BẮT ĐẦU TƯ DUY VỀ MỌI THỨ DƯỚI GÓC NHÌN LỢI NHUẬN VÀ RỦI RO
Một trong những quy tắc sống còn để giao dịch tốt là luôn biết rõ điểm đóng lệnh trước khi bạn mở một lệnh giao dịch. Đây chính là rủi ro tồi tệ nhất cho giao dịch này. Đó là điểm mà bạn thừa nhận rằng: “Đã có gì đó sai lầm với lệnh giao dịch này, và tôi cần phải thoát ra để bảo vệ nguồn vốn.”
Hầu hết các nhà giao dịch đều có cho riêng mình một vài tiêu chí đóng lệnh ưa thích. Tuy nhiên, nếu bạn là nhà đầu tư mới, còn non kinh nghiệm và không biết làm thế nào để chốt lãi hoặc cắt lỗ, tôi đề nghị hãy cắt lỗ tại mức giá bằng 75% mức giá bạn mua vào, nếu bạn là nhà đầu tư cổ phiếu. Nghĩa là, nếu bạn mua một cổ phiếu tại mức giá $40, hãy đóng lệnh cắt lỗ nếu giá giảm xuống dưới $30. Nếu bạn là một nhà giao dịch trên thị trường tương lai, hãy tính toán ATR trong 20 ngày gần nhất và nhân kết quả này với 3. Nếu giá hợp đồng giảm xuống dưới 3 ATR, bạn phải đóng toàn bộ vị thế.
Điểm dừng lỗ đầu tiên định nghĩa rủi ro đầu tiên của bạn. Trong ví dụ ở trên, rủi ro ban đầu là $10 mỗi cổ phiếu và tôi gọi rủi ro này là 1R, trong đó R (viết tắt của từ tiếng anh Risk) là rủi ro. Nếu bạn biết rủi ro ban đầu, bạn có thể dễ dàng thể hiện kết quả giao dịch dựa trên bội số của rủi ro ban đầu.
Giả sử rủi ro ban đầu của bạn là $10 mỗi cổ phiếu. Nếu bạn kiếm được khoản lãi $40 mỗi cổ phiếu, tức bạn lãi 4R. Nếu bạn lỗ $15 mỗi cổ phiếu, bạn đang có khoản lỗ 1.5R. Các khoản lỗ lớn hơn 1R có nghĩa là đã có những chuyển động giá bất ngờ chống lại bạn.
Hãy quan sát một vài tình huống sau. Nếu cổ phiếu tăng lên $110, lợi nhuận của bạn là bao nhiêu R? Lợi nhuận của bạn lúc này là $100 và rủi ro ban đầu là $10, nên bạn đang kiếm được khoản lợi nhuận 10R. Đây là một mức lãi hấp dẫn mà các nhà quản trị danh mục thường gọi là “10-baggers (Tăng 10 Lần Giá Trị) nghĩa là một cổ phiếu mua tại giá $10 sẽ tăng lên $100. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng thể hiện khoản lãi này dưới dạng 10R giúp cho việc tư duy của bạn trở nên dễ dàng và hữu ích hơn.
Nếu khoản lỗ 1R tương đương với $10, nên khi cổ phiếu tăng lên $110 (tức lãi $100), chúng ta mới có khoản lãi gọi là 10R. Tuy nhiên, để khớp với định nghĩa “10-baggers” của các nhà quản trị danh mục, cổ phiếu phải tăng gấp 10 lần giá mua của bạn. Ví dụ, bạn mua tại giá $40 và cổ phiếu tăng lên $400. Nhưng lúc này, khoản lãi của bạn chỉ là $360 và với rủi ro ban đầu là $10, thì khoản lãi của bạn phải ghi là 36R.
Khi thực hành, bạn hay quan sát lại các giao dịch đã thực hiện trong năm vừa qua và thể hiện chúng dưới dạng bội số R. Rủi ro ban đầu của bạn là bao nhiêu? Từng khoản lãi và từng khoản lỗ là bao nhiêu? Tỷ số giữa mỗi khoản lãi hoặc mỗi khoản lỗ so với rủi ro ban đầu là bao nhiêu? Nếu bạn không biết được rủi ro ban đầu cho từng giao dịch đã thực hiện trong năm vừa qua, hãy sử dụng trung bình lỗ như là một ước lượng thay thế cho rủi ro ban đầu.
Hãy xem bảng 3.1 cho thấy 10 giao dịch đươc thể hiện dưới dạng bội số so với rủi ro ban đầu như thế nào. Ở đây có ba khoản lỗ $567, $1,3333 và $454. Trung bình các khoản lỗ là $785.67 và chúng ta có thể giải định đây là rủi ro ban đầu. (Tốt hơn hết, tôi hy vọng bạn biết rõ rủi ro ban đầu của mình. Việc sử dụng trung bình lỗ làm rủi ro ban đầu chỉ là một ước lượng thay thế khi không còn giải pháp nào tốt hơn). Các tỷ số mà chúng tôi tính toán là Bội Số R của hệ thống giao dịch.
Khi bạn biết được phân phối của Bội Số R cho hệ thống giao dịch, bạn sẽ có nhiều việc phải làm với nó. Bạn phải tính Bội Số R trung bình. Tôi gọi Bội Số R trung bình là kỳ vọng (expectancy) của hệ thống, cho bạn biết, về trung bình bạn nên kỳ vọng hệ thống sẽ mang lại khoản lãi bao nhiêu R qua một số lượt giao dịch nhất định.
“Bội Số R Trung Bình Chính Là Kỳ Vọng Của Hệ Thống Giao Dịch”
Mặc dù tôi đề nghị bạn nên có tối thiểu 30 giao dịch trước khi cố gắng xác định đặc điểm của Bội Số R, nhưng tôi sẽ tạm sử dụng ví dụ ở bảng 3.1 với chỉ 8 giao dịch. Ở đây, Bội Số R Trung Bình là 0.68R. Điều này nói lên điều gì?
Con số kỳ vọng này nói cho bạn biết, về trung bình, bạn kiếm được khoản lãi 0.68R mỗi giao dịch. Do đó, nếu thực hiện qua 100 lượt giao dịch, bạn sẽ kiếm được khoản lãi lên tới 68R (0.68R x 100).
Độ lệch chuẩn nói cho bạn biết độ biến động của kết quả giao dịch mà bạn kỳ vọng từ hệ thống là bao nhiêu. Trong ví dụ này, độ lệch chuẩn là 1.86R. Thông thường, bạn có thể xác định chất lượng hệ thống giao dịch của mình bằng cách sử dụng tỷ số giữa kỳ vọng/độ lệch chuẩn. Trong ví dụ của chúng ta, tỷ số này là 0.36. Đây là một hệ thống tuyệt vời. Sau 100 lượt giao dịch, tôi kỳ vọng tỷ số này sẽ nhỏ hơn nhiều nhưng nếu vẫn duy trì trên 0.25, chúng ta vẫn đang có một hệ thống giao dịch chấp nhận được.
Một Trong Những Nhiệm Vụ Quan Trọng Của Bạn: Hãy Giữ Cho Bội Số R Tăng Dần Lên Qua Từng Giao Dịch
Một trong những cách dễ dàng nhất để theo dõi Bội Số R và kỳ vọng của hệ thống giao dịch là tính toán chúng mỗi ngày. Hãy lập một bảng tính cột Excel để ghi chép thông tin này. Bạn sẽ cần đến 5 cột chính:
- Cột thông tin (bạn giao dịch mã cổ phiếu nào và mua khi nào).
- Mức rủi ro ban đầu của bạn (đó là chênh lệch giữa giá mua và giá cắt lỗ ban đầu, nhân với số lượng cổ phiếu bạn mua).
- Bạn mua bao nhiêu cổ phiếu.
- Tổng lãi hoặc lỗ sau khi bạn bán cổ phiếu (vâng, bạn có thể trừ đi cả phí môi giới).
- Bội số R (lấy cột 4 chia cho cột 2).
Bạn có thể muốn ghi chép thêm những cột khác, chẳng hạn như giá mua, vị thế mua hay vị thế bán, giá đóng lệnh, phần trăm rủi ro đặt cược cho mỗi giao dịch (người dịch: là số tiền bạn sẵn sàng thua lỗ cho mỗi giao dịch so với tổng giá trị tài khoản). Tuy nhiên, những cột này không quá quan trọng để tính toán Bội Số R và kỳ vọng của hệ thống giao dịch. Chúng tôi đã phân loại Bội Số R như trong Bảng 3.3.
Khi bạn thực hành tính toán các thông số trên, bạn đang có được những thông tin quan trọng. Đầu tiên, bạn buộc phải viết ra và hiểu được mức dừng lỗ ban đầu. Chẳng có mánh lới gì khi bạn làm điều này. Đơn giản là bạn buộc phải biết mức dừng lỗ đầu tiên của mình. Chỉ riêng bài tập này cũng đủ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền. Nó sẽ buộc bạn phải có một mức dừng lỗ rõ ràng và bạn phải chú ý đến nó. Nếu hầu hết các khoản lỗ đều ít hơn 1R, chứng tỏ bạn đang rất tập trung quan sát. Nếu hầu hết các khoản lỗ lớn hơn 1, bạn đang không chú ý nhiều đến việc cắt lỗ hoặc công cụ giao dịch của bạn (hay các mã cổ phiếu bạn chọn) đang quá biến động khiến bạn không thể dừng lỗ đúng như kỳ vọng tại các mức giá dừng lỗ đặt ra ban đầu.
Thứ hai, loại bài tập này buộc bạn phải định nghĩa 1R là bao nhiêu cho mỗi giao dịch, theo cách đơn giản nhất có thể. Bạn đang tự hỏi chính bản thân mình. “Toàn bộ rủi ro tệ hại nhất cho giao dịch này là bao nhiêu?” và viết câu trả lời ra giấy. Bạn có thể dễ dàng làm điều này bằng cách lấy chênh lệch giữa giá mua và giá cắt lỗ, nhân với tổng số lượng cổ phiếu đã mua. Ở đây 1R….
Thứ ba, loại bài tập này buộc bạn phải tính Bội Số R cho mỗi giao dịch. Khi bạn đóng lệnh mỗi giao dịch, bạn so sánh nói với rủi ro ban đầu. Liệu nó đang lớn hơn hay nhỏ hơn so với rủi ro ban đầu, và ở mức nào? Thông tin này cực kỳ có giá trị.
Thứ tư, loại bài tập này buộc bạn phải tư duy mọi thứ dưới tỷ số lợi nhuận so với rủi ro cho mỗi giao dịch. Bạn bắt đầu học cách không chấp nhận những giao dịch nào có tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro dưới 3 lần.
Thứ năm, loại bài tập này là cách dễ dàng để tính toán kỳ vọng của hệ thống một cách liên tục. Bạn đơn giản lấy tổng Bội Số R cho tất cả các giao dịch, chia cho tổng số lượt giao dịch. Kết quả chính là kỳ vọng hiện tại của hệ thống giao dịch mà bạn đang sở hữu. Khi làm bài tập này, bạn sẽ biết khả năng giao dịch của bạn mỗi ngày. Bạn sẽ biết được kỳ vọng hệ thống giao dịch của mình- trung bình bạn sẽ kiếm được bao nhiêu tiền mỗi giao dịch so với rủi ro ban đầu và biết được tại sao nó thay đổi.
Ví dụ, khi tôi hỏi một trong những khách hàng, người đã gửi cho tôi một bảng tính cột excel ghi lại các giao dịch scalping[1] của anh ta. Các giao dịch này được thể hiện trong Bảng 3-2. Ví dụ, anh ta đang vận hành một hệ thống mà 60% giao dịch chấp nhận rủi ro vài cent cho mỗi 1,000 cổ phiếu để thu về khoản lợi nhuận cũng chỉ vài cent cho mỗi 1,000 cỏ phiếu. Nói cách khác, 60% các khoản lãi hoặc lỗ của anh ta đều là 1R. Thực sự là anh ta còn không biết phân phối Bội Số R của mình (và thực tế là phần lớn các nhà giao dịch đều không biết điều này). Mặc dù hệ thống giao dịch của anh ta có tỷ lệ giao dịch chiến thắng 60%, nhưng anh ta đã mắc phải sai lầm về Bội Số R. Một nửa lợi nhuận của anh ta chỉ đến từ một giao dịch duy nhất (giao dịch số 7). Mặc dù có tới 40 giao dịch trong ví dụ này, nhưng tôi hy vọng đây không phải là phong cách giao dịch thường xuyên của anh ta.
Một khía cạnh hấp dẫn khác về hoạt động giao dịch của anh ta là chuỗi 4 giao dịch thua lỗ liên tiếp, tất cả đều lỗ hơn 1.5R hoặc lớn hơn. Anh ta cũng có 6 giao dịch lỗ trong 8 lần giao dịch. Đây là một sự nhất quán đáng buồn mặc dù hệ thống giao dịch này có tỷ lệ chiến thắng đến 60%.
Ngoài ra, anh ta có nhiều khoản thua lỗ lên đến 2R. Tôi cho rằng những khoản lỗ lớn như vậy chứng tỏ khả năng kiểm soát tâm lý của anh ta đang có vấn đề. Loại bỏ những khoản lỗ lớn là rất quan trọng trong giao dịch.
Bạn có thể sử dụng tất cả Bội Số R này thành một mô phỏng chẳng hạn như phần mềm trò chơi Masters Trading Game của tôi, và bắt đầu mô phỏng xem hoạt động giao dịch thực tế diễn ra như thế nào. Làm bài tập này sẽ mang lại cho bạn nhiều thông tin về việc bạn muốn giao dịch loại hệ thống như thế nào.
Bài Tập Thực Hành
Lập một bảng tương tự như Bảng 3-2. Cứ mỗi giao dịch mà bạn thực hiện, hãy ghi lại rủi ro tồi tệ nhất: bạn sẽ mất bao nhiêu tiền nếu bị chạm lệnh dừng lỗ? Tất cả số tiền này sẽ định nghĩa 1R cho bạn.
Khi bạn bán một vị thế, hãy viết ra tổng lãi hoặc lỗ. Chia con số này cho 1R, bạn sẽ có được Bội Số R cho mỗi giao dịch.
Sau đó, bạn lấy tổng của tất cả Bội Số R và chia cho số lượt giao dịch. Đây chính là kỳ vọng hiện tại của hệ thống giao dịch. Chú ý xem mỗi giao dịch tác động đến nó như thế nào.
Nói chung, tôi đề nghị bạn
hãy thu thập khoảng 100-200 giao dịch. Đến lúc này, bạn sẽ có một kỳ vọng thực
sự có ý nghĩa về hệ thống giao dịch. Ngoài ra, bạn sẽ biết được chính xác bức
tranh về phân phối Bội Số R, điều này cho phép bạn mô phỏng về nó. Nên nhớ,
quan sát loại thị trường và chỉ lấy các giao dịch phù hợp với loại thị trường
mà bạn đã thiết kế ra hệ thống giao dịch.
[1] Người dịch: Scalping là một thuật ngữ trong giao dịch tài chính dùng để biểu thị những phương pháp lướt sóng để thu lợi nhuận nhỏ một cách thường xuyên, bằng cách vào và thoát lệnh nhiều lần trong ngày. Scalping không giống với Day Trading (Giao Dịch Trong Ngày), trong đó một nhà giao dịch sẽ mở lệnh tại một vị trí và sau đó đóng lệnh trong phiên giao dịch hiện tại, nói cách khác Scalping không bao giờ giữ lệnh qua phiên giao dịch tiếp theo hay giữ lệnh qua đêm.