Thứ Hai, 21/10/2019 07:21(ĐTTCO) – Khi nói đến vốn cho doanh nghiệp tham gia dự án cao tốc Bắc – Nam, có nhiều đề xuất về việc huy động các nguồn khác nhau. Điều này thực ra không quan trọng nếu Chính phủ có quyết tâm, vì nguồn vốn trong nền kinh tế luôn sẵn có. Vấn đề đáng quan tâm là việc huy động vốn cần tránh những cách thức “ma mị” đang xảy ra hiện nay.Thủ thuật tăng ảo vốn chủ sở hữu
Ở khía cạnh đấu thầu các dự án hợp tác công tư (PPP), Nghị định 63/2018/NĐ-CP đã có những quy định về vốn chủ sở hữu. Dự án cao tốc Bắc-Nam cũng có quy định này và nhiều người trong cuộc cho rằng nhà đầu tư (NĐT) khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn này. Liệu nó có đáng lo ngại và có nên cho áp dụng quy định này?Thực tế ở nước ta hiện nay, với sự kiện của công ty Alibaba được truyền thông nêu ra, quy định về vốn chủ sở hữu cũng dễ dàng vượt qua nếu NĐT muốn làm. Một công thức để biến một công ty trong thời gian ngắn trở thành “Thánh Gióng” về quy mô vốn chủ sở hữu không hề khó, vấn đề là cần bao nhiêu vốn. Quá trình biến tấu này được thực hiện theo các bước sau:
(1) Đầu tiên công ty A (A) có một ít tiền và là “tiền thật”, giả sử 10 tỷ đồng.
(2) Sau đó, A muốn có quy mô vốn 100 tỷ đồng, hoặc hơn thế nữa tùy A và dùng nó để làm gì. Và thực tế nhiều công ty liên tục tăng vốn chỉ để tham gia các dự án bất động sản, hạ tầng công trình giao thông, đặc biệt là các tỉnh có GDP chưa bằng một góc của vốn công ty đó. Công việc tăng vốn này chỉ là bút toán kế toán, được ghi nhận tăng vốn chủ sở hữu và tăng tài sản.
(3) Tài sản được ghi tăng nhưng sự thật chẳng có tài sản, nên thực hiện thêm bút toán giảm tài sản, giả sử ủy thác đầu tư, góp vốn thành lập công ty con, ứng tiền trước cho khách hàng, phải thu khác…
(4) Bút toán ghi chép này được tiếp tục biến tấu ở công ty con, để rồi về lại cá nhân A hay công ty A đứng ra góp vốn ban đầu, từ đó có vốn chủ sở hữu mong muốn.
Ngoài ra, để gia tăng tổng tài sản và đa dạng các nội dung của bảng cân đối kế toán, cũng đồng thời làm đẹp trên báo cáo luân chuyển tiền tệ, công ty A sẽ bổ sung một số nội dung của nợ phải trả. Khoản mục nợ phải trả này đối ứng các hoạt động giảm trừ tài sản như bước (3): ủy thác đầu tư, góp vốn thành lập công ty liên kết, công ty con…
Khái quát quá trình ghi chép này đã giúp công ty A có quy mô vốn chủ sở hữu tăng thần tốc và công ty A có tổng tài sản “hoành tráng”. (hình minh họa)
Trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam, hiện có quá nhiều công ty hoạt động trong tình trạng như hình minh họa. Kết quả, giá cổ phiếu của những công ty này được minh chứng không bằng “bó rau”. Các NĐT đủ thông minh để nhận ra tài sản của công ty thực sự không tồn tại, và không thể có giá trị như trên bảng cân đối kế toán.
Theo lý thuyết của Modigliani và Miller (lý thuyết MM – 1958), các sinh viên kinh tế tài chính được trang bị sẽ dễ dàng nhận ra giá trị vốn chủ sở hữu này được xác định dựa trên “giá trị tài sản thực” trừ các khoản nợ để biết rằng vốn chủ sở hữu chỉ đáng 10 tỷ đồng. Nhưng vì số lượng cổ phần của các công ty này lên đến 10 triệu cổ phiếu, nên giá mỗi cổ phiếu chỉ còn quanh mức 1.000 đồng/cổ phiếu.
Vậy thực hư cho những quy định về vốn chủ sở hữu trong các dự án PPP qua bàn tay “ảo thuật” trên liệu có còn giá trị? Và việc tăng vốn thêm có nguồn gốc từ NĐT nào trong nước hay sự núp bóng của nước ngoài, khi việc xác minh nguồn gốc của vốn góp thêm (trong thí dụ này là 90 tỷ đồng) cũng như vốn góp không được chứng minh nguồn gốc của tiền.
Bản chất các giao dịch vốn nhìn từ khu đất 8-12 Lê Duẩn
Dựa trên sự kiện của lô đất vàng 8-12 đường Lê Duẩn (TPHCM) đã được phơi bày, có thể tóm tắt bản chất của các giao dịch góp vốn. Nếu không giám sát được các giao dịch này NĐT nội cũng chỉ là tên gọi. Lược lại tiến trình của các giao dịch vốn để thấy một mưu đồ đã định hình ngay từ đầu.
Lô đất 8-12 Lê Duẩn thuộc sở hữu nhà nước, được giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TPHCM quản lý và cho thuê. Và có 4 công ty trước đây cũng thuộc nhà nước (đại diện là Bộ Công Thương) thuê hoạt động, trả tiền thuê mỗi năm gồm CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, CTCP Kim khí TP, CTCP Hóa chất vật liệu điện TP và CTCP Vận tải xăng dầu. Sau đó cả 5 thành viên thực hiện theo lộ trình được hoạch định bởi “ai đó” theo các bước như sau:
Bước 1: Xin chủ trương lập công ty khai thác khu đất 8-12 Lê Duẩn và TPHCM ra quyết định giao đất cho công ty. Tên công ty là CTCP Đầu tư Lavenue có cơ cấu cổ đông gồm 5 đơn vị trên, với tỷ lệ sở hữu Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TPHCM (50%); 4 đơn vị của Bộ Công Thương sở hữu 50%, chia đều cho mỗi công ty 12,5%. Bước này đã quy trách nhiệm của nguyên Phó Chủ tịch TP Nguyễn Thành Tài khi giao đất này cho đối tác không thẩm định năng lực của 4 đối tác thuộc Bộ Công Thương quản lý.
Khu đất vàng 12 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM.
Bước 2: Sau khi thành lập, CTCP Đầu tư Lavenue có quyền khai thác khu đất 8-12 Lê Duẩn. Cổ đông lớn của nhà nước lại chủ động xin giảm tỷ lệ sở hữu từ 50% xuống còn 20%, bằng việc bán cho công ty vừa mới lập tên là Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm. Việc bán vốn nhà nước của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TPHCM không qua đấu giá để giảm tỷ lệ sở hữu, đã đưa đến quyết định sai của ông Tài cũng như trách nhiệm của người quản lý công ty kinh doanh nhà TPHCM. Như vậy, ngay chính trong cổ đông sáng lập có vốn của Nhà nước cũng có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho công ty tư nhân có nguồn gốc không rõ ràng này. Đồng thời giao toàn bộ các vị trí chủ chốt cho Hoa Tháng Năm.
Bước 3: 4 công ty thuộc Bộ Công Thương tham gia góp vốn vào CTCP Đầu tư Lavenue cũng phải xin chủ trương từ bộ chủ quản (đang là cổ đông lớn, chi phối 4 công ty này) về việc hợp tác đầu tư. Trách nhiệm của những người phê duyệt chủ trương này hiện chưa được đề cập trong vụ án. Nhưng vấn đề quan trọng là 4 công ty này nhận tiền từ Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (Công ty TNHH Đầu tư Kido) để góp vốn vào CTCP Đầu tư Lavenue. Do vậy, sau khi góp vốn vào từ tiền của Kinh Đô, 4 công ty này chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô.
4 cổ đông công ty này có thể phạm phải các lỗi sau: chuyển nhượng tài sản (có liên quan nhà nước) không thông qua đấu giá; vi phạm Luật Doanh nghiệp về thời gian nắm giữ cổ phần của cổ đông sáng lập, làm phát sinh thêm tổn thất khi di dời văn phòng làm việc để bàn giao khu đất cho Lavenue đối với hoạt động kinh doanh của công ty mình. Hiện ban chuyên án chưa thông báo các sai phạm của 4 công ty này, nhưng đã thấy rõ động cơ của những giao dịch này là bất minh.
Bước 4: Sau khi xác lập lại cổ đông mới, cơ cấu cổ đông trong CTCP Đầu tư Lavenue được quyền khai thác khu đất 8-12 Lê Duẩn gồm Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm (30%), Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (50%) và Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TPHCM (20%). Từ khu đất thuộc sở hữu nhà nước giao cho các công ty nhà nước, nay toàn bộ gần như là của tư nhân. Dù có tỷ lệ sở hữu 50%, nhưng Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô lại giao cho Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm nắm giữ các chức vụ chủ chốt, cũng đủ hiểu bản chất 2 cổ đông này là một.
Bước 5: Sau khi đã chi phối CTCP Đầu tư Lavenue, công ty liên tục tăng vốn điều lệ với cơ cấu cổ đông không đổi. Phía tư nhân là Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô gần như đã huy động được một lượng vốn của nhà nước từ Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TPHCM góp vào cho các mục đích của mình. Từ lần đăng ký thứ 3, vốn của CTCP Đầu tư Lavenue từ 200 tỷ đồng tăng lên đến 775 tỷ đồng. Phía Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TPHCM đã phải bổ sung vốn góp lên thêm 115 tỷ đồng để giữ tỷ lệ sở hữu 20% kể từ khi có tư nhân tham gia chi phối.
Như vậy, sau các bước thực hiện như trên, việc giao đất của Nhà nước sở hữu đã vào tay tư nhân. Tư nhân đã tận dụng nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện mục tiêu của mình thông qua vốn góp của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TPHCM. Việc thực hiện các bước trên không thể tiến hành theo kiểu đến đâu hay đó, mà đã có từ chủ đích ban đầu. Đó là sự đạo diễn cho lộ trình chuyển giao các giao dịch vốn chủ sở hữu. Do vậy, trở lại vấn đề một công ty trong dự án cao tốc Bắc-Nam được giao là NĐT trong nước, nhưng thực chất có phải là của Việt Nam hay không, nếu không giám sát các giao dịch vốn chủ sở hữu trong các NĐT cao tốc Bắc-Nam.
Một công ty trong dự án cao tốc Bắc-Nam được giao là NĐT trong nước, nhưng thực chất có phải là của Việt Nam hay không, nếu không có sự giám sát chặt chẽ các giao dịch vốn chủ sở hữu trong các NĐT cao tốc Bắc-Nam. |
Từ sự kiện của công ty Alibaba được truyền thông nêu ra, cho thấy quy định về tăng vốn chủ sở hữu không hề khó, chỉ cần một công thức để biến một công ty trong thời gian ngắn trở thành “Thánh Gióng” về quy mô vốn. |
TS. Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính, UEH