu dù có cơ bản tốt đến mấy, cũng chỉ góp 30% tỷ trọng tạo nên sóng tăng giá. Đó chính là lý do bạn không thể phớt lờ mà phải đi theo xu hướng thị trường chung.

Nghiên cứu định lượng cũng chỉ ra rằng, yếu tố (1) chiếm 40% ảnh hưởng và yếu tố (2) là 30%. Do đó, nếu như toàn bộ thị trường chung không nổi sóng, bạn vẫn có thể giao dịch tốt nếu như tìm ra sóng ngành và cổ phiếu tốt. Vì lúc này bạn có 30%+30%=60% lực để tạo nên chuyển động giá.

MẤU CHỐT NẰM Ở ĐÂY: CÁC CỔ PHIẾU DẪN DẮT (LEADER) PHẦN LỚN (66% KHẢ NĂNG) SẼ CHẠY THEO SÓNG NGÀNH. Do đó, các phù thủy chứng khoán sẽ tập trung đi kiếm sóng ngành và cổ phiếu dẫn dắt trong ngành đó.

Năm 2012-2013, nếu bạn không nhận diện ra sóng ngành thép thì bạn bỏ lỡ siêu phẩm HSG, HPG…Năm 2013-2014, nếu bạn không nhận ra sự trỗi dậy của nhóm dầu khí, bạn đã bỏ lỡ cổ phiếu dẫn dắt như GAS, PVS. Nhóm dầu khí trở lại một lần nữa vào đầu năm 2016 nhờ thỏa thuận của Nga và OPEC trong việc cắt giảm nguồn cung. Cuối năm 2016, khi nhóm cổ phiếu tạo đỉnh, nếu như bạn không nhận ra sự trỗi dậy của các nhóm ngành bán lẻ, xây dựng, bất động sản, thì bạn đã bỏ lỡ các siêu phẩm như MWG, HBC, HPG…Năm 2018, nếu bạn không nhận ra sóng ngân hàng thì bạn đã bỏ lỡ VCB…

NGÀNH NÀO SẼ NỔI SÓNG!

William O’Neil đã nói: “mỗi thị trường tăng trưởng mới là do các trụ cột tăng trưởng mới hay cổ phiếu dẫn dắt mới”… “Phần lớn các cổ phiếu dẫn dắt đều chạy theo sóng ngành”… “Và chỉ có xác suất 1/8 cổ phiếu dẫn dắt trong thị trường tăng giá cũ sẽ trở thành cổ phiếu dẫn dắt mới trong thị trường tăng giá mới”.

Tôi đặt ra một tình huống về khả năng thị trường Việt Nam có một sóng tăng nữa. Có thể chinh phục 1,200-1,400 điểm. Vậy nếu điều đó xảy ra, ngành nào sẽ nổi sóng. Nhận diện sóng ngành, gần như là việc tôi phải làm để chuẩn bị cho kế hoạch bắt mã cổ phiếu trong thị trường tăng giá mới. Tôi đã làm điều đó trong các con sóng trước và bây giờ cũng thế.

ĐỪNG TRANH CÃI VỚI CÁI BẢNG ĐIỆN. CHUYỂN ĐỘNG GIÁ CỦA THỊ TRƯỜNG SẼ GIÚP BẠN ĐƯA RA CÂU TRẢ LỜI. THỊ TRƯỜNG KHÔNG BAO GIỜ SAI, CHỈ CÓ CÁC Ý KIẾN CHỦ QUAN THƯỜNG SAI LẦM”.

Phương pháp nhận diện sóng ngành đã được Mark Minervini hướng dẫn tỉ mỉ trong cuốn sách “Giao Dịch Như Một Phù Thủy Chứng Khoán” và nếu như bạn chưa rõ, hãy tìm đọc nó. Đó là cuốn sách cực kỳ giá trị mà tôi đã dày công đưa nó về Việt Nam (Bí mật nhé: Cuốn sách đó lẽ ra bị hủy bỏ nhưng nó đã được cứu vào phút cuối).

Nhận diện sóng ngành không phải là công việc chủ quan mà hoàn toàn có phương pháp để làm. Mark hoàn toàn dựa vào bảng điện để đọc sóng ngành.

“HÃY BỐ TRÍ LẠI TOÀN BỘ DANH SÁCH ĐỈNH 52 TUẦN THEO NGÀNH, HỌ, BẠN SẼ PHÁT HIỆN RA SÓNG NGÀNH”

Ngành ngân hàng là nhóm ngành dẫn dắt trong con sóng cuối năm 2018 vì vậy theo xác suất của O’Neil có rất ít khả năng, bank sẽ tiếp tục tạo sóng. Bảng điện đang trả lời. Ngoại trừ VCB, EIB đôi khi là cả TPB, đang ở gần hoặc thiết lập đỉnh 52 tuần, phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đều đang…dò đáy. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng không nằm ở vùng đỉnh 52 tuần mà là vùng đáy 52 tuần. Đừng tranh cãi với bảng điện! Nó đã nói cho bạn biết ngân hàng không thể là nhóm cổ phiếu dẫn sóng. (tôi sẽ nói về VCB ở phần sau)

Và đây chính là vấn đề! Lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam thường có bốn nhóm tạo sóng lớn: Ngân hàng, dầu khí, bất động sản (hơi rộng) và nhóm tài chính. Phần lớn các sóng tăng giá đều có mặt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Câu chuyện rất đơn giản. Ngân hàng đóng vai trò bơm tín dụng ra toàn bộ thị trường tài chính và nền kinh tế. Nền kinh tế muốn tăng trưởng thì phải có ngân hàng bơm vốn ra. Do đó, ngân hàng luôn có mặt trong mỗi đợt sóng của thị trường.

Lần gần nhất mà tôi thấy ngân hàng không kịp nổi sóng đó chính là vào đầu năm 2016. Khi đó, dầu khí đóng vai trò đảm trách. GAS kéo sàn Hose. Gần như tôi luôn thấy sự hoán đổi vai trò kéo thị trường giữa dầu khí và ngân hàng khi kéo thị trường.

Vậy nếu ngân hàng không phải họ cổ phiếu dẫn dắt thì nhóm ngành nào kéo thị trường lên? Nên nhớ, ngân hàng đóng khoảng 24% tỷ trọng trong VN30.

BẢNG ĐIỆN LÀ CÂU TRẢ LỜI VÀ BẠN PHẢI BIẾT CÁCH NHẬN RA NÓ? Khác với các giai đoạn trước, họ nhà Vingroup đang nổi lên như một đế chế. Nó đang chiếm tỷ trọng hơn 30% trong chỉ số VN30, và là họ lớn nhất.

Cấu trúc nền kinh tế đang có sự thay đổi. Nếu ngày trước, ngân hàng đóng vai trò dẫn vốn ra cho các tập đoàn kinh tế nhà nước (dầu khí, vinashin…) để tạo nên các con sóng dầu khí và các tập đoàn bất động sản (cả tư nhân lẫn nhà nước) trong năm 2006, 2009, 2012…thì ngày nay chúng ta đã chứng kiến những trụ cột mới.

Những “cú đấm thép” đã tan chảy rồi. Các di sản của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dần bị thay đổi khi ông bị mất chức Thủ Tướng từ năm 2016. Chính phủ đang chọn động lực tăng trưởng mới là các tập đoàn mang hình bóng tư nhân thân hữu nhà nước và cả một số tập đoàn nhà nước mới như Viettel. VIC là điển hình cho một loạt đế chế tư nhân mới trỗi dậy. Nếu bạn quan sát truyền thông. Các tập đoàn Vingroup, Thế Giới Di Động, Hòa Phát, Doji, FPT, Vietjet Air, Masan…và các tập đoàn nhỏ khác, đang được PR mạnh mẽ. Chúng ta đang có làn sóng các tỷ phú đôla xuất hiện theo các động lực tăng trưởng mới này.

Các ngân hàng tập trung bơm vốn cho các tập đoàn này. Hòa Phát được nhận lãi suất vay ưu đãi thấp nhất Việt Nam từ các ngân hàng như  BIDV, Vietinbank, HSBC, ANZ, Vietcombank. Nhưng ngoài ra, nếu thiếu vốn, chính phủ sẽ tìm cách cho các quỹ đầu tư trong và ngoài nước bơm vốn cho các tập đoàn thông qua phát hành cổ phiếu. Dragon Capital liên tục mua vào HPG những năm 2016, 2017…Các quỹ của Hàn Quốc mua cổ phiếu của Vingroup, Masan… Ngoài ra còn có cả kênh trái phiếu doanh nghiệp. Tôi điểm sơ một số nét để bạn thấy cấu trúc nền kinh tế đang thay đổi. Lượng vốn đang nhắm đến các tập đoàn mới đang trỗi dậy.

Quay trở lại câu chuyện nhóm ngân hàng. Nỗi ám ảnh lạm phát cao vì bơm vốn ồ ạt qua các ngân hàng yếu dẫn đến nợ xấu đã được NHNN rút ra bài học. Sẽ không có chuyện đó nữa. Hệ thống ngân hàng được tái cấu trúc. Chỉ những ngân hàng nào khỏe nhất mới tiếp tục là kênh dẫn vốn chính. Những ông lớn như BID, CTG, VCB chính là đầu tàu bơm vốn. Ngân hàng tư nhân thì có ACB. Gần như sóng cổ phiếu ngân hàng cũng chỉ loanh quanh mấy mã này VCB, BID, ACB, CTG. Cùng với sự phát triển và phân hóa, hiện nay chỉ có VCB tỏ ra là ông lớn và leader thật sự trong ngành ngân hàng.

Điều này có nghĩa gì. Nếu có bơm vốn, ngân hàng nhà nước cũng sẽ phân cấp dòng vốn. Sẽ không có chuyện toàn bộ hệ thống ngân hàng cùng bơm. Lượng vốn nhiều khả năng sẽ tập trung cho VCB, BID…để trung chuyển ra nền kinh tế và các tập đoàn. Câu chuyện Basell II là một cách để phân loại các ngân hàng. Do đó, với việc VCB đang thiết lập đỉnh mới về giá khả năng nó vẫn sẽ là leader hoạt động riêng lẻ hơn là sóng ngành.

Trụ mới như lập luận ở trên sẽ là các tập đoàn mới vừa trỗi dậy.  Họ nhà Vingroup không thể thiếu. Với cơ cấu tỷ trọng hiện nay, cả họ nhà Vingroup đủ để thay thế ngành ngân hàng đẩy thị trường, điều mà trước đây chúng ta chưa hề có.

vn30
VRE, VIC đang có ảnh hưởng mạnh đến VN-30 trong đợt sóng nửa đầu năm 2019

Sóng ngành mới sẽ hướng đến các ngành mới. Các tập đoàn công nghệ đang được chú ý. Ví dụ như Viettel với VGI, VTP. Rồi FPT, CMG…Thời công nghệ 4.0, chính phủ không thể làm ngơ mà phải hỗ trợ vốn để phát triển công nghệ.

Các bạn hãy nhìn xem bảng điện đang nói gì. Giá cổ phiếu VIC, FPT…đang neo ở gần đỉnh cao lịch sử.

ĐÂY GẦN NHƯ LÀ HỌ VÀ NGÀNH MỚI MÀ TÔI DỰ ĐOÁN SẼ TRỞ NÊN SÔI ĐỘNG Ở ĐỢT SÓNG TIẾP THEO.

Dầu khí đang triển khai các dự án lớn nên GAS, PVS cũng nên được chú ý. Giá dầu đang ở mức 60-70 USD là cơ hội để nhà nước thực hiện các dự án lớn bị đình trệ bấy lâu nay. Chưa kể là chính phủ cũng muốn hỗ trợ cho GAS để thoái vốn.

Bất động sản cũng sẽ có câu chuyện riêng ở từng phân khúc. Thực tế, thị trường bất động sản hay tạo đỉnh sau thị trường cổ phiếu. Giá đất đang tăng và chúng ta sẽ tìm kiếm cơ hội ở một số phân khúc trong ngành này.

Dệt May có câu chuyện riêng liêng quan đến các hiệp định thương mại.

Các lĩnh vực kinh doanh khác như hàng không, tiêu dùng cũng sẽ được hỗ trợ nhờ sự phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Dân số của Việt Nam đang thời kỳ cơ cấu vàng. Và chi tiêu cho tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh. Ông vua trong lĩnh vực bán lẻ như MWG, PNJ sẽ còn nhiều đất để phát triển. Các cổ phiếu bán lẻ đang chiếm 24% tỷ trọng trong VN30

Danh sách các cổ phiếu đạt đỉnh 52 tuần mà tôi đang quan sát có cả ngành nhiệt điện, năng lượng mặt trời vốn là trụ cột mà nhà nước đang muốn hỗ trợ. Việt Nam đang thiếu điện. Phát triển công nghiệp không thể thiếu điện, chưa kể nhu cầu tiêu thụ điện của người dân đang gia tăng.

Danh sách đỉnh 52 tuần không hề có sự xuất hiện của một số nhóm ngành tài chính như chứng khoán. Bảo hiểm cũng không

Trả lời